Cơ
hội chính trị (CHCT) là một hiện tượng xã hội xuất hiện khá sớm trong lịch sử
nhân loại. Tuy tính chất, mức độ và biểu hiện khác nhau nhưng ở giai đoạn nào, thời
kỳ nào cũng có. Từ khi xã hội phân chia thành giai cấp, một bộ phận trong các
giai tầng xã hội vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng thay đổi lập trường, quan điểm chính
trị. Trong xã hội phong kiến, bên cạnh những minh quân và các vị quan thanh
liêm, chính trực, thường xuất hiện những kẻ bên ngoài thì tỏ ra người trung
quân, ái quốc, nhưng bên trong lại phản nước, hại dân. Những năm cuối thế kỷ
XIX, đầu thế kỷ XX, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã xuất hiện
chủ nghĩa cơ hội. Sau khi Ph.Ăngghen mất, những người đứng đầu Quốc tế II và
các đảng dân chủ - xã hội ở Tây Âu đã từ bỏ những nguyên lý cơ bản, cốt lõi của
chủ nghĩa Mác, chủ trương đưa phong trào đấu
tranh của giai cấp công nhân trong khuôn khổ những cải cách cục bộ, không nhằm
mục tiêu lật đổ giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Họ đã biến Quốc tế II và
các đảng dân chủ - xã hội thành những đảng cải lương, xa rời bản chất giai cấp công
nhân và mất tính chiến đấu của một Đảng cách mạng.
Ở nước ta, trong quá trình đấu tranh
cách mạng lâu dài và gian khổ, ở những giai đoạn có tính bước ngoặt của lịch sử,
thường xuất hiện tư tưởng CHCT dưới nhiều màu sắc và ở những mức độ khác nhau.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi cuộc chiến tranh bước vào thời kỳ
cam go, quyết liệt, do khiếp sợ trước sức mạnh của vũ khí và sự tàn bạo của kẻ
thù, một số người đã từ bỏ đường lối đấu tranh vũ trang để giải phóng miền Nam,
nuôi ảo tưởng về con đường thỏa hiệp, chung sống hòa bình. Trong thập kỷ 90 của
thế kỷ XX, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, một số người
hoang mang, dao động, mất phương hướng, đòi từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, muốn
đưa đất nước ta đi theo con đường khác. Hiện nay, các đối tượng CHCT được sự cổ
vũ, hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch đang gia tăng các hoạt động tuyên
truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước;
gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Cơ
hội chính trị ở nước ta là những người có lập trường, quan điểm, thái độ chính
trị thiếu nhất quán, không kiên định, vững vàng; khi cách mạng phát triển thuận
lợi thì tỏ ra tích cực, hăng hái; khi cách mạng gặp khó khăn thì dao động,
thoái chí, thỏa hiệp, thậm chí phản bội, đầu hàng, quay lại chống phá cách mạng.
Đặc trưng nổi bật của CHCT là quan điểm chính trị mơ hồ, lập trường chính trị bấp
bênh, không nhất quán; hành vi và hoạt động mang nặng tư tưởng cá nhân; lối sống
cơ hội, thực dụng. Xem xét từ nguồn gốc hình thành, có thể phân chia CHCT ở nước
ta thành các nhóm như sau:
Thứ nhất,
CHCT trước hết là những cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng chính trị
không kiên định vững vàng, dao động, thiếu niềm tin. Những người này thường che
dấu bộ mặt thật, ít bày tỏ quan điểm, chính kiến rõ ràng, thể hiện thái độ
chính trị trung dung, thỏa hiệp, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu
tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy
lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá
nhân không trong sáng. Họ tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu,
phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.
Thứ hai,
những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, hoặc bị kỷ
luật, không thăng tiến sinh ra bất mãn, lại bị sự tác động, lôi kéo của các thế
lực phản động, thù địch. Do bản chất cơ hội, lập trường mơ hồ, không vững vàng
nên khi cách mạng gặp khó khăn, bất lợi thì hoang mang, dao động, thỏa hiệp, phụ
họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, thậm chí “sám hối”, “trở
cờ”, quay lại chống phá cách mạng. Hầu hết các đối tượng này có những tham vọng
về chính trị, về chức quyền và khi mà những tham vọng đó không được đáp ứng, họ
trở thành phần tử bất mãn với tập thể, với tổ chức. Sau khi có sự móc nối, lôi
kéo của các thế lực thù địch, họ trở thành đối tượng chống đối nguy hiểm; và sẽ
đặc biệt nghiêm trọng nếu họ từng giữ những vị trí quan trọng, biết được nhiều
bí mật của Đảng, Nhà nước.
Thứ ba,
những kẻ háo danh, muốn thể hiện mình. Những đối tượng này chủ yếu là trí thức,
văn nghệ sĩ, sinh viên, thường tự cho mình là người có học, có hiểu biết, “thông
thái”, muốn tỏ ra nổi trội, muốn có những “phát kiến”. Các đối tượng này triệt
để lợi dụng xu thế dân chủ hóa, tranh thủ sự hậu thuẫn ngày càng công khai,
mang tính thách thức của các thế lực phản động nước ngoài dưới các chiêu bài “dân
chủ”, “nhân quyền”, đang ráo riết tập hợp lực lượng và từng bước công khai hóa
các tổ chức chính trị đối lập dưới hình thức các hội, nhóm để tiến tới thực hiện
mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam.
Thứ tư,
các đối tượng có tư tưởng thực dụng về kinh tế chuyển hóa thành CHCT. Bởi lợi
ích cá nhân chi phối, họ sẵn sàng rẽ theo bất cứ con đường nào để có lợi ích
kinh tế lớn hơn. Khi những mục đích về kinh tế không thành do những chủ trương,
chính sách của Đảng thay đổi; hoặc do các mối quan hệ kinh tế không trong sáng
bị phát hiện, ngăn chặn, các đối tượng này thể hiện thái độ chống đối mong được
nhận tài trợ của các tổ chức phản động ở nước ngoài.
Đáng
chú ý, trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang sử dụng các đối tượng
CHCT làm lực lượng xung kích, tiên phong để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa
bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Sự chống phá của các đối tượng CHCT ở nước
ta trên mọi lĩnh vực, được thực hiện một cách kiên trì, có nội dung, phương thức
và lộ trình rất rõ ràng, cụ thể. Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, các đối tượng
CHCT biên soạn, tán phát “tâm thư”, “thư ngỏ”, “kiến nghị”, “góp ý” để phản bác, phủ nhận chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, đòi thực
hiện “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”; phủ nhận những thành quả cách
mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Lợi dụng và sử dụng các
phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để kích động tư tưởng bất mãn,
bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo
của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân
dân. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động để truyền bá tư
tưởng, quan điểm đối lập, sai trái; tác động, lôi kéo, hướng lái dư luận xã hội
đi ngược lại với đường lối, quan điểm của Đảng; cổ súy cho tư tưởng dân chủ cực
đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các
đối tượng CHCT sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, xuyên
tạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng và các lãnh tụ cách mạng. Trên
lĩnh vực tổ chức, chúng đã và đang âm mưu hình thành các
trung tâm phá hoại về chính trị, tư tưởng; các tổ chức chính trị đối lập; lôi
kéo, tác động, thúc đẩy hình thành “xã hội dân sự”, tạo dựng ngọn cờ để âm mưu
dùng “Đảng Cộng sản xóa Đảng Cộng sản”. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân
tộc”, “tôn giáo” để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các
tôn giáo, giữa dân tộc với tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà
nước ta.
Đấu
tranh phòng, chống CHCT là yêu cầu khách quan, thường xuyên, là vấn đề mang
tính cấp bách hiện nay nhằm phát hiện, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn
và hoạt động của các đối tượng CHCT, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ
xã hội chủ nghĩa. Để đấu tranh phòng, chống CHCT, cần thực hiện quyết liệt, đồng
bộ các giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cơ chế, chính sách, nghiệp vụ.
Tuy nhiên, CHCT có những biểu hiện khác nhau, tác hại và mức độ ảnh hưởng đến đời
sống chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng khác nhau. Vì vậy, trong đấu
tranh phòng, chống CHCT, với từng đối tượng cụ thể, cần xác định những giải
pháp thiết thực, phù hợp, hiệu quả.
Một là, nhóm giải pháp giáo dục,
phòng ngừa
Đối
với những cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng chính trị không kiên định vững
vàng, dao động, thiếu niềm tin; có những biểu hiện suy thoái, biến chất về tư
tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân..cần tiến hành
các biện pháp giáo dục, cảm hóa nhằm phòng ngừa là chính.
Thứ nhất,
nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý
luận. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, củng cố lập trường, quan điểm,
xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên. Tổ chức tốt việc học
tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận; tăng cường cung cấp thông tin, cập
nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa
phương. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016
của Bộ Chính trị Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức tự tu dưỡng, rèn
luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và phong cách công tác
của cán bộ, đảng viên. Tích cực và chủ động đấu tranh chống những quan
điểm, tư tưởng phản động, sai trái, bảo vệ trận địa chính trị tư tưởng của Đảng
vững vàng.
Thứ hai,
xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch
vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Chú trọng thực hiện có nền
nếp và chất lượng tự phê bình và phê bình để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi tình
trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham
nhũng và các tệ nạn xã hội; ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ nội bộ. Xây dựng và thực hiện
có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó quan tâm xây dựng hệ
thống chuẩn mực về các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên. Hằng năm, người đứng
đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên có kế hoạch tự tu dưỡng,
rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; các cấp ủy, tổ chức đảng kiểm
tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch, cam kết của cán bộ, đảng viên ở
địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Thứ ba,
tăng cường công tác quản lý nội bộ, kịp
thời phát hiện, ngăn chặn những đối tượng CHCT. Chủ động nắm bắt diễn
biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để phát hiện những kẻ bất mãn, thoái hóa,
biến chất, có chủ trương, biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Thực hiện
nghiêm túc các thủ tục, quy chế, quy định về quản lý cán bộ, đảng viên; bảo vệ
bí mật của Đảng, Nhà nước; kỷ luật phát ngôn; quan hệ với người nước ngoài. Kịp
thời thẩm tra, xác minh những cán bộ, đảng viên có lịch sử và quan hệ phức tạp
về chính trị.
Thứ tư,
tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và
thi hành kỷ luật Đảng. Kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý bằng hình thức
kỷ luật phù hợp đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”. Thường xuyên sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiên quyết đưa những
người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng và cơ quan, đơn vị. Khai trừ những đảng
viên vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Hai là, nhóm giải pháp đấu tranh,
ngăn chặn
Với
các đối tượng CHCT bất mãn, bị các thế lực phản động, thù địch tác động, lôi
kéo nẩy sinh tư tưởng “sám hối”, “trở cờ”, chống phá cách mạng hoặc có âm mưu tập
hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chính trị đối lập để thực hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” từ nội bộ….thì biện pháp chủ yếu là đấu tranh ngăn chặn,
làm vô hiệu hóa âm mưu và hoạt động của chúng.
Thứ nhất,
xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng
chuyên trách, nòng cốt trong đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Xây
dựng lực lượng chuyên trách đủ về số lượng, có chất lượng cao, thực
sự là những “cây bút”
dũng cảm, nhà “luận chiến” sắc sảo, bình luận viên “đủ tầm”, đáp ứng yêu cầu
đấu
tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với
các lực lượng nòng cốt nhằm định hướng về chủ trương, kế hoạch, cách thức tổ
chức, điều phối, kết hợp các hoạt động chặt chẽ, thống nhất, tạo sức mạnh tổng
hợp trong đấu tranh
chống
quan điểm sai trái, thù địch.
Kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu mới về âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của
các đối tượng CHCT, làm cơ sở cho lực lượng nòng cốt quán triệt và vận dụng có
hiệu quả trong đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Trong
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động
của các đối tượng CHCT, cần dựa trên cơ sở khoa học xác đáng, với những luận điểm
đúng đắn, luận cứ rõ ràng, luận chứng sắc bén, có tính thuyết phục cao.
Hai là,
phát huy vai trò của lực lượng an ninh, bảo
vệ chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điều tra, nghiên cứu nắm chắc âm mưu,
thủ đoạn và hoạt động chống phá của các đối tượng CHCT. Tuyên truyền, vận động,
giáo dục, thuyết phục những người nhẹ dạ, cả tin, bị mua chuộc, lôi kéo; phân
hóa, cô lập những kẻ cầm đầu, cực đoan, có thái độ ngông cuồng, chống đối. Sử dụng
các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin
- truyền thông, nhất là internet và mạng xã hội. Tổ chức thu hồi các tài liệu,
án phẩm mà các đối tượng CHCT tán phát để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối,
quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
Ba là,
xử lý kịp thời, đúng pháp luật sai phạm của
các đối tượng CHCT. Tham khảo luật pháp quốc tế và kinh nghiệm của các nước
khi áp dụng các biện pháp phòng, chống các đối tượng CHCT. Củng cố tài liệu, chứng
cứ, đưa ra xét xử kịp thời, công khai, nghiêm minh, đúng pháp luật sai phạm của
đối tượng CHCT; không để sơ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo, chống
phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm giữ vững an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia, dân tộc và lợi ích đất
nước./.
Phạm Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét