Ngày
19-1-2018, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đã công
bố “Sách trắng về quyền con người với chủ đề “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con
người ở Việt Nam”.
Đây là lần thứ hai Việt Nam công bố
sách trắng về quyền con người (QCN). Năm 2005, lần đầu, Bộ Ngoại giao Việt Nam
đã công bố cuốn sách “Thành tựu bảo vệ và phát triển các quyền con người ở Việt
Nam”. Việc Nhà nước Việt Nam công bố sách trắng không chỉ nhằm nêu
lên những thành quả về nhân quyền của đất nước mà còn công khai quan điểm, nhận
thức và cả những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Sách trắng về QCN năm
nay của Việt Nam gồm 4 chương, trong đó Chương II đề cập tới thành tựu của Việt
Nam trong thực hiện quyền dân sự, chính trị, xã hội, văn hóa, quyền của các
nhóm dễ bị tổn thương… Điều mới mẻ của sách trắng năm nay là Nhà nước Việt Nam
đã công khai 7 hướng ưu tiên, đó là: (1) Tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật
nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trên cơ
sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam; (2) Đẩy
mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công
tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho
người dân; (3) Nâng cao khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã
hội; (4) Cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân
lực, trong đó có giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của
người dân và các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề này; (5)
Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia
đình; (6) Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội được chăm sóc
sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần; (7) Tăng cường hợp tác
về quyền con người với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn
của khu vực và toàn cầu.
Những thành quả và quan điểm
của Việt Nam về QCN là rất rõ ràng, đúng đắn. Thế nhưng trên một số trang mạng
vẫn có những cá nhân, tổ chức tán phát bài viết xuyên tạc, bác bỏ, cố tình
phủ nhận những thực tế về QCN ở Việt Nam. Họ phủ nhận tất cả, từ
những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật đến cuộc đấu
tranh chống tham nhũng hiện nay. Họ “nhận định” rằng “các đạo luật sửa đổi vừa
qua chỉ theo “ý Đảng chứ không theo lòng dân” (!?). Họ bảo vệ những kẻ bị pháp
luật trừng phạt do có những hành vi tuyên truyền xuyên tạc bản chất chế độ (như
nhóm thanh niên treo cờ vàng ở An Giang). Thậm chí họ lên tiếng bảo vệ cả kẻ
giết người (đã bị tòa án tuyên phạt tử hình như Đặng Văn Hiến ở Đắc Nông)... Về
cuộc đấu tranh chống tham nhũng, họ viết: Đó chỉ là cuộc “đấu đá nội bộ và
thanh trừng phe nhóm, chứ không phải vì công lý và ích lợi nhân dân”.
Không phủ nhận trong nhiều
thời kỳ lịch sử đã qua, do điều kiện chiến tranh kéo dài nên nhận thức về QCN
của Việt Nam còn phiến diện. Trong giai đoạn 1975-1986, Nhà
nước Việt Nam chủ trương xây dựng mô hình xã hội XHCN kiểu cũ với nhà
nước chuyên chính vô sản và mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, xóa
bỏ kinh tế tư bản, tư nhân… Điều này, dẫn đến nhiều QCN, trong đó có quyền tự
do làm kinh tế của cá nhân bị hạn chế. Trong mô hình xã hội XHCN kiểu mới (từ
năm 1986 đến nay), Đảng, Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh đường lối
chính trị, kinh tế với Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định
hướng XHCN… Đặc biệt, năm 2013, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp
mới-Hiến pháp 2013. Văn kiện quan trọng này dành cả một chương (Chương II), quy
định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Chương này quy định đầy
đủ các QCN, từ quyền dân sự, chính trị đến các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
theo những chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế mà Việt Nam là một thành viên
có trách nhiệm.
Sai lầm của những người soạn
thảo ra những “nhận định” và “tuyên bố” tán phát trên mạng là: (1) Trước
hết họ đã hiểu Luật quốc tế về QCN một cách phiến diện. Nói cho đúng hơn họ chỉ
xem QCN là quyền của cá nhân. Trong khi Luật quốc tế về QCN quy định đầy đủ,
gồm quyền và lợi ích của cá nhân và quyền và lợi ích của quốc gia, dân
tộc. Điều 1 (Phần I), “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính
trị" năm 1966, quy định: “1. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết.
Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình
và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa… Các quốc gia thành viên Công
ước này … phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng
quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”. Quyền dân tộc
tự quyết không phải là quyền của cá nhân, cũng không phải là phép cộng của các
nhóm xã hội mà là quyền của nhà nước, của quốc hội, chính phủ. Về mặt thủ tục
thì bộ ngoại giao được giao làm cơ quan đại diện, trong thương thuyết và ký
kết.
Trở lại nội dung của Điều I,
quy định nói trên có nghĩa: Pháp luật Việt Nam nói chung, Luật Hình sự, Luật
Tôn giáo nói riêng mà những người soạn thảo “nhận định"… phê phán là thuộc
quyền của Quốc hội Việt Nam. Điều này không chỉ về mặt chính trị mà còn từ thực
tế.
Nhằm thực hiện đầy đủ hơn
những quy định của Hiến pháp 2013, trong đó có Chương II về QCN, quyền và nghĩa
vụ công dân, Bộ luật Hình sự (năm 2015) được Quốc hội Việt Nam sửa
đổi theo hướng tôn trọng luật nhân đạo và luật nhân quyền hơn so với Bộ luật
Hình sự 1999. Chẳng hạn: Từ ngày 1-1-2018, người tham ô, hối lộ bị kết án tử
hình có thể được miễn tội chết “nếu đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài
sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc
phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Hoặc người “cản trở
người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của
cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà
còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.
Nhằm khắc phục tình trạng tai
nạn giao thông, bảo vệ quyền sống của con người, bộ luật này quy định người đi
bộ “Không đi đúng phần đường quy định (trường hợp vượt qua dải phân cách; đi
qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn…) gây hậu quả
nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”… Chẳng lẽ những quy định pháp
luật như trên là vì “đấu đá nội bộ và thanh trừng phe nhóm” như những người
soạn thảo “nhận định” và "tuyên bố” rêu rao hay sao?
Trong "Công ước quốc tế
về các quyền dân sự và chính trị" năm 1966, không phải tất cả các quyền cá
nhân đều là quyền tuyệt đối mà nhiều quyền bị hạn chế. Chẳng hạn quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo; quyền về lập hội và hội họp là những ví dụ. Điều 18,
quy định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng… Không ai bị
ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo…
Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng có thể bị giới hạn bởi pháp luật và
khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe
hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác…”.
Về quyền hội họp (Điều
21) và quyền lập hội (Điều 22) Công ước nói trên quy định “có thể bị hạn chế
“vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức
khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác”. Điều
này có nghĩa những tổ chức xã hội nào đó chưa được nhà nước thừa nhận sẽ không
được nhà nước bảo hộ. Tương tự như vậy những cuộc hội họp, biểu tình chưa được
các cơ quan chức năng cho phép là vi phạm pháp luật và có thể bị trấn áp.
Cho đến nay tất cả quốc
gia dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển, bản sắc văn
hóa đều có những quy định pháp luật để bảo vệ chế độ, bảo vệ hiến pháp, bảo vệ
nhà nước và bảo vệ đảng cầm quyền. Còn nhớ, ngày 24-2-2017, Thượng nghị sĩ
Janet Nguyễn đã bị lực lượng bảo vệ cưỡng chế đưa ra khỏi phòng họp, theo lệnh
của chủ tọa vì trong diễn văn đọc trước Thượng viện đã chỉ trích Thượng nghị sĩ
quá cố Tom Hayden (chồng của nghệ sĩ điện ảnh Jane Fonda, người
phản đối chiến tranh Việt Nam) là một ví dụ.
Về cuộc đấu tranh chống tham
nhũng hiện nay, phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đang được nhân
dân hoan nghênh vì chứng tỏ cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh không chỉ
“không có vùng cấm” mà còn được sử dụng tất cả những phương thức cần thiết để
đấu tranh.
Có người nói, QCN như đường
chân trời… người ta càng đi tới thì đường chân trời càng lùi xa hơn. Điều đó có
nghĩa việc bảo đảm QCN là không bao giờ đủ vì nhận thức về quyền, lợi ích và
trách nhiệm của người dân luôn luôn được nâng cao. Điều quan trọng là mọi người
cần nhận thức đúng về QCN và thúc đẩy phát triển nó đúng hướng. Đối với
dân tộc Việt Nam, QCN là do nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng lên giành lại từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm
1945. Không có lý do gì Đảng và Nhà nước Việt Nam đi ngược lại những
giá trị của cuộc cách mạng đó. Những ai kiếm cớ “phản biện” để đưa ra những
"nhận định" xuyên tạc, phủ nhận thành quả về QCN của Nhà nước Cộng
hòa XHCN Việt Nam là không thể chấp nhận được.
BẮC HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét