“Khi đặt kế hoạch, phải nhìn xa thấy rộng”.
Tối ngày 19-01 cách đây 105 năm (1920), Nguyễn Ái Quốc đi cùng một đồng bào người Việt xem tại Nhà hát Nouveau Lirique ở Paris. Trong khi theo dõi sự kiện này viên mật thám đã phát hiện ý định của Nguyễn Ái Quốc đang viết một cuốn sách dự kiến mang tên là “Les Opprimés” (Những kẻ bị áp bức). Nguyễn Ái Quốc tỏ ra quyết tâm thực hiện bằng được.
Khi được hỏi lấy tiền đâu để in, Nguyễn Ái Quốc đã trả lời: “Khi nào tôi hoàn thành xong quyển sách ấy, tôi sẽ đem bản thảo đến một đảng viên xã hội hay bất cứ ai khác. Sau khi biết giá tiền để in, tôi sẽ bán thân tôi cho họ như một người đầy tớ. Chả nhẽ tôi không biết đánh giày hay dọn nhà hay sao?” và thổ lộ mối quan tâm lớn nhất là “làm sao để đưa cuốn sách về trong nước”.
Ngày 19-01-1933, từ con tàu “Ho Sang” mới cập bến, Nguyễn Ái Quốc một lần nữa bị cảnh sát Hồng Công bắt lại. Thêm một lần nữa Bác lại thoát hiểm sau khi viết một bức thư gửi luật sư Loseby và nhờ sự can thiệp của vị luật sư này, Nguyễn Ái Quốc lập tức được thả ngay trong ngày bị bắt.
Ngày 19-01-1946, tại Bắc Bộ phủ, Bác tiếp các phóng viên và khẳng định rằng quyết tâm bảo vệ nền độc lập là một quyền chính đáng “cũng như dân Pháp mong muốn độc lập khi bị nước Đức chiếm đóng” và tỏ rõ quan điểm “nước Pháp không thể nào trở lại thống trị nước Việt Nam một lần nữa vì nước Pháp ngày nay không như xưa, cũng như nước Việt Nam bây giờ không phải là nước Việt Nam ngày trước”.
Cách đây nửa thế kỷ, vào dịp Tết Kỷ Hợi (1959), Bác Hồ phát động Tết trồng cây, ngày 19-01-1960 Báo Nhân Dân đăng bài “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu”. Bài báo nêu gương một số địa phương và nhắc nhở phải “xem trọng chất lượng, nghĩa là trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều mà không ra sức bảo vệ và trông nom cây” và “thực hiện Tết trồng cây cùng với kế hoạch trồng cây gây rừng của nhà nước một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc”.
Ngày 19-01-1965, bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ hai giữa lúc đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, Bác Hồ nói chuyện với Hội nghị phổ biến kế hoạch nhà nước năm 1965, đề cập tới một số tư tưởng trong chỉ đạo thực hiện kế hoạch: “Đặt kế hoạch thật tốt và thật sát là rất cần, nhưng đó chỉ là bước đầu.
Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể là 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành kế hoạch. Khi đặt kế hoạch thì phải nhìn xa. Có nhìn xa mới quyết định đúng đắn thời kỳ nào làm công việc gì là chính. Phải thấy rộng. Có thấy rộng thì mới sắp đặt các ngành hoạt động một cách cân đối. Khi đi vào thực hiện thì mỗi ngành, mỗi nghề phải rất tỉ mỉ, chu đáo, thật sát với mỗi cơ sở. Đó là “một bộ ba” để hoàn thành tốt kế hoạch”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét