Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: BÁM TRỤ NƠI ĐẦU SÓNG!

         Đến thăm các đảo của vùng biển Tây Nam cùng đoàn công tác của Quân chủng Hải quân, chúng tôi vô cùng cảm phục những người bám trụ ở vùng biển này để gìn giữ sự bình yên cho đất nước!

Canh gác ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam
Trong hành trình đi thăm cán bộ, chiến sĩ ở vùng biển Tây Nam, chúng tôi đã được đặt chân đến đảo Nam Du thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, có Trạm radar 600, thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Quân chủng Hải Quân và có ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam.

Vào giữa tháng 9/2024, thời tiết trong đất liền đang nắng đẹp nhưng ở đảo thì mưa mù giăng kín và biển động rất mạnh. Trên những chuyến ca-nô đưa người từ tàu vào đảo, chúng tôi đã trải qua những giây phút kinh hãi khi sóng nhấc lên cao rồi lại vùi xuống biển. Đường lên trạm rất gian nan, hầu như phải leo bộ vì đường dốc trơn trượt, nhiều đoạn bị sạt lở, khiến xe máy cũng không thể đi được. Ở đảo, những trạm radar - được coi như “con mắt” canh biên giới trên biển - có nhiệm vụ rất đặc thù nên thường được xây dựng ở nơi cao nhất. Và cũng vì cao nên cứ mưa là mù, sương giăng kín lối đi, có lúc tầm nhìn xa không quá 1 sải chân, khiến đường lên Trạm radar 600 vô cùng gian nan.

“Đơn vị ở trên đồi cao cách mặt nước biển hơn 300m, nên hầu như có mây mù, độ dốc lớn nên đi lại khó khăn. Những năm gần đây đường xá xuống cấp, có hiện tượng sụt lở. Thời tiết ở đây khắc nghiệt, về mùa mưa, mưa giông, sấm sét nhiều, thường xuyên đánh trực tiếp về khu vực trạm nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn…”, thiếu tá Đinh Quốc Chơn, Trạm trưởng Trạm radar 600 cho biết.

Thế nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đây ai cũng sẵn sàng vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Trạm radar 600 luôn bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quan sát, phát hiện, thông báo, quản lý và nắm chắc các mục tiêu trên biển, trên không tầm thấp, báo cáo kịp thời về Sở chỉ huy cấp trên để xử lý các tình huống đúng đối sách, không để bị động, bất ngờ; góp phần cùng với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía nam của Tổ quốc”, anh Chơn bày tỏ.

Tại đây chúng tôi đã được gặp anh Đồng Văn Hải (sinh năm 1987), nhân viên Trạm hải đăng Nam Du (Thuộc công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Tây Nam Bộ, thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam). Nơi đây có ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam - cao 11m, cách mặt nước biển khoảng 300m. Hải đăng được xây dựng năm 2001 trên đảo Nam Du, giúp tàu thuyền định hướng và xác định được vị trí của mình.

Anh Đồng Văn Hải quê Hải Dương, nhưng lập gia đình ở Kiên Giang và đã bám trụ nơi đây 6 năm để canh giữ đèn biển. Sống ở đây tách biệt đất liền, lại xa khu dân cư nên cuộc sống cũng không ít gian nan. “Điện không có, nước ngọt cũng không, nên đời sống sinh hoạt rất vất vả. Ở trên này toàn sỏi đá, nên không thể canh tác, chúng tôi đã mang đất ở đất liền ra trồng rau tăng gia”, anh Hải cho biết. Để có nước sinh hoạt, các anh phải tiết kiệm từng giọt nước mưa. Nước vo gạo, rửa rau giữ lại để tưới rau. Tắm giặt thì tiết kiệm nhất có thể. Có những đợt thiếu nước thì 2-3 ngày mới tắm 1 lần.

Không chỉ thiếu thốn vật chất họ luôn sống trong cảnh “cô đơn” bởi phải xa gia đình lại ở chơ vơ trên đồi cao. Những lúc hết ca trực, anh rất nhớ vợ con, nhưng nghĩ rằng công việc của mình đã đóng góp một phần không nhỏ giúp ngư dân đi biển định hướng, nên anh đã cố gắng vượt qua. Chưa kể, có lần bão gió rất lớn, đèn bị sự cố, dù biết nguy hiểm nhưng anh vẫn cố gắng leo lên xử lý để đèn hoạt động trở lại. “Do ở trên cao mây mù bao phủ, người đi biển rất khó quan sát, vì thế mình luôn cố gắng để duy trì hoạt động của thiết bị. Có lúc mưa bão, phải leo lên cao vận hành thiết bị là rất nguy hiểm, vì có thể bị hất văng xuống biển. Nhưng nghĩ đến việc hải đăng không bao giờ được tắt, nên mình vẫn vượt lên sự sợ hãi để hoàn thành nhiệm vụ”, anh trải lòng.

Những “con mắt” ở biển
Chúng tôi cũng được đến thăm cán bộ, chiến sĩ Trạm radar 625, ở Hòn Đốc (thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau). Đây là vùng biển giáp tỉnh Kep của Campuchia. Hòn Đốc là đảo lớn nhất trong quần đảo Hải Tặc, nơi có nhiều tuyến đường thông thương quan trọng giữa hai quốc gia. Khu vực này từng bị cướp biển lộng hành nên người dân đi biển vẫn quen gọi là đảo Hải Tặc. Tại đây còn lưu giữ cột mốc chủ quyền do Việt Nam cộng hòa xây dựng năm 1958, đặt ở phía tây Hòn Đốc, là nơi in dấu lịch sử của hòn đảo này.

Từ thế kỷ trước, nơi đây được xác định là một trong những đảo vành đai then chốt của hệ thống tuyến đảo ven bờ trên vùng biển Tây Nam. Vì thế, từ khoảng 20 năm trước, Trạm radar 625 đã được xây dựng trên ngọn đồi cao ở Hòn Đốc. Đứng trên đài quan sát có thể thấy rõ những hoạt động của tàu thuyền trên vùng biển Hà Tiên. Hằng ngày, những cánh sóng radar trở thành “con mắt” quan sát mọi di biến động trên vùng biển này.

Cách đây hơn 3 năm, đêm tháng 8/2021 các chiến sĩ khi trực quan sát đã phát hiện một chiếc tàu từ hướng Campuchia chạy về với vận tốc gấp sáu lần tàu cá ngư dân. Thấy bất thường, kíp trực đã lập tức thông báo phương vị, cự ly, gửi hình ảnh tàu cho bộ đội biên phòng phụ trách kiểm tra, đồng thời báo về Sở chỉ huy của lực lượng hải quân. Tàu bị tổ mật phục Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông bắt giữ và xác minh là tàu buôn lậu thuốc lá từ Campuchia vượt biên vào Việt Nam.

Đó chỉ là một trong những vụ phát hiện tàu buôn lậu. Những mặt hàng buôn lậu từ Campuchia về vài chục năm trước là gỗ quý, giờ chuyển qua hàng tiêu dùng, như đường, thuốc lá, xăng dầu, hàng trốn thuế. Bị truy quét gắt, nhóm buôn lậu đôi lúc giả dạng tàu cá ngư dân hoặc lợi dụng lau lách, tán che của cây cối ven đảo để tránh tầm quét của radar hải quân. Lính radar vì thế khi lên ca trực phải luôn tỉnh táo, không rời mắt khỏi màn hình dù vài phút. Kíp trực vài người thay nhau quan sát và ngồi nhiều giờ trước màn hình.

Đại úy Hồ Xuân Trường, chính trị viên Trạm radar 625, người đã công tác ở đây được 6 năm chia sẻ, các anh luôn quan sát phát hiện những di biến động trên biển và báo cáo về sở chỉ huy, để có những biện pháp quản lý vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Bên cạnh đó, các anh còn thường xuyên hỗ trợ ngư dân, tham gia công tác cứu hộ thành công nhiều ngư dân gặp sự cố trên biển.

“Chúng tôi thường xuyên trực radar 24/24, khi phát hiện thấy dấu hiệu về sóng biển hoặc tàu chìm hay có ngư dân gặp nạn ở trên biển, chúng tôi trực tiếp liên hệ với lực lượng biên phòng và phối hợp với các lực lượng khác để ra cứu giúp kịp thời”, anh kể. Có lần đang trực quan sát thì anh phát hiện có tàu cá của ngư dân bị đứt dây neo, trôi trên biển. Anh đã kịp thời báo tin, phối hợp với các lực lượng khác kéo tàu gặp nạn vào bờ an toàn.

Trong những năm công tác trên các hòn đảo ở vùng biển Tây Nam, anh đã không ít lần chứng kiến cảnh ngư dân gặp nguy hiểm trên biển. Có hôm buổi tối, trời đang bình thường, thì khoảng 2 giờ sáng giông gió kéo đến, làm tất cả các nhà bè nuôi cá không kịp trở tay, một số ngư dân bị sóng đánh đuối nước. Nhận được tin báo, các anh lập tức xuống biển giúp đỡ nhân dân di chuyển vào bờ. Những lúc như thế, niềm vui của các chiến sĩ hải quân vô cùng lớn lao. Đó cũng chính là động lực giúp các anh gắn bó với biển đảo.

“Ở đảo, chúng tôi ấn tượng sâu sắc nhất đó là tình cảm quân dân. Chúng tôi luôn được bà con nhân dân yêu mến và cũng sẵn sàng giúp đỡ bà con ở đây bất cứ khi nào có thể”, anh chia sẻ.

Tuy nhiên, công tác ở đảo, các anh cũng phải vượt qua không ít khó khăn, không chỉ về điều kiện sinh hoạt do thiếu điện, thiếu nước mà là sự cách trở với đất liền. “Do điều kiện thời tiết, vào mùa mưa biển động dữ dội, có khi tàu thuyền không tiếp cận được bờ. Vì thế lúc gia đình có việc gấp, bố mẹ ốm đau cần phải về ngay, nhưng chúng tôi đành chịu”, anh Trường bày tỏ.

Chia sẻ về các cán bộ, chiến sĩ ở trạm, Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, Trạm trưởng Trạm radar 625 tự hào: “100% cán bộ, chiến sĩ của trạm luôn an tâm tư tưởng, xác định rõ nhiệm vụ, có ý chí quyết tâm cao, chất lượng thực hiện tốt nhiệm vụ và luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Không chỉ các cán bộ, chiến sĩ của Trạm radar 625, hầu hết các cán bộ, chiến sĩ ở vùng biển Tây Nam, nơi chúng tôi ghé thăm, khi được hỏi động lực nào giúp họ vượt qua khó khăn để bám trụ nơi đầu sóng, các anh đều khẳng định đó là tình yêu Tổ quốc. Bởi có các anh ngày đêm quan sát, canh giữ biển trời thì người dân mới có cuộc sống bình yên, bờ cõi nước Nam mới bình lặng qua rất nhiều mùa dông gió./.

Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét