Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

 BỘ ĐỘI "TRẮNG ĐÊM" ỨNG PHÓ VỚI BÃO SỐ 3

Trước khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có “đêm trắng” cùng cán bộ Trung tâm Quốc gia điều hành Tìm kiếm cứu nạn thuộc Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

1 giờ sáng 7-9, phòng trực ban Trung tâm Quốc gia điều hành Tìm kiếm cứu nạn vẫn sáng đèn. Bên trong, kíp trực đang tập trung theo dõi, phân tích cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại. Ngoài nhiệm vụ theo dõi bão, Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn còn có nhiệm vụ tổng hợp thông tin, từ đó tham mưu cho cấp trên tổ chức điều phối các hoạt động ứng phó nhằm giảm tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Trung tâm cho biết, dựa vào nhận định trực tiếp trên màn hình hiển thị về cơn bão cùng thông tin các đơn vị liên quan gửi tới hằng giờ có thể thấy dù có bị giảm năng lượng, hạ cấp khi ma sát với đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhưng khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão số 3 vẫn còn rất mạnh…

3 giờ sáng, bầu trời Thủ đô Hà Nội lúc này đã xuất hiện những vệt mây khổng lồ trắng đục, gió vần vũ, rít qua khe cửa và mưa bắt đầu xuất hiện. Đôi mắt của Đại tá Nguyễn Văn Thắng cùng Đại tá Phạm Hùng, Phó trưởng phòng Phòng chống thiên tai (Cục Cứu hộ-Cứu nạn Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) càng trở nên lo âu.

Anh Hùng giải thích: “Ở những địa phương được báo bị ảnh hưởng, thời tiết càng oi nóng, bầu trời quang mây, tĩnh mịch thì càng chứng tỏ là bão lớn. Đến thời điểm hiện tại, qua dự báo, bão số 3 đang cách đất liền Việt Nam hàng trăm kilômét nhưng tại sở chỉ huy Trung tâm mà bầu trời đã xuất hiện dấu hiệu của bão như vậy thì có thể thấy rằng vùng gió có tốc độ mạnh đang mở rộng rất nhanh”.

Đúng 5 giờ sáng, chuông điện thoại reo vang, Thượng tá Bùi Văn Hưởng nhấc máy. Đầu dây bên kia là kíp trực ban Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng yêu cầu Trung tâm cung cấp thông tin mới nhất về cơn bão.

“Theo thông tin Trung tâm nhận được lúc 4 giờ sáng, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc, 108,7 độ Kinh Đông trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ; vị trí tâm bão cách Móng Cái (Quảng Ninh) 180km về phía Đông Nam, cách trung tâm Quảng Ninh-Hải Phòng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 14 (từ 150 đến 166km/giờ) giật cấp 17. Dự kiến bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ từ 15 đến 20km/giờ. Dự kiến khoảng 14 giờ đến 16 giờ ngày 7-9, bão đổ bộ vào đến bờ biển, từ 12 đến 24 giờ tới vị trí tâm bão nằm trên đất liền Hải Phòng-Quảng Ninh, gió cấp 11, giật cấp 14”, Thượng tá Bùi Văn Hường thông tin.

Trong ngày 6-9 đến sáng 7-9, Thượng tá Bùi Văn Hường đảm nhiệm vị trí Trực ban trưởng chịu trách nhiệm soạn thảo báo cáo tổng hợp tình hình ngày, tuần theo quy định, trực tiếp thông qua nội dung báo cáo với đồng chí trực chỉ huy Trung tâm và hoàn chỉnh để báo cáo thủ trưởng Trực chỉ huy Cục Cứu hộ-Cứu nạn.

Còn Trung tá Đoàn Anh Tuấn, Trợ lý Phòng Ứng phó sự cố tràn dầu và hóa chất độc xạ đảm nhiệm vụ trí trực ban phó sẽ có trách nhiệm ghi chép nhật ký, đồng thời theo dõi, tổng hợp số liệu, tóm tắt vụ việc và cùng Trực ban trưởng nghiên cứu, đánh giá, xác định và đề xuất phương án xử lý khi có tình huống.

Kíp trực ngoài tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các đơn vị gửi về, còn phải theo dõi trên bản đồ gió để nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo cấp trên và thông tin cho các đơn vị chức năng để lập tức có phương án xử trí.

Gần 6 giờ sáng, chuông điện thoại tiếp tục reo. Sau khi nghe bộ phận trực ban tác chiến Quân khu 3 thông tin tình hình, Đại tá Nguyễn Văn Thắng đề nghị các lực lượng đang ứng trực tại khu vực “tuyến đầu” tiếp tục nắm và thông tin thường xuyên về lực lượng, phương tiện ứng phó bão, tìm kiếm cứu nạn.

“Yagi là cơn bão rất mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, diễn biến bão có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Việc dự báo tình hình liên tục, nhanh và chính xác sẽ giúp ích rất nhiều đối với công tác tham mưu, điều phối các hoạt động ứng phó bão nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân", Đại tá Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Hà Nội bắt đầu mưa lớn, sau một đêm thức trắng canh bão, đội ngũ cán bộ Trung tâm Quốc gia điều hành Tìm kiếm cứu nạn cùng phòng ban chuyên môn vẫn chưa ngơi nghỉ bởi công việc còn rất nhiều. Làm nhiệm vụ "chiến đấu trong thời bình", cùng với các lực lượng trực tiếp “đón” bão ngoài kia, trên vai các anh là trách nhiệm nắm bắt tình hình, điều phối các lực lượng ứng phó với bão một cách hiệu quả, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất, tất cả vì sự an toàn của nhân dân…/.

Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét