Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

Đảng ta xứng đáng là “con nòi” của dân tộc Việt Nam

 

Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, một trong những nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là Đảng ta không chỉ là đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, mà còn là đảng của dân tộc Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là “con nòi” của dân tộc và xứng đáng là "con nòi" của dân tộc

Trong nhiều tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên khẳng định về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, nhận thức rõ chân lý thời đại, nắm bắt quy luật cách mạng là muốn cứu nước, giải phóng dân tộc thoát khỏi áp bức, bóc lột thì phải đi theo con đường cách mạng vô sản, phải có chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là mốc son của lịch sử cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh giai cấp công nhân Việt Nam và cả dân tộc sống trong cảnh bị áp bức, lầm than, cơ cực. Khi Đảng ta ra đời đảm đương nhiệm vụ lịch sử là giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống tự do và hạnh phúc cho nhân dân theo con đường cách mạng vô sản.

Sự ra đời của Đảng là sản phẩm kết tinh, hòa quyện 3 yếu tố là Chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đó là sự vận dụng sáng tạo thiên tài của Hồ Chí Minh từ quy luật chung hình thành đảng cộng sản mà Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra vào một nước thuộc địa nửa phong kiến, bổ sung thêm thành tố thứ 3 là “phong trào yêu nước” trong điều kiện số lượng giai cấp công nhân chưa phát triển và phong trào yêu nước diễn ra sâu rộng là đúng đắn.

Sự kết hợp giữa 3 thành tố đó đã trở thành quy luật, hình mẫu đặc thù và phản ánh tính đặc sắc nguồn gốc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam-sự hội tụ của những con người tiêu biểu trong một tổ chức tiêu biểu về giác ngộ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tiêu biểu trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào yêu nước (giá trị cốt lõi, đậm sắc thái của dân tộc Việt Nam).

Đảng ta ra đời trong lòng quốc gia dân tộc có nhiều tộc người khác nhau nhưng có truyền thống đoàn kết, trong bối cảnh bị áp bức, bóc lột, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng ta vừa là "con nòi" mác-xít, vừa là "con nòi" của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam được toàn thể nhân dân Việt Nam thường gọi với tên trìu mến là “Đảng ta”.

Đảng ta là "con nòi" của dân tộc Việt Nam thể hiện trong cương lĩnh và tập trung ở mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH). Mục tiêu của Đảng xác định đã phản ánh hai vế trong mối quan hệ biện chứng, đó là độc lập dân tộc làm trụ cột bệ đỡ và điều kiện quyết định để lựa chọn con đường đi lên CNXH; ngược lại chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho nền độc lập dân tộc thực sự.

Bàn về sức mạnh nội sinh của Đảng ta và dân tộc ta, nhân dân ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sâu sắc trong phần 1, phần 2 của bài viết với nội dung tập trung làm rõ: Sự ra đời của Đảng ta trong hoàn cảnh không thuận lợi với 15 tuổi nhưng đã lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thành công, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nhà nước công nông để bảo vệ chính quyền của nhân dân và nền độc lập dân tộc.

Ở giai đoạn kế tiếp 1954-1975, Đảng lãnh đạo tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ năm 1986, Đảng ta lãnh đạo công cuộc đổi mới và mở rộng hội nhập quốc tế; xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Ở phần 3 của bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mục tiêu, quyết tâm của Đảng và cũng là lời hiệu triệu đối với toàn Đảng, toàn dân tộc ta, nhân dân ta phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”. Điều đó là hoàn toàn có khả năng thực tế vì Đảng ta có bản lĩnh chính trị kiên cường, trí tuệ, kinh nghiệm và dân tộc ta, nhân dân ta anh hùng, có truyền thống hàng nghìn năm văn hiến.

Kiên định với mục tiêu vì sự trường tồn của dân tộc, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân

Thời cuộc dù còn biến đổi khó lường, đan xen cả thời cơ và thách thức đối với con đường phát triển của dân tộc ta trong những chặng đường tới, nhưng không làm thay đổi mục tiêu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Trong mọi hoàn cảnh, Đảng ta nhất quán nguyên tắc đổi mới không đổi màu và kiên định với con đường đã lựa chọn, với lập trường nhất quán mà Đại hội XIII đã đề ra: “Kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đấu tranh kiên quyết với tiêu cực, tham nhũng với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, tổ chức thắng lợi đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước, gần dân, trọng dân và thân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. Chủ động tham gia hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị văn hiến, truyền thống anh hùng, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của nhân dân ta.

Khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, phân hóa giàu nghèo giữa các giai cấp, tầng lớp, sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các thành phần dân tộc. Thực hiện nhất quán đường lối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nòng cốt để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH.

Cùng với đó, Đảng ta tiếp tục giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và thực hiện tốt chính sách xã hội, chính sách dân tộc. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đến đâu tăng cường nguồn lực bảo đảm cho chính sách xã hội và chính sách dân tộc đến đó; phát triển kinh tế đến đâu thì chăm lo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống cho nhân dân đến đó, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực tế chứng minh kết quả thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta những năm qua đã trở thành điểm sáng được cộng đồng thế giới ghi nhận.

Tin tưởng rằng, với đường lối lãnh đạo đúng đắn, quyết tâm chính trị cao của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta sẽ có đủ khả năng phát huy sự đồng thuận của toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển bền vững

Một trong những vấn đề trọng tâm được Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm từ Đại hội XIII đến nay là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: “Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Một trong những vấn đề trọng tâm được Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm từ Đại hội XIII đến nay là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: “Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

1. Ngay trong tựa đề bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, yếu tố văn hóa thể hiện sâu đậm ở mục tiêu xây dựng đất nước với 4 thành tố cấu thành, gồm: Giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng. Như vậy, một nước Việt Nam chúng ta xây dựng và từng bước hiện thực hóa là một quốc gia không chỉ giàu mạnh về vật chất, kinh tế, nguồn lực mà còn có đời sống văn minh chính trị, văn minh tinh thần, văn minh xã hội, văn minh sinh thái lành mạnh; đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị, tinh hoa văn hóa đã làm nên bề dày truyền thống văn hiến của một dân tộc anh hùng trải qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Sau khi điểm lại một trong những đặc trưng làm nên diện mạo của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà chúng ta xây dựng là: “Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” được nêu ra từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam... Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và trước những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, thời đại toàn cầu hóa, việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như khai thác, phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa và con người Việt Nam có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, đồng thời khẳng định vị thế, tầm vóc, thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi theo người đứng đầu Đảng ta, nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Hơn thế, văn hóa của một dân tộc, một con người không đơn giản là có cuộc sống sung túc, đủ đầy về vật chất, mà quan trọng hơn là ở đời sống phong phú về tâm hồn, ứng xử với nhau thấm đượm tình yêu thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Điều làm nên sự khác biệt của chế độ chính trị xã hội mà chúng ta xây dựng so với các chế độ chính trị xã hội trước đó chính là yếu tố văn hóa, là các giá trị văn hóa cốt lõi đã góp phần làm nên tính ưu việt của xã hội. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm... Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

2. Để đưa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa vào cuộc sống, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11-2021, từ đó đến nay, chúng ta từng bước thể chế hóa đường lối văn hóa của Đảng vào cuộc sống. Nổi bật là tổ chức các hội thảo, hội nghị có quy mô lớn, thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia văn hóa, văn nghệ sĩ hàng đầu của đất nước tham gia, gồm: Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức ngày 29-11-2022 tại Hà Nội; Hội thảo “Văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức ngày 17-12-2022 tại Bắc Ninh; Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức ngày 23-8-2023 tại Hà Nội; Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, tổ chức ngày 22-12-2023 tại Hà Nội.

Thực tiễn gần 40 năm đổi mới đất nước cho thấy, từ đường lối đúng đắn của Đảng về phát triển văn hóa, nội lực văn hóa của Việt Nam không ngừng củng cố, tăng cường và sức mạnh con người Việt Nam được khơi dậy, phát huy để đóng góp quyết định vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hiện nay, đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước đã được cải thiện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu thiên niên kỷ. Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng. Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2023 của Việt Nam đứng thứ 41 trong số 163 nước được xếp hạng. Nước ta được các nhà đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn hàng đầu thế giới. Đó là những con số “biết nói” minh chứng chủ trương, chính sách tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Đảng, Nhà nước ta đã, đang đi đúng hướng và từng bước trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm cho văn hóa trở thành ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”, thực sự là nền tảng tinh thần và sức mạnh nội sinh của đất nước, vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển văn hóa của Đảng là chúng ta góp phần “làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”-như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN - một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta

 

Trong bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, đưa ra khái niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.

Phù hợp với thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội

Qua bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy rõ tính đúng đắn của đường lối đổi mới của Đảng ta, trong đó nổi bật là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là vì quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo ra được sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng ta đã chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN để vừa kế thừa được thành tựu của nhân loại, đồng thời gạn lọc, loại bỏ điểm hạn chế của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, bổ sung những yếu tố tích cực của XHCN.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả 3 mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường XHCN đầy đủ, vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ.

Do đó, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần... 

“Dân giàu, nước mạnh” không phải là điều xa vời

Các thế lực thù địch, phản động không ít lần xuyên tạc, đả kích chủ trương của Đảng trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; trong xã hội cũng có lúc có ý kiến hoài nghi về chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những ý kiến trên cho rằng, yếu tố “thị trường” và yếu tố “định hướng XHCN” luôn đối chọi và triệt tiêu nhau, không thể cùng tồn tại.

Thế nhưng, thực tiễn Việt Nam trong suốt gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là trong những năm gần đây đã chứng minh tính đúng đắn của việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nền kinh tế Việt Nam luôn nằm trong tốp những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500USD).

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế đánh giá đứng thứ 46/132 nước được xếp hạng.

Mặc dù hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột và căng thẳng địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng bất lợi tới kinh tế thế giới, nhiều nước suy giảm tăng trưởng, tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam thể hiện sức chống chịu tốt, luôn chủ động, linh hoạt tìm những động lực tăng trưởng mới, do đó, vẫn là điểm sáng của kinh tế thế giới. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7% vào năm 2025. Fitch Ratings tin rằng, các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và triển vọng tăng trưởng trung hạn có thể khoảng 7%/năm nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào.

Nhờ những thành tựu trong tăng trưởng kinh tế nên đời sống của người dân Việt Nam có xu hướng đi lên. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) vào năm 2023. Đến nay, có 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và THCS, trạm y tế và mạng điện thoại. Tỷ lệ đô thị hóa đã đạt khoảng 43%. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở cả nông thôn và đô thị, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục-đào tạo, giao thông, bưu chính viễn thông đều có bước phát triển mạnh mẽ.

Các quyền sở hữu tài sản của người dân được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm, tạo cơ hội cho người dân làm giàu chính đáng, đúng pháp luật. Theo báo cáo của Công ty Knight Frank-đơn vị tư vấn và thẩm định giá, nghiên cứu thị trường, số người siêu giàu tại Việt Nam (có từ 30 triệu USD trở lên) trong giai đoạn 2017-2022 đã tăng từ 583 người lên 1.059 người, tức là tăng 82% chỉ sau 5 năm. Theo World Data Lab, tổ chức phân tích dữ liệu uy tín toàn cầu, trong năm 2024, Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và đến năm 2030 sẽ có thêm 23,2 triệu người. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện chiếm khoảng 13% dân số (khoảng 13 triệu người) và có thể tăng lên 26% vào năm 2026.

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Mặc dù sự thịnh vượng của Việt Nam chưa theo kịp các nước phát triển trên thế giới nhưng Việt Nam luôn ưu tiên thực hiện các chính sách để bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, nâng cao, gắn với sự chăm lo đầu tư phát triển các ngành y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ theo đúng tinh thần coi ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực này là quốc sách hàng đầu. Việt Nam hiện đã có 12,5 bác sĩ và 32 giường bệnh trên 1 vạn dân. Cùng với Trung Quốc, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục và đã đạt được sự phát triển rất ấn tượng trong lĩnh vực này.

Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục THCS năm 2014. Số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 20 lần trong gần 40 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có gần 99% số người lớn biết đọc, biết viết. Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam mở rộng diện bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện, đến nay đã đạt mức 93,35% (năm 1993 mới chỉ là 5,4%); đồng thời tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023.

Từ đó, có thể thấy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN thực sự là thành quả lý luận quan trọng của Đảng ta từ đầu thời kỳ đổi mới tới nay, là cơ sở để đặt mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hoàn thiện và thực thi pháp luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN

Trong bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng", trên cơ sở làm rõ khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm có liên quan cần phải tập trung thực hiện.

Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng và duy trì nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước pháp quyền XHCN là một hình thái tổ chức của quốc gia, nơi mọi quyết định và hành động của nhà nước đều dựa trên và tuân thủ pháp luật. Dưới đây là một số lý do chính cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật:

Lý do đầu tiên là để bảo đảm công bằng và bình đẳng trước pháp luật. Một hệ thống pháp luật được hoàn thiện sẽ bảo đảm rằng mọi cá nhân và tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này không chỉ giúp tạo lập niềm tin của công dân vào hệ thống mà còn khuyến khích họ tuân thủ pháp luật. Niềm tin vào sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì trật tự xã hội và sự ổn định chính trị.

Lý do thứ hai là để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Hệ thống pháp luật đầy đủ và rõ ràng giúp tăng cường tính minh bạch trong quản lý và điều hành đất nước. Khi các quy định, quy trình được định rõ, cơ quan nhà nước và các quan chức phải tuân thủ, chịu trách nhiệm giải trình cho hành vi và quyết định của mình. Ở Bắc Âu, một số quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy có hệ thống pháp luật được đánh giá là minh bạch đã quy định cụ thể về quyền truy cập thông tin và trách nhiệm giải trình của chính phủ.

Điều này giúp giảm thiểu tham nhũng và tăng cường quản lý nhà nước hiệu quả. Theo bảng xếp hạng Chỉ số nhận thức về tham nhũng (CPI) của Transparency International, các quốc gia Bắc Âu thường xuyên nằm trong số những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới, một phần lớn nhờ vào hệ thống pháp luật minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao.

Lý do thứ ba là để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Một hệ thống pháp luật ổn định và công bằng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển. Doanh nghiệp và nhà đầu tư cảm thấy an tâm khi họ biết rằng quyền và nghĩa vụ của họ được bảo vệ một cách công bằng và minh bạch thông qua hệ thống pháp luật.

Singapore được biết đến với hệ thống pháp luật ổn định và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Singapore liên tục được xếp hạng là một trong những quốc gia dễ kinh doanh nhất thế giới theo Báo cáo kinh doanh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới.

Lý do thứ tư là để giảm thiểu sự tùy tiện và lạm quyền. Khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện, nó hạn chế khả năng lạm quyền và sự tùy tiện trong hành xử của các quan chức nhà nước, qua đó góp phần ngăn chặn tham nhũng và tăng cường quản lý nhà nước. Trong những năm gần đây, các nước như Georgia, Rwanda đã thực hiện cải cách pháp luật để giảm sự tùy tiện và lạm quyền, từ đó đã có sự cải thiện đáng kể các chỉ số quốc tế về quản trị và tham nhũng.

Lý do thứ năm là để tạo lập một xã hội dựa trên luật pháp. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện là nền tảng cho việc xây dựng một xã hội dựa trên luật pháp, nơi mọi quyết định, từ các quy định đến việc giải quyết tranh chấp, đều dựa trên các nguyên tắc pháp lý đã được thiết lập. Điều này tạo ra một môi trường ổn định, dự đoán được, khuyến khích sự phát triển bền vững.

Những lập luận nói trên cho thấy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là nền tảng không thể thiếu để xây dựng và duy trì một nhà nước pháp quyền, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững và công bằng.

Nâng cao năng lực thực thi pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì một nhà nước pháp quyền XHCN. Trong một nhà nước pháp quyền XHCN, không chỉ ban hành pháp luật mà cả việc thực thi chúng cũng cần phải được bảo đảm một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả. Dưới đây là một số lý do chính giải thích tại sao việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật lại rất quan trọng.

Lý do thứ nhất là để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật. Một hệ thống thực thi pháp luật mạnh mẽ giúp bảo đảm rằng mọi cá nhân, tổ chức và thậm chí là cơ quan nhà nước đều tuân thủ các quy định của pháp luật. Khi công dân tin tưởng rằng pháp luật sẽ được thực thi một cách công bằng và nghiêm minh, họ sẽ có động lực cao hơn để tuân thủ pháp luật, góp phần vào việc duy trì trật tự và ổn định xã hội.

Ở Singapore, việc thực thi pháp luật nghiêm ngặt đã giúp bảo đảm mức độ tuân thủ pháp luật cao trong xã hội. Các biện pháp thực thi pháp luật mạnh mẽ, từ giao thông đến đời sống công cộng, đã góp phần vào trật tự và sự sạch sẽ nổi tiếng của đất nước này. Singapore thường xuyên được xếp hạng là một trong những quốc gia an toàn và ít tội phạm nhất thế giới, phản ánh hiệu quả của việc thực thi pháp luật trong việc duy trì trật tự xã hội.

Lý do thứ hai là để bảo vệ quyền và tự do của công dân. Năng lực thực thi pháp luật cao giúp bảo vệ quyền và tự do của công dân một cách hiệu quả. Năng lực thực thi pháp luật giúp các cơ quan nhà nước giải quyết nhanh chóng và công bằng các vấn đề, bảo vệ công dân khỏi sự lạm dụng quyền lực, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Tại các quốc gia như Đan Mạch và Thụy Điển, cơ quan thực thi pháp luật được trang bị tốt và có năng lực cao, không chỉ trong việc đối phó với tội phạm mà còn về bảo vệ quyền của công dân. Cảnh sát ở những quốc gia này được đào tạo kỹ lưỡng về tôn trọng quyền tự do cá nhân và thực hiện công việc một cách minh bạch, công bằng.

Lý do thứ ba là để tăng cường niềm tin vào hệ thống tư pháp. Một hệ thống thực thi pháp luật mạnh mẽ và công bằng tăng cường niềm tin của công dân vào hệ thống tư pháp. Khi công dân tin tưởng rằng mọi tranh chấp và vi phạm đều được xử lý một cách công bằng và kịp thời, họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, có lập trường tích cực hơn đối với hệ thống pháp luật và chính quyền.

Ở New Zealand, việc thực thi pháp luật minh bạch và công bằng đã giúp tăng cường niềm tin của công dân vào hệ thống tư pháp. Sự rõ ràng và công bằng trong việc xử lý các vụ án, kể cả khi liên quan đến cảnh sát hoặc quan chức chính phủ, đã tạo nên một môi trường pháp lý được công chúng đánh giá cao. New Zealand được xem là một trong những quốc gia có chỉ số niềm tin vào hệ thống tư pháp cao nhất theo các cuộc khảo sát quốc tế.

Lý do thứ tư là để khuyến khích sự phát triển kinh tế. Một hệ thống thực thi pháp luật hiệu quả cũng là yếu tố then chốt tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần chắc chắn rằng hợp đồng và quyền sở hữu của họ được bảo vệ, và rằng bất kỳ tranh chấp nào cũng sẽ được giải quyết một cách công bằng, nhanh chóng.

Điều này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và dự đoán được, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng. Đức được coi là một ví dụ về việc thực thi pháp luật mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế. Hệ thống tư pháp hiệu quả của Đức kết hợp với việc thực thi nghiêm ngặt các hợp đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư. Đức liên tục được xếp hạng cao trong các chỉ số về môi trường kinh doanh và cạnh tranh toàn cầu.

Lý do thứ năm là để phòng, chống và giảm thiểu tội phạm. Năng lực thực thi pháp luật mạnh mẽ giúp phòng, chống và giảm thiểu tội phạm hiệu quả. Khi các cơ quan thực thi pháp luật có đủ nguồn lực, đào tạo và công nghệ, họ có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, từ đó góp phần vào việc giảm tội phạm và tăng cường an ninh cho xã hội. Tại Nhật Bản, việc thực thi pháp luật mạnh mẽ và kỷ luật cao trong xã hội đã giúp giảm thiểu tội phạm hiệu quả. Cảnh sát Nhật Bản nổi tiếng được đào tạo kỹ lưỡng, có năng lực cao và sử dụng công nghệ tiên tiến trong công tác điều tra. Nhật Bản được biết đến với tỷ lệ tội phạm thấp, đặc biệt là tội phạm bạo lực, phản ánh hiệu quả việc thực thi pháp luật trong việc duy trì an ninh và trật tự xã hội.

Quan hệ giữa hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật là mối quan hệ tương tác hai chiều. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật hiệu quả, trong khi đó, việc thực thi pháp luật một cách hiệu quả giúp chỉ ra những điểm cần được cải thiện và hoàn thiện trong hệ thống pháp luật.

Đây là mối quan hệ tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, nơi mỗi yếu tố đều ảnh hưởng và thúc đẩy sự phát triển của yếu tố kia, đồng thời góp phần vào việc xây dựng và duy trì một nhà nước pháp quyền vững mạnh. Và đây cũng chính là lý do tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật là hai nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. 

Nhớ buổi lễ kết nạp đảng viên mới không hát Quốc ca

Ngày 5 tháng 8 năm 1973, sự liều lĩnh của tuổi 21 đưa tôi về đơn vị mới. Mặt trận Bắc Bình Định, Nam Quảng Ngãi nóng như đổ lửa, cái nóng của mùa khô được nhân lên bởi bom, đạn địch trút xuống như thiêu đốt mọi thứ.

Từ căn hầm sau vườn nhà chú Năm ở huyện Hoài Nhơn tôi nhắm cồn cát Hoài Châu trắng xóa đến lóa mắt lao tới. Thấy bom, pháo địch đánh phá cồn cát và tiếng súng bộ binh từ đó bắn về hướng địch, tôi biết đấy là trận địa phòng ngự của quân ta. Đang chạy, một loạt pháo địch xé gió cắm xuống trước mặt, theo phản xạ tự nhiên, tôi vội nằm xuống, úp mặt sát đất. Một tiếng nổ ục cùng dư chấn sâu dưới mặt đất… Sau mấy giây, tôi mới biết đó là đạn khoan, tác dụng phá boong ke, hầm ngầm. Tôi gặp được Trung đội du kích, hơn 10 người cả nam và nữ đang phòng ngự ở đây. Có lẽ bộ quân phục lính miền Bắc trên người tôi đã sờn, giọng nói của dân khu Tư kèm theo giấy chứng nhận đoàn viên Đoàn 1040 (là phiên hiệu Tiểu đoàn 69, Sư đoàn 304 B Quân khu Việt Bắc đi B, vào miền Nam) nên Trung đội trưởng tin tôi là bộ đội. Nghe tôi nói muốn về đơn vị chiến đấu nhưng không rành đường, anh đã cho người dẫn tôi đi.

Anh du kích trẻ cùng tôi vượt qua cánh đồng rộng, đến gần những tiếng nổ của các loại súng bộ binh ta… Súng 12ly7 trên xe tăng địch rít qua đầu chúng tôi nghe chát chúa. Tôi đã đến được với Tiểu đoàn Bộ binh 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 - Sao Vàng. Báo cáo với thủ trưởng Tiểu đoàn tôi là văn thư Trường Quân chính Quân khu 5 xin đi chiến đấu và trình 3 tờ giấy, gồm Quyết định bổ nhiệm Tiểu đội phó (tháng 8-1972), Giấy chứng nhận đoàn viên ưu tú lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng ở Đảng bộ khoa Toán Đại học Sư phạm Việt Bắc, Giấy chứng nhận đoàn viên Đoàn 1040. Chỉ huy đơn vị bảo tôi làm bản lý lịch tự thuật để xem xét.

Tôi được biết thủ trưởng Nguyễn Văn Hồng, Tiểu đoàn trưởng quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), Chính trị viên Tiểu đoàn quê ở Diễn Châu (Nghệ An), Trợ lý Chính trị quê ở Yên Thành, nói đến Nghi Lộc quê tôi thì các anh đều biết rõ từng xã. Tôi được biên chế tạm thời về Tiểu đoàn bộ. Anh Ngọ, Trợ lý Chính trị Tiểu đoàn “vừa là đồng chí lại đồng hương“ cho tôi biết Tiểu đoàn 6 và Trung đoàn 12 có truyền thống chiến đấu hào hùng, lập nhiều chiến công xuất sắc. Mấy ngày nay chiến đấu phòng giữ tại 2 xã Hoài Châu và Hoài Hảo đã đánh lui hàng chục đợt tấn công của địch nhưng ngày nào cũng có thương vong.

 Anh nói: “Đồng hương muốn ở đơn vị chiến đấu thì hoan nghênh vì đơn vị đang cần thêm tay súng, nhưng phải chấp nhận gian khổ ác liệt!…”. Ngay sáng hôm sau tôi được nếm trải sự ác liệt. Khoảng 10 giờ trưa, chiếc máy bay L19 của địch quần lượn mãi trên khu vực bố trí của Tiểu đoàn. Nó nghiêng ngó, sà thấp đến mắt thường cũng có thể thấy được tên giặc trong buồng lái. Máy bay vừa khuất sau ngọn dừa đầu làng thì có tiếng hô từ chỉ huy Tiểu đoàn: “Tất cả vào hầm ngay, địch bắn pháo vào đây bây giờ!”. 

Tôi đang thập thò ở cửa hầm thì bỗng: Ùng…ùng…ùng …oành…oành…oành…, những tiếng nổ ù hết hai lỗ tai. Khói bụi mù mịt, mùi thuốc súng xộc vào mũi, vào miệng khét lẹt, nhiều người ho sặc sụa. Căn hầm rung lên, đất đá rơi xuống rào rào, xoong nồi của anh nuôi bị mảnh đạn găm thủng lỗ chỗ, gùi thực phẩm bị xé nát, vung vãi khắp nơi, những cây cối còn sót lại bị tiện đứt, hầm hào bị sụt lở. Sau hơn 10 phút bắn phá, may mắn không có thương vong nhưng tinh thần chắc có người bị ảnh hưởng. Tôi và anh bạn thông tin nói với nhau: “Chỉ huy Tiểu đoàn giỏi thật, nắm được quy luật của địch nên đã chủ động phòng tránh!”.

Sau trận pháo bắn, tôi được cấp súng đạn và các trang bị chiến đấu. Đêm hôm đó, tôi cùng Trinh sát và Vận tải đi khiêng cáng thương binh về sơ phẫu tại Tiểu đoàn. Xong việc thì trời rạng sáng, lại một ngày chiến đấu ác liệt nữa diễn ra trên vùng đất Hoài Châu sinh tử, rồi lại thương vong, có những đồng chí chưa kịp ăn nắm cơm trưa đã ra đi mãi mãi.

Khoảng 10 giờ đêm, tôi nhận lệnh đi truyền đạt chỉ thị của chỉ huy Tiểu đoàn tới Đại đội 62. Một mình, một súng đi dưới ánh trăng non lúc mờ lúc tỏ. Cố nhớ lại đường đã đi đêm trước, qua làng, qua đồi cát, qua bãi tha ma có nhiều bụi dứa dại, qua cánh đồng… Thỉnh thoảng phải nằm vội xuống đất bởi pháo cối địch bắn gần. Có lúc rợn người vì tiếng động mạnh, ngón tay trỏ luôn đặt vào cò súng sẵn sàng nhả đạn...

Khoảng 3 giờ sáng mới hoàn thành nhiệm vụ trở về, tôi đã hiểu sự vất vả, nguy hiểm của lính chiến. Sau hai ngày Chính trị viên Tiểu đoàn cho gọi tôi lên gặp. Tôi hồi hộp, lo lắng nhưng bất ngờ khi nghe thủ trưởng nói: “Chúng mình nói chuyện chứ không phải hội họp nên cứ xưng anh, em cho thoải mái nhé!”. Tôi nghĩ: “Tình cảm cán, binh ở chiến trường thật gần gũi”. Anh hỏi thăm gia đình, quê hương, học tập, nhập ngũ… và lắng nghe tôi trả lời... Điều tôi mong muốn đã đến khi nghe: “Em muốn được chiến đấu là nguyện vọng chính đáng, em đã thấy chiến đấu là gian khổ, ác liệt, hiểm nguy…, phải có ý chí không sợ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, phải đoàn kết thương yêu đồng đội để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Trước hết em hãy phấn đấu trở thành người đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam)… Đảng sẽ giao nhiệm vụ cho em và rèn luyện em trưởng thành!…”. Tôi hứa sẽ thực hiện những lời anh chỉ bảo.

Hơn một tuần sau tôi nhận quyết định về Đại đội 61-đơn vị chủ công của Tiểu đoàn 6 vừa có trận đánh xuất sắc ở xóm 2 thôn Hội An loại khỏi vòng chiến đấu 1 đại đội địch. Người đầu tiên tôi được gặp là anh Khánh-Chính trị viên quê ở Bắc Ninh. Anh trạc tuổi ngoài 25, lớn tuổi nhất trong đơn vị. Anh rất quan tâm đến cấp dưới như người anh đối với em. Ăn bữa cơm đầu tiên ở Đại đội tôi thấy chỉ hơn chục người, bởi một số đã hy sinh, số bị thương đi viện chưa về. Thiếu cán bộ Đại đội, Trung đội, có lúc Chính trị viên chỉ huy trực tiếp tới Tiểu đội trưởng. Thế nhưng Đại đội liên tục nhận nhiệm vụ chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Trận đánh đầu tiên tôi được tham gia là vận động tiến công kết hợp chốt ở Nam cồn cát, đánh bại đợt tấn công của một đại đội bộ binh địch, diệt nhiều tên, thu nhiều vũ khí trang bị. Tiếp theo là trận phục kích ở thôn An Quí đánh thiệt hại nặng 1 Đại đội bộ binh và cơ giới địch, bắn cháy 3 xe tăng và xe thiết giáp, chiếc xe tăng M41 nổ tung tại trận địa. Đại đội được bổ sung quân số, cơ động ra Hy Thế vận động tiến công đánh bại mũi vu hồi của địch từ hướng Đông Bắc vào Bình Đê và Bắc Hoài Châu… Đại đội về Hoài Hảo củng cố lực lượng, học tập chính trị, huấn luyện bổ sung một tuần. Cán bộ trong Đại đội thay đổi, phát triển đi lên. Tôi được bổ nhiệm làm Tiểu đội trưởng, được  anh Vĩnh đảng viên y tá Đại đội bồi dưỡng về Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam, hướng dẫn viết đơn xin gia nhập Đảng.

Cuộc chiến đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng ngày càng ác liệt hơn. Có ngày địch đã chiếm được các thôn Qui Thuận, An Quí song rồi lại bị đẩy lùi. Sư đoàn 22 ngụy quân Sài Gòn có 2 Trung đoàn bị tổn thất nặng. Địch điều một Liên đoàn Biệt động vào tiếp tục tấn công lấn chiếm. Đại đội 61 nhận nhiệm vụ phòng ngự đối diện quân địch trong cứ điểm ở đồi Chín, đồi Mười phía Tây thị tứ Tam Quan, đường 1A. Chiến đấu phòng ngự trực tiếp gần địch căng thẳng, quyết liệt, liên tục nhưng Đại đội phối hợp cùng các đơn vị bạn đánh lui nhiều đợt tấn công của địch giữ vững trận địa.

Tháng 10 dương lịch đến, kéo theo mùa mưa về Hoài Nhơn. Khoảng cách giữa  ta và địch là các ruộng nước và bãi mìn nên địch không dễ tấn công trong mưa. Hai bên tập kích hỏa lực và bắn tỉa khi phát hiện mục tiêu đối phương. Địa thế bên ta thấp hơn địch nên ở vị trí cảnh giới bí mật hay ngồi trong hầm trú ẩn đều bị nước ngập đến ngực, chúng tôi chia nhau từng mẩu thuốc lá để vơi đi cái lạnh. Niềm vui của lính phòng ngự là hằng ngày vẫn giữ vững trận địa, khi trời tối bò lên bờ, chờ anh nuôi đến, được ăn bát cơm nóng với cá chuồn khô kho với cùi dừa.

Có những đêm không mưa, được đón tốp thanh niên, phụ nữ đến giúp bộ đội làm công sự hay tặng quà là những gói kẹo, bịch thuốc lá cuộn ấm tình quân dân. Dưới ánh trăng mờ lính phòng ngự chỉ có quần đùi áo cộc, song cũng vội chấn chỉnh trang phục trước khi gặp chị em. Mỗi tuần được thay ca về tuyến sau một ngày ở thôn Liễu An, nghỉ ngơi tắm giặt. Được các má chăm sóc như con, nào là dừa xiêm, cơm nếp, trứng gà, đậu phộng… Mọi đứa đều phải chấp hành “mệnh lệnh” của má: “Các con chỉ được tắm, không được giặt, đứa nào giặt là má giận đó nghen. Tất cả áo quần phải để má giặt, cái nào rách má khâu vá cho!...”. Hết một ngày nghỉ lại ra chốt trong cái nhìn đầy tình thương và lo âu của các má, các chị, các em…

Những ánh mắt ấy, những tình cảm ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi kiên cường chiến đấu giữ vững mảnh đất vùng giải phóng. Gian khổ, ác liệt, hiểm nguy từng ngày, kể cả thương tật, bệnh tật… Trải qua những thử thách trong chiến đấu đã cho tôi dạn dày kinh nghiệm và trưởng thành. Rồi một ngày đầy ý nghĩa đến với cuộc đời tôi - ngày 26 tháng 10 năm 1973. Khoảng 8 giờ tối hôm ấy tôi được lệnh đi cùng Trung đội trưởng đến hầm chỉ huy của Đại đội. Căn hầm chữ A, có cửa vào hai phía đều hình chữ Z được che ni lông. Dưới ánh đèn dầu tôi thấy Quốc kỳ và Đảng kỳ đã treo lên vách, tự dưng trong tôi trào lên một nỗi niềm khó nói nên lời khi linh tính báo cho biết tôi sẽ được kết nạp Đảng tại đây, tại căn hầm này…

Thành phần đảng viên dự có: Chính trị viên Đại đội và là Bí thư chi bộ, Chính trị viên phó đại đội và là Bí thư Chi đoàn, y tá Đại đội là đảng viên (người giới thiệu tôi vào Đảng), các đảng viên khác gồm Trung đội trưởng Trung đội 3, Trung đội trưởng Trung đội 2 của tôi. Anh Nguyễn Trọng Ba, Bí thư chi bộ mời mọi người ngồi thành hàng ngang tựa vào vách hầm, hướng về phía cờ. Sau tuyên bố lý do, buổi lễ bắt đầu bằng một tiếng hô nho nhỏ trong hầm vừa đủ nghe: “Chào cờ… Chào!”. Mọi người giơ nắm tay phải lên ngang đầu, không hát Quốc ca và Quốc tế ca vì ở đây cách tiền duyên địch chưa đầy 300 mét. Sau chào cờ Bí thư chi bộ đọc quyết định của Đảng ủy cấp trên kết nạp tôi vào Đảng Lao động Việt Nam, thời gian dự bị 12 tháng…

Tôi xúc động, giọng run run, đọc lời tuyên thệ dưới cờ Đảng. Giao nhiệm vụ cho đảng viên mới, đồng chí bí thư nhấn mạnh: Đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ cho quần chúng tin yêu và noi theo… Vừa nói đến đấy một quả pháo sáng địch nổ ngay trên bầu trời trung tâm trận địa. Biết chúng bắn pháo sáng lên để quan sát đề phòng quân ta tiềm nhập nên Bí thư vẫn bình tĩnh phân công tôi sinh hoạt ở tổ đảng 2 (Trung đội 2). Anh nhấn mạnh: "Các cán bộ trung đội và các đảng viên quan tâm bồi dưỡng quần chúng ở Trung đội phấn đấu vào Đảng, thực hiện chỉ tiêu: Tiểu đội có đảng viên, Trung đội có tổ đảng, nâng cao tỷ lệ lãnh đạo giữa đảng viên và quần chúng trong đơn vị, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ...”.

Pháo sáng địch vừa tắt, từng người thầm lặng nắm tay tôi chúc mừng rồi về vị trí chiến đấu. Đêm ấy, sau ca cảnh giới, tôi nằm trong hầm mà mãi không ngủ được. Không có phương tiện để báo ngay tin vui này về cho cha tôi rằng: “Cha ơi! Con đã trở thành đồng chí của cha rồi”. (Cha tôi vào Đảng từ năm 1948). Bước đầu tôi đã thực hiện lời căn dặn của anh Trần Sỹ Mỹ, Chính trị viên Tiểu đoàn: “Em hãy phấn đấu trở thành người đảng viên của Đảng”.

Từ chiến sĩ tôi trưởng thành sĩ quan trong đội hình Sư đoàn 3 Sao Vàng, liên tục chiến đấu tham gia giải phóng hoàn toàn miền Nam, rồi cơ động chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc ở Lạng Sơn. Được Đảng và cấp trên quan tâm rèn luyện, có đồng đội đoàn kết giúp đỡ, được nhân dân thương yêu đùm bọc, bản thân luôn nêu cao gương mẫu của người đảng viên. 

Trải qua nhiều đơn vị, đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy từ cấp chiến thuật đến chiến dịch, tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao. Cứ mỗi lần nhận huy hiệu 40, 45, 50 năm tuổi Đảng tôi lại nhớ những năm tháng chiến đấu ác liệt với quân thù, nhớ cái đêm 26 tháng 10 năm 1973-nhớ buổi lễ kết nạp đảng viên mới nơi trận địa, không hát Quốc ca.

Đảng mạnh cốt ở chữ “tinh”

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”-đúc kết đó của các bậc tiền nhân cho thấy chất lượng luôn được xem trọng hơn số lượng trong hầu hết việc. Đối với công tác xây dựng Đảng, đúc kết trên càng có ý nghĩa sâu sắc, cấp thiết, nhất là trong việc nhất quán chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng bảo đảm những yêu cầu rất cao về chất lượng.

C.Mác và V.Lênin đều từng khẳng định: Đảng Cộng sản là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Điều đó cho thấy, các nhà mác-xít đánh giá rất cao về chất lượng của những người đứng trong hàng ngũ tổ chức đảng. Năm 1923, Lênin viết tác phẩm “Thà ít mà tốt”, nhấn mạnh: Đảng phải là đội tiên phong gồm những người tiên tiến nhất, ưu tú nhất; là tinh túy của cả phong trào cách mạng. Bởi có tiên phong, có tiên tiến mới lãnh đạo được quần chúng, mới dẫn đường cho cách mạng. Không có quần chúng thì không có cách mạng, nhưng không có lãnh đạo thì không ai dẫn đường; thực tiễn cũng cho thấy dẫn đường đúng thì cách mạng thành công, dẫn đường sai thì đổ vỡ, thất bại.

Để Đảng mạnh, bao gồm những con người thật sự tinh túy, tiên tiến, trước hết cần phải có lý luận, học thuyết dẫn đường. Bởi như Lênin từng khẳng định: Chỉ đảng nào có được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong. Trong tác phẩm "Đường kách mệnh", Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn chú trọng lãnh đạo nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ của mình. Những nhà lãnh đạo của Đảng đều là những nhà lý luận xuất sắc. Để có lý luận ấy, trải qua những hoạt động cách mạng sôi nổi, các đồng chí đảng viên luôn đề cao tinh thần tự giác học tập; học ở trong trường Đảng, trong sách vở, học từ thực tiễn, học ở nhân dân. Việc học, cùng với quá trình đấu tranh cách mạng gian khổ đã tôi luyện nên những con người thật sự ưu tú trong Đảng. Cùng với đó, quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn nghiêm khắc, nghiêm minh thực hiện việc rà soát và đưa ra khỏi Đảng những con người bị hủ hóa, sa ngã hoặc không còn xứng đáng với danh hiệu: Đảng viên!

Có không ít giai đoạn cách mạng, tuy số lượng đảng viên chưa nhiều nhưng Đảng ta vẫn đủ sức lãnh đạo cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kinh nghiệm cho thấy, để nâng cao chất lượng đảng viên, một mặt, Đảng quy tụ quần chúng, lựa chọn quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng; đồng thời tiếp tục bồi dưỡng nâng cao chất lượng đảng viên. Điều ấy cho thấy Đảng luôn đặt ra mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng đảng viên theo tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nêu cao là “thà ít mà tốt”.

Ngày nay, ở một đất nước có gần 100 triệu dân, Đảng ta hiện có khoảng 5 triệu đảng viên. Muốn xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tinh túy, ưu tú, trước hết Đảng cần phải đào tạo, giáo dục đảng viên để họ có học vấn, có kiến thức sâu, có trình độ cao. Một mặt phải vận động kết nạp các nhân sĩ, trí thức có trình độ chuyên sâu vào hàng ngũ của Đảng để tập hợp lực lượng trí tuệ ngày càng cao trong Đảng. Hay nói cách khác, phải có những nhân tài trong Đảng, bởi hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém.

Trong lịch sử, ngay từ lúc mới về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ nhiều hiền tài trong Đảng như các đồng chí: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ... Họ nhanh chóng trở thành các nhà lãnh đạo trong Đảng; vừa là học trò vừa là người đồng chí thân cận với Bác, nhờ đó đã góp phần chèo lái con thuyền cách mạng đi đến những bến bờ thắng lợi. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta vẫn luôn chú trọng đưa vào Đảng những người tài. Nhiều cán bộ, đảng viên là những nhà khoa học, có học hàm, học vị cao, có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, gặt hái nhiều thành công và đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển, đổi mới đất nước.

Một vấn đề cấp thiết, đó là trong kiểm tra, đánh giá cán bộ, đảng viên hiện nay, Đảng cần đề cao tính nghiêm túc, khách quan, tránh căn bệnh hình thức, dĩ hòa vi quý, nhất là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang công tác. Thực tế là không ít cán bộ, đảng viên nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận được nhiều phần thưởng nhưng vẫn hầu tòa vì rơi vào suy thoái, biến chất, vi phạm pháp luật và kỷ luật đảng. Điều này đòi hỏi tính trung thực, thẳng thắn trong sinh hoạt đảng. Muốn vậy, khâu đánh giá cán bộ, đảng viên phải được nêu cao, làm chặt chẽ hơn nữa. Ai xứng đáng thì ở trong Đảng; đã ở trong Đảng thì phải tận tâm, tận lực làm việc, cống hiến vì lợi ích chung; phải thật sự là nhà lãnh đạo có uy tín, được quần chúng kính trọng, thừa nhận, yêu thương như máu thịt của mình.

Trong giai đoạn mới, trước những thành tựu to lớn đạt được sau gần 40 năm đổi mới đất nước, chúng ta không được phép “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”; không thể tự bằng lòng với những gì đã có, mà phải tiếp tục vươn lên, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, vững vàng cập những bến bờ thành công mới!