Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

 Không thể xuyên tạc, phủ nhận vai trò của các cơ quan dân cử ở nước ta

Cơ quan dân cử ở Việt Nam bao gồm Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân trực tiếp bầu ra, nắm giữ quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và các địa phương. Cùng với tiến trình phát triển đất nước, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan dân cử ngày càng hoàn thiện, phát huy tốt vai trò, sứ mệnh là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam. Đây là thực tế không thể xuyên tạc, phủ nhận.

Ngày 03/9/1945, tức là chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng là phải thực hiện ngay việc: “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”1 để bầu ra Quốc hội. Đây là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước về đối nội, đối ngoại và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.

Ở các địa phương, hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân và do nhân dân địa phương bầu ra để quyết định những chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, v.v. Đồng thời, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương mình.

Cùng với tiến trình phát triển của cách mạng nước nhà, tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan dân cử ngày càng hoàn thiện, đổi mới; vị trí, chức năng, nhiệm vụ được xác định rõ ràng hơn; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân được quy định đầy đủ, cụ thể, nhất là trong hoạt động giám sát, giữ mối liên hệ với cử tri, v.v. Thực tiễn đó đã khẳng định, Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đã, đang phát huy tốt vai trò, chức năng, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, với mưu đồ thâm độc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận vai trò của các cơ quan dân cử với những luận điệu tuy không mới, song rất nguy hiểm.

Trước hết, họ xuyên tạc cho rằng, việc bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam không dân chủ, chỉ mang tính hình thức. Thậm chí một số luận điệu còn vu cáo: việc ứng cử, bầu cử ở Việt Nam thực chất là biến tấu cơ chế “đảng cử, dân bầu”; quá trình bầu cử là sự “trình diễn” theo áp đặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ thêu dệt, rêu rao rằng: ở Việt Nam bầu cử chỉ là hình thức, vì hầu hết đại biểu các cơ quan dân cử đều là đảng viên Cộng sản, thì làm gì có dân chủ,... từ đó họ kêu gọi, kích động nhân dân “tẩy chay”, không tham gia bầu cử. Đây là thủ đoạn không mới nhưng rất nguy hiểm, nhất là trước mỗi lần bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, cần được vạch trần và đấu tranh bác bỏ. Chúng ta biết, ở mỗi quốc gia khác nhau, tùy thuộc vào chế độ chính trị, lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội,... của nước đó để quy định cách thức tổ chức bầu cử, nên không thể lấy mô hình của nước này để áp đặt cho nước khác. Ở Việt Nam, từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Và cũng kể từ đó, quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp luôn được bảo đảm và ngày càng được phát huy đầy đủ, thực chất hơn.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử để cử tri lựa chọn những người có đức, có tài bầu vào Quốc hội. Không chỉ vậy, trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta (Hiến pháp 1946) quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và mất công quyền...”. Từ đó đến nay, cùng với tiến trình cách mạng, đổi mới và phát triển đất nước, quyền bầu cử, ứng cử của công dân ngày càng được bổ sung đầy đủ, dân chủ hơn, được thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp 1959 (Điều 23), Hiến pháp 1980 (Điều 57), Hiến pháp 1992 (Điều 54) và Hiến pháp 2013 (Điều 27). Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, trong Luật Bầu cử đã quy định: Cử tri bầu đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Như vậy, những quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử của nước ta đã thể hiện nhất quán quan điểm và các nguyên tắc bầu cử, bảo đảm ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948.  

Bên cạnh đó, trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài,... đóng vai trò là chủ thể đứng ra tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, phối hợp với cơ quan nhà nước thành lập, cử đại diện tham gia các bộ phận phụ trách công tác bầu cử cùng cấp, trực tiếp giám sát việc bầu cử. Để có tên chính thức trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, các ứng cử viên phải trải qua ba vòng hiệp thương được tổ chức chặt chẽ theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp phải đáp ứng về phẩm chất, năng lực công tác đại diện cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các tầng lớp nhân dân; bảo đảm số lượng, cơ cấu, thành phần, dân tộc, tôn giáo, người ngoài Đảng, v.v. Việc thực hiện quy trình hiệp thương đã thể hiện sự dân chủ, công khai để nhân dân lựa chọn bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương. Như vậy, luận điệu cho rằng ở Việt Nam, việc bầu cử là biến tấu cơ chế “đảng cử, dân bầu”, mang tính hình thức, thiếu dân chủ là hoàn toàn phi lý, không có cơ sở.

Cùng với xuyên tạc về “tính dân chủ” trong bầu cử, họ còn vô tư phán rằng, chất lượng bầu cử và chất lượng đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân ở Việt Nam thấp, chỉ là đủ cơ cấu để ngồi “bấm nút”Đây là nhận định hoàn toàn mang tính chủ quan, với dụng ý xấu, bởi tất cả mọi quốc gia muốn phát triển bền vững đều phải tuyển dụng và trọng dụng người có đức, có tài, nhất là đối với các cơ quan lập pháp và hành pháp của đất nước. Đó là vấn đề tất yếu khách quan và được thể hiện rất rõ trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên (1946) của nước ta. Trong cuộc bầu cử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã kêu gọi nhân dân giới thiệu những người có đức, có tài, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, kể cả các nhân sĩ, trí thức có tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc tự ứng cử để gánh vác công việc của quốc dân giao phó. Và trên thực tế chúng ta đã lựa chọn được những đại biểu có phẩm chất, năng lực để cống hiến cho Tổ quốc, phụng sự nhân dân và đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đứng trước những khó khăn, thách thức của thời đại, các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đã đem hết sức lực, trí tuệ, đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, thiết thực, hiệu quả, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Để có được thành quả đó, các cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành dân chủ, công khai; đa số người trúng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn ngày càng nâng lên, xứng đáng là người đại diện cho lợi ích, ý chí, nguyện vọng của nhân dân2. Trên thực tế, hoạt động của Quốc hội, nhất là hoạt động xây dựng pháp luật được chú trọng cả về số lượng, chất lượng, các văn bản pháp luật ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ, phục vụ quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội được tăng cường, có nhiều đổi mới, sáng tạo về cách thức tiến hành, nhất là trong chất vấn, trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, nghe báo cáo của các cơ quan nhà nước, v.v.  Thực tiễn đó cho thấy, luận điệu cho rằng, chất lượng bầu cử và chất lượng đại biểu Quốc hội của nước ta thấp, đa số đại biểu Quốc hội chỉ là cơ cấu để ngồi “bấm nút” là sự định kiến, phiến diện không đúng với những kết quả, thành tựu hoạt động của Quốc hội trong tiến trình đổi mới đất nước.  

Không chỉ vậy, các thế lực thù địch còn xuyên tạc cho rằng, các cơ quan dân cử ở Việt Nam không thể kiểm soát được tham nhũng bởi không thực hiện “tam quyền phân lập”Điều đó liệu có phải là sự thật? Có phải cứ “tam quyền phân lập” mới chống được tham nhũng? Cần khẳng định ngay rằng, tham nhũng không chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà nó là một hiện tượng tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước. Chúng ta dễ nhận thấy, ở bất kỳ quốc gia nào hay chế độ chính trị nào trên thế giới đều có vấn nạn này và việc chống tham nhũng cũng không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cơ quan dân cử mà là công việc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Khi bàn về tham nhũng, V.I.Lênin từng khẳng định: tham nhũng gắn bó hữu cơ với sự tồn tại, phát triển của bộ máy nhà nước và quyền lực công. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu là những thứ giặc nội xâm, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra: tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã, đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với tinh thần: “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không kể đó là ai” ,“không còn hạ cánh an toàn”, v.v.

Thực tiễn, với chức năng của mình, những năm qua, Quốc hội có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp theo hướng thiết thực, hiệu quả; chú trọng thể chế hóa quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những nội dung bất cập, có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật. Trong 10 năm (2012-2022), “Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết... để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng”3. Hằng năm, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải báo cáo Quốc hội về nội dung hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trường hợp cần thiết, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cùng với báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các kỳ họp. Điều này cho thấy, Quốc hội Việt Nam không đứng ngoài mà luôn đồng hành cùng với hệ thống chính trị và nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trong khi đó, thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, với các thể chế chính trị khác nhau cũng chưa thể ngăn chặn được tham nhũng. Theo đánh giá của tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố năm 2023 về xếp hạng nạn tham nhũng của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì ở những nước “tam quyền phân lập” tham nhũng vẫn tràn lan, thậm chí dẫn tới mâu thuẫn, xung đột, sụp đổ chính quyền nhà nước. Vì thế, không thể nói rằng ở Việt Nam không “tam quyền phân lập” nên không kiểm soát được tham nhũng, v.v.

Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn cho thấy, ở mỗi quốc gia, việc kiểm soát và phòng, chống tham nhũng không phụ thuộc vào quốc gia đó thực hiện thuyết “tam quyền phân lập” hay không “tam quyền phân lập” trong xây dựng, tổ chức bộ máy nhà nước. Quan điểm cho rằng, chỉ có thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” mới phòng, chống được tham nhũng là chủ quan, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, bởi nó không loại bỏ được nguồn gốc, nguyên nhân sâu xa của tham nhũng. Mà thực chất, luận điệu này là nhằm che đậy âm mưu thâm độc nhằm thúc đẩy thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam; từ đó hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Vì vậy, chúng ta cần đề cao cảnh giác, kịp thời nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò của cơ quan dân cử ở Việt Nam./.

TS. NGUYỄN VĂN PHƯƠNG - TS. ĐỚI VĂN TẶNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét