Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) là cuộc chiến kéo dài và ác liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trải qua 21 năm chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, vừa chiến đấu đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối, cả nước đi lên CNXH.
Sự sáng tạo, linh hoạt và tài tình của Đảng
Ngay khi Hiệp định Geneva được ký kết, với mưu đồ biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự, thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, ngang nhiên phá hoại Hiệp định về việc tổng tuyển cử thống nhất đất nước của nhân dân ta, tiến hành chiến lược “Chiến tranh đơn phương” nhằm thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, gây cho ta rất nhiều khó khăn, tổn thất. Trước tình hình đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, cân nhắc, phán đoán rất thận trọng các khả năng phát triển của tình hình trong nước và thế giới. Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa II (tháng 7-1954), Đảng nhận định: Do tình hình mới, ta thay đổi phương châm, chính sách và sách lược đấu tranh cốt để thực hiện một cách thuận lợi mục đích trước mắt. Đây là một sự thay đổi quan trọng về phương châm và sách lược cách mạng, nhưng còn mục đích của cách mạng vẫn là một. Do đó, Đảng xác định đẩy mạnh đấu tranh chính trị, đòi kẻ thù thi hành Hiệp định Geneva.
Đến đầu năm 1959, tình thế cách mạng đã có những thay đổi lớn, có lợi cho ta, đặc biệt là phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam đang chuyển biến tích cực, vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 15, khóa II (tháng 1-1959), Đảng ta đã đề ra phương pháp: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 chính là cơ sở để Phong trào Đồng khởi nổ ra mạnh mẽ và giành thắng lợi, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công và đánh bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Mỹ.
Khi đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh kiểu mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc tăng cường giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang bằng 3 mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận trên cả 3 vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Trước sự nhạy bén trong việc chỉ đạo chiến lược của Đảng ta, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà kẻ thù đang thí nghiệm ở miền Nam Việt Nam đã thất bại và cũng thất bại ở bất kỳ nơi nào khác.
Đến năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (tháng 12-1965), Đảng ta cho rằng: Mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn... do vậy, cách mạng miền Nam phải giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công. Đảng ta đã sớm nhận diện, đánh giá đúng về kẻ thù, đó là dù Mỹ là đội quân tinh nhuệ và thiện chiến nhưng vào miền Nam không phải trong thế mạnh mà trong thế yếu, bị động. Còn chúng ta, lúc này không chỉ mạnh về chính trị mà còn cả về quân sự. Đây là cơ sở để Đảng ta hạ quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Như vậy, dù đã đưa hơn nửa triệu lính Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam nhưng cuối cùng, đế quốc Mỹ vẫn không xoay chuyển được tình thế có lợi trên chiến trường mà còn bị thất bại thảm hại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, vượt lên những tính toán của Mỹ khi chúng móc ngoặc và thỏa thuận với các nước lớn, cách mạng Việt Nam vẫn tiến lên. Thấm nhuần lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân và dân cả nước ta, triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà.
Với sự nhạy bén trong chiến lược, nắm bắt và đánh giá đúng tình hình, tương quan lực lượng, Đảng ta đã kịp thời điều chỉnh và đề ra kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian chưa đầy hai tháng. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chính quyền ngụy bị bắt, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Việc giành toàn thắng là do Đảng ta sớm xác định thời cơ chiến lược, ngoài ra còn có sự chuẩn bị về mọi mặt, đặc biệt là tiến hành xây dựng các binh đoàn cơ động chủ lực mạnh, việc phát triển thế trận trên các vùng chiến lược nhằm kết hợp tác chiến, những đòn tiến công quyết định của bộ đội chủ lực và lực lượng nổi dậy của quần chúng nhân dân ở khắp các địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam. Đây được xem là sự sáng tạo, linh hoạt và tài tình của Đảng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến.
Đảng lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc
Trong những năm đầu sau ngày miền Bắc được giải phóng, Đảng tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ: Hoàn thành việc tiếp quản vùng địch tạm chiếm trước đây và đấu tranh thực hiện Hiệp định Geneva, thực hiện cải cách ruộng đất; đồng thời tiến hành khôi phục nền kinh tế quốc dân, trên cơ sở đó phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 9-1954 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 5-1955) chỉ rõ: Để củng cố miền Bắc, trước hết cần hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc, chia ruộng đất cho nông dân, xóa bỏ chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ. Thực hiện chủ trương của Đảng, cải cách ruộng đất được tiến hành khẩn trương. Đến tháng 7-1956, cải cách ruộng đất đã căn bản hoàn thành ở đồng bằng, trung du và một số xã miền núi.
Ngay sau ngày hòa bình được lập lại, Bộ Chính trị nhận định: Chúng ta sẽ đứng trước một nhiệm vụ to lớn trong công tác kinh tế là hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế quốc dân, giảm bớt những khó khăn về đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế một cách có kế hoạch và làm từng bước, mở rộng việc giao lưu kinh tế giữa thành thị và thôn quê.
Trong khôi phục kinh tế, Đảng đặt trọng tâm là sản xuất nông nghiệp; việc khôi phục công nghiệp, thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Đảng coi trọng thành phần kinh tế quốc doanh, tạo điều kiện cho thành phần này từng bước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) đã thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Sau Đại hội III của Đảng, miền Bắc bước vào một thời kỳ mới-thời kỳ lấy xây dựng CNXH làm nhiệm vụ trọng tâm. Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức các hội nghị chuyên đề cụ thể hóa đường lối phát triển kinh tế trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Cùng với những chủ trương về phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng cũng được Đảng quan tâm. Ngày 25-2-1961, Bộ Chính trị ra nghị quyết về cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân năm 1961. Đây là cuộc chỉnh huấn trong Đảng để nhận thức thống nhất đường lối và các quan điểm của Đảng, chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí, tác phong quan liêu, mệnh lệnh, thái độ bảo thủ, rụt rè.
Thực hiện những chủ trương của Trung ương Đảng, Nhà nước đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong các ngành, địa phương, đơn vị và trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong nông nghiệp có Phong trào thi đua “Gió Đại Phong” theo gương của Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình); trong công nghiệp có Phong trào “Sóng Duyên Hải” thi đua với Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng); trong tiểu thủ công nghiệp có phong trào thi đua với Hợp tác xã thủ công nghiệp Thành Công (Thanh Hóa); trong Quân đội có Phong trào thi đua “Ba nhất”. Đặc biệt, Phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt” theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 3-1964, khi đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ở miền Nam, đã làm tăng thêm không khí phấn khởi, hăng hái vươn lên hoàn thành Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Trước sự thất bại của đế quốc Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, mở đường cho quá trình tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa bằng không quân và hải quân. Cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra đối với miền Bắc diễn ra rất ác liệt từ ngày 7-2-1965, nhằm phá hoại thành quả xây dựng CNXH, đánh phá hậu phương miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam.
Thực hiện chủ trương mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi. Toàn miền Bắc dấy lên cao trào chống Mỹ, cứu nước, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Mọi hoạt động ở miền Bắc nhanh chóng chuyển hướng. Các cơ quan, nhà máy, trường học và một bộ phận dân cư khẩn trương phân tán, sơ tán khỏi những vùng trọng điểm đánh phá của địch. Các phong trào thi đua được tiến hành mạnh mẽ như: “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, phong trào thi đua của công nhân, nông dân và trí thức...
Dưới bom đạn ác liệt, chủ trương chuyển hướng xây dựng kinh tế đã được thực hiện khẩn trương và có hiệu quả. Mặc dù đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc tới nấc thang cao nhất nhưng miền Bắc vẫn vững mạnh. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển về thâm canh, tăng năng suất cây trồng, cũng như về xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của các hợp tác xã nông nghiệp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhân dân miền Bắc đã sôi nổi tham gia vào các hoạt động nhằm khôi phục và phát triển kinh tế. Nền kinh tế miền Bắc đã dần chuyển từ trạng thái thời chiến sang hoạt động bình thường nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc như quản lý kinh tế; tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng chi viện cho cách mạng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, quân và dân miền Bắc đã kiên cường chiến đấu, đánh bại mọi hành động chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH.
Ngày 27-1-1973, đại diện Chính phủ Mỹ và chính quyền ngụy phải cùng đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký chính thức Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau Hiệp định Paris, hòa bình được lập lại, nhân dân miền Bắc nhanh chóng bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH và dồn sức chi viện cho cách mạng miền Nam tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng, trong hơn hai năm (từ đầu 1973 đến đầu 1975), miền Bắc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc khôi phục nền kinh tế bị tàn phá do chiến tranh, làm tròn nghĩa vụ cao cả của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét