Kinh tế phát triển là nền tảng của sự phát triển và phụ nữ Việt Nam đã chứng minh vai trò không thể thiếu trong hành trình kiến tạo sự thịnh vượng cho đất nước. Trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động luôn duy trì ở mức cao, hiện nay đạt hơn 47%. Họ hiện diện trong mọi ngành, nghề, từ nông nghiệp - lĩnh vực truyền thống, đến các ngành kinh tế mũi nhọn, như sản xuất công nghiệp, thương mại, công nghệ, tài chính, logistics, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo số liệu từ điều tra doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tính đến hết tháng 9-2022, có 263.444 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 22,2%, và hiện nay Việt Nam là một trong 20 thị trường mà nữ doanh nhân phát triển thuận lợi, có mạng lưới doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN. Trong bối cảnh hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, nữ doanh nhân Việt Nam ngày càng khẳng định được năng lực, trình độ của mình không thua kém so với cộng đồng nữ doanh nhân các nước. Họ không chỉ đạt được thành tích, giải thưởng tôn vinh ở trong nước, mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá và ghi nhận. Nỗ lực vươn lên không mệt mỏi và thành công của nữ doanh nhân trong điều hành doanh nghiệp và câu chuyện thành công của họ đang truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng nữ doanh nhân về tinh thần khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, làm giàu của phụ nữ Việt Nam.
Nhìn từ bình diện chung, với việc ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu, đại đa số phụ nữ đã tự tin, nắm bắt cơ hội, vươn lên thoát nghèo, nhiều người đã có cuộc sống khá giả. Ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ vẫn nỗ lực vượt khó để thoát nghèo. Các chương trình, như “Phụ nữ khởi nghiệp” và “Thúc đẩy kinh tế xanh từ phụ nữ” đã hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu. Họ xác định rõ việc thoát nghèo, làm giàu trước hết là trách nhiệm của chính bản thân, gia đình và đã chung sức cùng với cộng đồng, xã hội tạo nên thành công của chương trình xóa đói, giảm nghèo nhiều năm trong cả nước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Chiếm 48,1% trong lực lượng lao động thành thị và 46% trong lực lượng lao động nông thôn(1), phụ nữ có mặt ở hầu hết lĩnh vực và chiếm số đông trong một số ngành, nghề, như nông nghiệp, thương mại, giáo dục, y tế. Dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng phụ nữ nông thôn luôn nỗ lực vươn lên, làm chủ trong sản xuất; đa số phụ nữ đã tiếp cận và thích nghi với cơ chế mới, giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của đất nước, phụ nữ tham gia ngày càng đông đảo vào các ngành công nghiệp chế biến, dệt may, da giày, điện tử, thương mại, tài chính, ngân hàng. Quá trình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã hình thành và phát triển đội ngũ nữ doanh nhân, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, ngành, nghề, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét