Dường như những phẩm chất đó giúp ông vượt khó, trở thành chuyên gia đầu ngành về chấn thương chỉnh hình, mang lại hy vọng, mở hướng tương lai cho biết bao người bệnh.

Đi qua nhiều đêm trắng

Sinh hoạt điều độ rất quan trọng cho sức khỏe, nhưng với nghề y, vì nhiệm vụ muốn cũng khó có thể làm theo. Tuổi trẻ của bác sĩ Hoàng đã đi qua nhiều đêm trắng. Hai năm tại chiến trường Campuchia (1987-1989), bác sĩ Hoàng ở độ tuổi hai mươi, thường thức để cấp cứu, đề phòng bất trắc. Khi đó, Quân đội ta đang giúp bạn truy quét tàn quân Khmer Đỏ nơi biên giới hoang vu. Những tên địch áo đen ẩn mình trong đêm, thường áp sát bệnh viện dã chiến, ném lựu đạn, xả súng rồi biến mất.

Bàn tay nối liền hy vọng

 Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng. Ảnh: TẤT SƠN

Ban ngày lại là một cuộc chiến khác. Nước không đủ để rửa mặt, lương thực thiếu thốn, xa nơi dân ở, lối đi nào cũng bị cài đầy mìn. Có ngày bác sĩ Hoàng phải phẫu thuật cho hàng chục thương binh. Nói là phẫu thuật cho đúng chuyên môn, thực tế khốc liệt là phải cắt cụt chi thể bị giập nát. Phòng mổ thô sơ không có nước rửa tay, không có đèn mổ và không đủ dụng cụ, bông băng gạc vô trùng. Quần áo của vị bác sĩ trẻ thấm đẫm máu đồng đội; mệt mỏi và căng thẳng đến nỗi cơm chẳng muốn ăn mà chỉ thèm một giấc ngủ.

Kể chuyện chiến trường K, giọng điệu của ông không thay đổi, gương mặt không biến sắc, chỉ chậm rãi đi vào chi tiết... Nghề y, nhất là ngoại khoa, những ám ảnh vết thương đầm đìa máu tươi, xương khớp lộ ra ngoài phải xem là bình thường nếu còn muốn làm nghề. Thực tế ở chiến trường để lại nhiều kinh nghiệm quý giá, nuôi dưỡng trong ông ước mơ cứu chữa cho bộ đội và nhân dân chẳng may mất đi một phần thân thể.

Từ chiến trường trở về, ông lao vào học tập và nghiên cứu chuyên ngành chấn thương chỉnh hình. Lại nhiều đêm trắng trôi qua, cố học để thành tài. Ông sử dụng được 4 ngoại ngữ. Ngoài tiếng Nga mài giũa ở lớp chuyên ngữ thời học phổ thông, ông còn “cày” thêm tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Có ngoại ngữ, mà giới nghiên cứu gọi đùa là “có chữ”, mới có thể tiếp cận được các tài liệu để tìm hiểu, học hỏi những thành tựu y học tiên tiến; đặc biệt là nền y học Đức, được xem là số 1 trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình.

Đầu thập niên 1990, Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu không còn, nước ta chưa thoát khỏi cấm vận, du học bằng học bổng chính phủ nước ngoài cấp là vô cùng khó khăn. Cơ duyên đến với bác sĩ Hoàng khi Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cấp hai suất học bổng làm nghiên cứu sinh. Ông thi đỗ, đặt chân đến nước Đức học tập năm 1994. Nhẩm tính qua nhiều đợt, ông gắn bó với nước Đức gần 10 năm.

Điều mà ông tâm đắc không chỉ là học tập kiến thức chuyên ngành mà chính là phương pháp tư duy, tầm nhìn và ý thức luôn đổi mới, sáng tạo. Ông lấy ví dụ, bản thân ông khi chưa được học và hành nghề ở nước ngoài, việc điều trị luôn làm theo lối mòn, không có tư duy phản biện. Có những tổn thương điều trị kéo dài cả năm không khỏi nhưng nhờ tìm ra hướng điều trị mới và phù hợp thì chỉ hai tuần là bệnh nhân đã tương đối bình thường. Vậy là mỗi ca bệnh sẽ có một cách xử lý phù hợp; kiến thức nền cơ bản vững vàng chính là chìa khóa giúp bác sĩ có được phương pháp điều trị riêng biệt với kết quả tối ưu theo hướng cá thể hóa.

May mắn cho bác sĩ Hoàng là được học tập dưới sự hướng dẫn của GS, TSKH E. Biemer, Chủ tịch Hội Vi phẫu thuật tạo hình Cộng hòa Liên bang Đức, giúp ông có hướng nghiên cứu và thực hành chuyên sâu về vi phẫu thuật, phức tạp và tinh tế, đòi hỏi lòng kiên nhẫn và đôi tay khéo léo. Năm 2008, bác sĩ Hoàng là một trong 5 phẫu thuật viên chính thực hiện ca mổ có một không hai trên thế giới tại Bệnh viện Ngoại khoa Rechts der Isar ở Munich (Đức). Đó là ca phẫu thuật ghép đồng thời hai cánh tay đồng loại đầu tiên trên thế giới cho bệnh nhân bị cụt cả hai cánh tay từ 5 năm trước đó.

Từ chối lời mời ở lại Đức làm việc, bác sĩ Hoàng về nước với mong muốn giúp đỡ bệnh nhân bị tật nguyền ở cơ quan vận động, mà đặc biệt là bị cụt chi thể. Nhưng việc tìm được người cho chết não đồng ý hiến chi thể là quá khó khăn do những quan niệm vẫn còn nặng nề trong xã hội.

Thế rồi, trong thời điểm Xuân Canh Tý (2020) sắp đến, một bệnh nhân nam nhập viện trong tình trạng bong lóc giằng dật rất nặng từ sát nách cho đến vùng khuỷu tay. Phần cánh tay buộc phải cắt bỏ do bị tổn thương quá nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng; tuy nhiên phần cẳng tay vẫn còn nguyên lành.

Một quyết định cân não là có thể dùng phần bàn tay để ghép cho bệnh nhân cụt tay khác hay không? Với quyết tâm cao của tập thể Ban giám đốc Bệnh viện và điểm tựa là kinh nghiệm hàng chục năm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về trồng lại chi thể đứt rời, vi phẫu thuật tạo hình mạch máu thần kinh, GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng đã nói với đồng nghiệp: “Nếu không ghép lúc này thì sẽ không bao giờ làm được!”.

Theo bác sĩ Hoàng, ghép chi thể là loại ghép đa cấu trúc gồm rất nhiều thành phần khác nhau như: Da, mỡ dưới da, gân, xương, khớp, dịch khớp, mạch máu, thần kinh... nên tiềm ẩn nguy cơ thải ghép rất cao vì có nhiều dạng kháng nguyên phức tạp cùng tồn tại trong một tạng ghép. Việc điều trị thải ghép sau mổ cũng khó khăn hơn so với các ca ghép tạng đơn thuần khác. Lại là những đêm mất ngủ với ông để chuẩn bị cho ca ghép chưa từng có tiền lệ. Trong suốt gần 7 giờ căng thẳng vừa lấy chi thể người hiến, vừa tiến hành đánh giá và ghép phục hồi cho người bệnh bị cụt tay, kíp mổ gồm hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng đã phối hợp nhịp nhàng để ca mổ thành công rực rỡ.

Ngay sau mổ, bệnh nhân đã có thể nhúc nhích các ngón tay; hơn 3 tháng sau, bệnh nhân giữ được một số đồ vật thô như quả bóng bàn; sau hơn một năm đã có thể cầm bút viết và thực hiện được nhiều hoạt động thông thường. Thành công của ca ghép mở ra hướng điều trị mới vì không chỉ là ghép chi thể từ người hiến chết não mà còn có thể ghép từ những người cho sống tùy theo những tình huống cụ thể.

Yêu nghề, nghề không phụ

Nhìn lại quá khứ, GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng cảm thấy mình là một người may mắn. Thường thì nghề chọn người, chứ ít khi ngược lại; song từ khi còn nhỏ, cậu bé Hoàng đã mong muốn trở thành một thầy thuốc giỏi.

Cả ông bà nội và ông bà ngoại của bác sĩ Hoàng đều là những người làm nghề thuốc đông y; còn thân phụ của ông là Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thế Trang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 105. Thời thơ ấu, cậu bé Hoàng không được gần gũi với người cha đi chiến trường biền biệt; nhưng hình ảnh về người cha là bác sĩ quân y luôn hiện hữu, trở thành tấm gương để ông nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện. Là học sinh giỏi của trường chuyên, ông được nhiều trường Quân đội “chấm” vào học. Theo lời khuyên của cha, ông quyết định theo học ở Học viện Quân y mong nối nghiệp nhà.

Bàn tay nối liền hy vọng
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hoàng (bên trái) hướng dẫn bệnh nhân cách vận động hồi phục bàn tay sau khi ghép. Ảnh: TẤT SƠN 

Trong thành công của ông, phải kể đến hậu phương-người vợ đảm đang, là một Đại tá quân y, Thầy thuốc Ưu tú. Thời điểm ông đi du học, vợ ông vừa mới sinh con, bao vất vả bà phải tự khắc phục. Cô con gái duy nhất đã lựa chọn trở thành bác sĩ, dù biết rằng sẽ phải trải qua nhiều đêm trắng như bố mẹ mình. Khi kể về đời tư, bác sĩ Hoàng thoải mái hơn cả, ông cười nhiều, thể hiện niềm hạnh phúc và tự hào khi 4 thế hệ gia đình nối tiếp nhau theo nghề y cao quý.

Nhưng khi nói về những câu chuyện trong ngành y hiện nay, bác sĩ Hoàng lại thoáng đăm chiêu. Ông tin tưởng đội ngũ bác sĩ trẻ ngày càng tiến xa hơn. Tuy nhiên, ông băn khoăn, lo lắng khi số lượng bác sĩ trẻ hết lòng vì sự nghiệp y khoa cao quý, toàn tâm toàn ý trong nghiên cứu khoa học để chiếm lĩnh những đỉnh cao chưa nhiều. Cuộc sống kinh tế thực dụng và sản xuất “hàng giả” để có được những ảo ảnh “hào quang” trong nghiên cứu khoa học vẫn còn đang nhức nhối. Theo ông, điều này thực sự là rất đáng báo động vì có thể gây hại trực tiếp đến tính mạng người bệnh nói riêng cũng như cả văn hóa và đạo đức nghiên cứu khoa học nói chung.

Ông cho rằng, để tạo đà cho nghiên cứu y học ở Việt Nam phát triển, nhanh chóng hội nhập với thế giới thì những thủ tục hành chính quá rườm rà và thiếu tính cập nhật trong việc đề xuất, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu cần tiếp tục được cải tiến và tinh giản một cách phù hợp. Theo ông, những mô hình và cách thức tiến hành đề tài nghiên cứu y học ở các nước tiên tiến có thể là những ví dụ tốt mà chúng ta nên tham khảo, học hỏi.

Từ kinh nghiệm của bản thân, bác sĩ Hoàng cho rằng hãy làm việc tận tụy, cống hiến cho nghề nghiệp. Khi làm nghề vì đam mê và dâng hiến thì nghề cũng sẽ không phụ mình. Làm việc vì lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích người bệnh thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Đó là điều ấn tượng đọng lại với chúng tôi không chỉ về một vị tướng mà còn về phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ của bác sĩ quân y Nguyễn Thế Hoàng đáng kính. 

* Thiếu tướng, GS, TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng sinh năm 1965, quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1987. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y học năm 1997 và luận án Tiến sĩ khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Munich năm 2008 với đề tài “Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào với cấu trúc không gian 3 chiều trong một vạt tổ chức ngẫu nhiên được tân tạo tuần hoàn sau cấy cuống mạch”. Ông được phong học hàm PGS của Việt Nam năm 2006 và PGS của Trường Đại học Tổng hợp Munich năm 2009. Năm 2018, ông nhận học hàm GS. 

* Ông là tác giả chính của hơn 100 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học; chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ. Năm 2012, ông nhận giải thưởng khoa học danh giá Friedrich Wilhelm Bessel của quỹ hàn lâm khoa học Đức Alexander von Humboldt dành cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có tính đột phá khoa học.