Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 95 năm qua, Đảng ta luôn được nhân dân tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ, thừa nhận là Đảng của chính mình, trìu mến gọi bằng hai chữ thân thương “Đảng ta”. Với vị trí, vai trò to lớn của Đảng và những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, không một thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, phủ nhận được niềm tin vững chắc của nhân dân với Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
1. Niềm tin chính trị của nhân dân là sự tin tưởng, kỳ vọng vào đảng phái chính trị nhất định, cụ thể là vào chủ trương, đường lối của đảng chính trị, truyền thống và những giá trị của đảng chính trị cũng như uy tín lãnh tụ của đảng. Niềm tin đó từ phía quần chúng nhân dân được hình thành qua đời sống chính trị của đất nước, qua hoạt động thực tiễn của chính đảng trong nỗ lực để bảo đảm rằng niềm tin đó sẽ được đền đáp.
Niềm tin chính trị của nhân dân gồm những yếu tố cơ bản sau đây.
Trước hết, đó là sự hiểu biết về chính trị của quần chúng nhân dân ngày càng tăng lên. Đây là điều kiện cần. Điều này chính là sự giải thích cho quyết định của quần chúng nhân dân rằng, nên đi theo đảng chính trị nào và chủ trương, đường lối của đảng đó có lợi hay không có lợi cho mình.
Thứ hai, những kinh nghiệm chính trị của nhân dân trong thực tiễn cách mạng ngày càng trở nên phong phú. Đây là điều kiện đủ. Khi sự hiểu biết về chính trị của quần chúng nhân dân là điều kiện cần của niềm tin chính trị, thì kinh nghiệm chính trị của họ chính là điều kiện đủ, quyết định họ sẽ kiên định đi theo sự lãnh đạo của đảng; đồng thời thể hiện đảng đã thành công trong việc cuốn hút họ theo đường lối của mình. Những trải nghiệm chính trị, những bài học kinh nghiệm xương máu được quần chúng nhân dân đúc rút từ thực tiễn cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng khiến cho nhận thức chính trị của họ càng thêm sâu sắc, từ đó niềm tin chính trị vào đảng càng thêm sâu nặng.
Thứ ba, thực tiễn lãnh đạo chính trị thuyết phục của đảng cộng sản. Đây là điều kiện quyết định, thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, thông qua tính đúng đắn của các chủ trương, đường lối lãnh đạo cách mạng của đảng đem lại những thành công nhất định trên các lĩnh vực, qua đó thu hút càng nhiều quần chúng nhân dân đi theo đảng. Bên cạnh đó, những hy sinh, phấn đấu vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân của đội ngũ đảng viên và lãnh tụ của đảng; sự hòa quyện bởi nhân cách cá nhân người đảng viên với uy tín chính trị của đảng đã thực sự thuyết phục và củng cố niềm tin chính trị của nhân dân với đảng. Điều này rất quan trọng từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện qua sự đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong câu nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chính những hy sinh, phấn đấu của đội ngũ đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần quan trọng nâng cao uy tín chính trị của Đảng ta trong nhân dân.
Thứ tư, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp cách mạng. Đây là điều kiện bảo đảm cho tính bền vững của niềm tin chính trị của nhân dân. Niềm tin chính trị của nhân dân được hình thành bởi quá trình hoạt động có chủ đích của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là vì hạnh phúc của nhân dân; đồng thời, nhân dân cũng tích cực tham gia vào quá trình đó để theo đuổi lý tưởng của mình, hiện thực hóa lý tưởng đó, nên chính nhân dân đã góp phần xây dựng niềm tin chính trị của mình.
2. Thực tiễn cho thấy, niềm tin của nhân dân với Đảng được hình thành, củng cố ngày càng vững chắc hơn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Đảng suốt chặng đường 95 năm qua. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn. Ngay sau khi ra đời ngày 3-2-1930, Đảng đã lãnh đạo phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh; tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo điều kiện cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam. Cùng với những thành tựu của sự nghiệp gần 40 năm đổi mới mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đạt được là hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Với vai trò to lớn của mình, Đảng ta đã tạo được niềm tin yêu sâu sắc trong lòng nhân dân. Tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã một lòng đi theo Đảng; biến những nhận thức, niềm tin thành hành động cách mạng, thành ý chí quyết tâm; phát huy cao độ tinh thần và lực lượng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn hiện nay đòi hỏi Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn để thật sự xứng đáng với niềm tin của nhân dân và dân tộc.
Thực tiễn 95 năm qua của cách mạng Việt Nam cho thấy, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng, quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng. Từ khi bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: Hội nghị Trung ương 3 khóa VII năm 1992, về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII năm 1999, về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đại hội XII của Đảng (năm 2016) nhấn mạnh: “Tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Xây dựng Đảng về đạo đức luôn gắn liền và nằm trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nhưng nay được định danh, được đặt ngang hàng với các mặt công tác xây dựng Đảng khác, đã thể hiện ý chí của Đảng là đề cao, coi trọng yếu tố đạo đức trong xây dựng Đảng. Đây là một trong những điểm mới, rất căn bản và trọng yếu trong việc mở rộng nội dung xây dựng Đảng.
3. Chúng ta thừa nhận thực tế về hiện tượng một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa, chưa được ngăn chặn triệt để. Một số cán bộ lãnh đạo chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ. Một số cán bộ đã lợi dụng chức quyền để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất chính. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên.
Nhìn thẳng vào sự thật đó, Đảng ta đã tiến hành nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục những hiện tượng hư hỏng trong bộ máy nhà nước, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Đảng yêu cầu phải làm tốt việc giáo dục, nâng cao phẩm chất cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, coi đây là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Việc xử lý cán bộ sai phạm đang diễn ra quyết liệt và có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong xử lý cán bộ sai phạm do tham nhũng, tiêu cực được thể hiện rõ cả trong quan điểm chỉ đạo và thực tiễn triển khai.
Về quan điểm chỉ đạo, có thể thấy rõ từ khi đổi mới đến nay, nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng cũng có những nghị quyết chuyên đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Về thực tiễn triển khai, việc xử lý cán bộ sai phạm ở nước ta hiện được thực hiện theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Bằng chứng là, thời gian qua, nhiều vụ án nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội. Điều đó cho thấy rõ quyết tâm rất lớn cũng như năng lực, bản lĩnh của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát hiện, xử lý những sai phạm của cán bộ, đảng viên, kể cả những người đã và đang giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, chỉ tính năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 709 tổ chức đảng và 24.097 đảng viên vi phạm; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 68 cán bộ diện Trung ương quản lý; trong đó, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật 2 nguyên lãnh đạo chủ chốt.
Có thể khẳng định rằng, việc xử lý quyết liệt các vụ án tham nhũng không chỉ ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn tài sản lớn của Nhà nước mà quan trọng hơn cả là góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, tạo thêm xung lực mới để cổ vũ, động viên, khích lệ nhân dân tiếp tục đóng góp cho sự phát triển đất nước. Đây chính là thực tiễn lãnh đạo chính trị thuyết phục của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, qua đó làm nhân dân thêm tin tưởng, đi theo Đảng.
Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 95 năm qua, Đảng ta luôn được nhân dân tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ, thừa nhận là Đảng của chính mình, trìu mến gọi bằng hai chữ thân thương “Đảng ta”. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn của Đảng mà không phải đảng chính trị nào trên thế giới cũng có được. Cũng chính điều đó đã tạo nên sức mạnh để Đảng ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc giành những thắng lợi to lớn. Với vị trí, vai trò to lớn của Đảng và những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, không một thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, phủ nhận được niềm tin vững chắc của nhân dân với Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét