Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Thực tiễn thực hiện chính sách xã hội trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và hội nhập quốc tế ở Việt Nam

 Thành tựu thực hiện chính sách xã hội trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người.

Thứ nhất, thể chế CSXH trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người ngày càng được hoàn thiện với việc xây dựng hệ thống pháp luật và chính sách về an sinh xã hội (ASXH) mang tính kịp thời, đồng bộ và khả thi cao. Trong hoạt động lập pháp, việc ban hành Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật, như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi, Luật Giáo dục, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Việc làm... có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc giúp cụ thể hóa các quyền ASXH, nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Trong hoạt động lập quỹ, trọng tâm được đặt vào việc bảo đảm ASXH cho người dân, trợ giúp kịp thời và hiệu quả các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, qua đó thực thi nhất quán chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước. Các chính sách cụ thể, như bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, phát triển bền vững, bao trùm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt..., đã từng bước góp phần nâng cao phúc lợi cho các đối tượng CSXH có liên quan, bảo đảm và đáp ứng tốt các nhu cầu tối thiểu của họ, giúp phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, mang lại cơ hội bình đẳng thực chất cho các nhóm yếu thế để giúp họ vươn lên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách chưa có tiền lệ để thực hiện CSXH(1). Đây là những quyết sách quan trọng, kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch bằng những gói phúc lợi hàng chục nghìn tỷ đồng, bảo đảm các quyền con người cơ bản, đồng thời gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống ASXH để ứng phó hiệu quả với những thách thức mang tính toàn cầu cũng như thiết lập những bảo đảm cần thiết cho sự phát triển bền vững với tầm nhìn trung hạn và dài hạn.

Thứ hai, hệ thống ASXH đã được phát triển thành lưới ASXH, không ngừng mở rộng diện bao phủ các đối tượng và ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng ASXH. Điều này phản ánh rõ nét qua những chuyển biến tích cực trên các phương diện: 1- Hệ thống BHXH được thiết kế, tổ chức và hoạt động đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, là “phao cứu sinh” cho người dân khi đối mặt với những rủi ro khó lường (như ốm đau, thiên tai, dịch bệnh, mất việc làm do tai nạn lao động...), giúp họ bảo đảm nguồn thu nhập, bảo đảm sinh kế và ổn định cuộc sống; 2- Hệ thống hỗ trợ giải quyết việc làm đã và đang góp phần tạo việc làm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của phần lớn lực lượng lao động; góp phần đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giúp kết nối người thất nghiệp với doanh nghiệp; giúp người lao động cải thiện thu nhập, bảo đảm quyền có việc làm của người dân, qua đó góp phần giảm nghèo hiệu quả; 3- Hệ thống trợ giúp xã hội giúp người dân khắc phục rủi ro, biến cố thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp bằng tiền hoặc hiện vật với kinh phí trích từ ngân sách nhà nước; 4- Hệ thống chính sách ưu đãi người có công, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi đã và đang mang lại những lợi ích đáng kể cho các nhóm đối tượng này, góp phần thực hiện công bằng xã hội hiệu quả trên phạm vi cả nước; 5- Hệ thống bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (như giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin, nước sạch...,) ngày càng được cải thiện về chất lượng cũng như quy mô dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của đại bộ phận người dân, đặc biệt là nhóm dân cư vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, địa bàn đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, đời sống của đại bộ phận người dân ngày càng được cải thiện trên các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể thấy rõ điều này trong sự liên tục cải thiện các chỉ số quan trọng liên quan đến con người, như chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số bình đẳng giới (GEI), tuổi thọ bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người... Đây là những thành tựu quan trọng, nhất là trong bối cảnh các chỉ số này của nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng chững lại, thậm chí bị đảo ngược do những khó khăn về kinh tế, bất ổn chính trị, do những thách thức của an ninh phi truyền thống... Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hoàn thành sớm Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đây là tiền đề giúp Việt Nam hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Theo xếp hạng của Liên hợp quốc năm 2020 về thực hiện SDGs, Việt Nam xếp thứ 51/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, đạt thành tích cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Một số hạn chế trong thực hiện chính sách xã hội trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người.

Bên cạnh những kết quả nói trên, thực hiện CSXH trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định.

Thứ nhất, một số chính sách ASXH được triển khai, nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chính sách BHXH được triển khai mạnh mẽ, nhưng diện bao phủ còn hẹp, tỷ lệ người lao động tham gia BHXH, nhất là trong khu vực kinh tế phi chính thức vẫn còn thấp. Chính sách giảm nghèo đã giúp Việt Nam đạt được thành tích giảm nghèo đa chiều ấn tượng, song tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lại có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, mức hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng liên quan vẫn còn thấp, chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của một bộ phận dân cư, kể cả tại các thành phố lớn cũng như các địa phương ở vùng sâu, vùng xa...

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh con người, mặc dù đã được đề cập nhiều trong Văn kiện Đại hội XII và XIII của Đảng, nhưng đến nay, việc thể chế hóa và thực thi các giải pháp chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập.

Thứ hai, chưa thực sự thu hút sự tham gia tích cực của chủ thể quyền vào quá trình xây dựng pháp luật, nhất là CSXH có liên quan đến quyền con người. Tính công khai, minh bạch trong hoạt động cung ứng dịch vụ công của một số cơ quan nhà nước; việc một bộ phận cán bộ lợi dụng chức quyền, “che giấu” thông tin chính sách vì động cơ cá nhân hoặc lợi ích nhóm đã ít nhiều cản trở quyền lợi chính đáng của người dân, khiến cho các đối tượng ASXH gặp không ít trở ngại trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, từ đó làm giảm hiệu quả của chính sách ASXH và thậm chí, làm giảm niềm tin của người dân vào hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức tham gia triển khai các chính sách ASXH còn yếu, thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức chưa đúng mức về thực hiện quyền con người... Trong khi đó, một bộ phận đối tượng thụ hưởng ASXH lại có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Hơn nữa, chất lượng của các dịch vụ ASXH cũng chưa cao, các loại hình dịch vụ chưa đa dạng, thiếu sáng tạo, đổi mới mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự hạn chế nguồn lực vật chất, kỹ thuật trong bối cảnh trình độ khoa học - kỹ thuật, công nghệ còn nhiều hạn chế. Điều này khiến cho việc thực thi chính sách ASXH gặp nhiều khó khăn, thách thức, làm giảm diện bao phủ của chính sách ASXH, giảm hiệu quả bảo đảm quyền con người nói chung, quyền ASXH nói riêng của người dân. 

Thứ tư, việc vận dụng tiếp cận quyền con người trong hoạch định CSXH chưa được như mong muốn. Trên thực tế, trong quá trình hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở cả Trung ương cũng như địa phương hầu như chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa bảo đảm các quyền của người dân.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét