Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU QUY CHỤP MỤC ĐÍCH XỬ PHẠT GIAO THÔNG TẠI VIỆT NAM

 

Trong bài viết ngày 10/1/2025: “Về văn hoá xử phạt giao thông: Thuế ngầm” đăng trên mạng xã hội, Tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã xuyên tạc và có ý đồ quy chụp mục đích của việc tăng cường các chế tài xử phạt giao thông ở Việt Nam chỉ nhằm “tăng thu ngân sách”, xem nhẹ các mục tiêu khác như giáo dục ý thức công dân hay phát hiện, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông. Các luận điệu chúng đưa ra trong bài viết này đều mang tính chủ quan, thiếu cơ sở và không phản ánh đầy đủ thực tế.
Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đang dần tăng cường các chế tài xử phạt giao thông để giảm thiểu tai nạn và nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân. Điều này dường như là tất yếu, phù hợp với thực tế, cách Việt Nam tăng mức độ xử phạt là một hướng đi đúng đắn cũng như nhiều nước trên thế giới đã làm. Ví dụ, Singapore đã trình dự luật tăng cường xử phạt người lái xe trong tình trạng say rượu, với các biện pháp như cấm lái xe trọn đời hoặc tăng gấp đôi thời gian ngồi tù đối với người tái phạm. Tương tự, tại Đức, người vi phạm giao thông có thể bị tước bằng lái vĩnh viễn và phải đối mặt với các hình phạt nặng về tài chính nếu vi phạm. Tại Anh, người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe có thể bị tù đến 14 năm nếu gây tai nạn chết người. Những chế tài nghiêm khắc này không chỉ nhằm mục đích xử phạt mà còn để răn đe và giáo dục công dân, giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông. Đặc biệt với đặc thù Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn như mật độ giao thông cao, hạ tầng chưa đồng bộ, và ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Do đó, việc áp dụng mức phạt nghiêm khắc hơn là một biện pháp hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thực tiễn.
Hơn nữa, việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm mục tiêu răn đe trước mắt mà còn có ý nghĩa giáo dục dài hạn. Các biện pháp này nhắm đến việc xây dựng ý thức tự giác tuân thủ luật giao thông trong cộng đồng, tạo nên một môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn. Tại nhiều quốc gia, sự kết hợp giữa chế tài mạnh và giáo dục đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức công dân. Việc xử phạt các lỗi giao thông nhỏ cũng không phải là điều “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam. Tại Nhật Bản, luật giao thông cấm các hành vi như bấm chuông xe đạp nhiều lần hoặc chắn đường đi của phương tiện khác. Người vi phạm thậm chí phải tham gia các khóa học an toàn giao thông và chịu mức phạt rất cao về hành chính. Tại Ireland, lái xe không giữ khoảng cách an toàn với người đi xe đạp cũng bị phạt hành chính và bị ghi điểm lỗi. Như vậy mặc dù là lỗi nhỏ nhưng khi nhận thức công dân và thói quen chấp hành đã được nâng lên theo một mức chung thì việc kiểm soát và xử lý nghiêm các lỗi nhỏ là lại hết sức cần thiết.
Trong bài viết xuyên tạc, bịp bợm của Việt Tân, chúng không trích dẫn bất kỳ dữ liệu nào về tình hình giao thông tại Việt Nam để chứng minh cho lập luận của chúng mà chỉ dựa vào một hình ảnh quan sát chủ quan để rồi quy chụp, đánh giá toàn bộ hiệu quả của chính sách xử phạt giao thông, quả thật quá phi lý.
Trong khi đó, nhìn một cách toàn diện Việt Nam hiện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục về an toàn giao thông qua các chiến dịch truyền thông và các chương trình phổ biến pháp luật. Chứng tỏ rằng việc xử phạt chỉ là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm nâng cao ý thức và giảm thiểu tai nạn giao thông chứ không phải chỉ để “tăng thu ngân sách” như lời lẽ trong bài viết xuyên tạc của Việt Tân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét