Trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm
của dân tộc từ khi ra đời tới nay là lịch sử dựng nước và giữ nước. Dựng nước
luôn luôn gắn chặt với giữ nước, trong đó dựng nước là yếu tố cơ bản. Phải xây
dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng chiến thắng
các thế lực thù địch và phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất
nước. Vì vậy, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta liên tiếp đứng
lên chống lại chúng.
Từ năm 1858 đến
trước năm 1930, hàng trăm cuộc khởi nghĩa, phong trào chống Pháp đã nổ ra theo
nhiều khuynh hướng khác nhau như khởi nghĩa của Trương Công Định, Thủ Khoa
Huân, phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân;
các cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học... lãnh
đạo. Các cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh đó vô cùng anh dũng, nhưng đã bị
thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và đều thất bại.
Việc tìm một con
đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và
thời đại là nhu cầu bức thiết nhất của dân tộc ta lúc bấy giờ. Sự đô hộ của
thực dân Pháp gần một thế kỷ đã chứng tỏ cả giai cấp phong kiến và đại diện cho
các thế lực tư sản đã hết vai trò lịch sử, vận mệnh của dân tộc và đất nước lâm
vào tình thế bế tắc, không có đường ra. Vấn đề bức thiết đặt ra lúc đó là bằng
con đường nào, cách thức nào, tổ chức lực lượng thế nào để đánh đuổi thực dân
Pháp, giành lại độc lập dân tộc.
Vấn đề vô cùng
bức thiết này đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh)
đưa ra lời giải đáp. Chính nhờ kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước trên
cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tinh hoa của triết học và văn hóa
phương Đông và phương Tây mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường
cứu nước (1911) và đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin (1920). Con đường cứu nước
đúng đắn đã được xác định, đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Trong suốt 30
năm đi tìm đường cứu nước, Người đã nhận rõ con đường giành độc lập dân tộc
phải là con đường cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc đã gieo hạt, gây mầm và tạo
dựng sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Với kỳ công của Người, đã kết hợp chủ nghĩa
Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam chuyển hóa
thành một sự kiện trọng đại: năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Từ khi xuất hiện
trên vũ đài chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ rõ là một đảng cách mạng
chân chính nhất, có sức hội tụ lớn nhất mọi sức mạnh của dân tộc, của giai cấp,
sớm trở thành đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc trong cuộc đấu tranh
chống đế quốc, phong kiến.
Qua đó, Đảng ta
đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đuổi đế quốc, thực
dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á;
mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự
do và CNXH. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam đã
nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, lên đường kháng chiến và cuối cùng
đã giành được thắng lợi to lớn, đánh thắng đế quốc xâm lược và lập lại hoà bình
ở miền Bắc Việt Nam.
Trong hoàn cảnh
đất nước tạm bị chia làm hai miền, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành
đồng thời hai cuộc cách mạng: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc
dân chủ nhân dân ở miền Nam. Khi Mỹ đưa quân vào xâm lược miền Nam, tiến hành
chiến tranh cục bộ đánh phá các căn cứ cách mạng ở miền Nam và mở rộng chiến
tranh xâm lược ra miền Bắc (1964), Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân
hai miền "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn
miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1975), Đảng ta còn tiếp tục lãnh đạo nhân dân
chiến thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới
phía Bắc (1979), bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đưa cả nước
đi lên CNXH.
Dưới sự lãnh đạo
của Đảng, với việc đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, từ một nền kinh
tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường, chủ động,
tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Với việc lựa chọn con đường phát
triển đúng trọng tâm, phù hợp quy luật, từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo
nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập
thấp từ năm 2008.
Năm 2024, tăng
trưởng kinh tế của cả nước đạt 7,09% GDP (vượt mức mục tiêu đề ra là 6 - 6,5%
GDP), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế
giới. Việt Nam đã có quy mô nền kinh tế gần 500 tỉ USD, tăng gần 100 lần so với
năm 1986, đứng thứ tư Đông Nam Á và thứ 34 thế giới; giá trị thương hiệu quốc
gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỉ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm
2023.
Theo báo cáo
"Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" do Google - Temasek công bố, năm
2024, quy mô nền kinh tế internet Việt Nam đạt 36 tỉ USD, tăng 16% so với năm
2023. Thương mại điện tử bán lẻ tiếp tục là trụ cột với 22 tỉ USD, tăng 18% và
chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế internet. Dự kiến, thương mại điện tử sẽ đạt
45 tỉ USD năm 2025. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 25,35
tỉ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo Báo cáo Chỉ
số đổi mới sáng tạo (GII) 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): Chỉ
số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế,
tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so
với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53; đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với
năm 2023, từ vị trí 40 lên 36.
Theo Báo cáo
khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên hợp quốc, Việt Nam vươn lên vị trí
thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022, đây là lần đầu tiên Việt Nam
được xếp vào nhóm Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức rất cao và
vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của
Liên hợp quốc.
Dịp kỷ niệm Ngày
thành lập Đảng hằng năm luôn nhận được sự quan tâm, chúc mừng từ các chính
đảng, tổ chức, bạn bè quốc tế. Đây là minh chứng sinh động cho uy tín của Đảng
ta và sự cảm phục đặc biệt mà các quốc gia, chính đảng, nguyên thủ quốc gia
trên thế giới dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam
đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; trong đó 96 đảng Cộng
sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Đây
là con số ấn tượng, riêng có mà một chính đảng cầm quyền trên thế giới thiết
lập nên.
Nhân dịp kỷ niệm
95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Nhân dân Cách mạng Lào, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ
tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen, Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ
tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez và Đại tướng Raúl Castro
Ruz, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un… đã gửi thư, điện chúc
mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Tô Lâm,
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam…
Trong bài trả
lời phỏng vấn nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, kỷ
nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự
lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN giàu mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với
các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện
thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang
phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở
thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao; mọi người dân đều được phát triển
toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh.
Nhờ sự quyết tâm
cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân ta
dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục đóng góp quan trọng vào củng cố vững chắc
môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát
triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân được ấm no. Độc lập, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ được đảm bảo, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế
của đất nước. Đó là thực tiễn sống động về một Việt Nam vững mạnh và phát triển
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hướng đến kỷ nguyên vươn mình của dân
tộc, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch,
phản động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét