BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM
Gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có việc bảo đảm nhân quyền; Việt Nam cũng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và luôn được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch không ngừng đưa ra những luận điệu xuyên tạc về việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam. Mới đây trên trang Việt Nam thời báo, có bài viết “Eu kêu gọi khẩn cấp về việc giải quyết các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam” nhằm xuyên tạc bản chất vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Cần khẳng định rằng:
1. Nhân quyền là một trong những giá trị cốt lõi của xã hội hiện đại, phản ánh sự tiến bộ của nhân loại. Ở Việt Nam, nhân quyền được thực hiện theo nguyên tắc “nhân quyền xã hội chủ nghĩa” nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người, lợi ích cộng đồng và sự phát triển của quốc gia. Quan điểm này thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc đảm bảo quyền con người một cách toàn diện. Nó không chỉ dừng lại ở việc tôn trọng và bảo vệ các quyền tự nhiên của con người, mà còn nhấn mạnh việc tạo điều kiện để tất cả mọi người đều có cơ hội thực hiện các quyền đó. Nhân quyền ở Việt Nam được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quyền dân tộc, quyền phát triển và quyền của tập thể. Điều này xuất phát từ nhận thức rằng quyền con người không thể tách rời khỏi quyền tự quyết và độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì.” Đây là nền tảng để Việt Nam xây dựng mô hình nhân quyền gắn liền với mục tiêu vì dân, vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội.
2. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo vệ nhân quyền trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội …, mọi người dân đều bình đẳng trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, học tập, khám chữa bệnh... Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc mở rộng quyền tham gia chính trị của người dân, như quyền bầu cử, ứng cử, và tham gia quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người, như Công ước về Quyền trẻ em, Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, và gần đây nhất là Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025... Những kết quả về hoạt động thực tiễn cho thấy, từ năm 1993 đến 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh từ hơn 58% xuống dưới 2%. Tỷ lệ biết chữ ở Việt Nam hiện nay đạt trên 95%, là một trong những quốc gia có chỉ số giáo dục cao ở khu vực Đông Nam Á. Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân, với hơn 92% dân số được bao phủ tính đến năm 2023.
Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo và cảnh giác trước những thông tin không chính thống xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét