Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Trò lố xuyên tạc phiên tòa xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân

 Ngay sau khi TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng - cựu đại biểu Quốc hội, cựu Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bị cáo Lê Thanh Vân - cựu đại biểu Quốc hội, cựu Ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội cùng 3 bị cáo, các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng vụ án trên để tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chỉ trích cơ quan tiến hành tố tụng.

Tái diễn trò lố

Căn cứ hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa, căn cứ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và các quy định của pháp luật, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhuỡng 3 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản", 10 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", tổng hợp hình phạt 13 năm tù giam; tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân 7 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Theo đánh giá của HĐXX, trong quá trình xét xử, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, thể hiện sự ăn năn, hối lỗi; đồng thời mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tại phiên tòa, các cơ quan báo chí trong nước cũng đã đưa tin kịp thời, khách quan. Thế nhưng các thế lực thù địch, số đối tượng phản động ở hải ngoại lại ra sức lu loa, kêu thuê, khóc mướn, tìm cách “tung hoả mù” nhằm chính trị hóa bản án hình sự.

Chúng cố tình đánh tráo khái niệm, đánh tráo bản chất vụ án, chèo lái dư luận theo hướng tiêu cực. Các thế lực xấu đưa ra những bài viết tôn vinh ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân là “những đại biểu cuối cùng vì dân”, cổ xuý ông Nhưỡng, ông Vân là những “vị anh hùng”, “người đấu tranh cho công lý”, “những nhà bất đồng chính kiến tiêu biểu”…

Các đối tượng trích lại những phát biểu, ý kiến của các bị cáo khi đang làm đại biểu Quốc hội với lời lẽ ca ngợi, tôn sùng, cho rằng vì trách nhiệm trước dân, phát biểu thẳng thắn, đụng chạm nên nay phải vào tù! Có đối tượng khóc mướn rằng, sau khi hai ông này bị bắt, “giờ đây Việt Nam không còn đại biểu của nhân dân đấu tranh cho lẽ phải”. Từ đó vu cáo rằng việc phạt tù đối với các bị cáo “là việc làm sai trái xảy ra trong môi trường tư pháp không độc lập”!

Trước đó, vào thời điểm CQĐT khởi tố ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Lê Thanh Vân, các đối tượng thù địch, phản động còn cố tình vẽ ra đủ thứ lý do để nguỵ biện việc ông Nhưỡng, ông Vân bị bắt, kiểu như“có ân oán với lực lượng thực thi pháp luật”, “dám phát biểu vượt qua lằn ranh đỏ”... Có đối tượng đưa ra thuyết âm mưu rằng “phải là một mưu đồ chính trị đằng sau vụ án”, cố tình bẻ lái dư luận theo hướng mị dân “các ông bị bắt đồng nghĩa với việc người dân yếu thế mất đi một chỗ dựa, mất đi một nơi gửi đơn kêu oan”…

Các thế lực thù địch, phản động suy diễn, biến một vụ án hình sự thành vụ “tấn công người bảo vệ công lý”; vu khống “Việt Nam lợi dụng pháp luật để áp tội tùy tiện, trù dập những đại biểu của dân”; rằng “xứ cộng sản không cho phép phản biện, tất cả những người phản biện đều bị xem là phản động”; “sống dưới chế độ độc tài thì người dân bị tước quyền tự do ngôn luận, không được hưởng dân chủ, nhân quyền”. Một số bài viết bẻ lái, áp đặt cho đó là “vi phạm nhân quyền”, “vi phạm dân chủ”, xuyên tạc “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng phe nhóm”, “mâu thuẫn lợi ích”… Thậm chí, chúng giả vẻ lo lắng cho tương lai của đất nước, đưa ra những dấu hỏi “không biết Việt Nam rồi sẽ đi về đâu”!

Thực chất, các luận điệu trên vốn dĩ không phải là chiêu trò mới mà được biến tấu, nhào nặn, diễn đi diễn lại nhiều lần. Từ trước đến nay, lợi dụng các đối tượng phạm tội bị bắt, phải chấp hành án hình sự mà những người này trước đó có ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng xã hội thì các tổ chức, hội nhóm phản động tận dụng khai thác, thổi phồng tạo điểm nóng, bóp méo sự thật, đưa ra nhiều bài viết, video, hình ảnh xuyên tạc, cố tình công kích Đảng, Nhà nước, chế độ. Thậm chí các thế lực thù địch, phản động còn tổ chức hội luận, livestream để thu hút dư luận, phục vụ cho mưu đồ chống phá.

Một số vụ án đơn lẻ bị chúng thổi phồng, suy diễn, lái vụ việc sang hướng khác rồi quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước. Qua sự nhào nặn của các thế lực thù địch, những tồn tại, hạn chế trong đời sống xã hội luôn bị khuếch đại, thổi phồng, còn những ưu việt thì bị ngó lơ. Trong đó nhiều vụ án hình sự bị các thế lực thù địch “chính trị hóa”, triệt để lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước.

Đối với các vụ án liên quan cán bộ trong bộ máy Đảng, Nhà nước thì chúng thường quy chụp, đồng nhất sai phạm của bị can, bị cáo thành bản chất của Đảng, biến sự suy thoái của cá nhân thành lỗi của cả hệ thống chính trị rồi cho rằng nước ta mất ổn định chính trị, bôi nhọ Việt Nam trên trường quốc tế, kêu gọi sự can thiệp bên ngoài vào công việc nội bộ. Mục đích của các thế lực thù địch là hạ bệ, bôi lem nền tư pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.

Bản án khách quan, hợp lý

Dư luận trong nước không xa lạ đối với ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Lê Thanh Vân bởi trước khi bị truy tố, xét xử, hai ông được biết đến là đại biểu Quốc hội có nhiều phát biểu tranh luận tại nghị trường liên quan đến các vấn đề “nóng” của xã hội. Tuy nhiên, các ông thường có những phát ngôn gây sự chú ý, quan tâm theo dõi của mọi người không chỉ ở nội dung chất vấn mà cả thái độ chất vấn, thậm chí có những phát ngôn mang tính chỉ trích thiếu căn cứ, làm dư luận hiểu sai lệch nội dung sự việc và những phát ngôn đó bị các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng bình luận xuyên tạc, tạo cớ để để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Về phiên toà xét xử đối với hai bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lưu Thanh Vân, cáo trạng cho thấy, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng đã 4 lần thực hiện hành vi phạm tội và nhiều lần nhận tiền, quà cảm ơn. Cụ thể, ông Nhưỡng đã nhận 210 triệu đồng và 300.000 USD, một lô đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội; được hứa tặng một lô đất hơn 1.000m2 ở Quảng Ninh. Bị cáo Lê Thanh Vân đã 2 lần thực hiện hành vi phạm tội; nhận 60 triệu đồng, một lô đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội và được hứa tặng một lô đất ở Quảng Ninh. Lấy danh nghĩa đại biểu Quốc hội, hai bị cáo đã nhiều lần gọi điện, tác động cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho người quen, từ đó nhận nhiều vật chất bất hợp pháp, phục vụ cho lợi ích của bản thân.

Trong phần tự bào chữa tại tòa, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân bày tỏ sự ăn năn hối lỗi trước HĐXX về hành vi của mình. Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trong hơn 1 năm bị tạm giam, ông đã nỗ lực cải tạo một cách quyết liệt để “gột rửa những việc mình đã phạm phải”. Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng mong được “nhân dân cả nước lượng thứ” về những lỗi lầm của mình. Cả hai bị cáo đều mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, là đại biểu Quốc hội được cử tri bầu ra, đáng lẽ phải thượng tôn, gương mẫu trong chấp hành quy định pháp luật, có đạo đức liêm chính, lối sống lành mạnh song hai ông Nhưỡng, ông Vân đã không đại diện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm, khách quan, phản bội lại niềm tin mà nhân dân và cử tri cả nước gửi gắm. Xét thấy các bị cáo có trình độ học vấn, am hiểu pháp luật nhưng vì lợi ích vật chất đã thực hiện hành vi phạm tội để trục lợi, cần xử lý nghiêm. Song khi luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cho hay đã xem xét các yếu tố giảm nhẹ, việc khắc phục hậu quả, những cống hiến, đóng góp của ông Nhưỡng, ông Vân trong các khóa làm đại biểu Quốc hội để đề nghị mức án phù hợp.

Như vậy, hành vi phạm tội của hai bị cáo đã được cáo trạng nêu rõ và thể hiện đầy đủ qua quá trình xét xử, không hề liên quan gì đến dân chủ, nhân quyền, không liên quan “phát ngôn nghị trường” như luận điệu của các thế lực xấu. Sự thật, mọi luận điệu cổ xúy, tán dương cho những người vi phạm pháp luật, phạm tội là những vở kịch gượng gạo, lố bịch. Do vậy, mọi người cần hết sức cẩn trọng với các thông tin sai lệch trên Internet, mạng xã hội, không để rơi vào cái bẫy do các thế lực giăng ra, không chia sẻ thông tin sai trái, độc hại.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét