Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, là nguồn sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cách mạng. Các thế lực thù địch chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam luôn tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước tình hình đó, nghiên cứu và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ cung cấp những chỉ dẫn quý báu và sâu sắc về đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
1. Âm mưu của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong quá trình lãnh đạo đất nước đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định rõ những động lực và trở lực của cách mạng. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn lịch sử Việt Nam, Người khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh để vượt qua mọi trở ngại, chiến thắng mọi kẻ thù “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm mãi”.
Người đã chỉ rõ nội hàm đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam. Trước hết, đoàn kết toàn dân tộc là đoàn kết tất cả những người Việt Nam, đoàn kết giữa lương và giáo, giữa các tôn giáo với nhau, đoàn kết 54 dân tộc ở Việt Nam, đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp, đảng phái “Đồng bào trong nước hầu hết đã đoàn kết rồi; các đảng, các phái, các đoàn thể, các từng lớp, các tôn giáo, các dân tộc đều đã đoàn kết rồi. Nhờ có cái lực lượng ấy, đã có thể diệt được chế độ quân chủ phong kiến và sự trói buộc của đế quốc thực dân, đã có thể dựng nên quốc gia dân chủ cộng hòa, gây nền tự do độc lập”.
Đoàn kết toàn dân tộc là đoàn kết toàn thể những người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài “Cho nên chúng ta đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, yêu thống nhất trong cả nước và ở nước ngoài. Với lực lượng đoàn kết ấy, chúng ta hoạt động không ngừng cho Nam Bắc gần gũi nhau, chúng ta kiên quyết đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước”. Một nội dung rất quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo Hồ Chí Minh là đoàn kết giữa toàn thể nhân dân với Đảng và Chính phủ: “Toàn cả nhân dân và Chính phủ nhất trí, chúng ta thế nào cũng đạt được độc lập, thống nhất, nước mạnh, dân giàu”.
Như vậy, Người đã làm rõ nội hàm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kế thừa tư tưởng của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định “Đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài”.
Hồ Chí Minh lý giải tại sao các thế lực thù địch muốn phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, bởi vì chúng muốn “chia để trị”: “Trong hơn 80 năm thống trị nước chúng tôi, bọn thực dân dùng mọi thủ đoạn để chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chúng áp dụng chính sách cổ điển là “chia để trị””; “Về chính trị, nó chia rẽ giữa lương và giáo, giữa Nam và Bắc, giữa Chính phủ và nhân dân. Thế là âm mưu của địch rất nham hiểm”.
Trong mưu đồ gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, chúng tìm cách tạo ra sự đối lập giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc thiểu số, với đồng bào có đạo, với trí thức và với người dân nói chung. Người nhấn mạnh: “Hồi còn Tây, còn vua quan, đồng bào Kinh ăn hiếp đồng bào Thái, đồng báo Thái ăn hiếp đồng bào Puộc, đồng bào Xá, có phải thế không? Hồi trước như thế là vì sao? Vì Tây và vua quan muốn chia rẽ đồng bào, muốn làm cho đồng bào yếu đi”.
Đoàn kết để phát huy được mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân vào thực hiện nhiệm vụ chung. Đó là nguồn sức mạnh vô địch để chúng ta đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc và xây dựng thành công CNXH. Các thế lực thù địch muốn áp bức lâu dài dân tộc Việt Nam, muốn cản trở quá trình xây dựng CNXH nên tìm cách phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm phân tán các nguồn lực của nhân dân trong thực hiện mục tiêu chung. Việc tạo ra sự thù hằn, xung đột giữa các bộ phận trong nhân dân, giữa các tộc người, giữa các tôn giáo... còn làm cho đất nước rối loạn, mất ổn định chính trị - xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước. Thậm chí chúng tìm cách gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tạo nên tâm lý hoài nghi, thiếu thiện cảm, chống đối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước để gây dựng lực lượng chống đối từ bên trong để kích động không những làm cho chúng ta không thể thực hiện được mục tiêu xây dựng thành công CNXH mà còn hòng lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.
2. Các thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
Chỉ rõ mục đích của các thế lực thù địch, trong việc phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bóc trần những thủ đoạn mà chúng sử dụng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ nhất, chúng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, vu cáo để kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ thủ đoạn tuyên truyền này của chúng: “Những kẻ mưu sự phá hoại đất nước chúng ta, có thể tuyên truyền, đồn phao để chia rẽ sự đoàn kết”; “Tây, Mỹ, Diệm và bọn phản động khác chúng có muốn đồng bào đoàn kết không? Chúng có muốn đồng bào sung sướng không? Không, chúng không muốn như thế? Chúng sẽ làm thế nào? Chúng tuyên truyền nhảm nhí”. Mỗi sự kiện của đất nước, chúng đều tung ra các luận điệu tuyên truyền bóp méo sự thật. Hồ Chí Minh nhiều lần sử dụng từ “bịa đặt”, “vu khống” khi nói về thủ đoạn phản tuyên truyền của các thế lực thù địch: “Giặc Pháp và bù nhìn không mua chuộc được những người trí thức Việt Nam chân chính. Chúng bèn bịa đặt rằng: Chính phủ kháng chiến khinh rẻ những người trí thức. Mục đích của chúng là chia rẽ tầng lớp trí thức Việt Nam, và tách trí thức với kháng chiến. Song âm mưu của chúng đã thất bại”. Người vạch trần âm mưu: “Bọn Diệm bịa đặt nói: Chính phủ ta sẽ tịch thu những nhà công thương nghiệp, trừng trị những người đã làm việc cho đối phương, khủng bố đồng bào Công giáo... Đó là âm mưu đê hèn, thâm độc, nhằm chia rẽ những đồng bào ấy với Chính phủ ta, hòng phá hoại tình đoàn kết giữa nhân dân ta”.
Các thế lực thù địch còn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do, dân chủ để nhằm chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó là những luận điệu xuyên tạc sự thật bởi Người khẳng định rất đanh thép: “Sự thật thì khác hẳn. Ở các nước ấy, người Công giáo có quyền tự do tín ngưỡng”. Mục đích của chúng là làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Người vạch rõ những kẻ tung tin đồn xuyên tạc này không có bất cứ một hành động nào để giúp nhân dân nhưng những luận điệu tuyên truyền sai sự thật đó vẫn có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm và suy nghĩ của nhân dân: “Gần đây, có một bọn người vì tư lợi nhỏ nhen, chủ ý chia rẽ, cố ý làm mất tín nhiệm Chính phủ, gây ra những dư luận bất chính nói rằng Chính phủ không chú ý cứu dân, Chính phủ bất lực trong việc cứu đói, mà nói ngay chính họ, họ chưa hề nhịn ăn bữa nào, bỏ ra một đồng trinh để cứu ai bao giờ. Mà họ cũng chả biết làm thế nào để cứu vớt đồng bào ra khỏi đói khát... Chính hạng người trơ tráo này chỉ làm cho dân chúng đã khổ cực lại thêm lo lắng hoang mang, nhụt chí chiến đấu quân thù”.
Thủ đoạn phản tuyên truyền, bịa đặt, vu khống, vu cáo của các thế lực thù địch mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần, hiện nay vẫn đang được chúng triệt để lợi dụng, đặc biệt trong bối cảnh internet, mạng xã hội phát triển làm cho những thông tin sai sự thật này được lan truyền nhanh chóng và rộng rãi. Bất cứ một sự kiện nào, một hoạt động nào của đất nước, chúng đều có thể đưa ra những luận điệu vu khống, vu cáo trắng trợn, ngay cả những hiện tượng thiên tai như lũ lụt, chúng cũng lợi dụng để chống phá, đưa thông tin sai lệch là do Nhà nước mới dẫn tới lũ lụt, làm cuộc sống của người dân lầm than. Chúng thực hiện phương châm dù nói sai sự thật, nói một lần không tin thì nói mười lần, một trăm lần sẽ tin. Joseph Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã của Hitle cũng đã từng nói, nếu nói dối đủ lớn và cứ tiếp tục lặp đi lặp lại lời dối trá của mình, quần chúng rồi sẽ tin vào lời nói dối đó. Cho nên, những thông tin sai sự thật đó vẫn ảnh hưởng nhất định trong nhân dân.
Thứ hai, chúng lợi dụng những bất cập trong chính sách và quá trình tổ chức thực hiện chính sách làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước, nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thủ đoạn thâm độc này được Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần, đặc biệt là những âm mưu lợi dụng những bất cập, hạn chế trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo “Vì cán bộ địa phương trong các chính sách thuế má, chính sách tôn giáo, chính sách dân công... làm không đúng cho nên địch lợi dụng được những chỗ sai ấy để tuyên truyền chống và phá hoại ta, lừa bịp và ép buộc một số rất đông đồng bào đi vào Nam”; “Nói chung, đồng bào thiểu số rất hăng hái tham gia kháng chiến, nhờ đó chúng ta đã phá được chính sách chia rẽ dân tộc của địch. Nhưng có nơi thì một phần vì ta chưa có chính sách rõ rệt, một phần do cán bộ địa phương kém, cho nên ở đó có một số đồng bào thiểu số bị địch lợi dụng, chống lại ta”.
Âm mưu của chúng cũng quá rõ ràng, từ những hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc, tôn giáo, các thế lực thù địch tìm cách biến trường hợp cá biệt, cụ thể thành những vấn đề mang tính bản chất trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta để vẽ ra trong nhân dân hình ảnh một Đảng và Chính phủ chỉ biết lo lợi ích của bản thân, không bảo đảm đời sống của nhân dân, để nhân dân đói khổ, bị mất tự do, đàn áp đồng bào có đạo, đàn áp dân tộc thiểu số. Mục đích của chúng là hạ uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tạo ra sự hoài nghi và cao hơn nữa sẽ là chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ. Thực tế, chúng đã bước đầu thực hiện được âm mưu của mình “Một số đồng bào Công giáo tuy bản chất thì tốt, nhưng bị bọn cầm đầu phản động lung lạc, nên họ hoài nghi chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Thủ đoạn tuyên truyền này hiện nay vẫn đang được các thế lực thù địch tiếp tục triển khai ngày càng tinh vi và quyết liệt hơn. Hiện nay, chúng lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những khó khăn trong công tác điều hành, quản lý để thổi phồng, bôi đen hiện thực, nhằm tạo ra tâm lý hoài nghi, chống đối Đảng. Chúng bôi nhọ chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước khống chế, gây dựng lực lượng chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ.
Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng nhiều hình thức khác nhau vừa đưa những thông tin, luận điệu phản động, sai trái, bóp méo sự thật vừa thổi phồng, khuếch đại những hạn chế vào trong các tầng lớp nhân dân, như sử dụng các phương tiện truyền thông, in ấn các văn bản, dùng lối tuyên truyền rỉ tai từ ngoài vào trong thông qua các hoạt động thăm thân, nghiên cứu khoa học, hoạt động từ thiện của những người từ nước ngoài, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, truyền đạo, hội họp... làm cho những thông tin này xuất hiện với tần suất cao, dày đặc, thường xuyên, liên tục tác động đến các tầng lớp nhân dân.
Theo thống kê của Cục An ninh Văn hóa Thông tin và Truyền thông, Tổng cục An ninh, Bộ Công an, từ năm 2015 đến nay, các thế lực thù địch tiếp tục sử dụng 63 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, trên 400 báo và 88 nhà xuất bản, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tuyên truyền các luận điệu sai trái, phản động chống Việt Nam như đài RFI (Pháp), BBC (Anh), VOA, RFA (Mỹ).
3. Giải pháp đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân, đập tan “phản tuyên truyền” của các thế lực thù địch.
Địch tuyên truyền, xuyên tạc nhằm lung lạc tinh thần của nhân dân thì chúng ta cần tuyên truyền, đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của chúng “Đồng bào Công giáo cũng yêu nước. Nếu ta biết kiên nhẫn thuyết phục giác ngộ, thì nhất định tranh thủ được. Làm được như vậy thì phá được một phần âm mưu của địch, và rất có lợi cho việc đoàn kết nhân dân để kháng chiến”. Công tác tuyên truyền của chúng ta cũng phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “kiên nhẫn thuyết phục”, trong đó phải đặc biệt chú ý tuyên truyền vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, trực diện đấu tranh, phản bác từng luận điệu sai trái của chúng.
Trong công tác tuyên truyền, Hồ Chí Minh lưu ý, tuyên truyền phải phù hợp với trình độ nhận thức của nhân dân, phải dễ hiểu, dễ nắm bắt, tránh lý luận cao siêu, dẫn cụ C.Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia. Đặc biệt phải chân thành, gần gũi, tôn trọng văn hóa và niềm tin của nhân dân “Đối với nông dân công giáo, có đội đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra giải thích. Nhiều cán bộ hễ nói đến cha cố, không phân biệt tốt xấu, cứ gọi là thằng, làm cho nông dân công giáo khó chịu”.
Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân hiểu đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, những thành tựu trong nâng cao đời sống của nhân dân, của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo để bồi đắp tình cảm cách mạng, niềm tin của toàn thể nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, với sự lãnh đạo của Đảng.
Các thế lực thù địch luôn lợi dụng những sai lầm, hạn chế trong quá trình phát triển đất nước, trong lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước để tuyên truyền chống phá. Do đó, trong khi tuyên truyền về những thành tựu trong quá trình phát triển đất nước, cần phải giúp nhân dân có cái nhìn khách quan về cả những thành tựu và hạn chế Người thẳng thắn chỉ rõ: “Có người hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng, có đúng không? Nếu Đảng lãnh đạo không đúng thì Cách mạng Tháng Tám có thành công không? Kháng chiến có thắng lợi không? Hơn 8 triệu nông dân miền Bắc có ruộng cày không? 3 năm khôi phục kinh tế có hoàn thành được không? Và ngày nay, đang vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội có được không? Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên, tất nhiên có sai lầm. Nhưng trong cải cách ruộng đất, thắng lợi vẫn là chủ yếu”. Lãnh đạo nhân dân xây dựng CNXH - một sự nghiệp mới mẻ chưa có tiền lệ thì việc mắc sai lầm cũng là khó tránh khỏi. Người nhấn mạnh: “Có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta không chỉ sử dụng tuyên truyền lý luận mà hình thức đấu tranh có hiệu quả nhất chính là thuyết phục bằng thực tiễn; thực tiễn là bằng chứng thuyết phục nhất để phản bác những luận điệu sai trái của chúng, tính đúng đắn, nhân văn trong đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người chỉ rõ: “ở miền núi, ở biên giới, nếu nói cao xa thì không ăn thua. Phải có lý luận, đồng thời phải có vật chất, phải có thực tế. Ví dụ: nhân dân thiếu muối, ta không có muối cho dân thì không tốt; nhân cơ hội đó, bọn địch ở Lào có thể đưa muối ra và nói: Chớ nghe bọn cộng sản, mặc cho họ nói tích cực, tiêu cực, muối đây”.
Nhân dân ta, đặc biệt là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, có tư duy cụ thể, thiết thực, họ chỉ tin vào hành động, kết quả cho nên cán bộ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào là rất tốt đẹp nhưng đời sống còn khó khăn mà chưa giúp họ cải thiện được thì họ sẽ không tin, thậm chí bị kẻ địch lôi kéo, lợi dụng. Người đã chỉ rõ, kẻ địch lợi dụng đồng bào khó khăn, giúp họ về vật chất đôi khi không phải là nhiều nhưng đồng bào dễ nghe theo những tuyên truyền xuyên tạc của chúng mà xa rời Đảng và Nhà nước, Người yêu cầu: “Các ngành cần phải nhận rõ vấn đề miền núi quan trọng. Ta không thể để cho đồng bào sống cực khổ mãi như thế được. Địch vẫn tìm cách len lỏi vào đó để phá ta. Về xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự, miền núi rất quan trọng. Các ngành phải chú trọng tiến hành công tác ở miền núi”. Người lấy ví dụ cụ thể việc địch lôi kéo, dụ dỗ đồng bào Công giáo di cư vào Nam, “Diệm được thực dân Pháp dung túng, đã lợi dụng đạo Chúa để dụ dỗ và ép buộc một số đồng bào Công giáo nhẹ dạ bỏ quê hương đi vào Nam. Diệm hứa hẹn với họ: Vào Nam mỗi người sẽ được 3 mẫu ruộng, 2 con trâu, mỗi ngày được 35 đồng bạc và được... lên Thiên đường”.
Người chỉ rõ, cách tốt nhất để chúng ta chống lại luận điệu phản động của chúng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào chứ không phải là ép buộc, ra mệnh lệnh cho đồng bào không được di cư: “Đồng bào Công giáo đói kém, ta phải hướng dẫn họ tăng gia sản xuất, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của họ. Có như thế chúng ta mới thành công trong việc chống di cư, chớ không phải kẻ khẩu hiệu tầm bậy, không phải ngăn ngừa, mệnh lệnh mà chống được di cư”.
Do đó, chúng ta phải chú ý nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho tất cả mọi người dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, đặc biệt là những bộ phận dân cư đang có đời sống vật chất khó khăn như đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Có như vậy mới gắn kết họ với Đảng, Nhà nước và chế độ, với Tổ quốc, với những bộ phận dân cư có đời sống khá giả hơn.
Người khẳng định, trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, khi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên thì tình đoàn kết giữa các dân tộc càng được thắt chặt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng thêm bền vững: “Từ khi Tây Bắc ta được giải phóng, Khu tự trị Tây Bắc được thành lập, đồng bào thuộc các dân tộc ở Tây Bắc đã ra sức tăng gia sản xuất, thực hiện kế hoạch của Nhà nước, nhờ đó mà đời sống vật chất và văn hóa đã được cải thiện hơn trước, tình đoàn kết anh em giữa các dân tộc cũng tăng thêm”. Để nâng cao được đời sống của nhân dân thì phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách hiện có, khắc phục những bất cập, đồng thời nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các chính sách đó trên thực tế. Những chỉ dẫn của Người vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay.
Thứ ba, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Một nội dung rất quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà các thế lực thù địch tìm cách phá hoại là đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để chống lại âm mưu của địch thì phải chú ý xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh: “Đối với dân, chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa... Có như thế, dân chúng mới đoàn kết chung quanh chính phủ, mới vì quyền lợi thiết thân của mình mà hy sinh sống chết giết giặc”.
Ở đây, Hồ Chí Minh sử dụng thuật ngữ “một nền chính trị liêm khiết” nghĩa là hệ thống chính trị, đặc biệt là cán bộ, đảng viên không được tư lợi cá nhân, tham nhũng, lợi ích nhóm, đặc quyền mà phải có tinh thần phục vụ nhân dân “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân”. Mà trước hết là, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Việc xây dựng một nền chính trị liêm khiết là cơ sở bảo đảm vững chắc trong việc thực hiện giải pháp về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đồng thời trực tiếp tăng cường niềm tin, sự gắn kết của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước để nhân dân ủng hộ, chấp hành, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, nâng cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân.
Khi những giải pháp trên được thực hiện tốt, nhân dân hiểu rõ những thủ đoạn, luận điệu sai trái, xuyên tạc của địch, đời sống của nhân dân được nâng lên, nhân dân tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, lòng yêu nước được phát huy thì họ sẽ nâng cao tinh thần cảnh giác, không bị mắc mưu và bị lung lạc bởi những luận điệu sai trái đó: “Vì vậy đồng bào phải cảnh giác, chớ nghe tuyên truyền bậy bạ, thấy kẻ nào nói bậy bạ phải giúp công an, Ủy ban hành chính xã, châu giáo dục, nếu cố tình và ngoan cố thì trừng trị”(30). Sự “tỉnh táo” của nhân dân ở đây còn là nâng cao trình độ nhận thức, trình độ dân trí, khả năng phân tích, xem xét, đánh giá, phân biệt đúng - sai, thật - giả của nhân dân.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống tốt đẹp, là nguồn sức mạnh vô địch mà chúng ta đã phát huy rất tốt trong quá trình thực hiện khát vọng độc lập, tự do và chúng ta cần phải tiếp tục giữ gìn và phát huy nó trong quá trình thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc hiện nay. Để phát huy được truyền thống đó, trước hết chúng ta phải đấu tranh có hiệu quả chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy, hiểu tường tận, sâu sắc và vận dụng những lời căn dặn, chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này là yêu cầu cấp thiết, định hướng hành động để đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam./.
-------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.256.
(2), (4), (9), (14), (28) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.132, 492, 170, 126, 258-259.
(3), (13) Hồ Chí Minh: Sđd, tr.359, 150.
(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.53, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.74.
(6), (8), (10), (21), (23), (24), (30) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.93, 211, 210, 268, 180, 181, 210.
(7), (12), (15), (20), (25), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.440, 20, 440, 26, 64, 441.
(11), (16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.465, 394, 394.
(18) Trương Giang Long, Đinh Ngọc Hoa: Đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.302.
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.321.
(22), (27) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Sđd, tr.608, 369.
(29) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.165.
Khuyết danh ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét