Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với Việt Nam về chính sách dân tộc
Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Vì vậy, công tác dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước xác định là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, các thế lực thù địch phản động, chống đối vẫn không ngừng xuyên tạc về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 14,68% tổng dân số với 14,119 triệu người với 3,6 triệu hộ, cư trú đan xen, sinh sống tại 54 tỉnh, thành phố, 503 huyện và 5468 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào DTTS là tại khu vực miền núi, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp để thúc đẩy sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội vùng DTTS phát triển chậm, việc thoát nghèo vùng DTTS còn chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng v.v.. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, đã gia tăng hoạt động xuyên tạc, chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS.
Việc chống phá diễn ra hết sức quyết liệt, trên tất cả các mặt, các lĩnh vực với nhiều phương thức, thủ đoạn, vừa công khai, vừa lén lút, bí mật. Tùy từng thời điểm, hoàn cảnh, địa bàn cụ thể, các đối tượng xấu lại có những luận điệu chống phá khác nhau để tấn công vào tâm lý đồng bào. Trên lĩnh vực chính trị, chúng rêu rao rằng, đồng bào DTTS không được tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, bị cho “ra rìa” khỏi đời sống chính trị, “không có quyền hành gì”, không được thực hiện các quyền chính trị. Từ đây, chúng đánh lừa người dân, kích động đồng bào tiến hành các hoạt động phá rối an ninh, bạo loạn, ly khai, tự trị. Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, chúng xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước đối xử bất công bằng, không đầu tư, chăm lo cho đồng bào DTTS, khiến cho cuộc sống của đồng bào khó khăn, thiếu thốn, nghèo đói. Trên lĩnh vực văn hóa, chúng vu khống Đảng, Nhà nước không tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, đang tiến hành “đồng hóa văn hóa” để phục vụ mục đích “cai trị”. Ngoài ra, nhiều luận điệu hết sức thâm độc khác cũng được chúng tung ra để công kích, vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam “phân biệt đối xử”, “ngược đãi đồng bào DTTS”. Mục đích của chúng là nhằm gây hoang mang, dao động, xói mòn niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước; kích động chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội, tiến tới lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng với các đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Ảnh: Internet
Bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc là nguyên tắc cơ bản, nhất quán, xuyên suốt trong chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Ngay trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Bình đẳng giữa các dân tộc thể hiện ở việc tất cả các dân tộc đều có quyền, nghĩa vụ như nhau trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và được quy định trong Hiến pháp, pháp luật, không phân biệt là dân tộc thiểu số hay đa số, trình độ phát triển. Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc Hiến định. Hiến pháp Việt Nam luôn ghi nhận nội dung này. Cụ thể: Hiến pháp năm 1946 quy định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”, “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”. Hiến pháp năm 1959 quy định: “Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc. Mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm”. Hiến pháp năm 1980 ghi nhận: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Nhà nước bảo vệ, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi miệt thị, chia rẽ dân tộc...”. Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc... Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Trên cơ sở Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã cụ thể hóa các nguyên tắc nêu trên tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tính đến tháng 11-2020, có 85 luật, bộ luật (với 267 điều khoản), 52 nghị định của Chính phủ, 49 thông tư và thông tư liên tịch quy định các nội dung về công tác dân tộc.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta cũng khẳng định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”.
Bình đẳng giữa các dân tộc không có nghĩa là Đảng, Nhà nước ta cào bằng chính sách đối với tất cả các dân tộc mà có sự ưu tiên, hỗ trợ đặc thù để các dân tộc cùng phát triển. Bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, khiến cho trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống của đồng bào DTTS tại nhiều nơi còn khó khăn, có sự chênh lệch. Cả nước hiện nay có 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS còn cao, năm 2023, tổng số hộ nghèo DTTS là 466.610 hộ, chiếm 61,29% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, công tác giảm xóa đói giảm nghèo còn chưa bền vững. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có những giải pháp ưu tiên để hỗ trợ, nâng cao đời sống, trình độ phát triển vùng DTTS, bảo đảm đồng bào được hưởng thành quả của sự phát triển. Trong đó, Đảng, Nhà nước khuyến khích các DTTS phát huy sức mạnh nội lực, tự vươn lên phát triển kinh tế, xã hội, theo kịp trình độ phát triển chung của đất nước.
Tính đến tháng 10-2023, nước ta đang thực hiện 118 chính sách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, bao gồm 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào DTTS, vùng DTTS và miền núi, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các DTTS. Về cơ bản, các chính sách dân tộc được triển khai đã bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, tập trung ở 13 nhóm chính sách gồm: (1) Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; (2) Chính sách đầu tư phát triển bền vững; (3) Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; (4) Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; (5) Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; (6) Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa; (7) Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số; (8) Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số; (9) Chính sách y tế, dân số; (10) Chính sách thông tin - truyền thông; (11) Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; (12) Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái; (13) Chính sách quốc phòng, an ninh.
Các chính sách dân tộc được Đảng, Nhà nước đưa ra kịp thời, có sự nghiên cứu, đánh giá khá toàn diện, bảo đảm tính khả thi; việc ban hành chính sách gắn với các giải pháp thực hiện, huy động mọi nguồn lực, phát huy sự tham gia của người dân và các nguồn lực ngoài ngân sách, tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện. Chính vì vậy, công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Một số kết quả lớn đã đạt được trong công tác dân tộc có thể kể đến là:
Trên lĩnh vực chính trị, đồng bào DTTS luôn được tạo điều kiện tham gia xây dựng hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước. Nhiều chính sách phát triển đội ngũ cán bộ DTTS đã được triển khai như Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15-6-2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2019-2024, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới.
Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS tham gia vào các cơ quan Đảng, Nhà nước được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, đến hết năm 2019, cả nước có 605.582 đảng viên là người DTTS, chiếm 11,98% tổng số đảng viên cả nước. Kết quả bầu nhân sự cấp ủy tại 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 ghi nhận cấp ủy viên người DTTS là 389 đồng chí, đạt tỷ lệ 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%, trong đó, đáng chú ý nhất là tỉnh Cao Bằng với 75,5%; Bí thư cấp ủy người DTTS là 6 đồng chí, đạt tỷ lệ 9,23%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,54%. Tại Đại hội XIII của Đảng, có 13 Ủy viên Trung ương Đảng là người DTTS. Quốc hội khóa XV có 89 đại biểu là người DTTS, chiếm 17,84%, là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Trên lĩnh vực kinh tế - đầu tư xây dựng cơ bản, trong giai đoạn 2019 - 2025, Chính phủ đã bố trí 998 nghìn tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc. Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh
Đến nay, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã và 97,2% thôn bản có điện lưới quốc gia; 93,9% hộ gia đình được sử dụng điện; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non; 99,3% xã có trạm y tế; 65,8% xã và 76,7% thôn có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng. Công tác xóa đói, giảm nghèo được chú trọng, việc triển khai các Chương trình 327, 30a, 135, xây dựng nông thôn mới... mang lại nhiều kết quả tích cực. Cùng với hệ thống trường học được đầu tư xây dựng, nhiều chính sách thúc đẩy giáo dục vùng DTTS được triển khai một cách đồng bộ, như: chính sách học bổng; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập; chính sách ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người; chính sách tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh vùng DTTS, thực hiện chế độ cử tuyển... Trên cả nước hiện có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 49 tỉnh, thành phố; 4 trường dự bị đại học, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú có chương trình dự bị đại học và 3 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học, đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển giáo dục trong vùng đồng bào DTTS(16). Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm, gắn với thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS được gìn giữ. Thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15-7-2017 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, 22 tỉnh thành trên cả nước đang triển khai dạy và học chính thức 6 thứ tiếng DTTS gồm Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê. Ngoài ra, để phục vụ yêu cầu công tác, các địa phương đã chủ động tiến hành đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ địa bàn.
Nhiều di sản của đồng bào các DTTS đã được UNESCO công nhận. Với 95% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, việc tiếp cận thông tin của đồng bào được bảo đảm. Bên cạnh việc phát sóng các chương trình bằng tiếng Kinh, việc thực hiện phát thanh, truyền hình bằng tiếng DTTS ngày càng được chú trọng như hệ phát thanh dân tộc VOV4 của Đài tiếng nói Việt Nam hằng ngày phát 12 chương trình tiếng DTTS; kênh VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng 28 thứ tiếng DTTS với thời lượng 24/24h/ngày... Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào được tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Bất chấp thực tế và những kết quả tốt đẹp mà chúng ta đã đạt được trong việc bảo đảm sự đoàn kết dân tộc, phát triển vùng dân tộc, các thế lực thù địch, phản động, chống đối vẫn không ngừng lợi dụng vấn đề dân tộc để tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống đối, nhằm tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ, gây mất ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam. Để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy lùi các hoạt động xuyên tạc, chống phá trên lĩnh vực dân tộc cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác dân tộc. Mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc là một bộ phận quan trọng cấu thành nên dân tộc Việt Nam; vận mệnh, tương lai của từng dân tộc gắn liền với vận mệnh, tương lai của quốc gia. Vấn đề dân tộc gắn liền với vấn đề giai cấp; chính sách dân tộc thể hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Chính vì vậy, công tác dân tộc phải được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Đảng lãnh đạo đối với công tác dân tộc để bảo đảm công tác dân tộc được triển khai thực hiện đúng hướng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần đưa đất nước tiến lên CNXH; bảo đảm các chính sách dân tộc đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trên thực tế, khơi dậy, phát huy tổng thể mọi nguồn lực của xã hội.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho việc thực hiện công tác dân tộc. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được như đề cập ở trên, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trong đó, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến công tác dân tộc còn chưa thực sự hoàn thiện; một số văn bản, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho việc thực hiện công tác dân tộc. Điều này đòi hỏi các cơ quan nhà nước cần rà soát, kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để tạo cơ sở hành lang pháp lý tốt nhất cho việc thực hiện công tác dân tộc. Mặt khác, chính sách, pháp luật được ban hành chủ yếu là hỗ trợ, chưa ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài ra, một số chính sách dân tộc khi được ban hành không bảo đảm tính khả thi, mang tính ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ, giải quyết tình thế, thiếu tính chiến lược. Vì vậy, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tiễn để xây dựng các chính sách dân tộc phù hợp với quy luật vận động của xã hội, định hướng phát triển của đất nước; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS; đáp ứng nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng chính đáng của đồng bào.
Ba là, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chính sách dân tộc mà Đảng, Nhà nước đưa ra. Có sự phân công trách nhiệm một cách rõ ràng giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai chính sách dân tộc. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, hoạch định chính sách và tham mưu thực hiện chính sách có năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Đẩy mạnh việc giám sát thực hiện chính sách, kiên quyết đấu tranh, xử lý, loại bỏ các hành vi tham nhũng, lợi dụng chính sách.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhất là trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về dân tộc, không để tạo ra các sơ hở, thiếu sót hay các sai phạm để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống đối. Đồng thời làm tốt công tác quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, nhất là quản lý nhà nước về internet, mạng xã hội, báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để tuyên truyền xuyên tác, kích động, chống đối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét