Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Sao còn vấn vương tấm áo lỗi thời?

Ngót nửa thế kỷ từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, song những luồng tư tưởng gợi lại tàn tích chiến tranh, kích động hận thù vẫn ẩn hiện đâu đó trong đời sống của các cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Điều đó đòi hỏi thế hệ ngày nay càng phải thể hiện trách nhiệm lớn hơn nữa trong việc phản đối những gì đi ngược lại với chính sách hòa hợp dân tộc mà Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện.

Lâu nay, một số cá nhân bất mãn và tổ chức, trong đó có các tổ phản động lưu vong ở nước ngoài, cùng các thế lực thù địch vẫn rắp tâm kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn, mà một trong số đó là tổ chức mua bán, sưu tầm và mang mặc các trang phục từ thời ngụy quân, ngụy quyền.

Cùng với đó là ảo vọng muốn thông qua trang phục, âm nhạc hay các hoạt động nghệ thuật để làm sống lại những giá trị đã lỗi thời và đã bị đào thải của chính quyền tay sai bán nước ở Sài Gòn trước năm 1975. Suy cho cùng, đó không đơn thuần là những hành vi mà thoạt nhìn đã thấy lố bịch, phản cảm.

Nhưng cũng không loại trừ khả năng họ chính là nạn nhân xúi giục của những kẻ luôn mang trong mình lòng hận thù, tư tưởng bất mãn, hoặc các tổ chức phản động lưu vong có tư tưởng thù địch với Việt Nam, muốn dựa vào những tàn tích quá khứ để bóp méo lịch sử, kích động hận thù, phá hoại chủ trương “hòa hợp dân tộc”, “khép lại quá khứ, mở ra tương lai” và chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.

Thời gian gần đây, việc mang mặc những trang phục như vậy thường bị dư luận nhận diện và phản đối một cách hết sức nhanh chóng, quyết liệt. Mừng vì điều đó càng chứng tỏ người Việt Nam ta ở trong nước cũng như nước ngoài giờ đây đều có chung quan điểm, đó là không thể cổ xúy những gì đã trở thành vô giá trị, những gì gợi lại quá khứ đau thương của dân tộc. Vẫn biết hòa hợp dân tộc là một quá trình lâu dài, bền bỉ, nhưng sẽ khó đi đến đích nếu chưa thoát khỏi chiếc áo nhuốm máu đồng bào, nhuốm màu thù hận, mặc cảm và định kiến.

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều người trong số những kiều bào trẻ đang đóng vai trò nòng cốt, có sức ảnh hưởng lớn trong việc tập hợp, đoàn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước, đồng thời là những nhân tố quan trọng trong triển khai chính sách hòa hợp dân tộc và tác động lớn đến nhận thức, thái độ của cộng đồng nơi họ đang sinh sống.

Qua đó cho thấy, trong quá trình triển khai chính sách hòa hợp dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, nhất là người trẻ ở hải ngoại. Chính họ cũng là những người có tiếng nói trọng lượng nhất để phản bác quan điểm đòi “phục dựng” một chế độ đã “cáo chung” từ nhiều năm trước, từ đó tiếp tục hàn gắn vết thương chiến tranh và giúp cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài toàn tâm toàn ý đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước./.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét