Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

BẢN LĨNH HỒ CHÍ MINH TRONG VIỆC THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 BẢN LĨNH HỒ CHÍ MINH TRONG VIỆC THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Quá trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin và tiếp nhận ở đó hệ thống lý luận về Đảng cộng sản, đông thời tỏ rõ bản lĩnh của một người có năng lực nhạy bén để tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng cũng có tư duy độc lập để vận dụng và phát triển sáng tạo chân lý đó vào điều kiện cụ thế của Việt Nam.
TỪ ÁNH SÁNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN
Vào lúc nhiều người trên thế giới còn ngưỡng vọng đến cách mạng tư sản, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy tính không triệt để của nó khi vẫn còn áp bức giai cấp và áp bức dân tộc. Người đến với Quốc tế III do V.I.Lenin sáng lập đơn giản là bởi Quốc tế III chủ trương giúp đỡ các dân tộc thuộc địa, còn Quốc tế II không hề nhắc đến vận mệnh của các dân tộc thuộc địa. Ở thời điểm lịch sử có nhiều ngã rẽ và các dân tộc thuộc địa còn bị trói buộc trong vòng tăm tối, nô dịch, việc tìm ra học thuyết Mác-Lênin - học thuyết khoa học nhất trong các học thuyết cách mạng và cách mạng nhất trong các học thuyết khoa học - thể hiện tầm nhìn và sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Từ sự dứt khoát về nhận thức, Nguyễn Ái Quốc đã có sự dứt khoát về hành động. Tháng 12-1920, tại Đại hội Tours (Pháp), khi bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế III, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam và là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Tin và đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp nhận ở đó học thuyết về Đảng cộng sản. Từ câu nói của V.I.Lenin, rằng "hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga lên", Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra sự cần thiết phải thành lập một chính đảng cộng sản ở Việt Nam. Như vậy, so với đường lối cứu nước của các bậc tiền bối, quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về sự cần thiết phải thành lập Đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam là hoàn toàn mới mẻ. Đây chính là tiền đề lý luận cho quyết định thành lập Đảng, Cộng sản Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ CÔNG PHU
Nếu K.Marx và F.Engels cho rằng sự ra đời của Đảng cộng sản là sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân, nếu V.I.Lenin cho rằng Đảng cộng sản ra đời là kết quả của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân thì Nguyễn Ái Quốc cho rằng trong sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cần sự xuất hiện của yếu tố thứ ba: Phong trào yêu nước. Nắm vững đặc điểm riêng của dân tộc Việt Nam-một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn và có số lượng công nhân ít ỏi, Nguyễn Ái Quốc truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ vào phong trào công nhân mà còn vào phong trào yêu nước với bộ phận rất quan trọng là lực lượng thanh niên, trí thức yêu nước. Nhờ kết hợp nhuần nhuyễn cái phổ biến với cái đặc thù trong quy luật ra đời của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã tạo cho Đảng Cộng sản Việt Nam truyền thống gắn bó chặt chẽ với dân tộc ngay từ thời khắc sinh thành.
Bản lĩnh chính trị của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự thận trọng hiếm có trong công tác tố chức. Dù hiểu rằng "phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi" nhưng khi về Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc không thành lập ngay Đảng Cộng sản Việt Nam mà lại thành lập tổ chức tiền thân của Đảng là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trong quan niệm của Người, Đảng Cộng sản-tổ chức chính trị cao nhất của giai cấp công nhân chỉ có thể ra đời và thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình khi phong trào công nhân đã đạt trình độ tự giác; khi đã có đội ngũ cán bộ đảng nhiệt huyết, có kinh nghiệm và gắn bó mật thiết với nhân dân; khi lãnh tụ của Đảng đã có một cương lĩnh chính trị khoa học, phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Xét vào thời điểm năm 1925, cả 3 điều kiện trên đều chưa thực sự đầy đủ nên Người đã kiên nhẫn thành lập ra tổ chức mang tính quá độ, vừa tầm với thực tiển phong trào để qua hoạt động của tố chức này, các điều kiện thành lập Đảng mau chóng chín muồi.
Cùng với sự chuẩn bị về tổ chức, tác phẩm "Đường Kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc với sự phác thảo con đường giải phóng dân tộc trên nét lớn đã chuẩn bị tiền đề tư tưởng, chính trị cho công tác thành lập Đảng. Vì thể, có thể xem trong lịch sử cách mạng Việt Nam, cuốn “Đường Kách mệnh” có vai trò như cuốn "Làm gì?" của V.I.Lenin đối với cách mạng Nga...
Nhờ hoạt động tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tư tưởng cộng sản ngày càng trở nên chiếm ưu thế ở Việt Nam. Đến cuối năm 1929, trong nước cùng lúc tồn tại 3 tổ chức cộng sản. Nguy cơ phân liệt lực lượng và đường lối giữa các tổ chức cộng sản đòi hỏi phải có một lãnh tụ đủ uy tín đứng ra làm nhiệm vụ quy tụ 3 tổ chức cộng sản làm một.
ĐẾN HỘI NGHỊ THÀNH LẬP ĐẢNG
Ở thời điểm lịch sử sôi động nhưng cũng không ít phần phức tạp, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tiến hành hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta tại Hương Cảng (Trung Quốc) vào mùa xuân năm 1930. Trong hội nghị mang tính chất đại hội thành lập, tư duy sáng tạo và tinh thần độc lập, tự chủ của Nguyễn Ái Quốc đã bộc lộ hết sức rõ nét.
Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải là Đảng Cộng sản Đông Dương như chủ trương của Quốc tế Cộng sản: "Là thành lập một đảng cách mạng có tính giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương.
Đảng đó phải chỉ có một và là tố chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương". Với quan điểm đảng cộng sản trước hết phải thuộc về từng dân tộc, phải được đặt trong phạm vi dân tộc để đường lối của Đảng phù hợp với điều kiện của dân tộc đó, Người đã hiện thực hóa quan điểm của V.I.Lenin về quyềr dân tộc tự quyết.
Thứ hai, kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc và với niềm tin mãnh liệt vào lòng yêu nước của những người cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị "bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương"; "định kế hoạch thực hiện việc thống nhất trong nước". Tức là, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời bằng cách hợp nhất trọn vẹn các tổ chức cộng sản dù rằng Quốc tế Cộng sản chủ trương việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương phải trải qua quá trình "thanh lọc" để lựa chọn ra những phần tử thực sự ưu tú, thực sự cộng sản nhất trong các nhóm cộng sản. Nếu làm theo chỉ dẫn của Quốc tế Cộng sản thì "có khi không thể cho ra đời được Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930" trong khi sự phân liệt giữa các tổ chức cộng sảr đang đặt ra yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng hợp nhất.
Thứ ba, với tinh thần độc lập, tự chủ, Nguyễn Ái Quốc đã soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta-một cương lĩnh giải phóng dân tộc nhuần nhuyễn quan điểm giai cấp, thâm đượm tinh thần dân tộc. Cụ thể là, trên cơ sở thấu hiểu đặc điểm của xã hội thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã xác định rõ: “Trong hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến thì chống đế quốc, giành độc lập dân tộc phải là nhiệm vụ hàng đầu. Quan điểm này có sự khác biệt lớn so với chủ trương "giai cấp đấu tranh giai cấp", đấu tranh không khoan nhượng và kiên định với giai cấp tư sản, địa chủ của Quốc tế Cộng sản. Bên cạnh đó, cùng với việc khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam theo đúng quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Người còn khẳng định tính dân tộc sâu sắc của Đảng thông qua cơ sở xã hội rộng rãi cũng như tính đại diện cho lợi ích dân tộc của Đảng. Trong Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ghi rõ: "Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng thời được vào Đảng". Như vậy, điều kiện để trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là thành phần xuất thân từ giai cấp công nhân mà là sự giác ngộ lý tưởng của giai cấp đó. Những quan điểm sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc đã hóa giải tính cô độc, biệt phái của Đảng Cộng sản Việt Nam cho dù giai cấp công nhân Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong xã hội. Điều đó đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam khắc phục căn bệnh ấu trĩ tả khuynh hết sức nguy hiểm mà V.L.Lenin từng cảnh báo trước đó. Dù có lúc quan điểm sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc bị quy kết là hữu khuynh, là "cơ hội chủ nghĩa", "chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh" nhưng lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn và tầm nhìn vượt trội của Người. Nhờ đó, một thời đại vẻ vang trong lịch sử dân tộc đã được mở ra./.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản
Tất cả cảm xúc:
2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét