Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, những thanh niên trẻ tự tin với hành trang ngày về là bản lĩnh, suy nghĩ trưởng thành và định hướng nghề nghiệp tương lai rõ ràng. Những năm tháng luyện rèn trong quân ngũ đã hình thành cho mỗi quân nhân nếp sống kỷ luật, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng; đây sẽ nền tảng vững chắc để mỗi thanh niên hôm nay trở thành người công dân tốt, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Hành trang thời quân ngũ
“Tình cảm anh em luôn khăng khít, gắn bó suốt hai năm qua, có thể nói đơn vị như gia đình thứ hai của tôi. Đối với tôi, môi trường quân ngũ thật đáng trân quý, thiêng liêng”... đó là tâm sự của Binh nhất Nguyễn Thành Liêm, chiến sĩ Khẩu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn Súng máy phòng không 12,7mm, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) trong những ngày chuẩn bị rời quân ngũ.
Binh nhất Nguyễn Thành Liêm còn nhớ rất rõ về ấn tượng lần đón Tết Nguyên đán đầu tiên trong quân ngũ. Không quán xá nhộn nhịp, cũng không tụ họp bạn bè hát hò như lúc chưa nhập ngũ, nhưng những kỷ niệm về đêm giao thừa nơi chốt gác được thủ trưởng đến tận nơi chúc Tết và lì xì đỏ thắm làm cho Liêm thấy vui sướng, ý nghĩa hơn bất kỳ lần đón Tết nào trước đây. Theo chia sẻ của Liêm, do điều kiện còn nhiều khó khăn nên gia đình chưa thể lên thăm thường xuyên khi Liêm tại ngũ. Chỉ hai lần đến với đơn vị trong dịp Tuyên thệ chiến sĩ mới và Tết Nguyên đán năm 2024, nhưng ba mẹ đều rất an tâm và tin tưởng vào sự chăm lo, quản lý, giáo dục của đội ngũ cán bộ dành cho các chiến sĩ không chỉ riêng Liêm.
Vì niềm tin này nên dù đã tốt nghiệp đại học và có vị trí làm việc ổn định, Liêm vẫn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sự chân thành của tình đồng đội trong môi trường quân đội giúp Liêm thấy trân quý hơn tháng ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, điều mà trước đây Liêm chưa từng thấy trong môi trường tập thể nào bên ngoài Quân đội có được.
Vất vả, khó nhọc, cường độ huấn luyện cao, kỷ luật nghiêm ngặt… là những gì mà những người lính trẻ đã trải qua trong thời gian quân ngũ. Nhưng hành trang mà họ mang theo khi rời quân ngũ chính là bản lĩnh, sự trưởng thành, là những kiến thức quý báu để họ vững tin khi bước vào đời.
Hơn một năm trước, chúng tôi gặp Trung sĩ Nguyễn Thái Học, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn SPG-9, Sư đoàn 330 (Quân khu 9). Lúc đó anh thanh niên trẻ rụt rè bao nhiêu thì giờ đây chững chạc, tự tin bấy nhiêu. Những tháng ngày phấn đấu nỗ lực trong quân ngũ đã giúp chiến sĩ Nguyễn Thái Học rèn luyện toàn diện trên nhiều mặt. Đặc biệt là tính kiên nhẫn, can đảm. Đến lúc này, Học đã hiểu ý nghĩa thực sự của việc gấp xếp tỉ mỉ chăn, màn mỗi buổi sáng đâu chỉ để đơn vị chính quy, đẹp gọn mà còn luyện tính cẩn thận, nền nếp và lòng kiên nhẫn. Những giọt mồ hôi trên thao trường Chi Lăng, những tiếng nổ đầu tiên với súng tiểu liên AK, lựu đạn, thuốc nổ đã làm Học thêm can đảm, tự tin.
Mới hôm nào, Hạ sĩ Phan Tấn Đạt, nhân viên nấu ăn, Tiểu đoàn Súng máy phòng không 12,7mm, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) còn là chiến sĩ mới với biết bao bỡ ngỡ. Ấn tượng của Đạt khi vào đơn vị là tất cả mọi thứ đều ngăn nắp, gọn gàng, giờ giấc nghiêm túc. Nhờ vậy mà “bệnh thức khuya, dậy trễ” của Đạt được “chữa trị” dứt điểm. “Trước đây khi còn học phổ thông, việc ăn ngủ của tôi khá tùy hứng, không giờ giấc cụ thể. Sức khỏe cũng thiếu đi sự rèn luyện thường xuyên vì ham chơi. Nhưng chỉ cần sau 3 tháng chiến sĩ mới, tôi đã tạo được thói quen ăn, ngủ đúng giờ theo nền nếp chung; sức khỏe được chuyển biến hơn hẳn. Tôi chưa từng nghĩ là mình sẽ chạy nổi 3km với cây súng tiểu liên AK nặng 3,4kg”, Đạt cười tươi chia sẻ.
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Đạt mạnh dạn đăng ký đào tạo sĩ quan dự bị với mong muốn được gắn bó lâu dài với môi trường quân đội. Và Đạt cũng hồ hởi khẳng định: “Tôi còn có một em trai hiện đang học lớp 12, nhất định tôi sẽ động viên em sau khi tốt nghiệp đăng ký tình nguyện lên đường nhập ngũ để được rèn luyện trong trường học lớn này”.
Vững bước tương lai
Khi được hỏi về những dự định tương lai sau khi xuất ngũ, các chiến sĩ đều tự tin với những kiến thức, kỹ năng được tôi rèn trong quân ngũ, mỗi người sẽ chọn đúng nghề để lập nghiệp, có một tương lai thật ổn định. Binh nhất Nguyễn Thành Liêm, nhân viên nấu ăn, Tiểu đội phục vụ, Tiểu đoàn Súng máy phòng không 12,7mm tâm sự “Sau khi rời quân ngũ, tôi sẽ tiếp tục trở về vị trí kế toán của công ty. Đồng thời vừa làm vừa học thêm lớp đào tạo nghề nấu ăn. Khi tích lũy được ít vốn, tôi sẽ tự mở quán ăn nhỏ. Đam mê này, trước đây chỉ vì lo sợ, thiếu tự tin mà tôi chưa bao giờ dám thực hiện, chỉ đi làm thuê cho công ty”.
Còn với Trung sĩ Nguyễn Thái Học, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn SPG-9, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) sẽ dùng thẻ học nghề được cấp để học nghề lái xe ô tô và theo đuổi con đường làm “tài xế đường dài” của mình. Với sự định hướng nghề nghiệp tương lai tỉ mỉ của cấp trên, Hạ sĩ Phan Tấn Đạt lựa chọn khi hoàn thành chương trình đào tạo sĩ quan dự bị, anh sẽ phụ giúp ba mẹ mở rộng vuông tôm của gia đình. Vừa cải thiện kinh tế vừa thuận tiện cho việc tham gia các đợt tập huấn, diễn tập cho lực lượng dự bị động viên tại địa phương.
Thượng tá Nguyễn Minh Châu, Phó chính ủy Sư đoàn 330 (Quân khu 9) cho biết: “Trước khi quân nhân xuất ngũ, Sư đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các trường nghề để định hướng, giới thiệu việc làm, các ngành nghề đào tạo phù hợp cho quân nhân sau khi xuất ngũ. Qua nắm bắt thông tin từ địa phương, đại đa số quân nhân xuất ngũ đều phát huy tốt phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, sống có mục tiêu, lý tưởng. Những kiến thức, kỹ năng mà mỗi quân nhân đã được học tập, rèn luyện trong thời gian tại ngũ được áp dụng hiệu quả trong hành trình lập thân, lập nghiệp làm giàu trên chính quê hương mình. Điều đáng mừng là các công ty, doanh nghiệp luôn sẵn sàng nhận bộ đội xuất ngũ vào làm việc, bởi họ là những người được rèn luyện tốt, có ý thức kỷ luật tốt, có kiến thức, tác phong làm việc nhanh nhẹn, cầu tiến”.
Bài và ảnh: THÀNH NHÂN
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét