Tâm huyết với văn hóa Mường

Theo NNƯT Bùi Thanh Bình: Dân tộc Mường ở Hòa Bình chiếm hơn 63% dân số của tỉnh. Nơi đây nổi tiếng với bốn vùng Mường cổ “Bi, Vang, Thàng, Động”, cùng sự hiện diện của nền “Văn hoá Hòa Bình”. Theo dòng chảy thời gian, dân tộc Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo và gìn giữ được nền văn hoá phong phú đa dạng, nơi sản sinh ra sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước”; nơi ấm tình người trong các thuần phong mỹ tục vẫn còn đậm nét văn hoá người Việt cổ. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hoá phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Mường
Chủ tịch nước Lương Cường và Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình tại Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, tháng 2-2025. 

Vậy nên từ nhỏ, ông Bình đã nung nấu tâm nguyện được góp sức gìn giữ những nét đẹp truyền thống văn hoá dân tộc mình. Mong muốn đó lớn dần lên khi ông được công tác tại công ty lữ hành Hòa Bình. Hơn 30 năm trong ngành du lịch, được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, ông Bình thấy các di vật, cổ vật dân tộc mình đang bị lãng quên trong dân gian. Do vậy từ năm 1984, ông bắt đầu hành trình đi sưu tầm, thu thập, nghiên cứu các di vật, cổ vật của văn hoá dân tộc Mường. Công việc này rất vất vả, tốn kém cả về thời gian, sức lực, tiền bạc. “Nếu để các di vật, cổ vật văn hoá mất đi là có lỗi với ông bà tổ tiên”, ông Bình cho biết.

Trong quá trình đi sưu tầm, ngoài việc thu gom hiện vật ông còn tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ các di vật, cổ vật mà cha ông để lại. NNƯT Bùi Thanh Bình kể: Khi đến các bản người Mường gặp người xởi lởi rộng lượng biếu tặng thì ông xin cám ơn, gặp người khó thì ông trả giá để mua lại. Nhiều lần biết thông tin những di vật, cổ vật quý hiếm có giá trị, khi đến nơi thì đã bị bán đi, ông lặn lội tìm đến hỏi mua lại bằng được.

Lâu dần, như con kiến tha lâu ngày đầy tổ, số lượng di vật, cổ vật mà ông Bình sưu tầm được ngày càng nhiều lên. Thêm vào đó là vốn hiểu biết về nguồn gốc, giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc Mường trong ông cũng được bổ sung sau những chuyến đi điền dã. Không chỉ sưu tầm trong tỉnh Hoà Bình, ông còn đến các địa phương khác có người Mường sinh sống như: Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An... để sưu tầm di vật, cổ vật mang về nghiên cứu, phân loại theo đúng những giai đoạn lịch sử phát triển của văn hoá Mường, sau đó dán chú thích, bảo quản cẩn thận tại tư gia.

Người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Mường
Giới thiệu các sản phẩm của dân tộc Mường với khách tham quan.
Người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Mường
Truyền dạy văn hóa dân tộc mình cho thế hệ trẻ.

Là hội viên Hội văn học Dân gian tỉnh Hoà Bình, NNƯT Bùi Thanh Bình rất yêu thích và am hiểu về âm nhạc cổ truyền của người Mường, nhất là bộ môn cò ke, ống sáo và cồng chiêng. Theo ông Bình, tiếng chiêng gắn với vòng đời của mỗi người dân Mường từ khi sinh ra cho đến khi trở về đất mẹ. Bởi thế, âm nhạc cồng chiêng có mặt trong tất cả các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng của người Mường. Chiêng Mường không chỉ đại diện cho đời sống tinh thần, mà còn là di sản mang đậm giá trị văn hoá của người Mường.

“Người Mường còn, tiếng chiêng còn”. Do vậy, ông đã dày công nghiên cứu và tổ chức trình tấu để ghi hình thu âm, phát hành đĩa DVD về hai bộ môn nghệ thuật này cho cộng đồng cùng thụ hưởng. Hơn 40 năm qua, ông đã sưu tầm, thu gom được rất nhiều hiện vật có giá trị văn hoá và lịch sử, ông được mệnh danh là “ông vua cổ vật” của đất Hoà Bình hiện nay.

Lưu giữ văn hóa bằng hiện vật

NNƯT Bùi Thanh Bình cho rằng, “người am hiểu và yêu bản sắc văn hoá thôi chưa đủ, mà cần phải bảo tồn, quảng bá và giới thiệu văn hoá dân tộc mình đến với Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, mới là việc cần phải làm”. Từ suy nghĩ đó, ông đã cất công đi khắp các vùng miền để sưu tầm di vật, cổ vật. Khi số lượng hiện vật ngày càng nhiều lên, ông Bình quyết định lập đề án xây dựng bảo tàng văn hóa dân tộc Mường với mong muốn có được không gian để trưng bày, lưu giữ di vật, cổ vật phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn văn hoá Mường. Đề án của ông nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự ủng hộ vật chất, tinh thần của gia đình và bạn bè đồng nghiệp.  

Ngày 2-1-2014, UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép thành lập Bảo tàng di sản văn hoá Mường, do ông Bình làm giám đốc. Bảo tàng được xây dựng tại (tổ 6, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình). Ông Bình chia sẻ: “Xây dựng bảo tàng tư nhân này không xuất phát từ mục đích làm du lịch, mà bởi những trăn trở và khát khao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cổ truyền của dân tộc mình”. Là bảo tàng ngoài công lập, nhưng chứa đựng những bộ sưu tập lớn, lưu giữ tất cả những giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc Mường. Bảo tàng có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày về di sản văn hóa Mường, đồng thời tổ chức các dịch vụ văn hóa, ẩm thực, nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hoá Mường cả truyền thống và hiện tại.

Khuôn viên bảo tàng nằm ở vị trí cao ráo, độc lập, tầm nhìn thông thoáng có diện tích hơn 4.000m2. Cơ sở vật chất của bảo tàng gồm 6 ngôi nhà sàn chính, mỗi nhà có công năng khác nhau, đáp ứng được đầy đủ các hoạt động, như: Trưng bày hiện vật, diễn xướng Mo Mường, trình diễn cồng chiêng... Nội dung chính của các phòng trưng bày là giới thiệu về di sản văn hoá Mường nói chung và trưng bày di vật, cổ vật của nhà lang Mường xưa. Bảo tàng hiện đang trưng bày hơn 6.000 hiện vật, gồm: Đồ đá, đồ đồng, đồ gốm sứ, đồ đan lát làng nghề, đồ văn hoá tâm linh và sản phẩm văn hoá truyền thống, các hiện vật được sắp xếp trưng bày một cách khoa học, hợp lý theo từng chuyên đề, để tiện cho việc giới thiệu và công tác nghiên cứu.    

Người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Mường
Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình ở Hòa Bình. 
Người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Mường
5 chiếc chiêng có niên đại từ thế kỷ 13 được xem là “độc nhất vô nhị” .

Ông Bình cho rằng “Hiện vật không phải vô tri, vô giác mà đều có giá trị lịch sử văn hoá, tinh thần riêng biệt, đó là những báu vật cần phải được lưu giữ cho các thế hệ sau. Bảo tàng được đưa vào hoạt động là nơi tập hợp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân gian truyền thống dân tộc Mường trên phạm vi toàn quốc”.

Ngoài việc trưng bày các hiện vật phản ánh nếp sống sinh hoạt đặc trưng của người Mường, như: Dụng cụ lao động sản xuất, đánh bắt cá, săn bắt thú rừng, trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ... Bảo tàng còn sở hữu những di vật, cổ vật quý hiếm như trống đồng, chiêng, đồ gốm cổ có niêm đại cách đây hàng ngàn năm. Đáng chú ý là bộ sưu tập chuyên đề về chiêng Mường với trên 100 chiếc, có đủ kích cỡ từ đường kính 20 đến 60cm, trong đó có chiếc chiêng cổ đường kính 70cm. Nổi bật nhất là bộ chiêng cổ 5 chiếc được xem là “độc nhất vô nhị”, chiếc ở giữa phân ngôi chiêng được dát vàng, chế tác vào thế kỷ thứ XIII, đã có du khách đến xem hỏi mua với giá 300 triệu đồng nhưng ông Bình không bán. Không chỉ là người sưu tầm được nhiều chiêng cổ, ông Bình còn là người rất am hiểu về âm nhạc cồng chiêng và truyền dạy được những bài chiêng cổ của cha ông truyền lại.

Hằng ngày, bảo tàng mở cửa phục vụ khách tham quan, được ông Bình và các thành viên trong gia đình đón tiếp trọng thị, chu đáo, nhiệt tình giới thiệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh hoàn toàn miễn phí. Bảo tàng còn là nơi ông Bình truyền dạy cách sử dụng chiêng Mường cho các tầng lớp nhân dân và cho các câu lạc bộ cồng chiêng trong và ngoài tỉnh. Theo ông Bình: Cồng chiêng là “hồn cốt” của văn hoá dân tộc Mường do vậy cần được truyền dạy một cách bài bản, nghiêm túc.

Đến tham quan các gian trưng bày, người xem không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô sưu tầm của vị giám đốc đầy tâm huyết này. Ngoài tập hợp các di vật, cổ vật truyền thống phục vụ công tác nghiên cứu, học tập. Bảo tàng còn có một phòng thư viện tổng hợp với hơn 9.000 đầu sách các loại, phục vụ công tác tra cứu, hướng dẫn và giới thiệu văn hoá truyền thống dân tộc Mường. Từ khi đi vào hoạt động, bảo tàng đã trở thành điểm đến của những người muốn tìm hiểu lịch sử văn hoá Mường, điểm tham quan, trải nghiệm của hàng vạn lượt học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn, du khách trong nước và quốc tế.

Để lưu giữ văn hoá ẩm thực xứ Mường, ông Bình dành trọn một nhà sàn diện tích 200m2 để cung cấp dịch vụ văn hoá ẩm thực với hơn 50 món ăn đặc trưng, truyền thống của người Mường, như: Rượu cần, cơm lam, thịt trâu lá lồm, cá suối nướng, thịt lợn bản bày trên lá, rau rừng đồ, măng đắng chấm với chẩm chéo, gà nấu măng chua hạt dổi, chả rau đáu... các món ẩm thực luôn tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi đến tham quan bảo tàng.

Ngoài công việc tại bảo tàng, NNUT Bùi Thanh Bình còn tham gia phục dựng không gian văn hoá Mường tại Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (Ba Vì, Hà Nội), để giới thiệu, quảng bá di sản văn hoá dân tộc Mường đến bạn bè trong nước và quốc tế. Ông Bình chia sẻ: “Tại đây, tôi muốn tái hiện một xã hội Mường thu nhỏ qua các hiện vật gốc liên quan đến kiến trúc, đời sống, tập tục, ẩm thực, ngôn ngữ của người Mường, giúp cho du khách thập phương và các thế hệ con cháu sau này, hiểu biết và tự hào về văn hóa dân tộc Mường”. Đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng NNƯT Bùi Thanh Bình vẫn miệt mài dành trọn tình yêu và tâm huyết, đóng góp cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường, hoà chung vào sự phát triển mạnh mẽ của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài và ảnh: XUÂN MINH - HỒNG THỦY

nguồn báo quân đội nhân dân