Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Cẩn trọng khi tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội

 

Bên cạnh những mặt tích cực, các hội, nhóm trên mạng xã hội (MXH) cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hại như lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân để sử dụng vào mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân, gia đình...

Có rất nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội, tùy thuộc vào sở thích, nhu cầu, lĩnh vực quan tâm của mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những hội, nhóm tích cực cũng còn nhiều hội, nhóm tiêu cực, như: “Hội trốn nợ”, “Hội những người thất tình”, “Hội những người muốn tự tử”, “Hội buôn bán nội tạng”...

Nếu người tham gia không tỉnh táo, không biết cách tiếp cận, khai thác, xử lý thông tin thì rất dễ bị lôi kéo, có suy nghĩ, hành động tiêu cực, lệch lạc. Ngoài ra, một số nhóm còn yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân thì mới được tham gia. Nếu không cẩn thận tìm hiểu kỹ, người dùng đã vô tình cung cấp thông tin cho các đối tượng xấu khai thác, lợi dụng. Các chiêu trò thường thấy là đánh cắp tài khoản Facebook, Zalo để nhắn tin lừa đảo, vay mượn tiền, thậm chí đăng các thông tin xấu...

Mỗi cá nhân cần nắm vững và tuân thủ quy định khi sử dụng internet, MXH; cần có kỹ năng an toàn để hạn chế tối đa những rủi ro. Chỉ huy các đơn vị cần thường xuyên làm tốt công tác quán triệt, quản lý quân nhân trong sử dụng MXH.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn về lợi ích cũng như những nguy cơ tiềm ẩn của các trang mạng, hội, nhóm trên MXH; quy định và phổ biến những thông tin được chia sẻ, nội dung, trang MXH cấm chia sẻ. Tăng cường nắm, quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân, trên cơ sở đó phân loại quan hệ, gặp gỡ trao đổi và định hướng tư tưởng, hành vi của quân nhân.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy, các tổ chức của đơn vị trong bồi dưỡng phương pháp khai thác, xử lý thông tin, tăng cường công tác quản lý, theo dõi tài khoản, hoạt động của các quân nhân khi tham gia MXH. Đẩy mạnh tuyên truyền các thông tư, chỉ thị của Bộ Quốc phòng về quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng, công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự...

Thiếu tá Lê Vĩnh Phúc, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Pháo phòng không 226 (Quân khu 9) cho biết: “Trước các chiêu trò, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp trên không gian mạng, thời gian qua, chỉ huy đơn vị đã tăng cường công tác quản lý nhằm hạn chế tác động xấu đối với quân nhân sử dụng internet, các trang mạng, hội, nhóm. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức quán triệt, giáo dục cho quân nhân các chỉ thị, thông tư, quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể đơn vị”.

Theo Đại úy Ngô Văn Khanh, Trợ lý Ban Bảo vệ an ninh, Phòng Chính trị Sư đoàn 8 (Quân khu 9), khi sử dụng internet và MXH, quân nhân cần ghi nhớ 8 hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 7 Thông tư số 110/2014/TT-BQP ngày 22-8-2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet trong Quân đội nhân dân Việt Nam, gồm: Cung cấp, trao đổi thông tin có nội dung thuộc lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, quốc phòng qua internet; tạo lập và cung cấp thông tin cá nhân với tư cách quân nhân lên các trang thông tin điện tử, các MXH; truy cập các trang thông tin điện tử mạo danh, phản động, có nội dung không lành mạnh; kết nối internet với mạng truyền số liệu quân sự, mạng nội bộ của cơ quan, đơn vị; sử dụng máy tính có kết nối internet hoặc các thiết bị có khả năng kết nối internet (điện thoại thông minh, máy tính bảng) kết nối với mạng truyền số liệu quân sự, mạng nội bộ của cơ quan, đơn vị; truy cập internet qua kết nối không dây trong khu vực sở chỉ huy của cơ quan, đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch; lưu trữ, soạn thảo các tài liệu quân sự trên máy tính kết nối internet, các thiết bị có khả năng kết nối internet; sử dụng chung thiết bị lưu trữ giữa máy tính kết nối internet và máy tính kết nối mạng truyền số liệu quân sự, mạng nội bộ của cơ quan, đơn vị khi chưa có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin.

Đại úy Ngô Văn Khanh cho biết thêm: “Quân nhân cần chú ý không tham gia các hội, nhóm và hoạt động hội, nhóm không rõ nguồn gốc trên MXH. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 41 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nếu quân nhân vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng cấp bậc quân hàm đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc: Sử dụng các trang thông tin điện tử, các MXH để thực hiện hành vi đăng tải, tán phát, bình luận, chia sẻ những thông tin trái quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật quân sự; tin có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, xúc phạm danh dự cá nhân, uy tín tổ chức làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quân nhân, đơn vị; tham gia các diễn đàn, nhóm liên quan đến tội phạm, tổ chức phản động, chống đối chính trị”

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét