Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là đặc điểm cơ bản nhất, thể hiện bản chất của chế độ ta, của hệ thống chính trị nước ta, là cơ chế vận hành của xã hội ta.
Mối quan hệ này được xuất phát từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) dành nhiều thời gian tìm hiểu về các cuộc cách mạng nổi tiếng thế giới là cách mạng Mỹ (1776) với bản “Tuyên ngôn Độc lập”, ly khai khỏi nước Anh và cách mạng tư sản Pháp (1789) với bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền”. Người khâm phục tinh thần của các cuộc cách mạng này, nhưng không thể đi theo những con đường đó. Bởi vì, theo Người: “Cách mệnh Mỹ cũng như cách mệnh Pháp là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Theo Người, tại Pháp và Mỹ thời điểm đó, “cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”. Như vậy, những người dân đứng lên, hy sinh xương máu làm các cuộc cách mạng do giai cấp tư sản lãnh đạo, đã bị phản bội.
Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin. Bản Luận cương như luồng ánh sáng, đem đến cho Người một nhãn quan chính trị mới. Người đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Từ đó, Người xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” xuất bản năm 1927, Người khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Vấn đề được Người quan tâm hàng đầu về mặt tổ chức là sớm lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với vai trò tích cực của Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về mặt tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức. Sự ra đời của Đảng là kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đấu tranh giai cấp ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ 20, là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
Về bản chất của Đảng ta, tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam (tên Đảng ta thời điểm đó-PV) là Đảng của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo cách mạng trong điều kiện đã có chính quyền. Đảng ta cầm quyền, nhưng Đảng không thay đổi bản chất, không thay đổi mục đích lý tưởng của mình. Đảng cầm quyền để mang lại lợi ích cho dân tộc, độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, mục đích, tôn chỉ của Đảng là “tận tâm”, “tận lực”, “phụng sự” và “trung thành với lợi ích của dân tộc Việt Nam”.
Do đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cầm quyền, nhưng dân là chủ, Đảng phải lấy “dân làm gốc”. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân". Tuy nhiên, cũng theo Người, dân chỉ có thể làm chủ thực sự khi có sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh là để bảo đảm quyền làm chủ thực sự của mình.
Tất cả thành tựu của đất nước suốt từ khi Đảng thành lập cho tới nay đã cho thấy rõ, vai trò lãnh đạo của Đảng ta luôn quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tới công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới. Để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình, Đảng luôn nắm bắt, lắng nghe mọi nguyện vọng, ý kiến, đề xuất chính đáng của quần chúng Nhân dân, từ đó đề ra những nghị quyết, chủ trương, đường lối, dẫn dắt dân tộc, dẫn dắt đất nước và Nhân dân đi tới thắng lợi. Chính vì Đảng luôn vì dân, dân tin yêu Đảng nên Việt Nam luôn được quốc tế ngưỡng mộ vì có một môi trường chính trị ổn định, an ninh, an toàn, là tiền đề rất thuận lợi cho phát triển.
Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân
Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn”, tổng kết ấy của V.I.Lênin đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đảng viên khắc cốt, ghi tâm từ những ngày đầu giành chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nếu vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền nhà nước thì vấn đề cơ bản của một chính quyền là ở chỗ nó thuộc về ai, phục vụ cho quyền lợi của ai. Do đó, sau khi cách mạng thành công, phải thiết lập được chính quyền nhà nước của đại bộ phận Nhân dân trong xã hội. Bởi theo Người, “nước lấy dân làm gốc… gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Nhà nước vì dân là Nhà nước coi việc đem lại quyền lợi chính đáng cho Nhân dân là mục tiêu hoạt động của mình. Mọi hoạt động của Nhà nước đều phải hướng tới phục vụ Nhân dân. Một Nhà nước vì dân, theo Người đơn giản là: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Một Nhà nước vì dân phải là một Nhà nước trong sạch, luôn chống lại những tiêu cực từ trong bộ máy của Nhà nước ấy.
Khi Đảng ta là Đảng cầm quyền thì việc thực hiện luật pháp, chính sách của Nhà nước là thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước, Đảng lãnh đạo hoạt động mọi mặt của đất nước, của xã hội. Nhà nước trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có uy tín với Nhân dân, đất nước ổn định, phát triển thì Đảng có uy tín với Nhân dân, duy trì, củng cố được vai trò, vị trí cầm quyền của mình.
Đảng lựa chọn, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực vào trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền theo đúng quy trình, thủ tục và pháp luật của Nhà nước. Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, liên hệ mật thiết với Nhân dân và luôn chịu sự giám sát của Nhân dân. Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước Nhân dân về độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, về sự phát triển của đất nước, về hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Tựu trung tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân mang bản chất giai cấp công nhân và có tính chất của một Nhà nước pháp quyền, thể hiện ở những điểm sau: Một là, Nhà nước do dân làm chủ trên thực tế. Hai là, tất cả quyền lực nhà nước phải thuộc về Nhân dân, tuyệt đối không để cho các quyền đó nằm trong tay một nhóm cá nhân độc quyền và lũng đoạn. Ba là, để thực sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, những người làm việc trong bộ máy nhà nước phải luôn luôn ý thức được họ vừa là người lãnh đạo, đồng thời là đầy tớ của Nhân dân, lãnh đạo bằng tài năng, trí tuệ, bằng tấm gương, phong cách làm việc “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, chứ không phải là “ông quan cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục cán bộ, công chức phải thương yêu dân, dựa vào dân, gần gũi dân, lắng nghe học hỏi dân, tin tưởng dân. Bốn là, Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tính Nhân dân và bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước XHCN Việt Nam là thống nhất tạo nên bản sắc riêng của Nhà nước XHCN Việt Nam.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và HĐND các cấp do Nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân… Nhân dân không những là người bầu ra mà còn là người kiểm soát Nhà nước. Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm. Nhân dân còn là người có quyền bãi miễn không chỉ quan chức các cấp của Nhà nước mà còn có quyền bãi miễn toàn thể Chính phủ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu Chính phủ làm hại dân, thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.
Nhân dân làm chủ đất nước - quyền lợi và nghĩa vụ
63 năm trước đây, ngày 16-9-1961, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, Bác dạy: "Nghĩa Dân là dân có nghĩa, phải tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm tốt để làm gương cho các xã khác".
Nhân dân, con người trong tư tưởng, tình cảm Hồ Chí Minh không chung chung, trừu tượng mà rất cụ thể. Đó là người nông dân, người công nhân, nhà trí thức, các chiến sĩ bộ đội, công an, các cháu thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, học sinh, sinh viên, các bậc phụ lão, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài... Theo Người, Nhân dân bao gồm mọi tầng lớp người trong xã hội cùng có chung một vận mệnh, một cuộc sống, một tương lai, tiền đồ, một truyền thống lịch sử, một nền văn minh, văn hóa. Khi đất nước có ngoại xâm, Nhân dân có chung một kẻ thù, một nhiệm vụ là cùng đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Khi hòa bình xây dựng đất nước, Nhân dân có chung một nhiệm vụ kiến quốc bảo vệ xây dựng giang sơn gấm vóc ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng lãnh đạo Nhân dân làm cách mạng, nhưng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân đông đảo. Người nhắc nhở, công tác dân vận của Đảng phải tìm mọi cách giải thích cho từng người dân hiểu rõ, việc mình làm là vì lợi ích của chính họ, nên họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Người cũng chỉ rõ làm bất cứ việc gì cũng phải bàn với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành. Đảng phải lãnh đạo để Nhân dân đứng lên đấu tranh tự giải phóng và xây dựng xã hội mới do mình làm chủ. Sự nghiệp ấy chỉ có thể được thực hiện bằng sức mạnh của Nhân dân. Nhân dân mới chính là người sáng tạo ra lịch sử, là chủ thể của lịch sử, là người làm nên lịch sử. Theo Người, cá nhân dù có tài giỏi mấy cũng không thay thế được Nhân dân. Trong những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng về sức mạnh của Nhân dân là một cống hiến đặc sắc, có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn rất quan trọng, lâu dài.
Thực hiện theo tư tưởng của Người trong suốt các giai đoạn lịch sử của cách mạng nước ta, Nhân dân luôn được đặt ở vị trí là chủ của đất nước. Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định điều này: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Trước tác động của bối cảnh hiện nay, cần có sự đổi mới, tiếp tục hoàn thiện mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, trước hết thể hiện ở mấy khía cạnh như:
Một là, tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với điều kiện mới theo định hướng tạo lập điều kiện và môi trường thuận lợi hơn để bộ máy nhà nước năng động, sáng tạo, làm đúng, làm đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không dựa dẫm, ỷ lại. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát quyền lực nhà nước để kịp thời phòng, chống sự thao túng quyền lực của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức đảng.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân thực sự là một Nhà nước dân chủ, pháp quyền, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Tiếp tục nâng cao nhận thức, thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước nhằm hình thành một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng một Quốc hội mạnh và thực quyền về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước; một Chính phủ năng động, liêm chính, kiến tạo, hành động vì người dân và doanh nghiệp, quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả; một nền tư pháp vì công lý, vì quyền con người, quyền công dân.
Ba là, Đảng và Nhà nước phải thực sự tạo điều kiện và môi trường để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng các chủ trương, chính sách, pháp luật cởi mở, thân thiện, dễ dàng. Trong đó sớm xây dựng và hoàn thiện các đạo luật về các quyền làm chủ trực tiếp của công dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội nâng cao nhận thức, thực hiện mạnh mẽ, thực chất chức năng giám sát và phản biện xã hội, coi đó là phương tiện của những tổ chức đại diện Nhân dân kiểm soát trước và sau đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, tiếp tục tuyên truyền để Nhân dân hiểu về đường lối, chủ trương của Đảng, hiểu về vai trò làm chủ của Nhân dân đối với các công việc của đất nước, từ đó chủ động, tự giác tham gia, đóng góp vào công việc chung./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét