Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Nghịch lý 'đếm bài' nhưng ít sáng chế và ứng dụng của khoa học Việt Nam

 

Theo giới chuyên môn, nghịch lý của phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN) ở Việt Nam là các viện nghiên cứu, các trường đại học dành nhiều sự quan tâm cho việc 'đếm bài' công bố quốc tế, trong khi đó, các sáng chế, các giải pháp hữu ích từ các nghiên cứu ứng dụng lại ít được chú ý.

Nguồn lực nội sinh dồi dào

TS Nguyễn Hữu Cẩn, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), cho rằng sáng chế là tài sản trí tuệ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sáng chế đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia hay khu vực. "Sáng chế được coi là một trong những nguồn lực nội sinh dồi dào phục vụ phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia", TS Cẩn nói.

TS Lưu Hải Minh, Chủ tịch Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải (OIC NEW), cũng nói khó có thể hình dung bức tranh phát triển KH-CN lại không có sáng chế. Sáng chế là để tối ưu hóa các bài toán nguồn lực, sáng chế là thể hiện sự chăm lo cho việc sở hữu sản phẩm trí tuệ. Có bằng sáng chế thì mới có sản phẩm độc quyền, mới bán đắt hàng.

Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) Lê Huy Anh cho biết, số lượng đơn sáng chế của người Việt Nam không chỉ kém xa đơn người nước ngoài về số lượng mà cả về chất lượng, về tầm vóc, về phạm vi bảo hộ. 

Sáng chế của người Việt Nam thường là sáng chế nhỏ, phạm vi bảo hộ hẹp. Cộng thêm nhiều rào cản khác như thiếu nhà đầu tư, thiếu cơ chế chính sách phù hợp… khiến cho hành trình đưa sản phẩm nghiên cứu trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ đời sống xã hội càng xa xôi.

Theo ông Lê Huy Anh, để thương mại hóa được các sáng chế, điều kiện tiên quyết là phải có sáng chế tốt. 

"Sáng chế tốt, độc quyền, có bán giá đắt một chút vẫn có người mua. Giả sử chúng ta có 10 sáng chế, chỉ cần bán được 1 - 2 sáng chế thì cũng xem là đã thành công trong thị trường này. Sáng chế đủ tốt thì bán được tiền triệu đô la cũng là lẽ thường", ông Lê Huy Anh phân tích và cho biết thêm, sáng chế được xem là tốt bao gồm cả khả giải quyết được những vấn đề hết sức thực tiễn (những vấn đề xưa nay chưa được giải quyết).

Đầu tư nhiều hơn cho sáng chế

Để có nhiều sáng chế với chất lượng tốt, ông Anh nhấn mạnh, trước hết phải đầu tư nhiều hơn cho sáng chế. 

Theo ông, ngay cả trên thế giới, tỷ lệ thương mại hóa thành công sáng chế cũng chỉ 10 - 15%, nghĩa là không phải sáng chế nào cũng thương mại hóa được. Như vậy, số lượng sáng chế được tạo ra phải nhiều. 

"Muốn nhiều thì phải có một cơ chế nào đó để thu hút các nguồn lực đầu tư tạo ra sáng chế, tức là đầu tư cho KH-CN", ông Lê Huy Anh nhấn mạnh.

Ông Lê Huy Anh cho biết, trên thế giới, vốn nhà nước hoàn toàn là mang tính dẫn dắt, là vốn mồi. Nhà nước sẽ làm những vấn đề mà xã hội, doanh nghiệp không làm, hoặc làm những vấn đề quá lớn mà trong xã hội người ta không đủ nguồn lực để làm. 

Từ đó, ông kiến nghị Nhà nước phải làm sao có chính sách để doanh nghiệp, người dân (khối tư nhân)… có động lực đầu tư tạo ra sáng chế. Khi người ta đầu tư tạo ra sáng chế rồi thì tạo điều kiện để người ta được thực thi cái quyền của họ (quyền sở hữu trí tuệ - PV) cho tốt.

Để tạo ra sáng chế tốt, theo ông Lê Huy Anh, việc làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chiến lược là rất quan trọng. Muốn vậy cần có những nhà khoa học đầu ngành. 

Đây cũng là một giải pháp mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã nói tới, đó ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Đồng thời, phải xây dựng cơ sở, phòng nghiên cứu đủ mạnh để nhà khoa học làm việc.

Từ góc độ thực tiễn, TS Lưu Hải Minh cho rằng, để có nhiều sáng chế có chất lượng thì phải chấp nhận "đốt tiền" ở khoảng thời gian ban đầu. Ông Minh dẫn chứng, bản thân OIC NEW, cho đến khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế đầu tiên, ông đã đầu tư 3 tỉ đồng trong khoảng 7 năm (2009 - 2016), với 5 cán bộ nghiên cứu (tương đương một nhóm nghiên cứu của một trường đại học, hoặc một viện nghiên cứu). 

Tuy nhiên, đến nay công ty đã rút ngắn được thời gian cho ra đời một sáng chế, cũng như giảm được chi phí. Bình quân mỗi sáng chế tiêu tốn khoảng 200 - 300 triệu đồng, bằng 1/10 số tiền đầu tư khi bắt đầu làm.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét