Với sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, phụ nữ là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc; là người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo làn điệu dân ca, câu ca dao, tục ngữ, bài hát, bài thơ. Bằng lời ru, tiếng hát dân ca mượt mà, thắm đượm tình yêu thương, người mẹ, người bà trong gia đình truyền lại cho con cháu vốn văn hóa dân tộc; đem lại cho con cháu trong nhà không chỉ là tình yêu thương, mà còn là bài học về đạo lý làm người qua lời ru ấy. Phụ nữ Việt Nam là người giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Từ giữ gìn làn điệu dân ca, phong tục, tập quán tốt đẹp, đến việc giáo dục đạo lý cho thế hệ trẻ, phụ nữ chính là người nối liền truyền thống và hiện đại.
Ở cơ sở, phụ nữ luôn là người hăng hái tham gia hoạt động xây dựng đời sống văn hóa thông qua mô hình, hoạt động, câu lạc bộ về gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động thể dục, thể thao trong cộng đồng. Phụ nữ tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không tệ nạn xã hội, không bỏ học, không sinh con thứ ba, không bạo lực; sạch nhà, sạch bếp và sạch ngõ), thí điểm xây dựng mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” (có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu với nhiều hoạt động rất thiết thực, xây dựng cảnh quan môi trường với tuyến đường hoa, hàng rào cây xanh, nhà có số, phố có tên, góp phần đưa nông thôn Việt Nam trở thành miền quê đáng sống. Không dừng lại ở việc bảo tồn, phụ nữ Việt Nam còn tích cực tham gia vào hoạt động sáng tạo văn hóa, góp phần đưa các giá trị truyền thống ra thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét