Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

 TẤT CẢ VÌ HỌC SINH THÂN YÊU 

Cơn bão Yagi đã làm gián đoạn việc học tập của hàng triệu học sinh. Tuy nhiên, nhờ vào sự chung tay khắc phục của các trường học, địa phương và sự hỗ trợ từ các trường đại học, công tác khắc phục hậu quả đã được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Việc này không chỉ giúp đảm bảo an toàn và điều kiện học tập cho học sinh mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của toàn xã hội trong việc đối phó với thảm họa thiên nhiên.

Thầy cô dốc sức vì học sinh

Cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành giáo dục ở nhiều tỉnh phía Bắc. Hàng nghìn trường học bị hư hại, hàng vạn học sinh không thể đến trường vì mưa lũ và sạt lở. Với tinh thần “lũ rút đến đâu dọn dẹp đến đấy”, các thầy cô giáo Trường Mầm non Hoa Lan, TP Yên Bái mấy hôm nay lội bùn đất, khẩn trương dọn dẹp để sớm đón học sinh trở lại trường. Khắc phục khó khăn chung, nhiều dụng cụ được các thầy cô tự chế để làm sạch trường lớp. Khối lượng bùn đất lớn nên việc đẩy ra khỏi khu vực lớp học rất vất vả, tuy nhiên ai nấy đều hết sức cố gắng.

Cô Bùi Thị Phương Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan chia sẻ: “Trước mắt chúng tôi sẽ san gạt, đẩy bùn ra ngoài, sau đó vệ sinh trường lớp với nỗ lực đón học sinh trở lại sớm nhất có thể. Nhà trường đã kêu gọi sự ủng hộ của ngành giáo dục thành phố và lực lượng vũ trang trong tỉnh, đặc biệt là bộ đội và các thầy cô giáo đến để giúp đỡ”.

Ngành giáo dục tỉnh Yên Bái chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Tính đến sáng 13-9, tổng thiệt hại ước tính khoảng 56,5 tỷ đồng. Cơ sở vật chất nhiều trường học bị thiệt hại, hư hỏng nặng ở nhiều đơn vị trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái thông tin, toàn tỉnh có 152/442 trường từ mầm non đến phổ thông tổ chức cho học sinh đi học (đạt khoảng 35%). Theo đó, các nơi đón học sinh trở lại học là huyện Mù Cang Chải, huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Yên, huyện Yên Bình, huyện Lục Yên. Như vậy 8/9 huyện, thị xã đã đón học sinh trở lại, riêng TP Yên Bái học sinh vẫn nghỉ học. Có 2 trường: Mầm non Phúc Lợi, Tiểu học và THCS Phúc Lợi, huyện Lục Yên có nguy cơ sạt lở cao, do quả đồi phía sau nhà trường đang bị nứt.

Tại tỉnh Cao Bằng, việc tổ chức cho học sinh trở lại trường gặp nhiều khó khăn. Ngành giáo dục tỉnh đã khẩn trương huy động lực lượng, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để ổn định và khắc phục hậu quả sau bão, đảm bảo an toàn cho học sinh. Huyện Bảo Lâm chịu ảnh hưởng nặng với 5 trong tổng số 45 trường học bị thiệt hại nghiêm trọng do ngập úng và sạt lở đất xung quanh công trình. Theo chia sẻ của ông Sầm Ngọc Cao, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lâm, các trường đã phối hợp với lực lượng địa phương, Quân đội, công an và phụ huynh học sinh để di dời thiết bị dạy học đến nơi an toàn, đồng thời lên kế hoạch dạy bù cho học sinh.

Ở tỉnh Quảng Ninh, nơi tâm bão Yagi đi qua, khoảng 80% trường học bị ảnh hưởng. Sở GD& ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, 375 trong tổng số 631 trường học đã hoạt động trở lại, trong khi huyện đảo Cô Tô vẫn chưa thể đón học sinh do chưa khắc phục xong hậu quả.

Trong ngày 13-9, một số trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã triển khai ngay việc tổng vệ sinh, dọn dẹp trường, lớp để kịp đón học sinh đi học trở lại vào thứ Hai. Cô Hoàng Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội cho biết, điểm trường đã bị ngập nước từ ngày 10-9. Nước ngập phía ngoài sân trường lên tới 1,5m và khu vực tầng 1 ngập sâu 60cm. Tối 12-9, nước bắt đầu rút. Ngay sáng hôm nay, khi nước đã rút hoàn toàn, nhà trường lập tức huy động cán bộ, giáo viên để thực hiện tổng vệ sinh.

Các trường đại học chung tay

Trước tình hình thiệt hại nghiêm trọng, các trường học ở các địa phương bị ảnh hưởng đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng chức năng khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Các biện pháp cụ thể như di dời thiết bị dạy học, vệ sinh trường lớp và lên kế hoạch dạy bù được triển khai khẩn trương.

Ngoài ra, các trường đại học trên cả nước cũng có nhiều hành động thiết thực trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả. Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiếp nhận khoảng 100 sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão, cung cấp nơi ở tạm thời, cho mượn laptop và hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết. Đối với những sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, trường đã tạo điều kiện cho các em đăng ký học bổng để giảm bớt gánh nặng tài chính.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã chi gói hỗ trợ 500 triệu đồng cùng 2.000 suất ăn miễn phí cho các sinh viên bị ảnh hưởng. Trường cũng kêu gọi sự đóng góp từ cán bộ, giảng viên để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) quyết định không tổ chức lễ khai giảng để dùng kinh phí 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ, đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, giảng viên, và sinh viên tiếp tục đóng góp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã kêu gọi toàn ngành giáo dục, cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành chung tay, góp sức bằng vật chất, tinh thần, bằng sự hỗ trợ, động viên, kết nối để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ nói chung và với ngành giáo dục nói riêng. Trong đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ con người, trước hết là dành cho giáo viên và học sinh bị thiệt hại, khó khăn về điều kiện ăn ở, phương tiện đi lại...

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tuyên truyền về việc hỗ trợ, đóng góp, kể cả với các em học sinh. Theo Bộ trưởng, dù các em ủng hộ 1.000 đồng hay một chiếc bút chì cũng rất cần thiết, bởi đó là tinh thần giáo dục, tinh thần chia sẻ cần phải làm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét