Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

đặc điểm và vai trò của chính sách xã hội trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội

 Hiện nay có nhiều cách hiểu và tiếp cận khác nhau về chính sách xã hội (CSXH). Có quan điểm coi CSXH  một tập hợp con của chính sách công; hay CSXH là một môn học liên ngành và ứng dụng liên quan đến việc phân tích các phản ứng của xã hội đối với nhu cầu xã hội; hay CSXH là chính sách công và thực hành trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ con người, tư pháp hình sự, bất bình đẳng, giáo dục và lao động... Dù tiếp cận dưới góc độ nào, CSXH bao giờ cũng là hệ thống nguyên tắc, hướng dẫn được thể hiện dưới dạng văn bản (tùy thuộc vào thể chế chính trị, pháp luật của mỗi quốc gia) mà  tên gọi khác nhau, như nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tư, sắc lệnh, nghị định, luật, hay kế hoạch, chương trình hành động thể hiện đường lối chính trị của đảng cầm quyền và chính phủ hướng tới giải quyết một vấn đề gì đó thuộc về quốc kế dân sinh, giải quyết những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Từ cách hiểu này, CSXH luôn là bộ phận cấu thành chính sách chung của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết và quản lý các vấn đề xã hội bên cạnh các vấn đề chính trị, kinh tế. Vì là chính sách chung, chính sách công, nên CSXH có phạm vi rất rộng, liên quan tới các đối tượng, giai tầng, các lĩnh vực xã hội, từ y tế, giáo dục, bảo hiểm, lao động, việc làm, nhập cư, phúc lợi xã hội...

Ở Việt Nam hiện nay, CSXH đã và đang được nghiên cứu, nhìn nhận ở hai cấp độ: Ở phạm vi hẹp, CSXH thường được hiểu là áp dụng cho những nhóm lao động xã hội gọi là “đối tượng chính sách”, bao gồm chính sách với người có công; chính sách việc làm; chính sách thu nhập; chính sách giảm nghèo trên cả nước; chính sách BHXH; chính sách trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chính sách bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân... và các đối tượng thuộc diện CSXH, thường tập trung vào hộ gia đình nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, hộ gia đình dân tộc thiểu số, gia đình có công, thương binh, bệnh binh, gia đình có người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam... Ở phạm vi rộng, CSXH bao hàm cả chính sách đối với các tầng lớp nhân dân, như chính sách đối với công nhân, nông dân, thanh niên, trí thức,...

Chính sách xã hội có đặc điểm chung:

Thứ nhất, CSXH lấy con người, quyền và lợi ích của các nhóm người trong cộng đồng làm đối tượng để điều hòa lợi ích xã hội, phát triển con người toàn diện.

Thứ hai, CSXH là thước đo đánh giá trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của một quốc gia, phản ánh mức sống, thu nhập và thể hiện bản chất chế độ, xã hội vì con người, nên CSXH mang tính nhân văn và nhân đạo sâu sắc.

Thứ ba, CSXH là công cụ để điều hòa lợi ích, thu nhập, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của các nhóm người, nhất là nhóm đối tượng xã hội vì mục tiêu thực hiện quyền con người.

Thứ tư, CSXH có tính trách nhiệm xã hội cao, quan tâm và tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi để mọi người phát triển, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội.

Chính sách xã hội có vai trò quan trọng trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội.

Thứ nhất, CSXH là công cụ, biện pháp để Nhà nước thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện. Chính sách xã hội phát huy tiềm năng, nguồn lực con người với tư cách con người cá nhân và con người trong cộng đồng, nhóm; khơi dậy tính tích cực, kích thích kinh tế, góp phần điều tiết các quan hệ xã hội nhằm bảo đảm và thiết lập xã hội công bằng, văn minh, để con người với tư cách là con người cá nhân và con người tập thể đều được chăm lo phát triển toàn diện, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội.

Thứ hai, CSXH là công cụ để điều tiết quan hệ xã hội, giảm thiểu phân hóa, mâu thuẫn và khác biệt xã hội, chống bất công, bất bình đẳng xã hội. Trong xã hội, mỗi giai tầng, mỗi nhóm người có sự khác nhau về quan điểm, trình độ, địa vị, điều kiện, hoàn cảnh..., vì thế chính sách cần dựa trên đặc điểm riêng của các nhóm xã hội, nhất là trong những thời điểm có thiên tai, dịch bệnh, như năm 2020 - 2021, cả thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19..., do đó cần điều chỉnh bằng công cụ CSXH để giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm cho xã hội phát triển ổn định.

Thứ ba, CSXH tạo tính tích cực, năng động xã hội vì mục tiêu phát triển bao trùm, phát triển bền vững “không ai bị bỏ lại phía sau”. Muốn xã hội phát triển bền vững, quan trọng là phải bảo đảm công bằng xã hội, là giải quyết lợi ích giữa các đối tượng có thể có chênh lệch ở mức chấp nhận được. Nếu không có CSXH phù hợp, không giải quyết đúng đắn vấn đề mấu chốt này thì có thể sẽ làm triệt tiêu các động lực phát triển xã hội, dẫn tới sự trì trệ và khủng hoảng xã hội, do phân hóa giàu, nghèo, bất bình đẳng xã hội gia tăng.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét