Các con số thống kê khoa học và thực tế đều chứng minh, giảm lãng phí lương thực, thực phẩm, tránh xa ăn uống lãng phí không chỉ là câu chuyện về tài chính mà còn là vấn đề xã hội, cải thiện điều kiện sống và môi trường bền vững.
Chỉ bằng ý thức và những hành động nhỏ, mỗi người, mỗi cơ quan, tổ chức đều có thể đóng góp cho việc chấm dứt tình trạng lãng phí trong ăn uống, vì tương lai, con người và trái đất.
Thay đổi để phát triển
Vì tính chất đặc biệt của mình nên các nhà hàng được coi là một trong những đối tượng có thể đóng góp nhiều cho việc chấm dứt tình trạng lãng phí lương thực, thực phẩm. Trên thực tế, một bộ phận các nhà hàng đã có ý thức với việc này. Bếp trưởng Nguyễn Hiệp của khách sạn 4 sao Danaciti (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ cùng chúng tôi: Đây là vấn đề từ xưa đến nay và xảy ra ở hầu hết các khách sạn, các địa điểm ăn uống khác. Chúng ta cần có biện pháp để nâng cao ý thức cộng đồng, ví dụ như đặt bảng lưu ý nhắc nhở trong nhà hàng, đưa ra các quy định tại các khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là hình thức phục vụ ăn buffet, có thể áp dụng mức phạt phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất việc lãng phí thực phẩm. Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, nhất là ý thức tiết kiệm để tránh lãng phí thực phẩm.
Nói về thành công của nhà hàng The Field (Hội An), từ người cũ tới người mới của mô hình này đều có một điểm chung là niềm tin vào kết quả đạt được. Vì tất cả kết quả đó được chính tay họ tham gia ghi chép cụ thể, tỉ mỉ, có cân đong đo đếm một cách chính xác. Chị Phạm Thị Thanh Hiệp (nhà hàng The Field) cho chúng tôi xem cuốn sổ báo cáo kiểm toán rác thải. Trong đó, rác thải được chia thành các cột ghi rõ ngày tháng năm, số lượng khách, rác hữu cơ, rác tái chế, rác khó tái chế, rác thải, rác nguy hại. Từ những con số cụ thể, nhà hàng càng thấm thía sự ảnh hưởng môi trường phải gánh chịu với mỗi đồ ăn thừa. Đầu năm 2023, Hoàng thái hậu Bhutan ghé thăm The Field đã nhiệt thành tán thưởng cách thức nhà hàng lan tỏa thông điệp: Ăn uống tiết kiệm, vì môi trường sống bền vững.
Thực tế, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân cũng phần nào đã có hiệu quả. Giàng Mí Sính, một bạn trẻ người Mông ở làng Sín, thôn Cán Pảy Hở B, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết: Là vùng đặc biệt khó khăn nhưng trước kia, trong làng nhà nào có việc cũng muốn tổ chức mâm cao cỗ đầy để mời khách. Cỗ thường diễn ra nhiều ngày và bao giờ gia chủ cũng làm thừa ra vì sợ nếu thiếu thì người làng trách móc. Vì thế, đã có gia đình làm tới hơn 200 mâm cỗ cho một đám giỗ. Thế nhưng nhờ sự tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng nên ý thức người dân cũng được nâng lên, tình trạng lãng phí đồ ăn cũng đã giảm đi nhiều.
Hướng tới nhận thức, hành động vì nhân loại
Theo các chuyên gia, việc tuyên truyền và thực hiện chấm dứt tình trạng lãng phí lương thực, thực phẩm vẫn cần mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa bởi Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia có tỷ lệ lãng phí lương thực, thực phẩm cao trên thế giới trong khi điều kiện kinh tế-xã hội nước ta còn ở mức chưa cao. Báo cáo chẩn đoán quốc gia thông minh về lương thực, thực phẩm Việt Nam năm 2020 của Ngân hàng Thế giới đánh giá: Việt Nam thất thoát và lãng phí 25% tổng sản lượng lương thực mỗi năm. Lượng thất thoát, lãng phí này bị tiêu thụ cho 10% tổng diện tích đất và dẫn tới hệ lụy 6% lượng phát thải khí nhà kính của cả nước. Những tổn thất này chiếm 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam. Đồng thời, 15% người dân Việt Nam vẫn đang trong tình trạng mất an ninh lương thực và 10% dân số vẫn sống dưới mức nghèo khổ quốc gia.
Sau dịch Covid-19, đến năm 2024, nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam phải hứng chịu hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhiều người dân lâm vào cảnh sống khó khăn, việc làm bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút. Mới đây, 15 tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 14.169 tấn gạo cứu đói cho 181.057 hộ với 935.466 nhân khẩu. Trong đó, hỗ trợ cứu đói Tết Nguyên đán hơn 11.551 tấn gạo cho 770.125 nhân khẩu; hỗ trợ cứu đói giáp hạt hơn 2.617 tấn gạo cho 165.341 nhân khẩu.
Hiện tại, nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở một số quốc gia châu Phi lâm vào nạn đói. Các tổ chức trên thế giới đều có chung nhận định, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng gần 2 tỷ người trong 30 năm tới, từ 8,1 tỷ hiện tại lên 9,8 tỷ người vào năm 2050 và có thể đạt đỉnh 10,4 tỷ người vào giữa thập niên 2080. Dân số tăng lên trong khi nguồn cung lương thực, thực phẩm sẽ bị hạn chế, đặt ra bài toán con người sẽ ăn gì, ăn như thế nào; khí thải, ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính... sẽ ra sao sau một vài thập niên nữa. “Ban giám đốc Học viện Nấu ăn Hoa Kỳ thực hiện Chương trình “Ẩm thực của thế giới” ngoài việc quảng bá món ngon, ẩm thực ở Việt Nam, Thái Lan... thì mục tiêu lớn nhất của chương trình chính là nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng, các châu lục về việc tiết kiệm lương thực, thực phẩm, ăn uống khoa học, vì sức khỏe của nhân loại và sự phát triển bền vững của thế giới”, chuyên gia Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Nhận thấy việc cần kíp tiết kiệm lương thực, thực phẩm, rời bỏ thói quen ăn xuống xa hoa, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, việc giải quyết tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm đòi hỏi nỗ lực chung từ tất cả các bên liên quan. Khối công và tư đều có thể tham gia vào các hành động cụ thể để không chỉ giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm mà còn đóng góp vào nỗ lực giảm biến đổi khí hậu. Cùng nhau, người dân ở năm châu có thể thay đổi nhận thức và hành động vì một hành tinh xanh.
Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng: “Cần nâng cao nhận thức của toàn dân về tầm quan trọng của việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm; hướng dẫn người tiêu dùng thay đổi hành vi, khuyến khích người bán và người tiêu dùng đưa ra những quyết định có trách nhiệm bên cạnh việc cải thiện hoạt động sản xuất, thu hoạch và phân phối thực phẩm, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm; giới thiệu các công nghệ cải tiến có lượng phát thải khí nhà kính thấp để giải quyết các nguyên nhân sâu xa gây thất thoát thực phẩm và giảm lãng phí thực phẩm; cung cấp cho người tiêu dùng và nhà cung cấp thông tin về lợi ích của việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm; cải thiện nền kinh tế tuần hoàn bằng cách ưu tiên phòng ngừa, giảm và tái chế để giảm phát thải khí nhà kính từ việc thải bỏ thực phẩm tại các bãi rác...”.
Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, muốn giải quyết tình trạng lãng phí trong ăn uống, chúng ta cần tăng cường giáo dục việc tiết kiệm, lối sống lành mạnh từ chính gia đình-những tế bào của xã hội. “Khi thế hệ trẻ hiểu được việc tiết kiệm trong ăn uống sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó hình thành nên một thế hệ sống văn minh. Ngoài ra, chúng ta cần một chiến dịch truyền thông lớn và đặc biệt là cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Khi chiến dịch tiết kiệm trong ăn uống được các cấp lãnh đạo quyết liệt thực hiện, triển khai tới từng chi bộ, từng xã, phường thì sẽ là một giải pháp hiệu quả góp phần làm thay đổi nhận thức trong nhân dân”, bà Trần Ánh Tuyết cho hay.
Lãng phí chủ yếu xảy ra trong khâu tiêu dùng. Nhóm thu nhập cao có tỷ lệ lãng phí thực phẩm lớn hơn so với nhóm có thu nhập thấp. Nguyên nhân chính dẫn đến lãng phí thực phẩm của nhóm thu nhập cao là do không tính toán được lượng thức ăn tiêu dùng trong gia đình. Nhóm thu nhập cao có nhận thức tốt hơn về tác động của lãng phí thực phẩm đến kinh tế, môi trường so với nhóm thu nhập thấp nhưng không quan tâm nhiều đến lãng phí thực phẩm. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét