Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tích cực đấu tranh chống khai thác IUU
Đấu tranh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành, lực lượng quan tâm thực hiện, nhằm mục tiêu phát triển bền vững và gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với ngành Thủy sản nước ta. Đó cũng là nội dung được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.
Tỉnh Thanh Hóa có 102km bờ biển, vùng biển rộng khoảng 23.000km2, có 06 cửa lạch, 01 cảng cá chỉ định cùng nhiều cảng cá địa phương, bến đậu, bãi ngang ven biển thuận lợi cho tàu cá hành nghề, neo đậu. Khu vực biên giới biển của Tỉnh có 43 xã, phường thuộc 06 huyện, thị xã, thành phố; với gần 07 nghìn tàu cá đang hoạt động, thu hút trên 24 nghìn lao động trực tiếp. Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), song một số tàu cá trên địa bàn Tỉnh cũng như của các địa phương khác vẫn còn tình trạng không đảm bảo thủ tục, giấy tờ; không bật thiết bị giám sát hành trình, không duy trì đúng tần số liên lạc; khai thác sai vùng, trái tuyến; không ghi nhật ký khai thác, không cập cảng đúng quy định; không có bảo hiểm thuyền viên,... ảnh hưởng không nhỏ đến ngành khai thác thủy sản và hình ảnh quốc gia.
Trước thực trạng đó và trên cơ sở quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt cùng hệ thống chính trị và toàn dân triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chủ trương, giải pháp đấu tranh chống khai thác IUU đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2024, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã ban hành 01 nghị quyết, 03 kế hoạch, 15 công văn và 28 công điện về chống khai thác IUU; tổ chức tuyên truyền 115 buổi/2.998 lượt người, treo 36 băng rôn, xây dựng 08 chuyên mục phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, phát trên hệ thống truyền thanh cấp xã 228 lần, cấp phát 3.000 tờ rơi, tờ gấp về 14 hành vi vi phạm khai thác IUU. Cùng với đó, thành lập 02 tổ công tác chuyên biệt, điều động 35 cán bộ cơ quan và các đơn vị tuyến núi tăng cường cho các đơn vị tuyến biển; chỉ đạo 06 đơn vị tuyến biển thành lập các tổ chuyên biệt, bố trí 08 tổ tuần tra, bao gồm 123 đồng chí, 21 tàu, xuồng tuần tra, kiểm soát, chốt chặn xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU tại các cửa sông, khu vực trọng điểm trên biển; cử lực lượng tham gia tổ công tác liên ngành do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì điều tra, xử lý tàu cá của Tỉnh khai thác, neo đậu ở tỉnh ngoài vi phạm khai thác IUU. Riêng các phòng nghiệp vụ, đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn tổ chức 568 lượt phương tiện, 2.688 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát 2.526 tàu cá/15.156 lao động; phát hiện, điều tra, xử lý 111 vụ, 122 đối tượng và 115 phương tiện vi phạm, v.v.
Tuy nhiên, do số lượng tàu cá lớn trong khi nguồn hải sản tại các ngư trường truyền thống ngày càng suy giảm đã, đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm IUU ngày càng phức tạp. Tận dụng bờ biển dài, có nhiều cửa lạch, bãi ngang,... khó kiểm soát, một số tàu cá vẫn sử dụng các thủ đoạn, như: lợi dụng đêm tối, mưa gió xuất bến đi khai thác nhưng không trình báo, sử dụng biển số giả, che giấu một phần biển số,… nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống khai thác IUU trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, kết hợp chặt chẽ giữa quán triệt sâu kỹ các văn bản, chỉ thị với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định hiệu quả công tác đấu tranh chống khai thác IUU trong tình hình mới. Do đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, kế hoạch, văn bản của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Tỉnh về chống khai thác IUU, trọng tâm là Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thủy sản; Chỉ thị số 102/CT-BQP, ngày 13/12/2023 của Bộ Quốc phòng về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu; Công văn số 4848/BĐBP-TM, ngày 11/9/2024 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị chống khai thác IUU; Thông báo Kết luận số 446-TB/VPTU, ngày 12/9/2024 của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh cụ thể hóa thành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung đề xuất các giải pháp tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cơ sở trong công tác đăng ký, quản lý xuất, nhập bến và điều tra, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, thường xuyên kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, kiểm soát tại các đội, trạm, đảm bảo số lượng, chất lượng và tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các đợt cao điểm đấu tranh chống khai thác IUU trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm khai thác IUU là do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Vì vậy, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU cho ngư dân với nhiều nội dung, bằng những hình thức phong phú, đa dạng. Về nội dung, tập trung vào Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP, ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Về phương pháp, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền đến từng gia đình thuyền viên, vận động các chủ tàu, thuyền trưởng chấp hành nghiêm pháp luật về khai thác hải sản khi cho tàu hoạt động trên biển; công khai các vụ việc vi phạm bị xử lý pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, cảnh báo, răn đe hậu quả hành vi vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các chuyên mục phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, phát lại trên truyền thanh cấp xã, cấp phát tờ rơi, tờ gấp về các hành vi vi phạm khai thác IUU để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho ngư dân.
Các phòng nghiệp vụ, đơn vị kết hợp nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên thực địa với tuyên truyền phổ biến pháp luật về chống khai thác IUU cho các tàu cá đang hoạt động trên biển. Cán bộ tuyên truyền lấy dẫn chứng cụ thể những vụ vi phạm đã bị xử lý, các hành vi lừa dụ, lôi kéo của đối tượng đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác trái phép hải sản để răn đe, cảnh tỉnh trường hợp có ý định vi phạm và giúp ngư dân đề cao cảnh giác.
Ba là, thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm khai thác IUU. Theo đó, các phòng nghiệp vụ, đơn vị tuyến biển thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc các trạm kiểm soát biên phòng, biên phòng cửa khẩu cảng, tổ tuần tra, kiểm soát duy trì thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký, kiểm tra, kiểm soát người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và khi hoạt động trên biển, bảo đảm 100% tàu cá ra khơi có đầy đủ thủ tục hành chính, trang thiết bị và an toàn kỹ thuật theo quy định; kịp thời phát hiện, phối hợp với các lực lượng xử lý nghiêm trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Các cơ quan, đơn vị sử dụng đồng bộ biện pháp công tác, như: thông qua hệ thống giám sát hành trình theo dõi tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài, hoạt động tuần tra, thông tin phối hợp của lực lượng hiệp đồng, cơ sở bí mật trong ngư dân hoạt động trên biển,… để nắm hoạt động tàu cá vi phạm khai thác IUU; phối hợp với địa phương, gia đình thuyền trưởng, chủ tàu để điều tra, xác minh, củng cố, hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các lực lượng điều tra, xác minh tổ chức, cá nhân, đường dây móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; tập trung quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp có “nguy cơ cao” vi phạm khai thác IUU.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống khai thác IUU. Theo đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương ven biển tăng cường biện pháp quản lý đội tàu, như: thống kê, phân loại và quản lý tận gốc tàu cá, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu, cấp phép tàu cá; treo biển, quản lý tại chỗ không cho các tàu cá “3 không”1 hoạt động; tổ chức giám sát 24/7 số tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình “Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn”, “Bến bãi tự quản”, đặc biệt là mô hình “Tổ giám sát cộng đồng chống khai thác IUU” do chủ tịch xã, phường làm tổ trưởng, có sự tham gia của cán bộ quản lý nghề cá, lực lượng biên phòng, cán bộ đoàn thể cấp xã, bí thư, trưởng khu phố để theo dõi, phát hiện tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới, kịp thời cảnh báo, kêu gọi quay về vùng biển Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng các tỉnh và chính quyền các địa phương ven biển thường xuyên nắm, trao đổi thông tin, điều tra, xác minh, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, định kỳ, đột xuất rút kinh nghiệm, điều chỉnh chủ trương, giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh chống khai thác IUU để tiếp tục nỗ lực cùng với các cấp, ngành, lực lượng tập trung gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, góp phần phát triển bền vững ngành thuỷ sản Việt Nam.
Đại tá ĐỖ NGỌC VĨNH, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét