KHẮC PHỤC SỰ SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC Ở MỘT BỘ PHẬN CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, thậm chí nhức nhối trong đời sống tinh thần của nhân dân ta hiện nay. Để đẩy mạnh cuộc đấu tranh của Đảng và nhân dân ta chống căn bệnh đó, một trong những vấn đề hết sức quan trọng là cần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nhận dạng chính xác và có những giải pháp phù hợp. Mặc dù trong các bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa sử dụng từ "suy thoái hay "suy thoái đạo đức", song Người đã đề cập rất nhiều đến căn bệnh "hủ hóa" xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, mà nội hàm của nó nhiều điểm tương đồng với nội hàm khái niệm "suy thoái đạo đức".
Hơn nữa, khái niệm "hủ hóa" được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng với nội dung phong phú hơn, mang tính cụ thể hơn. Có khi Người dùng khái niệm "hủ hóa" để diễn tả sự biến đổi, sự tha hoá, sự suy giảm về cốt cách của một dân tộc trên cả lĩnh vực đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Hồ Chí Minh viết: "Chế độ thực dân… đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta…", chúng "hủ hóa chúng ta về vật chất, về sinh hoạt, văn hóa, chính trị". Có khi Người dùng khái niệm "hủ hóa" để chỉ sự tha hóa về nhân cách, sự trở thành lạc hậu lỗi thời, trở thành cản trở… của con người. Người viết rằng, "mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra". Có khi Người dùng khái niệm "hủ hóa" để phản ánh sự biến đổi, sự suy giảm và trở thành xấu xa về mặt đạo đức của những con người mà "tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì"; hoặc do "ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hóa… Dần dần họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng…". Cũng có khi Người dùng khái niệm "hủ hóa" chỉ để biểu đạt một "bệnh", một biểu hiện của sự biến đổi, sự suy giảm về một mặt nào đó trong lối sống của con người, của cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, theo Người, bệnh hủ hóa là "Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ", là "tham ô", "lãng phí", "quan liêu"… mà về thực chất, đó là những biểu hiện khác nhau về sự suy thoái đạo đức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cần phải có thái độ đúng đắn, nghiêm túc và giải quyết hợp tình, hợp lý đối với những người mắc bệnh hủ hóa, suy thoái đạo đức. Người cho rằng: "Tệ nhất là trong hàng ngũ cán bộ có một số ít đã tham ô, hủ hóa… Cán bộ nào mà tham ô, hủ hóa là có tội to với Đảng và Chính phủ, có tội to với nhân dân và có tội to cả với anh chị em cán bộ khác". Họ làm hại danh dự của Đảng, của Chính phủ, của tất cả các cán bộ. Vì vậy, Đảng phải có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí mắc bệnh hủ hóa, phải "luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài". Người khẳng định: "Đối với tệ tham ô hủ hóa, Lênin rất nghiêm khắc. Có một lần, tòa án Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, Lênin liền viết trong một bức thư: "không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế, là một việc xấu hổ cho những người cộng sản, những người cách mạng…". Chính vì vậy, theo Người, ai đã mắc bệnh hủ hóa thì phải hết sức kiên quyết sửa chữa, nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung. Người còn cho rằng: "Trong mỗi giai đoạn, cần phải luôn luôn cất nhắc những người hăng hái trong giai đoạn đó, để thay thế cho những người cũ bị đào thải hoặc vì tài không xứng chức, hoặc hủ hóa". Thực tế cho thấy, tuy lấy giáo dục làm chính, nhưng Hồ Chí Minh đã từng phải sử dụng những hình phạt rất nặng, thậm chí cả hình phạt cao nhất đối với cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội khi họ suy thoái, hủ hóa đến mức phạm tội ác đáng bị trừng trị.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hủ hóa, suy thoái của con người, của cán bộ, đảng viên. Trong đó có một số nguyên nhân chính là do ảnh hưởng xấu của xã hội cũ để lại; do mặt trái trong tính phức tạp của cuộc sống, nhất là ở thành thị có nhiều sự quyến rũ làm cho người ta mê muội hủ hóa, suy thoái; do chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn, nhất là tăng cường xâm lược ta về văn hóa; do tổ chức, cơ quan thiếu kiểm tra, thiếu phê bình và tự phê bình; do cán bộ đảng viên chưa được huấn luyện hẳn hoi, kém tính đảng, lý luận, tư tưởng chính trị còn thấp; do cá nhân thiếu đạo đức cách mạng, mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân…
Trên cơ sở làm rõ nguyên nhân, Người đã chỉ ra những "thang thuốc" tương ứng đề phòng, chống bệnh hủ hóa, suy thoái. Đó là: tăng cường giáo dục nhân dân, nâng cao dân trí; mở rộng dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân; tăng cường công tác kiểm tra; nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động chống lại các âm mưu thâm độc của kẻ thù. Theo Người, nếu thiếu những điều đó thì con người dù làm bất cứ việc gì, ở bất cứ ngành nào cũng dễ bị suy thoái, hủ hóa. Người viết: "Những kẻ hủ hóa là vì thiếu đạo đức cách mạng, đồng thời vì các cơ quan thiếu kiểm tra, thiếu phê bình và tự phê bình. Thiếu những điều đó thì bất kỳ làm công tác gì cũng dễ hủ hóa", suy thoái.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khả năng bị suy thoái, hủ hóa về đạo đức ở các chủ thể là một khả năng hiện thực, điều đó không loại trừ bất cứ một ai, dù người đó là nam hay nữ, dù đang là người dân bình thường hay là cán bộ các cấp, kể cả cán bộ cao cấp. Theo Người, ai cũng có cái "thiện", cái "ác" trong lòng, ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, không thể "hoàn toàn tránh khỏi sai lầm khuyết điểm" và thậm chí bị suy thoái hủ hóa nếu không cố gắng rèn luyện tu dưỡng. Một trong sáu vấn đề cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Người đề xuất tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ (03-9-1945) là vấn đề chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta, nhân dân ta, nên chúng ta phải "mở một cuộc chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân" để khắc phục những hậu quả xấu đó. Người cũng cảnh báo: "Cán bộ ta nhiều người "cúc cung tận tụy", hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hoá, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể". Ngày 17-10-1945, trong "Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng", Người viết: "Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề". Trong bài "Tình hình và nhiệm vụ (Báo cáo tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II), Người tiếp tục khẳng định, "bệnh quan liêu, hủ hóa, tham ô, lãng phí khá nặng" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Người đã đề xuất 1 trong 4 nhiệm vụ trước mắt là phải "chỉnh Đảng". Người còn chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm hiện có trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một trong những khuyết điểm đó là, "nạn tham ô, hủ hoá khá nặng" ở nhiều cán bộ đảng viên. Người nhắc đến việc phòng chống bệnh hủ hóa, suy thoái ngay cả trong dịp chúc mừng năm mới: để làm được những việc của cách mạng "chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi, chúng ta phải chống hủ hóa, tham ô, lãng phí…".
Tuy cho rằng bệnh hủ hóa, suy thoái đạo đức ở một bộ phận, cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng rằng có thể khắc phục, gột rửa được bệnh hủ hoá và tránh khỏi hủ hóa, suy thoái. Tuy khả năng bị hủ hóa, suy thoái ở các chủ thể là một khả năng hiện thực, nhưng nó có trở thành hiện thực hay không và nếu đã trở thành hiện thực thì có khắc phục được hay không còn lệ thuộc vào nhiều nhân tố, mà trực tiếp là nhân tố chủ quan của con người, của các tổ chức, nên đều có thể tẩy trừ, thậm chí miễn dịch với căn bệnh này. Trong Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, Người khẳng định: muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hoá, thì phải luôn thực hành 4 chữ: Cần, Kiệm, Liêm. Chính. Người còn chỉ rõ, trong xã hội mới, "ai cũng có thể vươn tới đỉnh cao của đạo đức cách mạng".
Việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về hiện tượng hủ hóa, suy thoái gắn với thực tiễn suy thoái đạo đức hiện nay ở một bộ phận cán bộ, đảng viên bước đầu gợi cho chúng ta rất nhiều việc cần quan tâm giải quyết trong tình hình hiện nay. Tuy mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động rất tiêu cực đến quá trình nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhưng nguyên nhân của sự suy thoái đạo đức ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay không chỉ do cơ chế thị trường gây nên, mà còn do nhiều nguyên nhân khác, đặc biệt là do sự thiếu tích cực tự tu dưỡng, rèn luyện. Mặt khác, cần thấy rằng khả năng suy thoái đạo đức ở một bộ phận cán bộ đảng viên là khả năng hiện thực; song, khả năng phòng chống sự suy thoái ấy ở cán bộ, đảng viên cũng là một khả năng hiện thực. Mỗi cán bộ, đảng viên đều có khả năng khắc phục, hoặc tránh được sự suy thoái về đạo đức. Việc nhận thức những vấn đề đó giúp chúng ta tránh được sự phiến diện trong đi tìm các giải pháp phòng, chống suy thoái đạo đức ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay./.
Nhân văn Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét