Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Giải thưởng nhân quyền trên đất Mỹ – bộ mặt thật và chiêu bài lỗi thời

“Dân chủ, nhân quyền” là những giá trị cốt lõi và thiêng liêng của mỗi một quốc gia. Để có được giá trị lớn lao như thế ở Việt Nam, chúng ta phải trải qua một quá trình đấu tranh và gìn giữ bằng không biết bao công sức, xương máu của thế hệ. Vậy mà, những kẻ lợi dụng chiêu bài dân chủ và nhân quyền ấy ở tận bên kia bán cầu, xa tới nửa vòng trái đất lúc nào cũng tung hô chiêu trò giả tạo, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước, sự ổn định, hòa bình và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Việt Nam và con đường gia nhập các tổ chức, công ước về nhân quyền trên thế giới
Từ hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hơn 1000 năm Bắc thuộc cha ông ta đã phải gìn giữ nét văn hóa và truyền ngọn lửa giành độc lập, tự do cho bao thế hệ. Rồi cũng hơn 1000 năm sau đó biết bao xương máu của dân tộc Việt Nam qua các triều đại cố gắng giành những quyền cơ bản khởi nguyên như: “Từ Triệu , Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập/ Đến Hán, Đường, Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”; quyền được bày tỏ ý kiến qua họp đình; quyền tự do đi lại;…
Trải qua những “đêm trường trung cổ” mà “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, từ nhà nước phong kiến thuộc địa đến khai sinh ra nhà nước Việt Nam dân chủ đầu tiên. Ngay chính trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Từ Hiến pháp 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định đầy đủ quyền con người bằng việc lồng ghép với quyền công dân. Đến Hiến pháp năm 2013, thì đã có cả một chương (chương II) quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội dưới sự bảo vệ của Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp 2013 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc đảm bảo công ước quốc tế về quyền con người.
Trong hoạt động đảm bảo quyền con người, có cả đảm bảo tính dân chủ và nhân quyền của công dân không chỉ phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa dân tộc mà còn hoàn toàn phù hợp với quan điểm chung của quốc tế. Việt Nam đã tham gia rất nhiều các tổ chức và ký kết nhiều công ước có giá trị như: Năm 1982, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người; Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, và Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Trong quá trình soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN năm 2012, Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm. Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về quyền con người của ASEAN – ông Om Yentieng thừa nhận quyền con người ở Việt Nam: “Chúng tôi đã học được nhiều về nhân quyền ở Việt Nam, chẳng hạn như việc bảo đảm quyền của phụ nữ hoặc bảo đảm quyền con người trong trại giam…”.
Tháng 11/2014, tại kỳ bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam không chỉ lần đầu tiên trúng cử trở thành thành viên. Mà Việt Nam còn có số phiếu bầu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu.
Trong nhiệm kỳ 3 năm làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam luôn có nhiều đánh giá mang tính xây dựng và trách nhiệm vào việc đảm bảo giá trị quyền con người ở trên thế giới. Đồng thời, cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm tốt từ các quốc gia khác nhau, để hoàn thiện các quyền của mỗi người dân Việt Nam.
Mặc dù nhiều tổ chức cố tình bóp méo trên hầu hết các nội dung về quyền con người ở Việt Nam, nhưng thực tế không thể không thừa nhận những thành tựu quan trọng về nhân quyền ở Việt Nam đã được các nước đánh giá cao.
Những kẻ lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” và mục đích phía sau
Đầu tháng 12 vừa qua, trên diễn đàn Internet đã rùm beng lên việc tổ chức mang tên “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” tiến hành trao giải thưởng nhân quyền cho những cá nhân và tổ chức “tham gia” vào hoạt động chống phá nhà nước.
Thông qua các tổ chức “Việt Tân”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”, “Cao trào nhân bản”, “Đảng dân chủ Việt Nam”… cùng các cơ quan truyền thông như VOA, BBC, RFA, RFI, blog các tổ chức, cá nhân… Những kẻ phản động sống lưu vong ở nước ngoài liên tục rêu rao vấn đề dân chủ, nhân quyền thông qua các diễn đàn Internet, để kích động giới trí thức, các luật sư, học sinh, sinh viên,… tham gia vào hoạt động của chúng.
Dựa vào các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, tôn giáo của đất nước để chúng tạo dựng và dương cao “ngọn cờ” dưới danh sử dụng các giá trị nhân quyền của Mỹ và các nước Châu Âu để áp đặt cho Việt Nam, trong khi có không ít điểm riêng về giá trị văn hóa, xã hội giữa Việt Nam và các nước.
Hằng năm, những đối tượng chống phá Nhà nước Việt Nam sẽ nhận được một trong những giải thưởng về dân chủ, nhân quyền như: giải thưởng quốc tế Gruber của Nghiệp đoàn luật sư quốc tế; giải thưởng Hellman/Hammet của tổ chức Quan sát nhân quyền quốc tế (HRW); giải thưởng Stephanus của Hiệp hội quốc tế nhân quyền tại Ðức; giải thưởng nhân quyền của “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”,…
Bên cạnh đó, lợi ích của các cá nhân khi tham gia được mua chuộc bằng những đồng tiền nhơ bẩn dưới danh nghĩa tài trợ phi chính phủ, nhưng thực chất chỉ là những đồng tiền phải đi xin ở một số quốc gia.
Chẳng hạn như: mỗi giải thưởng nhân quyền mà “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam trao hằng năm cho những kẻ mê muội, sẽ được đi kèm 3.000 USD; Giải thưởng Người bảo vệ Dân quyền 2015 của Tổ chức Những người bảo vệ dân quyền (Civil Rights Defenders) ở Thụy Điển, sẽ đi kèm 50.000 Euro – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người được các thế lực phản động hải ngoại ca ngợi để nhận giải thưởng đó với cái tên “là người Châu Á đầu tiên nhận giải”; là “một trong 3 nhà đấu tranh nhân quyền đầu tiên trên thế giới được vinh danh” năm 2015…
Nhưng những cái tên nằm trong danh sách nhận giải này “rất đỗi quen thuộc” làm sao!. Bởi đó là những nhân vật bị Tòa án kết tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, đã phần nào thấy rõ được bộ mặt thật và bản chất của những tổ chức và giải thưởng này.
Không dừng lại ở đó, mỗi năm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York công bố bản báo cáo tình hình nhân quyền thế giới, trong đó có nhiều nội dung liên quan về Việt Nam. Nếu như năm 2013, nội dung liên quan đến Việt Nam dài 8 trang với tít: “Tình hình nhân quyền tại Việt Nam năm 2012 tồi tệ hơn trước” thì đến tháng 6/2017 vừa qua, Tổ chức Theo dõi nhân quyền này đã ra “Phúc trình thường niên” về tình trạng nhân quyền thế giới với 65 trang, nội dung đề cập đặc biệt là ở Việt Nam. Chủ yếu xuyên tác việc chính quyền đàn áp tự do Internet, phát biểu ôn hòa và hoạt động tranh đấu tranh trên lĩnh vực tôn giáo.
Với cách nhìn phản diện, méo mó và sai sự thật này, các thông tin đã bị cắt xén, bịa đặt với những giọng điệu nhằm kích động người dân, đánh vào tâm lý các cá nhân, cố gắng gây mâu thuẫn nội bộ trong nước, để chúng lấn sâu vào chính trị của nước ta.
Vậy mục đích chính phía sau của chúng là gì? Cứ nhìn vào sự việc năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 vào vùng lãnh hải của Việt Nam thì sẽ rõ. Đảng và Nhà nước ta không chỉ mạnh mẽ chống lại “giặc ngoài” tìm biện pháp thích hợp để tránh xảy ra chiến tranh, kêu gọi Trung Quốc thực hiện đúng công ước Quốc tế mà Đảng và Nhà nước ta còn phải ngăng chặn “thù trong”, chúng liên tục tấn công làm dấy lên làn sóng phản đối ở các địa phương và dư luận quốc tế. Những kẻ này đã lợi dụng cơ hội để tạo nên sự bất mãn bằng các khẩu hiệu: Bảo vệ biển đảo; bảo vệ chủ quyền biển đảo thể hiện lòng yêu nước; xuống đường kêu gọi chính quyền Việt Nam ngăn chặn và tấn công giàn khoan HD-981 của Trung Quốc bằng vũ lực…
Thông qua đó, chiêu bài đòi chuyển sang chế độ xã hội “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, thể chế “tam quyền phân lập” kiểu Mỹ và các nước phương Tây; đòi trả tự do cho các tù nhân bị bắt giữ về tội chống phá Nhà nước… của những kẻ hàng ngày vẫn rêu rao dân chủ, nhân quyền đã bị lộ. Việc tổ chức phản động Việt Tân đã tiến hành hướng dẫn đấu tranh bất bạo động, đấu tranh bạo động thông qua các diễn đàn Internet là minh chứng cho mục đích “đục nước béo cò”, phía sau tình hình đất nước.
Các tổ chức, giải thưởng, sự kiện lợi dụng dân chủ, nhân quyền và yêu nước đã cho thấy được rõ bộ mặt của những cá nhân công kích tới sự hòa bình của dân tộc. Đều sẽ bị nhân dân và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình nắm rõ được bộ mặt thật, kiên quyết đấu tranh và bác bỏ.
Thậm chí, chính những thế hệ sau của các cá nhân, tổ chức lợi dụng dân chủ, nhân quyền ở nước ngoài cũng đang ngày một không có quan điểm theo cha ông họ. Nguyễn Bá Tùng – Trưởng ban Phối Hợp của Mạng lưới nhân quyền Việt Nam, cũng thừa nhận rằng thế hệ trẻ là nỗi băn khoăn vì ít quan tâm tới vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Bởi một phần vì lý do kinh tế, nhưng thực chất với tình hình phát triển của Việt Nam hiện nay con cháu họ cũng sẽ phần nào thừa nhận sự phát triển của đất nước. Giới trẻ mang nòi giống Việt thay vì sẽ đi theo con đường “hòa tan” của cha ông họ, thì có lẽ mong ước “hòa nhập” của họ còn lớn hơn nhiều. Có mấy ai mà không mong muốn được trở về nơi gọi là quê hương, cha ông ta từng “chôn nhau cắn rốn”?.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một”, dân tộc Việt Nam sẽ mãi luôn là một khối thống nhất, đoàn kết và phát triển. Những gì mà được gọi là dân chủ, nhân quyền và yêu nước, sẽ trở về với đúng giá trị thật của nó. Còn các giải thưởng nhân quyền kia sẽ mãi chỉ là trò hề nhảm nhí, không đúng sự thật, rồi sẽ sớm bị lãng quên.
Đinh Lực

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét