Nhân tố hàng đầu và cốt yếu nhất trong “thế trận lòng dân” là niềm tin
của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; vào sự trong sạch, vững mạnh của hệ
thống chính trị; vào chế độ chính trị-xã hội ưu việt; vào việc bảo đảm quyền và
lợi ích chính đáng, cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Thực tiễn lịch sử và cách mạng đã chứng minh: Mất niềm tin là mất tất cả. Vì
vậy, cần tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm
vụ cách mạng trong thời kỳ mới nói chung và nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai
trò của “thế trận lòng dân” trong bảo vệ Tổ quốc nói riêng.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực
lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản
lý của Nhà nước. Qua đó, củng cố niềm tin trong Đảng và niềm tin của nhân dân
đối với Đảng”. Đảng cần đổi mới phương thức lãnh đạo, tập hợp, vận động quần
chúng theo hướng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, huy động tối đa sức mạnh của
nhân dân vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, cần đặc biệt
chú trọng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ
cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, “dám nghĩ, dám nói, dám làm,
dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử
thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”, thật sự “trọng dân, gần
dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Xây
dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong sạch, vững mạnh, thực sự
của dân, do dân và vì dân; toàn bộ hoạt động của cả hệ thống chính trị phải đặt
quyền và lợi ích hợp pháp của dân lên hàng đầu; là biện pháp quan trọng nhất
nhằm phát huy cao độ vai trò, sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong sự
nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cần chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả
hoạt động của hệ thống chính trị các cấp theo hướng gần dân, chăm lo cho dân,
tạo sức mạnh và uy tín để củng cố niềm tin trong nhân dân. Tiếp tục đổi mới,
hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chế độ dân chủ XHCN trong tất cả lĩnh vực
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; quán triệt
và thực hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm “dân là gốc”, “dân là chủ”, bảo
đảm mọi việc, mọi lĩnh vực hoạt động: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ
trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có
hiệu quả trên thực tế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,
dân giám sát, dân thụ hưởng”. Các quyền con người, quyền tự do, bình đẳng của
công dân phải luôn được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ; nhân dân phải là chủ
thể đích thực và cao nhất của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, mọi
thiết chế quyền lực đều được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát, trước hết là của
nhân dân...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét