Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

NHẬN THỨC VỀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI XHCN

 


Về nền kinh tế thị trường, đã được hình thành và phát triển từ lâu trong lịch sử nhân loại. Theo quan điểm chủ nghĩa Mác, kinh tế thị trường là một giai đoạn phát triển tất yếu của lịch sử mà bất cứ nền kinh tế nào cũng phải trải qua để đạt tới nấc thang cao hơn trên con đường phát triển; và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chính là nền kinh tế thị trường phát triển đến trình độ phổ biến và hoàn chỉnh. Nấc thang cao hơn chính là nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, kinh tế thị trường là một nấc thang tất yếu, mang tính phổ biến cho mọi quốc gia trong tiến trình phát triển, là thành quả của văn minh nhân loại chứ không phải là sản phẩm riêng có của tư bản chủ nghĩa như một số ý kiến ngộ nhận. Kinh tế thị trường đã phát triển không duy nhất một mô hình mà đã phát triển theo các mô hình như: (1) Mô hình kinh tế thị trường tự do, phổ biến ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ; (2) Mô hình kinh tế thị trường - xã hội, phổ biến ở một số nước ở Tây - Bắc Âu như Đức, Thụy Điển, Na uy, phần Lan…; (3) Mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Dù phát triển theo mô hình nào thì nền kinh tế thị trường đều gắn với những quy luật mang tính đặc trưng sau đây:

Quy luật giá trị quy định việc sản xuất và trao đổi hàng hoá phải căn cứ vào hao phí lao động xã hội cần thiết; trao đổi theo nguyên tắc ngang giá. Giá trị của sản phẩm/dịch vụ đều do thị trường định đoạt. Người sản xuất kinh doanh nào có chi phí lao động xã hội cho một đơn vị sản phẩm thấp hơn trung bình thì người đó có lợi nhất.

Quy luật cung - cầu là sự điều chỉnh của thị trường với một mức giá cân bằng và một lượng giao dịch cân bằng sẽ được xác định. Ở đâu có thị trường thì ở đó có quy luật cung – cầu tồn tại và hoạt động một cách khách quan. Cầu xác định cung, những hàng hoá nào được tiêu thụ thì mới được tái sản xuất. Cung cũng tạo ra cầu, kích thích tăng cầu thông qua phát triển số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá, hình thức, quy cách và giá cả của nó.

Quy luật cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể, các tổ chức kinh tế trong việc giành giật thị trường và khách hàng và các điều kiện thuận lợi trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực chất của cạnh tranh là sự tranh giành về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể tham gia thị trường. Kết quả cạnh tranh sẽ loại bỏ được các các cơ sở sản xuất, kinh doanh yếu kém và giúp phát triển các cơ sở làm ăn có hiệu quả hơn.

Những quy luật nói trên của nền kinh tế thị trường vừa tạo ra động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, vừa làm cho xã hội phân hóa thành những tầng/lớp giàu nghèo khác nhau. Tầng lớp giàu có nắm giữ lợi thế tiếp cận mọi nhu cầu, lợi ích của xã hội; tầng lớp nghèo khó chịu nhiều thua thiệt trong việc thụ hưởng các nhu cầu cuộc sống.

Đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam là phát triển nền kinh tế thị trường để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng sức sản xuất nhằm tạo tăng trưởng kinh tế không ngừng, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng, được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Đây là hệ giá trị có tính bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa, nó thể hiện sự tiến bộ hơn hẳn của chế độ xã hội chủ nghĩa so với các chế độ xã hội trước đó. Chẳng hạn, xã hội tư bản có thể có điều kiện sống vật chất, tiện nghi rất cao; dân có thể giàu, nước có thể mạnh, nhưng từ trong bản chất của chế độ xã hội tư bản, ở đó không thể có công bằng và dân chủ: nhà nước là nhà nước tư sản; giàu có là cho nhà tư bản; sự giàu mạnh có được bằng quan hệ bóc lột. Trong xã hội như vậy, người dân không thể là chủ và làm chủ xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét