Anh Chương nói, chúng ta vào thăm Cây di sản - Cây đa làng Ghè. Trước mắt tôi, một kỳ quan tự nhiên hiện ra. Cây đa khổng lồ, cao khoảng 45m, với một thân chính có chu vi chừng 13-14m và 8 thân phụ vây xung quanh. Tán cây che phủ một vùng rộng lớn, dễ phải đến 400m2. Cạnh bên, dòng suối Ia Ghe trong vắt, hiền hòa, được xem là giọt nước của làng. Lối vào cây di sản, tôi để ý thấy nhà ở của đồng bào xen kẽ với những khu nhà mồ âm thầm. Bất giác, một ý nghĩa ùa đến, linh hồn của đất, của rừng, của cây, của người… đang tề tựu nơi đây, bám sâu vào mạch đất, nâng đỡ lấy vòm xanh rộng lớn của cao nguyên, giữ cho Tây Nguyên sức sống trường tồn.

Tôi vẫn cho rằng, một chuyến đi ngắn qua miền thượng du sẽ khó mang lại nhiều ấn tượng sâu sắc, nhất là với những người ở xa lần đầu đến Tây Nguyên. Những nghiên cứu, ghi chép của các nhà Việt Nam học, dân tộc học, hay các áng văn chương nghệ thuật về Tây Nguyên hoặc những vùng miền khác… đều phải được chưng cất từ những năm tháng cùng sống, cùng ăn, cùng ở và thấm thía một cách lâu dài văn hóa tộc người, vùng đất: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu” (Jacques Dournes). Chuyến đi này của tôi, trong bộn bề kế hoạch làm việc cùng Binh đoàn 15, ngang qua miền di sản này, nếu có thể gọi tên chút gì ý nghĩa, đó là khi dừng lại dưới bóng cổ thụ, ngẫm ngợi về những cuộc đời, những con người, như gốc rễ muôn đời, âm thầm cất giữ và lưu truyền hồn vía Tây Nguyên.

Thiếu tá Lê Văn Chương nghe tôi bày tỏ suy nghĩ, chợt bảo, cậu phải đến thăm các già làng Tây Nguyên. Đó là những pho sử sống, những chứng nhân của lịch sử buôn làng. Trong tôi lúc ấy hiện về hình ảnh cụ Đinh Núp, cụ Mết đang thì thầm kể những câu chuyện xa xưa cho lũ làng bên bếp lửa nhà rông.

Rễ người…

Công ty 75 giúp bà con dân tộc thiểu số thu hoạch lúa xen canh. Ảnh minh họa: qdnd.vn 

Làng Ngo Le thuộc xã Ia Krel của huyện Đức Cơ (Gia Lai). Khi chúng tôi đến, già làng Rahlan Vọng đang dở tay lau chùi dàn chiêng thước 7. Căn nhà sàn lặng lẽ, cũ xưa. Bóng già Rahlan cũng cũ xưa, bên màu đồng xanh rêu năm tháng. Tựa vào bậc cầu thang mòn lõm, ký ức nhắc về những năm tháng xa xôi, già kể cho tôi nghe thời niên thiếu của mình. Hồi 12-13 tuổi, cậu bé Rahlan đã từng đứng trong dàn chiêng của làng. Ngày ấy, khi mùa nương rẫy thu hoạch đã xong, khi hoa Pơlang nở và bắt đầu chúm chím trái non, dàn chiêng thước 7, thước 8, thước 9 gồm cả trống lên tới 25 chiếc, ngân dài, ngân dài như rừng núi Tây Nguyên.

"Bây giờ cuộc sống đã khác rồi. Những tập tục xưa chỉ còn giữ lại những nét thưa thoáng theo điệu sống mới. Cũng phải thôi". Cụ Rahlan khẽ nói. Từ ngày Công ty 75 về đây gây dựng phong trào làm kinh tế, hỗ trợ bà con sản xuất tăng gia, cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Mắt già Rahlan nhìn về phía xa. Mái nhà sàn trĩu xuống một vùng ký ức. Xưa kia, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, những hủ tục còn đeo đẳng dân làng, khổ lắm. Đám thanh niên không có công ăn việc làm, sa vào rượu chè, rồi bị người xấu rủ rê lôi kéo, lầm đường lạc lối. Từ ngày Công ty 75 về đứng chân trên địa bàn, xã Ia Krel và làng Ngo Le đã khởi sắc lên nhiều.

Anh Chương cười: "Thế già có vui không"? "Vui chứ!" - Cụ Rahlan vỗ nhẹ vào tang trống."Giờ thì bà con bận công việc cả, thành người lao động của binh đoàn rồi, phải đi làm đúng giờ, thực hiện đúng nội quy, quy định của công ty. Mọi người, ai cũng chấp hành nghiêm ngắn lắm. Không còn tệ nạn nữa đâu. Có cái ăn, cái mặc, từ công việc ở công ty và nương rẫy riêng nhà mình, dân làng biết ơn công ty và binh đoàn".

"Chúng con phải biết ơn già và bà con dân làng chứ", anh Chương lại nói. "Không có già làng khuyên nhủ bảo ban, làm gương cho con cháu, bản làng làm sao yên ổn được. Công ty cũng phải dựa vào dân, dựa vào những người như già".

Ừ! Đấy! Già Rahlan như nhớ ra điều gì, cụ Siu Plin, cụ Dơn, cụ Pui Het… những người già trong làng Ngo Le này, đang cùng nhau vừa gìn giữ - trao truyền những nét đẹp văn hóa của tổ tiên, vừa nhắc nhở các thế hệ đi sau biết sống tốt, sống có ích.

Nắng đã qua hàng sân trước nhà. Mặt trời dần đứng bóng. Tôi và anh Chương từ biệt cụ Rahlan quay về. Chiều nay tôi lại phải đi rồi, hành quân sớm theo hướng Công ty 74, một thành viên khác của Binh đoàn 15.

Chiều đổ xuống âm thầm trên con đường nhỏ dẫn về làng Đo, xã Ia Dơk của huyện Đức Cơ. Trung tá Nguyễn Quốc Vương, Chủ nhiệm Chính trị Công ty 74 đi cùng tôi tới thăm hỏi già làng Kpui Peo. Đón chúng tôi là Thiếu tá QNCN Ngô Duy Hiến, Đội trưởng Đội sản xuất số 9, đứng chân trên địa bàn làng Đo. Anh Hiến cho biết, cụ Kpui Peo không có nhà. Cụ đang đi hòa giải một vụ trong làng, nghe đâu xích mích, anh chồng lỡ “tác động vật lý” lên người vợ, khiến gia đình bất hòa mấy bữa nay. Thường thì cụ sẽ ở lại uống rượu sau khi hòa giải đấy. Nhưng hôm nay mình bảo có cán bộ công ty và nhà văn ở xa đến thăm hỏi, nên già sẽ về thôi.

Xâm xẩm tối, lúc anh Hiến bắt đầu nhấp nhổm vào ra, thì cụ Kpui Peo lững đững về. Bước chân có thêm men rừng nên xem chừng nhẹ nhõm hẳn. Chưa vào sân đã nghe tiếng cụ: "Chào cán bộ, chào nhà văn. Mình về muộn do đương sự cứ dây dưa mãi, không chịu ký vào văn bản cam kết với già làng. Đấy, các anh xem, ngày xưa thì phải cắt chỉ. Cắt chỉ là hình thức cam kết không tái diễn sự việc nữa. Nay thì phải có văn bản. Cái nhà mình đến hôm nay, anh chồng thì lỡ tay, cô vợ lại đáo để quá. Hai bên cứ bắt nhau phải cam kết trước. Chồng không được uống rượu, không đánh vợ. Vợ phải hứa không được nhấm nhẳn cằn nhằn chồng nữa. Ấy thế mà hai bên không bên nào chịu xuống thang".

- Thế rồi cụ xử lý làm sao ạ? Xin lỗi cụ, cháu là nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ở xa đến thăm cụ, nhân dịp về công tác tại Binh đoàn 15 và Công ty 74.

- Vâng! Chào anh! Tôi cũng phải phân tích chán ra đấy ạ! Rượu thì không thể không uống rồi. Người mình mà! Nhưng, uống thoải mái mà không được say. Thế mới là người có bản lĩnh vững vàng chứ. Uống mà say, mà làm những điều sai quấy, thì ai chả uống được. Phải không chủ nhiệm Vương.

- Vâng! Anh Vương gật đầu cười đỡ lời cụ Kpui Peo.

Lim dim đôi mắt, cụ Kpui lại nói tiếp: "Nhưng cái chuyện đánh vợ thì tuyệt đối không được rồi. Còn chị vợ nữa! Dân mình dù theo họ mẹ, người vợ vẫn phải tôn trọng chồng chứ, cứ nhấm nhẳn trách móc, nhất là vào những lúc người chồng đang lử đử hơi men, dễ mà chuyện bé xé ra to. Đấy, là tôi nói thế".

Anh Vương ngồi bên cạnh tôi, nghe chuyện nói thêm, "ở những bản làng đồng bào Gia Rai, già làng có uy tín với bà con lắm. Các già là tấm gương cho con cháu, là cơ sở để bộ đội bắt rễ, đặt niềm tin, gắn kết thôn làng với công cuộc dựng xây kinh tế, nếp sống văn hóa mới, từng bước ổn định đời sống. Đó là nền tảng để đảm bảo quốc phòng, an ninh trên miền biên giới này nhà văn ạMô hình gắn kết này chúng tôi triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới. Binh đoàn gắn với tỉnh, công ty gắn với huyện, xã, đội sản xuất gắn với thôn, làng, hộ người Kinh gắn với hộ đồng bào thiểu số, đội trưởng, đội phó gắn với già làng, trưởng bản… Hiệu quả lắm". Cụ Kpui Peo trầm ngâm, "già rồi, ở với bà con thôn làng bao nhiêu năm, mình cũng gắng đóng góp chút sức lực cuối cùng. Mai đây, khi về với Yàng, lòng cũng thanh thản".

Mải chuyện, trăng hạ tuần đã lên chênh chếch. Chúng tôi chào già làng Kpui Peo ra về. Rễ sâu thì cây vững, thân to, cành lớn và tán rộng. Cụ Kpui đúng là cái rễ lớn của làng Đo. Đang nghĩ ngợi, chợt nghe anh Vương giục, về nhanh, cơm nước ở công ty khéo mà nguội cả. Cái ý già Kpui Peo nói lúc nãy về việc uống rượu thoải mái nhưng không được say khiến tôi mỉm cười. Làm sao được nhỉ? Thôi, cứ về công ty đã, xem bản lĩnh của mình đến đâu.

Theo kế hoạch nhiệm vụ, tảng sáng hôm sau chúng tôi lên đường đến Công ty 72. Trên đường hành quân qua làng Chang, xã Ia Pnon, huyện Đức Cơ, Đại tá Nguyễn Chí Kiên, Bí thư Đảng ủy Công ty 72 nói với tôi, em nên đến thăm hỏi già làng Rơmah En. Địa bàn này gần biên giới, khá phức tạp, cụ Rơmah là nhân tố tiêu biểu về công tác dân vận đấy.

Già làng Rơmah En đã ngoài 70 tuổi. Những năm 1981-1990 từng là dân quân bảo vệ làng, trực tiếp cầm súng tiễu trừ Fulro, sau đó làm xã đội trưởng, trưởng công an và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã cho đến khi nghỉ hưu năm 2015. Ngắm già làng Rơmah En, tôi chợt liên tưởng đến những cây dầu rái trong rừng khộp Tây Nguyên. Thân cây thẳng tắp, vỏ quánh đặc, đen chắc như trui qua lửa bỏng. Đôi mắt tinh anh, cất giấu chiều sâu của rừng già.

Ám ảnh chiến tranh, trực thăng, đạn bom và cái chết, già Rơmah En trầm ngâm: "Mừng vì bà con đã bớt đi đói nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Công ty 72 khoán diện tích cao su đến hộ gia đình nên mọi người làm ăn rất có trách nhiệm. Nhưng còn vấn đề an ninh, quốc phòng, vẫn phải sát sao hằng ngày anh ạ! Giặc ngoại xâm đuổi xong rồi, lại đuổi giặc đói, phải làm sao để không tái nghèo, không còn chiến tranh, bom rơi đạn nổ. Những đối tượng nghe theo kẻ xấu, quấy phá, gây rối, vượt biên, phản quốc, chưa phải đã sạch bóng đâu. Tôi sống qua thời chiến tranh, nên thấm thía lắm khung cảnh bình yên của thôn làng này. Với những người có ý định vượt biên trái phép, nghe lời rủ rê phản bội đồng bào, Tổ quốc, tôi tìm gặp trực tiếp, thuyết phục họ, cho họ thấy ở lại làm việc, xây dựng quê hương lợi ích thế nào".

"Cuộc sống bây giờ tốt hơn rồi. An ninh, quốc phòng dần ổn định, những người như già làng Rơmah En là cội rễ giữ cho thôn làng mạch nguồn sâu vững", Đại tá Nguyễn Chí Kiên ghé sang tôi nói. Cụ Rơmah En thủ thỉ: "Anh Kiên nói quá đấy. Tôi chỉ mong con cháu chăm chỉ lao động, xây dựng kinh tế gia đình, bảo vệ quê hương, Tổ quốc, đừng nghe theo kẻ xấu, thế là mãn nguyện tuổi già".

Nương theo màu xanh của rừng tôi đi cùng những người lính Binh đoàn 15. Dưới mỗi tán rừng, mỗi vòm xanh sâu thẳm kia, là những bản làng Tây Nguyên đang từng ngày khởi sắc. Cuộc sống mới ùa về như lá non bừng lên sau những mùa khô khát. Nghĩ về già làng Rahlan Vọng, Kpui Peo, Rơmah En, Ksor H’Lâm và những già làng khác trên khắp nẻo rừng Tây Nguyên, tôi lại thấy hiện về câu đa di sản làng Ghè. Phải rồi! Những già làng tôi đã gặp, những già làng tôi còn chưa được gặp, cứ âm thầm như rễ cổ thụ, từng ngày bền bỉ tiếp thêm mạch sống cho làng, giữ vững thân cành, chắp thêm nhánh lá, vươn mãi màu xanh bình yên trên biên cương Tổ quốc.

NGUYỄN THANH TÂM

nguồn báo quân đội nhân dân