QĐND - Nói chuyện với ông Vi, một cựu chiến binh ở gần nhà tôi (phố Gia Quất, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội), ông bảo: "Mấy hôm nay tôi xem trên mạng thấy nhiều người viết về mấy ông Linh mục ở Giáo phận Vinh (Nghệ An) đang xúi giục bà con đi biểu tình đòi... đuổi Công ty Formosa ra khỏi nước ta. Xét cho kỹ hành động của các vị linh mục này thì thấy, có vẻ các ông ấy không thực lòng vì cuộc sống của nhân dân. Ẩn chứa đằng sau những hành động của các vị linh mục là những suy tính dường như không thánh thiện.
Cứ theo lý mà suy thì Công ty Formosa vi phạm các quy định của Nhà nước ta gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường, làm tổn hại đến kinh tế của các địa phương, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, nhất là ngư dân thì việc này đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo xử lý quyết liệt, đúng người, đúng tội. Họ đã bị xử phạt, yêu cầu bồi thường 500 triệu USD, đó là sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam không chỉ đối với riêng Formosa, mà tất cả các doanh nghiệp nếu vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm minh như thế. Hiện nay, Chính phủ cũng đang cho kiểm đếm thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đó là những việc làm rất đúng đắn. Nghĩa là những gì Formosa làm sai, ta sẽ xử lý nghiêm túc, minh bạch, không e dè nể nang, không dung túng, bao che. Còn những việc khác như về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất... khi họ làm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam thì cần phải ủng hộ. Có như thế mới công bằng, mới tạo môi trường thu hút đầu tư từ nước ngoài. Còn đòi hỏi “đóng cửa Formosa”, “đuổi Formosa khỏi Việt Nam”... như mấy vị linh mục đang hô hào và xúi giục một số giáo dân ở Giáo phận Vinh là kiểu đòi hỏi “xúc đất đổ đi” phủ nhận hoàn toàn sự nỗ lực, cố gắng của Nhà nước, Chính phủ trong hoạch định đường lối phát triển kinh tế-xã hội ở tầm vĩ mô và cụ thể là trong xử lý vấn đề Formosa. Đây là sự đòi hỏi thiển cận, thể hiện sự thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu hiểu biết về phát triển kinh tế-xã hội của một số người.
Tôi cũng được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định mức bồi thường đối với các ngư dân bị thiệt hại ở 4 tỉnh miền Trung do sự cố môi trường với mức cao nhất là hơn 37,4 triệu đồng/tháng/tàu có công suất từ 800CV trở lên. Mỗi ngư dân trên các tàu từ 50CV đến dưới 90CV bị thiệt hại được hưởng mức hỗ trợ là gần 8,8 triệu đồng/tháng. Các diêm dân, người lao động nói chung bị mất thu nhập từ biển cũng đều được hưởng các khoản hỗ trợ theo từng đối tượng... Tiền hỗ trợ sẽ đến tay bà con bị thiệt hại trong tháng 10. Như vậy có thể thấy sự nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ là rất đáng ghi nhận và cần được sự đồng thuận của nhân dân.
Một đất nước muốn phát triển thì phải tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà khởi đầu cho nền công nghiệp chính là các doanh nghiệp cả trong nước và ngoài nước. Rõ ràng, chúng ta không thể tiến lên hiện đại bằng con trâu, cái cày và những chiếc thuyền nan. Vì vậy, bà con giáo dân trong cả nước (không chỉ riêng gì Giáo phận Vinh) cũng cần phải hiểu vấn đề này và có hành động đúng thì mới có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Việc một bộ phận giáo dân và một số linh mục ở Giáo phận Vinh cố tình không hiểu, cố tình đi ngược với chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng, cố tình phủ nhận mọi nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ trong xử lý vấn đề Formosa là hành động đi ngược với lợi ích của cả cộng đồng. Từ sự việc ở Giáo phận Vinh tôi thấy, làm người dân thì cũng phải tìm hiểu, suy nghĩ cặn kẽ đúng-sai, không thể cứ vào hùa, cứ nghe theo sự hô hào kiểu bất chấp pháp luật của một số người thì rất có thể sẽ gây họa cho đất nước…”.
Tôi thấy câu chuyện của ông Vi rất có lý, nên ghi lại đây để bạn đọc tham khảo.
TRẦN THÔN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét