Cảnh giác trước hoạt động lợi dụng tình hình phức tạp tại Trung Đông để kích động "Cách mạng màu" ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, tình hình Trung Đông đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, đặc biệt sau hai vụ ám sát thủ lĩnh Hamas tại Iran và thủ lĩnh Hezbollah ở Lebanon. Những “mồi lửa” mới đang có nguy cơ đẩy khu vực vào một cuộc chiến diện rộng, làm trầm trọng thêm tình hình khủng hoảng đa chiều, vốn đang rất thảm khốc tại khu vực. Lợi dụng vấn đề đó, các thế lực thù địch, phản động có thể kích động, tập hợp lực lượng để thực hiện “cách mạng màu” đối với Việt Nam. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải cảnh giác, đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề này.
Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát từ tháng 10/2023, có những thăng trầm, có những lần căng thẳng bị đẩy cao nhưng chưa khi nào khu vực Trung Đông đứng trước một tình huống nguy hiểm, sát bề miệng hố chiến tranh như trong những ngày qua. Liên tiếp các lời cảnh báo đáp trả Israel của Iran cùng các lực lượng khác được đưa ra sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran và chỉ huy cấp cao của Hezbollah ở Beirut, Lebanon.
Ngày 05/8 vừa qua, người dân Bangladesh tiến hành phá đổ tượng của Sheikh Mujibur Rahman, người lập quốc Bangladesh, tham gia lãnh đạo quân dân Bangladesh chiến thắng Pakistan trong cuộc chiến “Giải phóng Bangladesh” vào năm 1971. Sheikh Mujibur Rahman được ví giống như là Mahatma Gandhi của Ấn Độ, Tôn Trung Sơn của Trung Hoa và Lý Quang Diệu của Singapore…. Sheikh Mujibur Rahman từng được bình chọn là người Bengal vĩ đại nhất lịch sử, đứng trên cả nhà thơ huyền thoại Tagore. Đồng thời, đoàn người biểu tình Bangladesh đập phá, phá hỏng bức tượng của sinh viên đấu tranh chống khủng bố tại Đại học Dhaka. Ngoài ra, khuôn viên của Bảo tàng Giải phóng Quốc gia Bangladesh và Đài tưởng niệm liệt sĩ giải phóng cũng bị tàn phá nghiêm trọng.
Khoảng 1000 người đã thiệt mạng, hơn 5 tỷ USD giá trị cơ sở hạ tầng đã bị thổi bay, kéo theo những xích mích nghiêm trọng về tôn giáo, đảng phái, giữa những lứa sinh viên sinh ra sau năm 1990 và thế hệ trước đó… Rồi hàng loạt hợp đồng kinh tế đã đổi hướng sang Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia.
Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, dải Gaza
Đứng trước nguy cơ cả Trung Đông rơi vào một vòng xoáy chiến tranh, trả đũa, cộng đồng quốc tế ngay lập tức đã có những phản ứng mạnh mẽ. Các thông điệp liên tiếp được gửi đi để kêu gọi các bên kiềm chế, không để tình hình vượt quá kiểm soát. Không chỉ là những tác động về cục diện an ninh khu vực, khi xung đột leo thang, dân thường chính là những người chịu khổ đau nhiều nhất. Người dân Gaza đang phải hứng chịu nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc, từ khủng hoảng lương thực đến khủng hoảng y tế, nhân đạo, trong khi luôn luôn đau đáu những nỗi lo của chiến tranh, của bom rơi, đạn lạc, không lúc nào có thể yên bình. Gần 10 tháng xung đột bùng phát, những hệ lụy ấy còn vượt ra biên giới các bên trong xung đột, lan rộng ra khu vực, ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn 300 ngày kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát hồi tháng 10/2023, gần 40.000 người Palestine, 1.400 người Israel thiệt mạng, 90% dân số Palestine - khoảng 1,9 triệu người - phải di dời. Hàng triệu người dân Gaza sống trong cảnh khốn khó cùng cực. Tình trạng mất an ninh lương thực đang ở mức cao nhất, hệ thống y tế hoạt động cầm chừng, các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, viêm gan A, bại liệt lây lan rộng.
Đáng lo ngại, thiệt hại còn vượt qua Dải Gaza. Bất ổn ở Biển Đỏ làm gián đoạn hoạt động vận tải toàn cầu, ảnh hưởng chuỗi cung ứng, làm nguy cơ tăng giá năng lượng, nhất là dầu mỏ. Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo nếu cuộc chiến mở rộng trên toàn khu vực có thể khiến giá dầu tăng tới 75%. Các chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận định hậu quả chiến tranh ở khu vực Trung Đông còn kéo dài hàng thập kỷ sau khi kết thúc. Nhưng thời điểm kết thúc vẫn là dấu hỏi lớn khi quy mô cuộc chiến hiện nay đang ngày càng mở rộng.
Việt Nam chúng ta đang bước qua hai thập kỷ của thế kỷ XXI, âm mưu của các thế lực thù địch (TLTĐ) trong tình hình hiện nay đó là luôn tác động đến các lĩnh vực của đời sống, trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội trong đó tập trung vào một số vấn đề như chính trị, kinh tế, văn hoá… Mục tiêu của các TLTĐ là lợi dụng tình hình chính trị căng thẳng trong nước và trên thế giới để kích động, gây mất trật tự xã hội, gây bất ổn, xung đột, tạo nên những điểm nóng và những mâu thuẫn từ chính trong đời sống của nhân dân,…
Tại Việt Nam, những dấu hiệu của cách mạng màu vẫn âm ỉ trôi một cách âm thầm lặng lẽ. Những câu chuyện xuyên tạc lịch sử, hạ thấp công lao của cha ông, những thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội ngày càng nhiều… Những bình luận, bài viết mang tính kích động, chia rẽ sự đoàn kết giữa các vùng, miền, các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân… vẫn không ngừng gia tăng.
Cách mạng màu với nhiều tên gọi khác nhau đó là cách mạng nhung, đường phố, cam, hoa hồng, hoa tulip, hạt dẻ… diễn ra ở một số nước Đông Âu và Trung Đông, Bắc Phi trong thời gian qua và những diễn biến chính trị tại Thái Lan, Campuchia, Myanma,… đã cho thấy bản chất nguy hiểm từ sự can dự của các thế lực vào tình hình nội bộ các nước đó. Mặt khác, hầu hết các cuộc cách mạng màu, cách mạng đường phố đều được các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình, bạo loạn cướp chính quyền. Đó là bài học, cũng là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta cần phải cảnh giác và quyết liệt hơn trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội trong tình hình hiện nay.
Trong đà phát triển như hiện nay, ở nước ta, các thế lực thù địch đã có âm mưu và hoạt động nhằm thực hiện các kịch bản “cách mạng màu”; chúng bắt đầu manh nha sử dụng những “kịch bản” kiểu này đã gây ra một số vụ việc bạo loạn. Vì vậy, cần nhìn nhận thấu đáo tiến trình các vụ việc, các vấn đề nổi cộm để đưa ra các phương án phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn, manh nha các yếu tố “cách mạng màu” có thể gây ra trong thời gian tới. Qua theo dõi trong vòng 10 năm trở lại đây (từ năm 2014 đến nay), các hoạt động có tổ chức, tính toán được các đối tượng thực hiện, mục đích nhằm gây mất ổn định an ninh, trật tự, cản trở sự phát triển, làm mất uy tín của chính quyền, tạo cơ hội đầu cơ chính trị cũng như tạo điều kiện cho các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng từ đó gây bất ổn về tình hình chính trị ở nước ta.
Có thể kể đến một số vụ việc như: năm 2016, dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường sau sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra, các đối tượng đã kích động một số cuộc tụ tập đông người có hành vi bạo lực vi phạm pháp luật dưới chiêu bài “vì môi trường, chống Công ty Formosa Hà Tĩnh”. Năm 2018, vụ việc biểu tình trái pháp luật phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính đặc biệt xảy ra tại Bình Thuận cũng đã cho thế sự “hà hơi” của các TLTĐ nước ngoài lôi kéo kích động người dân tụ tập đông người trái phép, gây rối an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ, cố ý huỷ hoại tài sản, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Vụ khủng bố ở Đắk Lắk ngày 11/6/2023, các TLTĐ đã chớp thời cơ đưa ra nhiều luận điệu xảo trá xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; vu khống, bôi nhọ Việt Nam, kích động tư tưởng ly khai dân tộc, tạo điểm nóng về nhân quyền, gây bão dư luận quốc tế, gây bất ổn định từ bên trong và kiếm cớ kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam nhân danh bảo vệ nhân quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua những vụ việc trên, chúng ta cũng có thể thấy từ những mâu thuẫn nhỏ các TLTĐ cũng đã thổi phồng các sự việc để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… Và cuối cùng là người chịu thiệt nhất vẫn là quần chúng nhân dân.
Thực tế, núp bóng dân chủ những tổ chức mang bản chất phản động, khủng bố như Việt Tân, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và một số hội nhóm cực đoan trong nước dưới những ngọn cờ bất chính với dã tâm hình thành cái gọi là “cách mạng màu” ở Việt Nam. Thông qua các cuộc biểu tình, bạo loạn tại các địa phương thì các đối tượng đã móc nối phát triển lực lượng, khuếch trương thanh thế, đánh bóng tên tuổi nhằm tiến tới công khai hoá tổ chức chính trị đối lập trong nước, âm mưu sâu xa của chúng là muốn tập dượt cho một cuộc “cách mạng màu” ở Việt Nam, đe doạ đến an ninh quốc gia và sự tồn vong của chế độ.
Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa bổ sung và phát triển thêm nội dung: Với quốc phòng, an ninh, đó là: “Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống”; “Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”; “Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”. Trên quan điểm đó, để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các TLTĐ, phản động kích động, tập hợp lực lượng để thực hiện “cách mạng màu” đối với Việt Nam, chúng ta cần tập trung vào một số nội dung như:
(1) Cần nhận diện về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, hiện nay để không để bị động, bất ngờ trước những hoạt động của chúng. Trong đó, mỗi công dân cần chủ động nắm bắt, phát hiện kịp thời những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch sử dụng để chống phá cách mạng nước ta có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác giáo dục rộng rãi trong toàn xã hội để mọi người dân, mọi tổ chức chính trị – xã hội đều nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động chống phá ta. Đảng, Nhà nước cần phát huy vai trò, chức năng trong tăng cường chỉ đạo cơ quan tham mưu chuyên trách phối hợp các ngành, các cấp trong xã hội chú trọng việc giáo dục quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng thông qua các kênh thông tin đại chúng góp phần nâng cao cảnh giác cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân.
(2) Xây dựng vững mạnh hệ thống chính trị cơ sở, tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam là đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng mọi miền đất nước; đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng…
(3) Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng nhất là vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Để thực hiện tốt được nội dung này, Đảng và Nhà nước ta cần tập trung phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo đời sống cho nhân dân trong cùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, từ đó dân tin Đảng, Đảng vì dân, nhân dân làm giàu, đời sống khấm khá, con em được học hành… không dễ dàng nghe theo các đối tượng kích động, lôi kéo. Cần có chế độ công khai, minh bạch, nhanh chóng, kịp thời thông tin những vụ việc phức tạp, để người dân được tiếp cận tình hình, không để các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận.
(4) Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, luôn đề cao cảnh giác và thực hiện các giải pháp nhằm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn để tiến hành “cách mạng màu ở Việt Nam”. Đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động nhằm thực hiện “cách mạng màu” ở Việt Nam của các thế lực thù địch nước ngoài. Đấu tranh đối ngoại ngăn chặn, vô hiệu hoá âm mưu hoạt động chống Việt Nam của các cá nhân, tổ chức thù địch nước ngoài. Tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của số đối tượng chống đối trong nước.
(5) Không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý nhà nước về thông tin – truyền thông, internet, mạng xã hội; không để tạo ra sơ hở, thiếu sót để các TLTĐ lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống đối.
(6) Không ngừng chú trọng xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại (có lực lượng tiến thẳng lên hiện đại), xây dựng vững mạnh lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, lực lượng an ninh nhân dân ở cơ sở…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét