Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và sự vận dụng trong giai đoạn hiện nay

Bức tranh tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”Ngay khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn (23-9-1945), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn một cuộc chiến tranh xảy ra. Song mọi cố gắng, nỗ lực của phía Việt Nam đã bị dã tâm xâm lược của thực dân Pháp chối bỏ. Trước tình thế đó, ngày 12-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra bản Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Bản chỉ thị nêu rõ: Mục đích cuộc kháng chiến là giành độc lập và thống nhất Tổ quốc; tính chất: Trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến; các chính sách của cuộc kháng chiến là đoàn kết toàn dân, xây dựng thực lực về mọi mặt để chống thực dân Pháp. Tiếp đó, nhằm chống lại những hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, ngày 19-12-1946, thay mặt Đảng, Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm sắt đá: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

 

Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn được huy động ở mức cao nhất trong phối hợp tiến công trên các hướng chiến lược để căng kéo quân địch, buộc chúng phải phân tán ra các chiến trường theo ý định của ta. Quân và dân ta ở khắp các địa phương trong cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu III, Tả ngạn, đến Bình - Trị - Thiên, Liên khu V, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó. Tại Liên khu III, ta tăng cường tiến công tập kích Đường 5 - tuyến đường vận tải chiến lược của địch từ Hải Phòng về Hà Nội; đồng thời, liên tiếp tập kích các sân bay Gia Lâm và Cát Bi để phá tuyến vận tải đường không của địch chi viện cho Điện Biên Phủ. Ở chiến trường Nam Bộ, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo dốc toàn lực đẩy nhanh nhịp độ tiến công để phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các đơn vị chủ lực của các khu và các tỉnh đã kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công vào vùng địch hậu các tỉnh: Thủ Biên, Long Châu Sa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu. Bằng nhiều hình thức, như phục kích, tập kích, công đồn, các lực lượng vũ trang Nam Bộ đã diệt nhiều sinh lực địch, phá nhiều đồn bốt. Trong cả nước, nhân dân từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến nông thôn liên tiếp mở nhiều cuộc đấu tranh, vùng lên diệt ác, phá tề, giành quyền làm chủ. Các lực lượng thanh niên, phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, từ vùng núi đến đồng bằng tích cực tham gia đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian. Qua đó, ta đã phân tán một bộ phận quan trọng lực lượng địch, buộc chúng phải căng sức đối phó, bị giam chân ở nhiều chiến trường. Đây là những hoạt động phối hợp kịp thời của cả nước có tác động tích cực tới chiến trường Điện Biên Phủ.

Theo phương hướng đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng cũng như nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.

 

Trong tình hình mới hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng, một dân tộc đã đoàn kết một lòng, đứng lên đem hết “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để giữ vững nền độc lập và “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa - “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử” trong thế kỷ XX, sẽ tiếp tục phát huy cao độ tinh thần Điện Biên Phủ, “nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm, làm nên một “Điện Biên Phủ” mới trong sự nghiệp đổi mới”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa./.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét