Huy động nguồn lực xã hội hiệu quả không chỉ bảo tồn được bản sắc văn hóa mà còn thúc đẩy sáng tạo, gia tăng giá trị kinh tế của sản phẩm văn hóa, góp phần nâng cao “sức mạnh mềm” của quốc gia.

Không nên ỷ lại “bầu sữa” ngân sách nhà nước

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (viết tắt là Chương trình). Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương là 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), vốn ngân sách địa phương là 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%) và nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Chương trình đề ra 9 mục tiêu có tính bao trùm, song không vì thế mà kỳ vọng Chương trình là “chìa khóa vạn năng” giải quyết mọi vấn đề trong lĩnh vực văn hóa vốn rất rộng lớn. Bản chất Chương trình là chương trình đầu tư công của quốc gia về văn hóa trong giai đoạn cụ thể gắn với Luật Đầu tư công, có mục tiêu ưu tiên. Điều này có nghĩa là không phải tất cả nhu cầu đều có thể thực hiện, bởi nhu cầu lớn mà nguồn lực có hạn. 

Ví dụ, việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn nhưng không nằm trong Chương trình. Bởi lẽ đây là công việc chưa quá cấp bách, liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp chưa có tiền lệ, cần nghiên cứu kỹ, chỉ khi chín muồi mới triển khai.

Khơi thông dòng tiền đầu tư và tài trợ cho văn hóa
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội thu hút được nguồn tài trợ tư nhân. Ảnh: THANH TÙNG 

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Nhà nước có nhiệm vụ bảo đảm các dịch vụ sự nghiệp công có tính thiết yếu và cơ bản, không thể thay thế. Đây là những lĩnh vực khó thu hút nguồn lực xã hội hóa, cần dựa vào ngân sách nhà nước như: Đặt hàng các sản phẩm văn nghệ, tổ chức các hoạt động văn nghệ nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi các giá trị di tích đã được kiểm kê, xếp hạng; dịch vụ của thư viện; hỗ trợ các loại hình văn nghệ dân gian...

Theo các nhà nghiên cứu, với các ngành công nghiệp văn hóa thì nhà nước không có chức năng làm ra các sản phẩm để kinh doanh mà nên để khối tư nhân trở thành rường cột. Ngoài ra, với các thiết chế văn hóa (bảo tàng, trung tâm văn hóa, nhà hát...), các chương trình, dự án có khả năng tạo ra lợi nhuận thì cần có một mô hình huy động tài chính linh hoạt, tránh việc ngân sách nhà nước phải bao cấp.

Đây là xu hướng chung trên toàn thế giới, phát huy nguồn lực xã hội hóa để phát triển văn hóa, phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước đề ra là chấn hưng văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Điều này đặt ra vấn đề cần khơi thông dòng tiền đầu tư và tài trợ cho văn hóa, loại bỏ tâm lý ỷ lại, bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước.

Linh hoạt trong cách thực hiện

Hiện nay có nhiều mô hình đầu tư và tài trợ cho văn hóa trên thế giới. Xu hướng chung là giảm đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước, chuyển thành “vốn mồi”, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa thông qua các chính sách khuyến khích, hỗ trợ.

Về cơ bản, khối tư nhân có các hình thức là đầu tư sinh lời, tài trợ với mong muốn có được quyền lợi và hiến tặng không đòi hỏi lợi ích. Việc đầu tư vào lĩnh vực văn hóa để sinh ra lợi nhuận đang phát triển tốt. Năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% tổng sản phẩm trong nước (GDP), về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu 3% mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra. Để hoàn thành mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030 cần tiếp tục khơi thông đầu tư của khối tư nhân.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Trần Thị Thủy (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Kinh doanh văn hóa có sự rủi ro cao, do vậy, bất cứ nhà nước nào cũng có những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân. Năm 2005, Trung Quốc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm cho các doanh nghiệp hình thành từ các đơn vị văn hóa mang tính kinh doanh và các doanh nghiệp văn hóa mới ra đời. Với các nước phát triển đều cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp thông qua các quỹ đầu tư, bảo trợ.

Hiện nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho văn hóa đã có nhưng chưa đầy đủ. Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”, lĩnh vực văn hóa chỉ thấy có ưu đãi bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống và thực hiện các dịch vụ công phi lợi nhuận. Từ đây, dư luận cũng hiểu vì sao mấy năm gần đây, nhiều tập đoàn tư nhân lại chỉ “thích” đầu tư vào nhà hát, bảo tàng bởi họ sẽ nhận ưu đãi lớn như miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Bên cạnh kích thích đầu tư của tư nhân, một vấn đề quan trọng là làm sao để cá nhân, tổ chức có tiềm lực kinh tế tài trợ, hiến tặng nhiều hơn cho các hoạt động văn hóa tương tự như các hoạt động từ thiện. Việc tài trợ tùy thuộc vào tấm lòng hảo tâm của cá nhân, tổ chức có tính ngẫu nhiên cho nên mô hình tài chính hỗn hợp được đánh giá là bền vững hơn. Nguồn vốn sẽ được tập trung vào quỹ tài trợ do nhà nước và tư nhân quản lý tùy thuộc chủ thể thành lập. Ngân sách nhà nước có thể cung cấp “vốn mồi” ban đầu nếu thấy hợp lý. Nguồn thu của quỹ ngoài tiền tài trợ, hiến tặng của khối tư nhân có thể được trích từ các hoạt động hợp pháp khác do nhà nước điều phối. Chẳng hạn, theo quy định của Pháp, các nhà đầu tư tư nhân và nền tảng phát trực tuyến như Netflix, Amazon Prime Video, Disney+... phải tái đầu tư một phần doanh thu của họ tại Pháp vào ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Pháp. Ở Anh, nguồn thu được trích từ doanh thu xổ số, các công trình xây dựng. Ở Trung Quốc, 3% doanh thu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được trích cho quỹ phát triển âm nhạc. Các quỹ này sẽ có hội đồng chuyên môn tách bạch riêng với bộ máy quản lý nhằm xét duyệt dự án nào xứng đáng nhận được tài trợ, tránh cơ chế “xin-cho” thiếu minh bạch.

Một cách làm khác phổ biến trên thế giới là hợp tác công tư, điển hình là ở các bảo tàng, khu di tích. Theo đó, hiện vật, cơ sở vật chất là tài sản quốc gia; tư nhân bỏ vốn vận hành, lợi nhuận thu về dùng để phát triển cơ sở vật chất, bảo tồn và bổ sung hiện vật... Khi chúng ta triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, đặc biệt là phát huy công cụ cơ chế, chính sách khơi thông dòng tiền đầu tư và tài trợ văn hóa không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức văn hóa tự chủ tài chính, đủ “sức khỏe” để sáng tạo, đủ nội lực nâng tầm vị thế nền văn hóa Việt Nam.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

nguồn báo quân đội nhân dân