Bản án thích đáng cho những kẻ khủng bố tại Đắk Lắk
Ngày 16/01/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án khủng bố đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Một bản án thích đáng, đúng người, đúng tội đã được tuyên; được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên các thế lực thù địch, phản động vẫn không ngừng tuyên truyền kích động, xuyên tạc về bản chất của vụ án nhằm chống phá Việt Nam.
20 năm trôi qua, kể từ khi xảy ra vụ gây rối đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga” trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đã bình yên trở lại, đồng bào các dân tộc có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá, chúng luôn tìm mọi cách lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, đòi ly khai, tự trị… Sau khi tổ chức “Tin lành Đề Ga” bị xóa bỏ, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã liên tiếp “nhào nặn” những tổ chức tôn giáo trá hình để tiếp tục chống phá, điển hình như: “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam”, “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”… Số phản động lưu vong ở nước ngoài thường xuyên móc nối để thu thập thông tin liên quan chính trị, kinh tế, xã hội… của nước ta, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên - nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống để xuyên tạc, bóp méo sự thật, phát tán thông tin sai lệch trên các trang mạng xã hội, chúng “vẽ” ra viễn cảnh về việc sẽ được đưa ra nước ngoài tận hưởng cuộc sống giàu sang nhằm lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin đi theo, lập nên cái gọi là “Nhà nước Đề ga”.
Nằm trong âm mưu của các thế lực thù địch, vào rạng sáng ngày 11/6/2023, hàng chục đối tượng trang bị vũ khí đã chia thành 2 nhóm tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 chiến sỹ Công an và 2 cán bộ xã hy sinh; 3 người dân thiệt mạng; 2 chiến sỹ Công an xã bị trọng thương, làm Nhân dân cả nước và quốc tế hết sức phẫn nộ.
Từ những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, ngày 16/01/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 100 bị cáo bị truy tố về các tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Khủng bố”, “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” và “Che giấu tội phạm”.
Quá trình điều tra và xét xử, các đối tượng trên đều đã ăn năn, hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, thừa nhận do thiếu hiểu biết, do bị đe dọa nên đã tham gia hoạt động phạm tội. Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, thực hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, khoan hồng của pháp luật Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: 10 bị cáo với mức án chung thân về tội “Khủng bố”, 90 bị cáo còn lại bị tuyên phạt các mức án cao nhất đến 20 năm tù về các tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Khủng bố”, “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”, “Che giấu tội phạm”.
Phiên toà xét xử các bị cáo trong vụ khủng bố ở Đắk Lắk (Nguồn: cand.com.vn)
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng tuyên 92 bị cáo trong vụ án phải có trách nhiệm bồi thường dân sự đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về vật chất và tinh thần do vụ việc trên gây ra.
Vụ việc khủng bố xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã khép lại, các đối tượng tham gia khủng bố đã có hình phạt thích đáng; âm mưu, thủ đoạn và dã tâm của kẻ địch đã bị vạch trần. Tuy nhiên, sau vụ việc này, một bài học lớn được đưa ra, bài học của tinh thần đoàn kết, đề cao cảnh giác, tích cực đấu tranh phòng, chống âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, âm mưu gây chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; Bài học của sự chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Còn những hành động chống phá, man rợ của những kẻ khủng bố chắc chắn sẽ bị lên án, loại trừ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Điều đáng nói là các trang báo, đài phản động và một số đối tượng vẫn không ngừng rêu rao, viết bài nhân danh dân tộc, tôn giáo, nhân quyền với các luận điệu xuyên tạc, bôi đen sự thật khi cho rằng “vụ án này không phải khủng bố mà là sự phản kháng của người dân tộc thiểu số bản địa nhằm chống lại áp bức của chính quyền” cùng các luận điệu xảo trá “chính quyền Việt Nam sử dụng Quân đội và Công an để “chèn ép” người Thượng bản địa ở Tây Nguyên, không cho họ thực hành quyền tự do tôn giáo và tìm mọi cách để chiếm đoạt đất đai của họ”… Chúng bám vào đó để đưa ra những thông tin sai lệch, đưa ra những bình luận xuyên tạc, bóp méo sự thật, đẩy vấn đề sang một hướng khác, mục đích là làm cho người dân và những người thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, hoặc là những người còn mơ hồ mất cảnh giác, dễ nhận thức sai lầm.
Những luận điệu xuyên tạc của trang VOA về vụ khủng bố tại Đắk Lắk. Nguồn: ANTV
Trang BBC Tiếng Việt ngày 17/1 đăng bài “Thấy gì từ phiên tòa xét xử 100 người vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk?”, đưa nhiều thông tin sai sự thật, mang tính chụp mũ, suy diễn như: “Báo chí trong nước khi đưa tin phiên tòa đều gọi các bị cáo là khủng bố, tạo ra cái nhãn “có tội” cho tất cả những người này dù chưa hề có bản án có hiệu lực của tòa”! Các đối tượng tiếp tục vu cáo Việt Nam đàn áp người dân tộc thiểu số suốt nhiều thập kỷ qua và quy kết hành vi tấn công khủng bố là phản ứng từ sự dồn nén, phẫn uất quá lâu của người dân mà sự kiện ngày 11/6/2023 “tựa như một sự tức nước vỡ bờ”.
Đài VOA Tiếng Việt đưa tin phiên toà bằng việc dẫn lại nguồn tin của báo chí. Tuy nhiên, trang tin đã lồng ghép, xuyên tạc bản chất vụ việc vào nội dung bài báo như phủ nhận hành vi khủng bố và coi các hoạt động trên là sự “phản kháng áp bức”! Đồng thời, bài viết trích dẫn những nội dung sai trái khác nhắm vào miệt thị chính quyền, quy cho nguyên nhân vụ khủng bố là “họ đã bị đẩy đuổi đến bước đường cùng”.
Không chỉ đến khi xảy ra vụ việc các đối tượng tấn công khủng bố ở Đắk Lắk mà trước đó các kênh thông tin báo chí nước ngoài, các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong và trang mạng cá nhân của các đối tượng chống đối đã đưa nhiều thông tin sai sự thật, có các bình luận mang tính chụp mũ, suy diễn. Họ xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta khi nói rằng, giải pháp cho các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội ở Tây Nguyên đều lặp lại điệp khúc này từ khi đất nước thống nhất, ngày 30/4/1975.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng, những luận điệu trên là một chiêu trò, phương thức, hành vi nằm trong âm mưu thủ đoạn của các đối tượng phản động nhằm tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, tạo ngòi nổ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những khu vực khác hình thành nhiều “điểm nóng xung đột”, gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ hình thành các "điểm nóng" trong nước, các đối tượng kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ của Việt Nam và làm suy giảm uy tín của Việt Nam với quốc tế.
Do đó, những luận điệu cho là “phản kháng” của đồng bào có đạo hay không có đạo ở Tây Nguyên là một chiêu trò lố bịch và không đúng thực tế. Chỉ những ai đó bị dụ dỗ, lôi kéo hoặc là do tư tưởng bất mãn, thiếu nhận thức, mất cảnh giác thì mới nghe theo.
Đánh giá lại toàn bộ sự việc, ta có thể thấy bản chất của vụ việc chính là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong âm mưu, hoạt động của số phản động FULRO lưu vong nhằm thành lập “Nhà nước Đề ga”, gây ra bất ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Với các hành vi đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật của Việt Nam thì không một quốc gia, một đất nước có kỷ cương, luật pháp nào có thể chấp nhận các hành vi chống lại Nhà nước, chống lại Nhân dân.
Nhiều quốc gia đã lên án vụ khủng bố xảy ra ngày 11/6/2023 tại tỉnh Đắk Lắk và ủng hộ Việt Nam trong trong điều tra làm rõ vụ việc, xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân đứng đằng sau. Điển hình như, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định: “Sẽ sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Việt Nam bằng mọi cách cần thiết nhằm làm rõ sự việc và những kẻ đứng sau…”
Vì vậy, phiên toà xét xử 100 bị cáo trong vụ tấn công khủng bố ở Đắk Lắk ngày 11/6/2023 là tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nghĩa vụ theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế. Đồng thời trong quá trình điều tra vụ án, Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan trong hoạt động phòng, chống khủng bố. Đến nay, các đối tượng đều đã ăn năn, hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận do thiếu hiểu biết hoặc do bị đe doạ nên đã tham gia hoạt động phạm tội. Các đối tượng xin được Đảng, Nhà nước xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. Kết quả điều tra đã làm rõ được toàn bộ diễn biến sự việc và tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các đối tượng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện khách quan, công bằng, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bản chất của chiêu trò chính trị hóa vụ án hình sự phiên toà xét xử cho thấy rõ ý đồ đánh tráo bản chất nhằm chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Người dân cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không ngộ nhận trước chiêu trò ấy, không tin vào luận điệu xuyên tạc, suy diễn, quy chụp của những phần tử cực đoan, cơ hội chính trị; không tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Vì vậy, mỗi người dân có lòng yêu nước và có ý thức trách nhiệm, trước hết phải tôn trọng luật pháp. Bởi vì, luật pháp đảm bảo cho mọi người công bằng và bình đẳng. Không ai có quyền được thực hiện các hành vi chống lại Nhà nước, chống lại quốc gia dân tộc, chống lại chính quyền, tước bỏ sinh mạng của người công dân, phá hủy tài sản Nhà nước. Cho nên, không có gì để biện minh cho những hành động liều lĩnh, man rợ, vô nhân tính, bất chấp luật pháp của chúng và pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét