Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

SỰ CAN DỰ VÔ LÝ CỦA HRW TRƯỚC PHIÊN TÒA XÉT XỬ NGUYỄN HỮU VINH

Không nằm ngoài dự đoán, trước ngày diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và Nguyễn Thị Minh Thúy, tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human rights watch - HRW) lại ra “thông cáo” kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích và trả tự do cho hai bị cáo này. Đây rõ ràng không phải là lần đầu mà tổ chức này đưa ra những tuyên bố hay thông cáo… về một người vi phạm pháp luật nhưng lại được gọi bằng cách gọi rất mĩ miều “nhà hoạt động xã hội”. Một tổ chức tự xưng là hoạt động nhân quyền nhưng lại can dự một cách vô lý vào hoạt động tố tụng của cơ quan tư pháp ở Việt Nam.
Tổ chức này đưa ra cách giải thích và ngụy biện cho hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Hữu Vinh rằng người này bị bắt và buộc tội về việc cung cấp tin tức độc lập cho công chúng ở Việt Nam và rằng Việt Nam đang đàn áp những công dân thực thi quyền cơ bản một cách ôn hòa hay suy diễn rằng Nhà nước Việt Nam đang hình sự hóa tự do ngôn luận và tôn giáo. Sự coi thường pháp luật và hoạt động chống phá đất nước của Nguyễn Hữu Vinh đã bị lấp liếm, ngụy tạo bởi những lý do hết sức kệch cỡm và ấu trĩ của Tổ chức theo dõi nhân quyền.
Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt và khởi tố với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của cá nhân, tổ chức” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự. Từ năm 2009, Nguyễn Hữu Vinh đã đăng ký, quản trị và sử dụng hai blog có tên là “Chép sử Việt” và “nhân quyền”. Nguyễn Hữu Vinh đã chia sẻ quyền quản trị cho Nguyễn Thị Minh Thúy, cùng người này viết, đăng tải nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, hạ uy tín một số đồng chí lãnh đạo, tung tin sai sự thật với mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Theo cách nói của Tổ chức theo dõi nhân quyền, những hành vi trên của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy có còn là cung cấp tin tức cho công chúng một cách thông thường không. Nếu cung cấp thông tin thì phải đưa sự thật khách quan, có cơ sở, căn cứ chứ không phải là tung tin bịa đặt, xuyên tạc như việc làm của hai người này. So với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam là quốc gia mà quyền tự do ngôn luận của người dân được tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, nếu lợi dụng quyền này với mục đích xấu, xâm phạm và làm tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội thì không pháp luật của quốc gia nào có thể chấp nhận được.
Lâu nay, Tổ chức theo dõi nhân quyền vẫn luôn vin vào quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để ngụy biện và lấp liếm cho những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Đây là sự can thiệp thô bạo và có động cơ không trong sáng, là hành động thiếu thiện chí của HRW.
Tâm Ngôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét