Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỀ CAO DẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

         Để tạo nên một tập thể đoàn kết và vững mạnh cần có sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

        Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy, đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Bởi có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước; có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ"; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt... Có thể nói, đạo đức cách mạng chính là cơ sở giúp đảng viên và cán bộ giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng Nhân dân.

        Muốn người dân nể phục và nghe theo, người cán bộ, đảng viên phải “thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Trước đó, trong cuốn sách “Cần Kiệm Liêm Chính” được Bác tập hợp lại ngày 20/6/1949, Bác đã đưa đầy đủ các nội hàm của “tứ đức”. Theo đó, cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai; kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi; liêm là trong sạch, không tham lam; chính nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn… Bác nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”; “Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.

        Câu cuối cùng ở phần nói về Đảng trong Di chúc, Bác căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhắc nhở rằng, trong học tập, lao động, công tác cũng như trong cuộc sống đời thường của từng người ở xã hội ta vào thời kỳ cách mạng nào cũng thế, nếu sự bất liêm, bất chính, lãng phí, tham ô, lười biếng, vô trách nhiệm, thu vén cá nhân, ích kỷ vì lợi ta hại người… còn lẩn khuất đâu đó thì đó chính là “kẻ thù nội xâm” nguy hiểm khôn lường. (Sưu tầm)

9.9 TT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét