Khi Quốc trưởng Bảo Đại ra lệnh cho Ngô Đình Diệm sang Pháp để tường trình về việc trấn áp Bình Xuyên thì ông đã sửa soạn ra đi nhưng những người ủng hộ ông can ngăn. Theo tướng Trần Văn Đôn thì Bảo Đại dự định khi Ngô Đình Diệm ra khỏi nước sẽ cách chức liền, đưa Lê Văn Viễn, tư Lệnh Bình Xuyên lên làm Thủ tướng.
Tại miền Nam, từ 1954-1955, với cương vị thủ tướng, ông đã dẹp yên và thu phục lực lượng Bình Xuyên, lực lượng vũ trang của các giáo phái Hoà Hảo, Cao Đài được Pháp đứng sau hỗ trợ nhằm chống lại ông. Trong nước, ông được Ủy ban Cách mạng Quốc gia gồm nhiều đoàn thể, đảng phái ủng hộ. Ông cũng được gần một triệu người di cư hậu thuẫn mạnh mẽ. Ngoài nước, Diệm đã cương quyết chống trả kế hoạch lật đổ ông của hai tướng Ély-Collins nên bây giờ được Washington ủng hộ.
Quốc gia Việt Nam tổ chức cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955 đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Quốc trưởng. Cuộc trưng cầu dân ý bị tố cáo là gian lận như tại Sài Gòn, Ngô Đình Diệm chiếm được 605.025 lá phiếu trong khi khu vực này chỉ có 450.000 cử tri ghi tên.
Sau đó Quốc trưởng Ngô Đình Diệm tổ chức bầu Quốc hội Lập hiến cho Quốc gia Việt Nam. Quốc hội này ban hành Hiến pháp đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa. Chính thể mới Việt Nam Cộng Hoà được thành lập vào ngày 26 tháng 10 năm 1955 và sau đó ông được bầu làm Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. Hai năm sau, 1957 ông có chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên với cương vị tổng thống của Việt Nam Cộng hoà.
Ngày 22/10/1960, Tổng thống Mỹ Eisenhower gửi thư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm "Chúng tôi đã chứng kiến sự can đảm và táo bạo mà Ngài và nhân dân Việt Nam đã biểu dương để đạt tới độc lập trong một tình huống nguy hiểm đến độ mà nhiều người đã coi như là vô vọng. Chúng tôi còn ngưỡng mộ khi tình trạng hỗn loạn ở Miền Nam đã nhường chỗ cho trật tự, và tiến bộ đã thay thế cho tuyệt vọng, tất cả với một tốc độ quá là nhanh chóng..."
Hiến pháp Đệ nhất Cộng hòa 1956 do chính Ngô Đình Diệm tham gia soạn thảo đã trao cho ông quyền lực rất lớn, có thể toàn quyền khống chế bộ máy nhà nước, thể hiện qua những điểm:
Khi Tổng thống phủ quyết một đạo luật, Quốc hội phải hội đủ số 3/4 mới được tái thông qua. Mà 3/4 này phải “minh danh đầu phiếu” (điều 58), như vậy Ngô Đình Diệm có thể biết ai đã chống lại quyền phủ quyết của mình.
Một viện Bảo hiến có được quy định để nghiên cứu và quyết định xem các điều khoản có bất hợp hiến không, nhưng viện này gồm 9 người thì vị chủ tịch và 4 thẩm phán hay luật gia đã do Ngô Đình Diệm bổ nhiệm (điều 86). Tổng thống có quyền đề nghị sửa đổi hiến pháp (điều 90) và Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp phải tham khảo ý kiến của Viện Bảo hiến (mà 5/9 người đã là do Tổng thống chỉ định) và còn của cả Tổng thống nữa (điều 91).
Ngô Đình Diệm không bắt buộc phải điều trần trước Quốc hội, không chịu trách nhiệm trước Quốc hội và không thể bị Quốc hội bất tín nhiệm để cách chức. Tổng thống tiếp xúc với Quốc hội “bằng thông điệp” và nếu muốn “có thể dự các phiên họp của Quốc hội”, cũng như chỉ “khi thấy cần, Tổng thống thông báo cho Quốc hội biết tình hình Quốc gia” (điều 39).
Tóm lại, theo Hiến pháp 1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm có đầy đủ quyền lực để triệt tiêu hoặc làm tê liệt các đạo luật nào mà ông không vừa ý, cũng như dễ dàng ban hành và thi hành các đạo luật nào có lợi cho mình. Ngoài ra, Hiến pháp ghi là dân tộc có "sứ mệnh" trước "Đấng Tạo hóa" nên nhiều người cho rằng đây chứng minh sự thiên vị của chính quyền với Thiên Chúa giáo trong khi các tôn giáo khác không được đề cập đến.
Đỗ Mậu, trong cuốn hồi ký "Tâm thư", nói về việc tranh cử nghị sĩ thời Ngô Đình Diệm như sau: Thời Đệ nhất cộng hòa (chế độ ông Diệm) nếu muốn ra tranh cử để thắng thì ông phải được đảng Cần Lao (của ông Diệm) hay Phong trào Cách mạng quốc gia đỡ đầu. Ngoài ra ông phải được ông Diệm, ông Nhu, ông Cẩn, Đức cha Thục, bà Nhu... giới thiệu mới hòng đắc cử. Còn ông mà thân cô, thế cô mà muốn ra (tranh cử quốc hội) thì cứ việc đóng tiền để mua lấy thất cử! Còn mánh lới như thế nào thì tìm hỏi mấy người lớn tuổi có liên quan đến tranh cử sẽ rõ.
Ông Diệm là người phân biệt cá nhân theo vùng miền. Ông chỉ thích nâng đỡ người gốc Huế. Ngô Đình Diệm thường nói: "Chỉ có dân miền Trung mới có khả năng lãnh đạo quốc gia. Dân miền Bắc hợp với buôn bán, còn dân miền Nam chỉ làm tướng võ biền". Cách hành xử của ông Diệm cũng rất cao ngạo. Ông xem Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa là quốc gia của riêng ông và của gia đình ông. Ông ban phát ân huệ cho thuộc cấp theo ngẫu hứng, bất chấp năng lực lẫn tình hình thực tế. Không có gì là quá ngạc nhiên khi nhiều sử gia gọi Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa là Ngô triều. Theo nhiều hồi ký của tướng lĩnh dưới thời ông Diệm kể lại, thì khi vào cửa Tam quan ở các đền thờ vua chúa, ông Diệm thường nói: "Các ông đi cổng hai bên, vì cổng giữa chỉ có vua mới được đi. Chúng ta phải tôn trọng nguyên tắc này". Dứt câu, ông Diệm đi vào bằng cổng giữa. Nội chuyện xây dựng Dinh Độc Lập và ý định dời đô từ Sài Gòn lên cao nguyên đã khiến ông Diệm càng trở nên xa cách với giới tướng lĩnh. Ngay cả người gần gũi với gia đình ông như tướng Trần Văn Đôn còn bất mãn với sự độc đoán này của ông Diệm.
Nhà báo đương thời tại miền Nam, ông Vũ Bằng nhận xét:
“ Lúc ấy sau ba lần thắng Bình Xuyên và áp dụng biện pháp mạnh đối với các giáo phái, thắng lợi, Ngô Đình Diệm bắt đầu có lông có cánh, ra mặt chống Bảo Đại, không đi Pháp để trình với Quốc trưởng về các biến cố ở nước nhà, mà ở lì trong nước tập làm độc tài cỏ, đưa họ hàng lên nắm hết các chức vụ quan trọng… Nam Việt Nam lúc bấy giờ là một nhà nước cảnh sát do hai gia đình quan lại Trần Văn và Ngô Đình nắm hết quyền hành. Gia đình Trần Văn còn trung thành phần nào với tập tục cổ truyền của nhà vua Bảo Đại, chớ họ Ngô Đình thì trắng trợn ly khai với chế độ cũ và nuôi cái mộng lập một triều đại mới: triều đại Ngô Đình.
Cố nhiên muốn thực hiện mộng đó, phải tàn ác diệt trừ những cá nhân, đoàn thể chống đối, mà cá nhân và đoàn thể chống đối lúc ấy là những người gốc ở miền Bắc và miền Nam chỉ muốn nhà Ngô giữ lời đã hứa là tổ chức một cuộc bầu cử để họ có thể bầu người đại diện của họ lên lo việc nước. Theo những người có tiếng là chống đối này, ông Diệm “là một lính nhảy dù do Mỹ thả từ trên trời xuống mà không có rễ ở dưới đất”.
Báo chí cúi đầu theo răm rắp, suy tôn Ngô tổng thống. Vào chiếu bóng, rạp hát, phải chào cờ và đứng nghiêm nghe nhạc trổi bài “Toàn dân Việt Nam biết ơn Ngô tổng thống – Ngô tổng thống, Ngô tổng thống… muôn năm” cho đến khi lá cờ vàng sọc đỏ mờ dần cùng với cái hình ông Diệm lùn mập.
Báo chí không lúc nào ngưng suy tôn Ngô tổng thống. Mọi việc đều trơn tru, êm đẹp. Nếu không có Ngô tổng thống thì toàn dân chết không còn một mống. Muôn năm, muôn năm!
(Nguồn: Wikipedia tiếng Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét