Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

TẦM NHÌN VÀ CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC TRONG CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy dấu ấn sâu đậm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm nhìn dự báo và hoạch định đường lối chiến lược, về sử dụng nhân lực và binh lực, về phương pháp tác chiến, về sự khích lệ động viên bộ đội và đồng bào ta trong chiến tranh nhân dân, làm xoay chuyển cục diện chiến trường. Chiến thắng lịch sử ấy tạo đà cho thắng lợi trên bàn đàm phán Hiệp định Giơ-ne-vơ và là minh chứng cho giá trị hiện thời về chân lý độc lập, hòa bình, hạnh phúc và sức mạnh chính nghĩa trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của dân tộc, đã cống hiến cả cuộc đời mình và để lại những dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Một trong những cống hiến ấy là quá trình Người lãnh đạo, chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi vẻ vang, khơi dậy và phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, gắn kết và quy tụ sự đồng lòng của hậu phương và tiền tuyến, của quân đội và nhân dân, của “ý Đảng và lòng dân” trong việc hoạch định đường lối chiến lược cho phù hợp với bối cảnh, cách thức tổ chức chiến thuật và phát triển lực lượng, động viên toàn dân và toàn quân vượt qua khó khăn, nhất tề quyết chiến, quyết thắng giành thắng lợi.
Dự báo và hoạch định đường lối chiến tranh
Thực dân Pháp chủ trương và tổ chức xây dựng khu tổ hợp công sự Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm giành thế đứng chân ở vùng Tây Bắc và Thượng Lào, thực hiện âm mưu kéo quân chủ lực của ta lên đây để tiêu diệt, tạo điều kiện cho việc bình định ở đồng bằng và trung du, hòng làm thay đổi cục diện chiến trường Đông Dương. Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ quyết định chọn tướng Na-va làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, vạch ra kế hoạch Na-va với âm mưu mở rộng và kéo dài chiến tranh, hòng cứu vãn tình thế thất bại của chúng. Từ giữa tháng 11-1953, thực dân Pháp, với sự giúp sức của đế quốc Mỹ, đã từng bước xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với tổng số quân hơn 16.000 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo lớn, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay, tổ chức thành 8 cụm với 49 cứ điểm. Việc Na-va quyết định giao chiến ở Điện Biên Phủ là do đánh giá chủ quan về quân ta không có khả năng đánh một tập đoàn cứ điểm, lại không thể đưa vũ khí hạng nặng và tiếp tế từ miền xuôi lên Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm của kế hoạch Na-va và là điểm quyết chiến chiến lược trên chiến trường Đông Dương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, trong đó, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng; lực lượng tham gia chiến dịch là Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 351, Đại đoàn 304 (thiếu một trung đoàn)... Tại Khuổi Tát (Định Hóa, Thái Nguyên), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Người trước khi lên Tây Bắc, nêu ra những trở ngại khi tác chiến ở xa nên không thể thường xuyên xin ý kiến Người và Bộ Chính trị. Người nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận. “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Lời căn dặn của Người đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành kim chỉ nam trong tư duy chiến thuật, quyết chiến chiến lược của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vấn đề đặc biệt quan trọng là đường lối chiến tranh, phương châm của chiến dịch có ý nghĩa quyết định đến tương lai cách mạng của dân tộc. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự liệu và nhất quán phương châm chiến dịch, lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quyết tâm đánh chắc, tiến chắc và động viên toàn dân dốc toàn lực lượng chi viện cho tiền tuyến đánh thắng hoàn toàn. Nhận định tình hình địch đã củng cố công sự phòng ngự rất nhanh chóng, mạnh mẽ, có sự yểm trợ của không quân; trong khi phía ta tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế về quân lực và khí tài, lại chưa kinh qua hợp đồng tác chiến lớn, cùng với những khó khăn về trang bị cho bộ đội và hậu cần chưa bảo đảm kịp thời, nên Đảng đã chỉ rõ: “Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn”.
Phương châm từ đánh nhanh, thắng nhanh được thay đổi sang đánh chắc, tiến chắc là đòi hỏi quyết tâm rất lớn, như đồng chí Võ Nguyên Giáp nói đó là “quyết định khó khăn nhất”. Đánh nhanh, giải quyết nhanh trong khi địch chưa kịp chuẩn bị củng cố trận địa phòng ngự, chủ yếu là những công sự dã chiến, một số cứ điểm lộ ra sơ hở, tiếp tế chủ yếu bằng máy bay; quân ta đã tập kết chung quanh Điện Biên Phủ, tinh thần công kiên rất cao, nhưng có bất lợi là chưa có kinh nghiệm tác chiến lớn với nhiều lực lượng tinh nhuệ và triển khai linh hoạt các biện pháp phòng ngự của quân Pháp. Đánh chắc, tiến chắc thì phải tiến hành trên quy mô lớn và diễn ra trong thời gian khá dài, trên mọi địa hình và trong công sự vững chắc kế tiếp nhau cho đến khi quân địch bị tiêu diệt và đầu hàng hoàn toàn. Đánh chắc, tiến chắc thì công tác chuẩn bị kéo dài; thời gian chiến đấu kéo dài sẽ phát sinh nhiều khó khăn mới, do địch có thời gian thúc đẩy chi viện tiếp tế và củng cố trận địa, đánh phá ngày càng ráo riết, ác liệt làm cho bộ đội ta sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tư tưởng, còn công tác hậu cần tiếp tế sẽ phải diễn ra dài ngày và tăng lên.
Trong khi đó, phía địch đã đề ra kế hoạch phòng thủ gồm bốn bước: 1- Dùng không quân oanh tạc, nhằm làm chậm bước tiến của quân ta trên các tuyến giao thông chính từ Yên Bái và Thanh Hóa đi Tây Bắc; 2- Đánh phá và đánh chiếm hòng đánh bật quân ta ra khỏi Lai Châu; 3- Oanh tạc gây thiệt hại và chặn các cuộc tiến công của quân ta vào Điện Biên Phủ; 4- Khuếch trương lực lượng, mở rộng vùng chiếm đóng. Những khó khăn đó càng làm nổi bật tính sáng tạo và quyết tâm lớn lao của chúng ta. Lực lượng của ta tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị làm đường mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, chuẩn bị lực lượng bộ đội về mọi mặt, hầm trú ẩn, hậu cần và theo dõi chặt chẽ tình hình địch.
Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn vào ngày 13-3-1954 và đã diễn biến làm ba đợt: 1- Đánh chiếm, tiêu diệt các vị trí Him Lam và phân khu bắc (phía bắc và đông bắc); 2- Bao vây, khống chế sân bay, tiêu hao và tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch ở khu vực phòng ngự then chốt của phân khu trung tâm, thu hẹp phạm vi chiếm đóng các ngọn đồi phía đông và vùng trời của địch; 3- Đánh chiếm các điểm cao cuối cùng ở phía đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm của quân địch. Sau 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, ngày 7-5-1954, với 3 đợt tiến công, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch, trong đó có tướng Đờ Cát-xtơ-ri và bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự của địch. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh điểm là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã đập tan kế hoạch Na-va.
Nhân tố chủ yếu nhất, quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là chủ trương kiên quyết kháng chiến, xác định phương châm và cách đánh, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, đoàn kết trên dưới đồng lòng theo đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người lãnh đạo và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung lực lượng, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, phát huy thế mạnh của ta để giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược này.
Chiến lược đại đoàn kết toàn dân, huy động nhân lực và binh lực
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng đều mang chiến lược đại đoàn kết toàn dân và tính chất nhân dân sâu sắc, “là điển hình thành công của việc quán triệt và tổ chức thực hiện tư tưởng chiến tranh toàn dân, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta”.
Xuất phát từ niềm tin vào tinh thần yêu nước, đoàn kết, sáng tạo của đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm động viên quân và dân ta trong quá trình chuẩn bị cho đến khi giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ. Người đã gửi nhiều thư động viên, cổ vũ, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn để làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Tháng 12-1953, trong Thư gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, Người khẳng định: “Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo rất quan trọng về chiến tranh toàn dân với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Đó là tư tưởng của Người về chiến tranh nhân dân ở cơ sở và chiến tranh nhân dân ở địa phương, động viên đồng bào bám trụ và làm chủ bản làng, quê hương, đường phố để đánh địch. Đáp lại lòng tin cậy của Người vào sức mạnh của đồng bào và bộ đội, nên trong quá trình chuẩn bị và tác chiến tại chiến trường Điện Biên Phủ đã có nhiều sự đùm bọc, chia sẻ, quyết tâm và sáng tạo, như việc chặt tre nứa luồn xuống dưới lớp cỏ rồi chống lên như giàn mướp tạo thành giàn ngụy trang cho con đường kéo pháo vào các điểm trận địa được an toàn; phong trào “săn Tây, đánh tỉa”, đánh tập kích quân địch và giữ vững trận địa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là cách đánh du kích, đánh điểm, diệt viện, chiến thuật “điệu hổ ly sơn”… Ngày 16-1-1954, trong bài viết Đẩy mạnh phong trào du kích dưới bút danh Nguyễn Thao Lược đăng Báo Nhân dân, Người khẳng định vai trò và nhiệm vụ to lớn của lực lượng du kích trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện; giới thiệu vài kinh nghiệm thiết thực trong việc đánh giặc, như biết địch, biết ta, đánh giặc, thương dân. Cuối bài viết, Người khẳng định: “Chúng ta phát triển lực lượng du kích mạnh mẽ rộng khắp, thành một “thiên la địa võng”, giặc đi đến đâu là bị tiêu diệt đến đó, thì giặc nhất định thua, ta nhất định thắng”. Đó chính là tư duy của Người về phát triển nghệ thuật chiến tranh nhân dân, tạo sức mạnh kháng chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá cao sự chuẩn bị của các bộ phận tham gia chiến dịch, hợp đồng tác chiến của các đơn vị và quyết tâm quyết chiến, hy sinh của quân dân ta.
Sức mạnh vĩ đại của toàn quân, toàn dân ta đã làm nên mọi thắng lợi trong lịch sử. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phía địch đã không đánh giá đúng tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân, toàn Đảng ta. Tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường đó đã giúp toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khắc phục những hạn chế về lực lượng, khí tài và làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thi đua, khen thưởng kịp thời cho quân dân, tạo động lực trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Ngày 15-2-1954, Người đã ký Sắc lệnh số 201-SL, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho đồng bào và cán bộ khu Tây Bắc; ông Bùi Hương Chất (truy tặng) - Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Khu Tả Ngạn. Ngày 15-3-1954, Người gửi điện thăm hỏi, khen thưởng toàn thể cán bộ và chiến sĩ đã giành thắng lợi trong hai trận đầu tiên ở mặt trận Điện Biên Phủ và bày tỏ quyết tâm: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”… Theo đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng gửi Lệnh động viên đến từng đơn vị: “Đây là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta từ trước đến nay… Giờ ra trận đã đến! Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã động viên phát huy cao độ tinh thần yêu nước của đồng bào và chiến sĩ, để rồi 55 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn, bao nhọc nhằn vất vả, hy sinh bao xương máu để chiến thắng. Ngày 19-5-1954, Người có cuộc gặp gỡ các chiến sĩ đã lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và gắn huy hiệu cho Hoàng Đăng Vinh, người đã bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri; tối cùng ngày, Người mở tiệc chiêu đãi các chiến sĩ đã lập công trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ nhiều ngày hoặc thậm chí sau nhiều năm, Người vẫn gửi thư đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Người thăm hỏi những gia đình có liệt sĩ, các thương binh, đặc biệt là Người có ý định thưởng huy hiệu cho tất cả là “Chiến sĩ Điện Biên”.
Cách thức phát triển tầm nhìn chiến lược và chiến thuật
Tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh về xác định mục tiêu, nhiệm vụ và “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong quá trình tiến hành cách mạng. Cuối tháng 9-1953, tại bản Tỉn Keo (thuộc thôn Lục Giã, nằm dưới chân núi Hồng, huyện Định Hóa, Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình địch, Người nhấn mạnh: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn” - bàn tay Người mở ra, mỗi ngón tay chỉ về một hướng. Kết thúc cuộc họp, Người nói: “Phương hướng chiến lược không thay đổi”. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hành động có thể thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hóa...
Trên cơ sở phát triển thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc, Ban Chấp hành Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến tinh thần cách mạng, xác định và hoàn thành các nhiệm vụ: “Tiêu diệt sinh lực địch”, “tranh thủ nhân dân”, “chúng ta phải sửa đường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu, chịu đói, chịu rét, trèo đèo lội suối, đi xa vác nặng, tìm đến tận sào huyệt quân địch để tiêu diệt chúng, để giải phóng đồng bào ta”
Ngày 21-3-1954, trong bài viết Kế hoạch AV-AN dưới bút danh C.B đăng trên Báo Nhân dân, Người đã nêu những thất bại của quân đội Pháp từ ngày 1-1 đến ngày 10-3-1954 trên chiến trường Việt Nam, đặc biệt là trên mặt trận đánh giao thông vận tải (Kế hoạch “đánh què giặc” của ta). Người dự báo trước rằng: “Kế hoạch Nava của địch đã thất bại một phần và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn vì “ta đã đánh cho kế hoạch Nava què hóa ra kế hoạch AV-AN””.
Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp dự báo tình hình, tạo lực, lập thế và tranh thủ thời cơ. Người đã nhận định tình hình lợi thế và thực lực của địch, những bất lợi của thực dân và sử dụng những thông tin báo chí nhằm góp phần đẩy mạnh quyết tâm và khí thế cách mạng của quân dân ta. Người đặc biệt quan tâm đến xây dựng lực lượng cách mạng (lực lượng vật chất, lực lượng tinh thần, bố trí lực lượng, xây dựng trận địa, tình hình quân sự và địa hình, diễn biến tác chiến) cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trên Báo Cứu quốc số 2358, ra ngày 22-2-1954, trong bài viết Phản động Pháp mắng thực dân Pháp, Người viện dẫn những bình luận trên các báo của Pháp, như Báo Thời tiết (ngày 20-1-1954), Báo Lơ Phigarô (ngày 22-1-1954), Báo Dân chúng (ngày 4-2-1954) và khẳng định: “Bọn đế quốc khi tạm thắng thì huênh hoang, khi thất bại thì lục đục. Bởi vì giặc Pháp thất bại liên tiếp, cho nên báo chí phản động Pháp hoang mang và cằn nhằn”. Người chỉ dạy, người cách mạng khi tạm bại thì không nản, khi thắng lợi thì không kiêu và có niềm tin rằng “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết các bài như “Chiến tranh xâm lược Việt Nam làm cho người ở Pháp chết”,… nhằm lên án mạnh mẽ thực dân Pháp gây chiến tranh ở Việt Nam, không những giết người Việt Nam, mà còn giết cả người Pháp; bởi vì, để theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã tập trung tiền của mua sắm vũ khí làm cho nhiều người Pháp không có cơm ăn, không có nhà ở, rơi vào đói khổ, bệnh tật mà chết.
Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp kết hợp các hình thức đấu tranh, ghi nhận thành quả cách mạng được thể hiện sâu sắc qua Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người lãnh đạo, chỉ đạo phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và tổng hợp mọi sức mạnh dân tộc để tạo đà tiến công thắng lợi trên mặt trận Điện Biên Phủ, kể cả việc kết hợp các hình thức đấu tranh và tranh thủ sức mạnh thời đại, của nhân dân tiến bộ ủng hộ nền hòa bình của Việt Nam. Vấn đề nổi bật trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phương pháp so sánh tương quan lực lượng nhằm tạo ưu thế về binh lực và hỏa lực trong từng trận tác chiến, phân tích chính xác tình hình và quyết định tấn công chắc thắng qua từng trận đánh, phát triển chiến thuật và hiệp đồng binh chủng, xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch; động viên toàn dân và toàn quân thấm nhuần đường lối quân sự, đoàn kết để quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do. Kinh nghiệm quan trọng của Người về đánh giá khách quan tình hình cách mạng có những chuyển biến tích cực, thuận lợi để có những bước chỉ đạo tiếp theo ở mặt trận Điện Biên Phủ. Do đó, ngày 24-4-1954, trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn, Người đã ký ban hành Sắc lệnh số 205-SL thành lập Ủy ban kháng chiến hành chính khu Tây Bắc, gồm 5 đồng chí do đồng chí Bùi Quang Tạo làm Chủ tịch, nhằm nâng cao khả năng lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc trong sự nghiệp cách mạng.
Ngày 7-5-1964, sau khi tròn 10 năm chiến thắng, Người ghi trong sổ lưu niệm của Nhà Bảo tàng Điện Biên Phủ, nhấn mạnh đây là chiến thắng “kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, anh dũng của quân và dân nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.
Và sau gần 12 năm thắng lợi Điện Biên Phủ, trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ năm (ngày 16-3-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ thắng lợi là vì Điện Biên Phủ đánh thắng lớn… Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng, nhưng cái vốn chính là mình phải đánh thắng và mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của độc lập dân tộc đối với chủ nghĩa thực dân, đế quốc, không chỉ của Việt Nam, mà còn là thắng lợi của chính nghĩa, góp phần cổ vũ các dân tộc đứng lên đấu tranh giành độc lập, hòa bình trên thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Đông Dương; đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, góp phần vào phong trào đấu tranh vì độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ của loài người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”./.
St

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay

 TCCS - Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một hệ thống những luận điểm về mục đích, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Quan điểm đó vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở nước ta hiện nay; đòi hỏi phải tiếp tục vận dụng sáng tạo, góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh luôn là yêu cầu, nhiệm vụ trung tâm, then chốt trong xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Điều đó xuất phát từ vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức hành chính nói riêng. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ ràng, đầy đủ về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức; thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; bởi lẽ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền nhà nước phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người dạy, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1) và “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). Người cũng chỉ rõ vị trí, vai trò của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền nhà nước các cấp: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”(3)Bất cứ đường lối, chính sách gì, nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là “có lãi”; ngược lại, không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là “lỗ vốn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cứu quốc lần thứ 2, năm 1956_Ảnh: TTXVN

Đội ngũ cán bộ, công chức là những mắt khâu trung gian, là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành”(4).

Để làm công việc được Chính phủ, đoàn thể giao phó đạt chất lượng, hiệu quả cao, Người yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải có đủ “đức”, đủ “tài”. “Đức” và “tài” là những phẩm chất không thể thiếu ở mỗi người cán bộ, công chức. Ở đây, “đức” là những phẩm chất đạo đức cách mạng cần phải có ở người cán bộ cách mạng; “tài” là toàn bộ những năng lực, phẩm chất thuộc về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ công tác của mỗi cán bộ, công chức.

Về đức, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức phải hội đủ năm đức tính tốt: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Mỗi cán bộ, công chức phải thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong quan niệm của  Chủ tịch Hồ Chí Minh là mối quan hệ “với tự mình”. Người coi cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, mang một lẽ tự nhiên, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương.

Về tàitài của người cán bộ, công chức thể hiện ở năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, đặc biệt là năng lực nắm bắt, tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, công chức phải có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ hành chính; có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan điểm nhất quán của Người là chú trọng chất trí tuệ và tính chuyên môn trong tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước thông qua chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Giữa đức và tài có mối quan hệ mật thiết với nhau, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp, đi đôi với nhau, không thể có mặt này, thiếu mặt kia; có đức mà không có tài thì chỉ là người vô dụng; còn có tài mà không có đức thì làm việc gì cũng khó. Người so sánh: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”(11).

Phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ, công chức không phải là những thứ tự dưng có, mà chỉ có thể là kết quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và quá trình tự thân mỗi cán bộ, công chức không ngừng khổ công, nỗ lực học tập, rèn luyện mới có được. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(12). Điều đó cho thấy Người rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - thuật ngữ Người thường dùng là “huấn luyện cán bộ”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải làm thật tốt công tác huấn luyện cán bộ, phải coi huấn luyện cán bộ là công việc gốc, hết sức quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, Người chỉ rõ, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(13); bởi vậy“Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ”(14). Người cho rằng, huấn luyện cán bộ phải toàn diện, đồng thời phải chuyên sâu và có phương pháp khoa học. Cán bộ có cán bộ đảng, cán bộ nhà nước, cán bộ đoàn thể, cán bộ ở Trung ương, cán bộ ở địa phương và cơ sở... Huấn luyện cán bộ cũng phải có nội dung, kế hoạch phù hợp với từng loại cán bộ trong những lĩnh vực cụ thể. Huấn luyện cán bộ phải được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp xác định là công việc thường xuyên, công phu, lâu dài, phải kiên trì và bền bỉ thì mới có kết quả tốt; bởi vì: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt... cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được”(15).

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thường được cấu thành từ các yếu tố cụ thể, gồm mục đích, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải biết “Huấn luyện ai?... Ai huấn luyện?... Huấn luyện gì?... Huấn luyện thế nào?”(16). Mỗi thành tố nêu trên đều được Người đề cập một cách cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Về mục đích của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chứcquan trọng nhất là phải xác định động cơ đào tạo, bồi dưỡng đúng đắn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức phải nhận thức rõ rằng, đào tạo, bồi dưỡng không phải để chạy theo bằng cấp, mà mục đích cao cả của việc học là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(17). Bên cạnh đó, “Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành”(18)Trong thư gửi giáo sư và sinh viên Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hóa, Người nhắc nhở: “… giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân”(19)Chỉ khi nào cán bộ, công chức xác định được động cơ, mục đích đúng đắn thì việc học tập mới đạt tới yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Về chủ thể của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng - những người trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của thầy, cô giáo, các chuyên gia tham gia công tác giáo dục, huấn luyện cán bộ. Vai trò của người thầy được Bác Hồ nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Bây giờ đang xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để dần dần đến chủ nghĩa xã hội. Kháng chiến thì cần nhiều cán bộ quân sự. Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá”(20). Bác cũng rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác huấn luyện cán bộ; đồng thời, chú trọng phát huy vai trò của các cán bộ lãnh đạo trong tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ. Người chỉ rõ: “Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy”(21). Vì vậy, người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”(22) và phải thường xuyên trau dồi kiến thức, “phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”(23).

Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ phải cụ thể, thiết thực, phải hàm chứa cả rèn đức, luyện tài, phải chú trọng trang bị cả kiến thức văn hóa, lý luận và thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, công chức là lực lượng vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân; do đó, họ cần phải được giáo dục, trang bị tri thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Người lưu ý rằng, cán bộ, công chức phải có tinh thần ham hiểu biết các tri thức khoa học một cách toàn diện: “Các cháu phải cố gắng học tập kỹ thuật, văn hoá, chính trị... Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”(24).

Học chính trị là học chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối, quan điểm của Đảng để hiểu rõ nhiệm vụ cách mạng; đồng thời, xây dựng cho bản thân mình phương pháp nhận thức đúng đắn trước những diễn biến phức tạp của cuộc sống, để từ đó vững tin vào lý tưởng cách mạng. Mặt khác, cần phải học tập khoa học - kỹ thuật, bởi chúng ta đang sống trong một thời đại khoa học và công nghệ, loài người đang vận dụng những thành tựu kỳ diệu của khoa học - kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất và cải tạo nhanh chóng bộ mặt của thế giới.

Về phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã tổ chức và trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ cho đất nước nên nắm vững và vận dụng thuần thục các quy luật tư duy và phương pháp giảng dạy trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ. Người đã đề ra hệ thống các nguyên lý, phương châm, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chẳng hạn, “Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng(25). Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn học tập với rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tác phong, phương pháp công tác; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải thực chất, chú trọng chất lượng: “Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều(26). Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chú trọng thực hiện nguyên lý học đi đôi với hành: “Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế(27); khi truyền đạt lý luận, kinh nghiệm công tác phải gắn với liên hệ tình hình cụ thể để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. “Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu(28); đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải phù hợp với yêu cầu quy hoạch, sử dụng cán bộ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao phương pháp tự học. Để làm giàu vốn tri thức, hiểu biết của mình, cán bộ, công chức cần có tinh thần tìm tòi, sáng tạo trong học tập, trong cuộc sống, nghĩa là cán bộ, công chức phải chú trọng việc tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng với lý thuyết không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn. Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hòa”(29). Đặc biệt, Người nhấn mạnh việc tự giác học tập; tuy nhiên, Người cũng yêu cầu “không nên học gạo, không nên học vẹt” mà “học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học và hành phải kết hợp với nhau”(30). Người giảng giải: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành(31).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải thường xuyên không ngừng học tập, nâng cao trình độ, phải coi việc học tập là công việc suốt đời. Người chỉ rõ: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế(32). Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, công chức cần phải xác định: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(33).

Khi người cán bộ, công chức đã có cả phẩm chất và năng lực, có đức và có tài để gánh vác trọng trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục yêu cầu đội ngũ này phải thực hành phương pháp làm việc khoa học, tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, sâu sát dân, gần dân, học hỏi dân để hoàn thiện mình. Theo Người, muốn học thành công phải có kế hoạch cụ thể, khoa học, phải tự nguyện, tự giác, tích cực, chủ động và kiên trì bền bỉ, quyết tâm thực hiện kế hoạch đến cùng; phải triệt để tận dụng mọi điều kiện, phương tiện, hình thức để học. Học đến đâu phải ra sức luyện tập thực hành đến đó, học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Học mà không đi đôi với hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy. Trong thực hiện nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, các xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ. Để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và học hỏi dân”(34).

Có thể khẳng định rằng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ đã hàm chứa khá đầy đủ các nguyên lý, nguyên tắc, các yếu tố cấu thành hoạt động giáo dục theo lý luận giáo dục học hiện đại. Điều đó cho thấy quan điểm Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có giá trị lý luận sâu sắc và giá trị thực tiễn to lớn, có thể vận dụng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức hành chính nói riêng ở nước ta hiện nay.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chúc mừng Học viện Hành chính quốc gia nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (29-5-1959 - 29-5-2024) _Nguồn: vietnamnet.vn

Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở nước ta hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay, “xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”(35) được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lực lượng chủ công thực thi nhiệm vụ nêu trên chỉ có thể là đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Cán bộ hành chính gồm những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở các tỉnh thành trực thuộc Trung ương, ở huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, như chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, bí thư, phó bí thư đảng ủy; người đứng đầu trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn, như chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc, bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ, chủ tịch hội nông dân và chủ tịch hội cựu chiến binh.

Công chức hành chính gồm những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc được giao giữ một chức vụ thường xuyên trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, như cán sự, chuyên viên làm việc trong các sở thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các phòng thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện; những người được tuyển dụng, được giao giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ủy ban nhân dân cấp xã, gồm có các chức danh: Chỉ huy trưởng quân sự, văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội.

Yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức hành chính nói riêng hiện nay là phải: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước...; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(36). Một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả để hiện thực hóa yêu cầu nói trên là phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính; hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là hoạt động có định hướng, có tổ chức, thông qua các phương pháp và bằng các hình thức phù hợp, hướng tới cung cấp, trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính những tri thức, hiểu biết về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nói chung, những kiến thức pháp luật cụ thể, cần thiết, liên quan đến hoạt động công vụ nói riêng; qua đó, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Sự vận dụng giá trị quan điểm Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở nước ta hiện nay thể hiện trên những điểm cơ bản sau:

Thứ nhấtphải xác định cụ thể, rõ ràng mục đích đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Mục đích là cái mà cả quá trình đào tạo, bồi dưỡng phải hướng tới và là kết quả cuối cùng mà công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính phải đạt được. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 1-9-2017, của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng là trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.

Mục đích của đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là cung cấp, trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính những phẩm chất đạo đức cách mạng, tri thức, hiểu biết về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nói chung, những kiến thức pháp luật cụ thể, cần thiết, liên quan đến hoạt động công vụ nói riêng; góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Nếu như trên bình diện chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”; thì cụ thể hóa lời dạy của Người vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính trong giai đoạn hiện nay, mục đích đó chính là: Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Thứ haiphải nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các chủ thể tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, trước hết, phụ thuộc vào năng lực đào tạo, bồi dưỡng, nhận thức về chức năng, nhiệm vụ và ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể là các cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính. Các cơ sở giáo dục cần xúc tiến mạnh mẽ sự chuẩn bị về cơ sở vật chất (giảng đường, thư viện, phòng đọc, trang thiết bị công nghệ thông tin, kết nối mạng internet...), các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuẩn, thiết thực, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức hành chính; xây dựng được đội ngũ giảng viên, chuyên gia có chất lượng chuyên môn cao, có kỹ năng sư phạm và tâm huyết; sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên gia có uy tín, chất lượng, trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, có tầm chiến lược của các cơ sở giáo dục; với tinh thần “không cốt nhiều, chỉ cốt tinh”, để thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”.

Nhân viên Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân và doanh nghiệp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4_Ảnh: Tư liệu

Thứ ba, đối với đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, cần chuẩn bị năng lực nhận thức, các điều kiện vật chất, tinh thần khác để sẵn sàng lĩnh hội kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tri thức pháp luật cần thiết cho hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công vụ.

Chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính không chỉ phụ thuộc vào chủ thể, mà còn phụ thuộc phần lớn vào chính đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Các nhà giáo, chuyên gia dù có giỏi đến mấy, đáp ứng được mọi yêu cầu, nhưng nếu không nhận được sự hợp tác chủ động, tích cực từ phía đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, thì không thể có được chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng như mong muốn. Mỗi cán bộ, công chức hành chính cần phải chủ động, tự giác, tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, xuất phát từ nhu cầu lĩnh hội nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức hành chính cần thường xuyên cập nhật thông tin về lĩnh vực chuyên môn của bản thân, chủ động tìm hiểu các chính sách, văn bản pháp luật mới, nhất là những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyên môn đang đảm trách; nghĩa là phải phát huy tinh thần tự học như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Việc học phải lấy tự học làm cốt. Một mặt, nếu một cán bộ, công chức hành chính, dù đã tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân, mà dừng lại, tự hài lòng, thỏa mãn với tấm bằng đại học của mình thì sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu trước những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn đời sống. Mặt khác, mỗi cán bộ, công chức hành chính cũng cần thường xuyên rèn luyện các kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức chuyên môn, hiểu biết pháp luật vào quá trình thực thi công vụ, giải quyết nhiệm vụ được giao.

Thư tư, tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Ngoài những nội dung có tính chất chuyên biệt, chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức hành chính, còn cần phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng các kỹ năng lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng nội dung quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính thuộc các cấp, các ngành phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, nhu cầu và công tác quy hoạch cán bộ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan hữu quan.

Các cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính cần tập trung xây dựng các bộ giáo trình, tài liệu tham khảo riêng cho từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức hành chính; bảo đảm độ sâu cần thiết về kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, các kỹ năng nghiệp vụ, những kiến thức pháp luật phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Khi thiết kế nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần căn cứ vào nhu cầu thông tin, kiến thức của từng đối tượng cán bộ, công chức hành chính; bổ sung, cập nhật kịp thời những vấn đề mới về chuyên môn, nghiệp vụ, các văn bản, chính sách, pháp luật mới vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Quá trình triển khai nội dung các môn học, học phần phải gắn lý luận với thực tiễn hành chính công vụ sinh động, tránh lý luận suông, khô khan, giáo điều, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Nội dung bồi dưỡng cũng cấn chú trọng trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính các kiến thức về phương pháp, kỹ năng thực hành công vụ, về áp dụng kiến thức pháp luật vào thực tiễn công vụ.

Thứ nămđổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính.

Đây là vấn đề cần được các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, các nhà giáo, chuyên gia đặc biệt quan tâm. Mặc dù trong những năm qua, các chủ thể đào tạo, bồi dưỡng ở nước ta đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; song, kết quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Nhà nước và xã hội. Để tạo ra bước đột phá trong việc đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, các cơ sở giáo dục cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm hướng trọng tâm của quá trình đào tạo, bồi dưỡng vào đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, tạo động lực cho họ đầu tư nhiều thời gian cho việc tự học. Muốn vậy, trước hết, cần kết hợp hài hòa giữa phương pháp thuyết trình truyền thống với phương pháp giảng dạy tích cực, như: nêu vấn đề, kết hợp giảng lý thuyết với việc nêu ra các tình huống và bài tập trắc nghiệm... Đội ngũ thầy, cô giáo hạn chế sử dụng phương pháp thuyết trình theo lối độc thoại một chiều; tăng cường các phương pháp đối thoại, thảo luận nhóm theo các chủ đề chuyên môn, phương pháp nêu tình huống, sự kiện thực tế để lôi cuốn cán bộ, công chức hành chính tích cực tranh luận, thảo luận, tìm ra hướng giải quyết hợp lý nhất... Chủ động chuyển mạnh từ “lấy người dạy làm trung tâm” sang phương pháp “lấy người học làm trung tâm”. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, mỗi giảng viên, chuyên gia cần ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; mỗi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần xây dựng hệ thống thư viện điện tử, tạo cho cán bộ, công chức hành chính khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại phục vụ hiệu quả cho việc học tập.

Các cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính cần triển khai tổng kết, đánh giá ưu điểm, nhược điểm của các phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính; từ đó, tìm ra các phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cần có sự phân loại nội dung đào tạo, bồi dưỡng gắn với đặc thù của từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức hành chính để sử dụng phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; tránh sự lãng phí, tốn kém không cần thiết về thời gian, công sức, tiền của.

Tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức hành chính nói riêng rất cụ thể, thiết thực và vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở nước ta hiện nay. Vận dụng giá trị quan điểm của Người về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở nước ta hiện nay đòi hỏi phải chú trọng thực hiện kỹ lưỡng từng mắt khâu, yếu tố của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, từ việc xác định mục đích, chủ thể, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cho tới xây dựng nội dung, lựa chọn phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung... như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

-----------------

TÁC PHẨM CỦA TƯ DUY, TẦM NHÌN VÀ SỰ TÂM HUYẾT VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM

 Đại hội XIII của Đảng xác định rõ, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bằng tư duy lý luận sắc bén, thực tiễn phong phú, sự am hiểu tường tận và tình cảm đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo toàn diện về văn hóa thông qua cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Tác phẩm gửi gắm những thông điệp sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Những ý kiến của người đứng đầu Đảng ta về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản thể hiện trong tác phẩm đã bao quát một cách hệ thống, đầy đủ, sáng tạo về những vấn đề căn cốt của từng lĩnh vực, có giá trị khơi gợi khát vọng sáng tạo, cống hiến của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường để dựng nước và giữ nước, đồng thời tiếp thu thành tựu của văn hóa nhân loại, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hình thành nên nền văn hóa Việt Nam với những giá trị độc đáo, phong phú và thống nhất trong đa dạng.
Trong dòng chảy của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 94 năm qua, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước.
Sau gần 40 năm đổi mới, sự nghiệp phát triển xã hội, văn hóa, con người đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ trí thức ngày càng tinh hoa và đông đảo chưa từng có trong lịch sử. Văn hóa ngày càng phát triển đa dạng về lĩnh vực, loại hình, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mới và mọi mặt của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, gìn giữ, phát huy văn hóa Việt Nam cũng còn không ít bất cập, hạn chế, yếu kém, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người và môi trường văn hóa. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, với quyết tâm lớn, nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có những bước chuyển biến quan trọng, từ nhận thức đến hiệu quả hành động. Những thành tựu lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam những năm qua là thành quả của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó nhân tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trải qua nhiều cương vị công tác, với những trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành tâm huyết rất lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2024), 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024) có ý nghĩa rất quan trọng. Với 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian 60 năm qua được tuyển chọn trong tác phẩm đã hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên, nhân dân xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh cho phát triển đất nước. Các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng.
Những điểm nhấn quan trọng trong tác phẩm "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" được thể hiện cụ thể:
Thứ nhất, đồng chí Tổng Bí thư đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn cốt lõi trong đường lối của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng chí đã phân tích, kiến giải và chỉ đạo những nội dung quan trọng về đặc trưng, bản chất, vị trí, vai trò, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để phát huy vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong tác phẩm được rút ra từ thực tiễn phong phú, khẳng định tầm nhìn xa, rộng, sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người... Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới.
Tác phẩm đã nâng tầm lý luận về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là cẩm nang quý báu giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên nắm vững và triển khai hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ hai, đồng chí Tổng Bí thư đã hệ thống một cách xuyên suốt và biện chứng về quá trình vận động, phát triển và những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc rút những vấn đề có tính quy luật khách quan, có giá trị định hướng rất sâu sắc về đường hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc; trong đó, trọng tâm là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng thời có những gợi ý rất quan trọng về các thành tố trong từng hệ giá trị. Hệ giá trị quốc gia: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Hệ giá trị văn hóa: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo... Đây là những giá trị tốt đẹp, tiêu biểu, cốt lõi, được kế thừa và phát triển từ truyền thống dân tộc, trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như qua các kỳ Đại hội của Đảng. Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới chính là cách để chúng ta củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, phát triển văn hóa, góp phần quan trọng để củng cố và tăng cường sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển đất nước.
Có thể khẳng định, tác phẩm là một công trình có ý nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng làm rõ bản sắc, hoạch định đường hướng căn bản và lâu dài đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, với kiến thức chuyên sâu và sự am hiểu về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, từ văn học, sân khấu đến mỹ thuật nhiếp ảnh, thể dục thể thao, từ ca dao, dân ca đến ca trù, quan họ, từ những làn điệu chèo đến những câu hò ví dặm, hay đờn ca tài tử,... phản ánh bản sắc văn hóa của từng vùng, miền, địa phương trên cả nước, như Thăng Long - Hà Nội, Bắc Ninh - Kinh Bắc đến Phú Thọ, Thái Bình, dân ca Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ..., đồng chí Tổng Bí thư có những dẫn chứng rất sinh động và lập luận thuyết phục, định hướng vừa mang tầm chiến lược, bao quát, nhìn xa trông rộng, vừa rất cụ thể, gần gũi. Nói về vai trò của văn học, nghệ thuật - “tiếng nói của tình cảm” và các nhà văn - “người dự báo”, “thư ký của thời đại”, đồng chí chỉ rõ: “Mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật thật sự có giá trị phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ”; “Sự nghiệp sáng tạo văn học đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn”. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhà văn cần có “Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống Nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn chương như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường”, làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy “mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da (Kalinin)”.
Với nghệ thuật sân khấu, đồng chí đề nghị cần “sáng tạo được nhiều vở diễn có giá trị về Dân tộc Việt Nam, về con người Việt Nam đang dũng cảm vượt qua thử thách, đẩy nhanh tiến trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đồng thời sáng tạo, dàn dựng nhiều vở diễn về lịch sử, cách mạng, kháng chiến ở tầm cao mới, xứng đáng với sự tích hào hùng của Dân tộc ta, Nhân dân ta; bởi “cuộc sống đang rất cần những vở diễn mang hơi thở cuộc sống, mang tầm vóc của dân tộc và thời đại, thu hút và hấp dẫn được đông đảo người xem”. Người nghệ sĩ sân khấu phải tự nguyện tham gia sự nghiệp cách mạng, thường xuyên bồi dưỡng cả về phẩm chất và tài năng - những nhân tố quyết định sự thành công trong hoạt động sáng tạo để đóng góp cho nhân dân, cho đất nước những tác phẩm hay.
Về vai trò của văn hóa, văn nghệ trong giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách con người, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người, nâng cao bản lĩnh và ý thức dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc, làm cho phát triển kinh tế thị trường mà không băng hoại giá trị đạo đức xã hội, “hội nhập mà không hòa tan””. Để tạo điều kiện cho văn hóa phát triển, đồng chí khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, tạo điều kiện, có cơ chế đặc thù và tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, song mỗi người nghệ sĩ cũng phải “vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn”. Chỉ khi có khát vọng và hoài bão lớn lao, tầm nhìn xa rộng và tư duy sâu sắc thì người nghệ sĩ mới có tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, những tác phẩm “phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai”.
Với quan điểm: Con người Việt Nam là sự kết tinh của văn hóa Việt Nam; xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, trong đó giáo dục và đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong các chuyến thăm, làm việc với các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, các học viện, trường đại học, cao đẳng, trường phổ thông,... đồng chí nhiều lần nhắc nhở: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là công việc vừa có tính chiến lược, vừa mang tính cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là trách nhiệm của các nhà trường, của ngành giáo dục - đào tạo”. Nhiệm vụ của giáo dục - đào tạo là “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân,... làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách”. Đó chính là việc đào tạo “người có văn hóa”, sống có nghĩa có tình, có trước có sau, có nhân cách, có bản lĩnh, có lòng yêu nước, thiết tha gắn bó với nhân dân, sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ đất nước. Luôn hy vọng vào tương lai thế hệ trẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Cha ông đã để lại cho chúng ta một đất nước Việt Nam giang sơn gấm vóc vô cùng tươi đẹp. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là phải làm cho non sông nước Việt ngày càng giàu đẹp, hùng cường”.
Kế thừa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam, mặc dù làm công việc gì, ở cương vị nào, cả khi đã là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn thường xuyên viết thư hỏi thăm sức khỏe các thầy giáo, cô giáo cũ. Trong các bài phát biểu, bài viết, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, cán bộ làm công tác văn hóa. Đồng chí luôn luôn nhấn mạnh phải chú ý phát huy tài năng, tâm huyết, động viên sự sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong việc tham gia phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước; khuyến khích các tài năng trẻ và có hình thức tôn vinh xứng đáng các văn nghệ sĩ có công lao đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa. Văn hóa là sự nghiệp của nhân dân, do vậy mỗi người dân phải tích cực tham gia, đóng góp vào việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, vun đắp cho nền văn hóa dân tộc ngày một hoàn thiện, cao đẹp hơn.
Đồng chí Tổng Bí thư đánh giá cao vai trò, trách nhiệm và những đóng góp nổi bật của các địa phương, cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thông qua các hoạt động thiết thực, như đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; biểu dương những tấm gương điển hình trong việc thực hiện hiệu quả nội dung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới; kịp thời phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc,...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất chú trọng tới việc giữ vững và phát huy vai trò tiên phong của báo chí, xuất bản trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có quá trình công tác gần 30 năm ở Tạp chí Cộng sản, rèn luyện, trưởng thành từ một biên tập viên của Tạp chí, nên đồng chí hiểu rất rõ vai trò, nhiệm vụ của nghề báo và nhà báo: “Nghề báo thật sự là một nghề cao quý, một nghề có ích cho xã hội”; “Nhà báo trước hết phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác”. Trực tiếp làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận chính trị của Đảng, tiếp đó là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng, là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng, đồng chí đã nhiều lần làm việc, nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ, biên tập viên các cơ quan báo chí chủ lực và các báo, tạp chí chuyên ngành. Đồng chí đề nghị các cơ quan báo chí cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là đội quân chủ lực, tiên phong trên mặt trận tư tưởng, “góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc”. Với vốn kiến thức phong phú, sự am hiểu sâu sắc, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú của một nhà báo, cùng với quá trình không ngừng tự học tập, tự rèn luyện, đồng chí chia sẻ: Mỗi phóng viên, biên tập viên, nhà báo phải có quyết tâm cao, có lòng say mê yêu nghề, chịu khó học tập, kiên trì rèn luyện “để vừa có phẩm chất chính trị vững, có đạo đức nghề nghiệp tốt, vừa có đủ trình độ, năng lực nghiên cứu và biên tập được, viết bài được”, cần “cẩn trọng trong từng câu, từng chữ”, luôn luôn chú trọng rèn luyện ngòi bút để văn phong đĩnh đạc, trong sáng; lập luận chặt chẽ, rõ ràng, dẫn chứng sắc sảo, chính xác, có sức thuyết phục cao thì mới có được bài báo hiệu quả nhất.
Đối với ngành xuất bản, in và phát hành Việt Nam - một binh chủng quan trọng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, Tổng Bí thư yêu cầu “luôn luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”.
Những bài viết, bài nói, bài phát biểu, thư... của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm cho thấy sự am hiểu sâu sắc, toàn diện về bản chất và đặc trưng văn hóa Việt Nam của người đứng đầu Đảng ta. Sự đồng tình hưởng ứng, tinh thần quyết tâm và sự vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ, sáng tạo của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân là minh chứng rất thuyết phục về vai trò, những đóng góp quan trọng và rất đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tác phẩm "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt trong thời điểm hết sức quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang nỗ lực, đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta đang huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân tham gia tổng kết lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẩn trương chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng...
Tác phẩm là một đóng góp quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Tác phẩm là minh chứng cho thấy bước trưởng thành, phát triển về tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo thực tiễn của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta tin tưởng sâu sắc, việc ra mắt tác phẩm quan trọng này, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của đội ngũ trí thức, của văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới; trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước ta phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.
St