Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

KHÔNG THỂ ĐÁNH ĐỒNG HOẠT ĐỘNG MÊ TÍN DỊ ĐOAN VÀ HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG!

     Những thành tựu của KHCN đã và đang mang đến cho con người những lợi ích vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống tinh thần. Nếu như trước đây, đứng trước những khó khăn, biến cố của cuộc sống mà với trình độ hiện có con người không thể lý giải được thì hầu hết họ đều tìm đến sự che chở, giúp đỡ của các thế lực siêu hình như thần linh, thượng đế. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của KHCN những hiện tượng được cho là siêu nhiên, thần bí trước đây dần dần đã được lý giải. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận sự đa dạng, phong phú mà hoạt động tín ngưỡng đem lại trong đời sống tinh thần của con người.
Các Mác đã từng nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”; đó là một câu nói rất có giá trị khoa học. Thuốc phiện, nếu được sử dụng hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ, luôn là một liều thuốc quý; nhưng nếu sử dụng thái quá, lại trở thành độc dược đối với con người.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa IX của Đảng ta khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) quy định: “1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”.
Đây là những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tuy nhiên, một trong những trăn trở của không ít cán bộ, đảng viên hiện nay là tham gia đời sống tâm linh như thế nào cho phù hợp, để không vi phạm Điều 19 của Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm: “Mê tín, hoạt động mê tín, ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi”. Lợi dụng sự trăn trở này, mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động lại tiếp tục chống phá, xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta vi phạm quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân, ngăn cấm cán bộ, đảng viên tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Vậy thế nào là hoạt động tín ngưỡng? Nó khác gì với hoạt động mê tín dị đoan. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải nhìn nhận một cách đúng đắn. Theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, tại Khoản 1 Điều 2 định nghĩa như sau: “1. Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. 2. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội”.
Như vậy, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những hoạt động tín ngưỡng như thờ cúng ông bà tổ tiên, các lễ nghi dân gian,... gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Còn mê tín dị đoan, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể, nhưng chúng ta có thể hiểu mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khoẻ, thời gian, tài sản, tính mạng. Trong đời sống hiện này, mê tín dị đoan là hành động phổ biến có mặt khắp nơi trong cộng đồng. Mê tín dị đoan bao gồm những hoạt động như: bói toán, coi số mạng sang hèn, đồng bóng, tin vào bùa chú...
Cả hai hoạt động đều là những hành động thể hiện nhu cầu của đời sống tinh thần nhưng mê tín dị đoan lấy mục đích kím tiền, trục lợi là chính, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Có thể thấy, ranh giới giữa hoạt động tín ngưỡng và hoạt động mê tín, dị đoan rất mong manh. Do đó, người cán bộ, đảng viên cần đứng trên lập trường duy vật biện chứng, phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước để nhìn nhận một cách khách quan, khoa học. Kiên quyết chống lại các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân ta./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét