Văn giới đều biết Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội là một cây bút đa năng.
Anh viết được nhiều loại hình và thể loại, trong đó có phê bình văn học. Mới đây, tác phẩm “Văn học Việt Nam từ dấu mốc Đổi mới 1986-Chuyển động, thành tựu và bản sắc” được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng năm 2024, minh chứng cho tâm huyết của Phùng Văn Khai với văn chương, tấm lòng liên tài với bạn văn.
Xưa nay, nhà văn viết nghiên cứu văn học là việc thường tình, xuất phát từ nhu cầu tự thân, luôn suy ngẫm về nghề và nghiệp. Nếu hiểu nghiên cứu văn học theo nghĩa hẹp là khoa học văn học (gồm: Lý luận văn học, phê bình văn học và lịch sử văn học), các nhà văn ở nước ta chủ yếu viết phê bình văn học và lịch sử văn học. Đặc thù tác phẩm nghiên cứu văn học do các nhà văn viết thường tập hợp các bài viết riêng lẻ, đa phần thiếu tính hệ thống, nổi bật là các dạng bài viết “phê điểm” tác phẩm, dựng chân dung văn học, giai thoại văn chương. Tất nhiên để có bài viết “ra tấm ra món”, nhà văn cũng phải tự nghiên cứu thông qua đọc, so sánh, nghiền ngẫm.
Nhà văn Phùng Văn Khai sớm phát lộ khả năng viết phê bình văn học (cụ thể ở đây là chân dung văn học) từ cuốn sách mỏng “Lê Lựu như tôi biết” (năm 2006). Anh viết rất hấp dẫn, sinh động về nhà văn đàn anh cùng cơ quan, đồng hương xứ nhãn Hưng Yên. Cuộc đời nhà văn Lê Lựu chẳng khác nào một cuốn tiểu thuyết, Phùng Văn Khai tung tẩy ngòi bút dựng chân dung “cha đẻ” Giang Minh Sài hiện lên rõ mồn một. Người đọc hiểu hơn và cũng thương hơn một nhà văn lầm lũi cống hiến... Phùng Văn Khai sau đó tiếp tục xuất bản “Phác họa mấy chân dung văn học” (năm 2010) để lại dấu ấn nhất định.
Bẵng đi gần 15 năm dồn sức cho tiểu thuyết lịch sử, Phùng Văn Khai mới cho ra mắt tác phẩm “Văn học Việt Nam từ dấu mốc Đổi mới 1986-Chuyển động, thành tựu và bản sắc”. Theo lời tâm sự thật thà của anh: Cuốn sách được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương hỗ trợ kinh phí. Đa phần bài viết trong sách là các tham luận anh được Hội đồng mời viết.
Có lẽ Phùng Văn Khai không có dự định viết một cuốn sách về văn học Việt Nam sau năm 1986, song các bài viết với mục đích gửi tới hội thảo khoa học lại “vô tình” đề cập đến những vấn đề nổi cộm như: Tác động của xã hội hóa đối với VHNT, vai trò của tiểu thuyết lịch sử, sứ mệnh của nhà văn hiện nay, trí tuệ nhân tạo với sáng tạo VHNT... Như vậy, dù là tập hợp các bài viết riêng lẻ nhưng cuốn sách ít nhiều giúp độc giả có một cái nhìn toàn diện về văn chương Việt Nam trong gần 40 năm trở lại đây.
Là một người sáng tác, Phùng Văn Khai có những nhận xét xác đáng xuất phát từ thực tiễn, như khi bàn về tiểu thuyết lịch sử: “Vấn đề hư cấu đều phải phục vụ lợi ích và theo đúng tinh thần dân tộc, bản chất của lịch sử”. Lâu nay có luận điểm: Mỗi nhà văn ít nhiều đều là nhà phê bình, thể hiện sự tự ý thức để tìm ra đường hướng sáng tác. Những trang viết nghiên cứu của Phùng Văn Khai đã làm sáng tỏ luận điểm trên.
Phần đặc sắc nhất của cuốn sách là các bài viết chân dung văn học. Là một người quảng giao, Phùng Văn Khai được các nhà văn đàn anh, đàn chị yêu mến. Anh viết về họ với sự ngưỡng mộ nhưng không thần thánh hóa, không xu nịnh kiểu “khuấy nước thành đường”. Anh vẽ chân dung Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái là “chị Thái” với tính cách “dịu dàng”, luôn hết mình vì bạn bè, quan tâm chăm lo cho lớp đàn em. Hay vẽ chân dung “người thầy” Trung Trung Đỉnh, dù chẳng dạy anh kỹ thuật văn chương bao giờ nhưng lại cho anh bài học “nhập thế” của một nhà văn.
Đọc những bài viết của Phùng Văn Khai về người khác, độc giả tinh ý sẽ nhận ra chân dung ẩn giấu của anh: Sống hào sảng, quảng giao, chơi hết mình nhưng vẫn tôn thờ văn chương, làm việc cần mẫn, nghiêm cẩn trong từng con chữ. Đó là phẩm chất đáng quý của một nhà văn Quân đội.
TRẦN HOÀNG HOÀNG
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét