Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học – ý nghĩa đối với việc xây dựng xã hội học tập để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học là những luận điểm cơ bản phản ánh nội dung, cách thức, phương pháp, con đường tự học một cách đúng đắn, phù hợp, hiệu quả. Bài viết làm rõ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, nội dung, phương pháp và đối tượng tự học; từ đó, vận dụng vào xây dựng xã hội học tập, tạo ra nguồn lực phong phú, đa dạng, chất lượng cao, thực hiện thắng lợi các yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

1. Đặt vấn đề

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về tinh thần, ý chí, nghị lực về con đường tự học. Người giải thích tinh thần tự học theo hướng “Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”. Nhờ vậy, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người đã trở thành thành biểu tượng sáng ngời về sự tận trung với Đảng, tận hiếu với dân để các thế hệ noi gương học tập và làm theo. Kế thừa và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học, Đảng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng xã hội học tập suốt đời để đào luyện nhân tài, bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ thanh niên trở thành những công dân có ích cho xã hội.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh tự học có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là với cán bộ, đảng viên. Tự học không chỉ giúp con người tiến bộ, trưởng thành mà còn góp phần nâng tầm hiểu biết các lĩnh vực, hoạt động xã hội để không bị lạc hậu so với thời cuộc. Kiến thức của nhân loại là mênh mông, vô tận, không tự học không thể nắm bắt được cái mới, không thể làm được cách mạng. Tự học là con đường duy nhất để mỗi người nâng cao trình độ, hiểu biết của bản thân, ngoài thời gian học tập trên lớp thì việc tự học của mỗi người phải làm chủ đạo, lấy tự học làm cốt, làm phương châm hành động; có như vậy, mới đáp ứng được những đòi hỏi đặt ra ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực tuyệt vời về con đường tự học, tự nghiên cứu ở mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện, hoàn cảnh. Người chỉ rõ: “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”. Trong quá trình tự học, Người luôn nhắc nhở mọi người phải có ý thức, động cơ đúng đắn, tự học nhằm phục vụ cho chính bản thân, không phải cho Đảng, cho Nhân dân; những người tích cực, chủ động nêu cao tinh thần tự học đều tiến bộ, trưởng thành, có đóng góp nhất định vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, được Nhân dân kính trọng, quý mến và đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Người yêu cầu: “tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”. Cũng thông qua việc tự học mà rèn luyện đức tính, phẩm chất quan trọng của cán bộ, đảng viên, đó là kiên trì, bình tĩnh trong xử lý, giải quyết công việc, không nóng vội, chủ quan, đốt cháy giai đoạn; tạo lập cho mỗi cán bộ, đảng viên suy xét, đánh giá, nghiền ngẫm các vấn đề, lĩnh vực xã hội khác nhau một cách đúng đắn, khách quan, toàn diện. Vì vậy, tự học của cán bộ, đảng viên đạt được hai mục đích về phẩm chất và năng lực, “vừa hồng”, “vừa chuyên” để lãnh đạo, đoàn kết, tập hợp quần chúng Nhân dân hăng hái tham gia vào các phong trào cách mạng, đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc đến thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cách thức, biện pháp tự học hiệu quả nhất là: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Tự học là yếu tố cốt lõi của hoạt động học, là bộ khung, là nội lực quyết định chất lượng học tập. Bên cạnh đó cũng cần các yếu tố ngoại lực khác giúp vào, các yếu tố đó là thảo luận và chỉ đạo, trao đổi, đối thoại, hội thảo, xêmina… Đây là phương pháp huy động trí tuệ tập thể để bổ sung, giúp thêm vào hoạt động tự học của mỗi cá nhân. Chỉ đạo là phát huy vai trò quản lý của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong học tập nhằm tạo điều kiện và kích thích đối tượng tự quản, tự học. Việc tự học được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện, mọi hình thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, tự học là một dòng chảy liên tục, phát triển không ngừng, người học không được để cho nó gián đoạn, không ngắt quãng, dù công việc cuộc sống có bộn bề đến đâu. Trả lời cho câu hỏi: Học ở đâu? Người nói: “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học Nhân dân…”, tức là ở bất kỳ nơi đâu mọi người cũng có thể tự học.

Để việc tự học đạt được kết quả như mong muốn thì cần quán triệt, thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, giữa học và hành được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”… Chính vì vậy, trong học tập nói chung cũng như trong tự học nói riêng, Người yêu cầu phải thực hiện chặt chẽ việc “học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”. Học lý thuyết, học lý luận phải nhằm phục vụ cho thực tiễn cách mạng chứ không phải theo kiểu học “dăm câu ba điều”, “tầm chương trích cú” cốt để lòe thiên hạ, để tỏ vẻ ta đây có kiến thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ việc tự học muốn có hiệu quả thì mỗi người cần có kế hoạch tự học hợp lý, kiên trì, bền bỉ, sáng tạo. Tự học là quá trình lâu dài, tự học suốt đời, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực của người học. Để tự học thành công phải có kế hoạch, đồng thời phải kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng. Người chỉ rõ: “Sắp xếp thời gian và bài học… phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau mà không xung đột với nhau”. Chính vì vậy, “học phải có quyết tâm, phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được”.

Về đối tượng của tự học, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, trai gái, nghề nghiệp đều cần tự học. Bởi lẽ, tri thức nhân loại là vô tận và không ngừng phát triển, còn hiểu biết của mỗi người thì hữu hạn, nếu mỗi người không tự học, không tự trau dồi kiến thức thì sớm muộn cũng bị lạc hậu và thoái bộ. Người nói: “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Đối tượng của tự học là tất cả mọi người, không loại trừ một đối tượng nào. Đây không chỉ là yêu cầu mà còn là nhiệm vụ của mọi người. Bởi vì, thế giới luôn luôn vận động và phát triển đi lên, kho tàng tri thức của nhân loại cũng ngày càng phong phú, con người luôn sáng tạo ra những tri thức mới nhằm phục vụ cho cuộc sống,… Tất cả tiến bộ rất nhanh, những ai không muốn mình bị đào thải, bị đẩy ra khỏi guồng quay ấy thì phải học hỏi không ngừng. Người nhấn mạnh: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”.

3Ý nghĩa đối với việc xây dựng xã hội học tập để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”. Quan điểm về xây dựng xã hội học tập được Đảng ta đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII là sự kế thừa, tiếp nối dòng chảy lịch sử, của truyền thống hiếu học, được vận dụng nhuần nhuyễn vào thực tiễn giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Một xã hội phát triển, bảo đảm quyền lợi cho con người đầy đủ ở các mặt, đặc biệt luôn đánh thức, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, đồng nghĩa với giáo dục và đào tạo có bước phát triển nhảy vọt về chất, tạo ra được một xã hội học tập rộng rãi, phổ biến. Xã hội học tập đó không chỉ có trang bị về kiến thức đơn thuần mà còn là hệ thống vốn sống, kinh nghiệm, tình yêu thương, sự chia sẻ những việc làm tốt để lan toả đến mọi người xung quanh, thêm nhiều người tốt, việc tốt hơn nữa. Xã hội học tập chính là sự tự ý thức của mọi người trong nhận thấy trách nhiệm của mình đối với việc học tập.

Việc xây dựng xã hội học tập không phải chỉ có riêng ngành giáo dục và đào tạo mà được mở rộng ở tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Người dân có quyền bày tỏ những quan điểm, thái độ của mình về cách thức, phương pháp giáo dục sao cho hiệu quả. Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: “Thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã trở thành phong trào, thành nhu cầu, thành nếp văn hoá và đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, đã hình thành hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất từ giáo dục mầm non đến đào tạo sau đại học… môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với cuộc vận động xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá”.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng xã hội học tập ở nước ta còn một số hạn chế, học tập chưa trở thành nhu cầu, động cơ thúc bách mọi người dân; việc học tập suốt đời còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích, chưa chú trọng về chất lượng; chưa có sự tham gia tích cực, chủ động của đông đảo Nhân dân vào việc góp ý xây dựng chương trình, nội dung học tập phù hợp, hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng; việc tự học, thực học và học tập suốt đời của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa đạt được kết quả như mong muốn; còn tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp mà chưa thật sự căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn, ngại khó, ngại khổ, không đào sâu suy nghĩ để vươn lên chinh phục những đỉnh cao trong khoa học.

4. Một số biện pháp xây dựng xã hội học tập tiến bộ

Một là, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho người dân thấy được sự cần thiết phải xây dựng xã hội học tập gắn với học tập suốt đời.

Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời chỉ thành công khi mỗi công dân ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với việc tự học tập suốt đời. Theo đó, mỗi người dân Việt Nam dù ở cương vị, chức trách nào đều phải nhận thấy rằng, việc xây dựng xã hội học tập gắn với học tập suốt đời là để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phải cho một tổ chức, cá nhân nào.

Cấp uỷ, chính quyền các cấp, đội ngũ các nhà giáo, nhà quản lý phải thấu triệt trước tiên những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo; thông qua phương tiện thông tin truyền thông đẩy mạnh đến với người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, xa xôi, hẻo lánh, hải đảo cần phải được đẩy mạnh. Chủ động phối hợp với cơ quan, chức năng, lực lượng có liên quan tiến hành tuyên truyền, giáo dục, không được tiến hành theo mùa vụ, giai đoạn hoặc làm cho có, không thực chất. Xây dựng nội dung, chương trình tuyên truyền, giáo dục phù hợp, linh hoạt, sáng tạo ở từng địa bàn, khu vực. Đặc biệt, cần xác định khâu trọng tâm, trọng điểm trong tuyên truyền, giáo dục tránh lan man, hình thức, không hiệu quả, không đem lại những chuyển biến trong xã hội.

Hai là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị – xã hội đối với việc xây dựng xã hội học tập.

Mỗi cấp uỷ, tổ chức chính trị – xã hội, hội nghề nghiệp cần nhận thức rõ mục tiêu chính của việc học tập suốt đời là phát triển con người xã hội chủ nghĩa, từ đó, xác định các nội dung học tập suốt đời cho cán bộ, đảng viên, thành viên gắn với phát động thi đua, đánh giá, biểu dương, khen thưởng. Việc xây dựng xã hội học tập phải có kế hoạch, lộ trình, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị – xã hội.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo một cách thích đáng, xây dựng triết lý giáo dục cho các đối tượng đào tạo phù hợp, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, hoàn thiện phẩm chất, nhân cách cho người học. Tăng cường đầu tư, kêu gọi đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục ở tất cả các cấp bậc theo tinh thần xã hội hóa và hợp tác quốc tế. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng hệ thống các chỉ số quản lý và phối hợp trong các hoạt động giáo dục từ trung ương tới địa phương, kết hợp với hoạt động giám sát của người dân và phụ huynh, phát triển công tác truyền thông về giáo dục, phản ánh khách quan, đúng mức những tiêu cực, ghi nhận những chuyển biến tích cực, củng cố niềm tin của xã hội, tạo động lực cho đổi mới giáo dục.

Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về pháp luật và chính sách tương ứng, ban hành một số quy định trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các Luật có liên quan định hướng cho hoạt động giáo dục công lập, ngoài công lập, coi cơ sở giáo dục là một đơn vị kinh tế đặc biệt có đóng góp cho ngân sách. Đặc biệt, với các cơ sở có vốn đầu tư và hợp tác với nước ngoài, Nhà nước cần tăng cường quản lý về nội dung và điều kiện pháp lý để bảo đảm quyền lợi của người học.

Ba làxây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời như một công cụ quản lý và đánh giá sự tiến bộ của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Phát triển mạnh mẽ mạng lưới giáo dục thường xuyên và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường phù hợp với thực tế địa phương và đất nước. Nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo hướng thực hiện nhiều nhiệm vụ, như: giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng ngắn hạn và tư vấn, phát triển mạnh mô hình học tập cộng đồng kết hợp với nhà văn hóa, thư viện, bưu điện văn hóa xã; đổi mới nội dung, chương trình giáo dục thường xuyên theo hướng đa dạng, linh hoạt, mềm dẻo đáp ứng nhu cầu của người học. Liên kết hợp tác giữa các trường đại học với hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục cộng đồng, liên kết hợp tác quốc tế, xây dựng kho học liệu số, học liệu mở, phát triển các hệ thống học trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập suốt đời. Có các giải pháp cụ thể nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.

5. Kết luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học là những chỉ dẫn quý báu để Đảng, Nhà nước ta hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng xã hội học tập; phát huy tính năng động, sáng tạo của mỗi người dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước, tạo thế và lực vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trong quá trình đó, Nhà nước đóng vai trò trung tâm, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường giáo dục và đào tạo minh bạch bình đẳng, huy động các nguồn lực xã hội để thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Công dân vừa là chủ thể học tập, vừa là chủ thể sáng tạo cung cấp tri thức, sáng kiến, kinh nghiệm, xây dựng và cung cấp học liệu phục vụ xã hội học tập; ý thức tự giác tự học quyết định kết quả học tập của cá nhân. Công dân có ý thức tự học tốt, luôn có khát khao học tập suốt đời là cơ sở để thúc đẩy xây dựng xã hội học tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét