Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả”(1). Như vậy, tinh gọn bộ máy cần tổ chức một cách khoa học, hợp lý, giúp hệ thống vận hành hiệu quả, linh hoạt hơn. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không chỉ giảm đầu mối, mà điều quan trọng là hướng đến việc vận hành hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực.
Thực tế, nhiều đơn vị có chức năng tương đồng đã được sáp nhập, giúp giảm sự chồng chéo về đầu mối và nâng cao hiệu quả quản lý. Trong quản lý nhà nước về xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng và Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải đã được thống nhất về một đầu mối là Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, bởi ba đơn vị này có nhiều chức năng, nhiệm vụ cơ bản tương đồng. Việc thống nhất các đơn vị trên về một đầu mối giúp tạo sự thống nhất về quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả giám sát và điều hành trong lĩnh vực hạ tầng. Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, một số cơ sở giáo dục - đào tạo có nhiệm vụ tương đồng đã được sáp nhập, như Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được sáp nhập vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường được sáp nhập vào Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, giúp tập trung nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo.
Không chỉ triển khai ở cấp trung ương, việc tinh gọn tổ chức bộ máy được triển khai đồng bộ ở cấp địa phương nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Các địa phương đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giảm cấp hành chính trung gian phù hợp với thực tiễn, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để mở rộng quy mô quản lý, bảo đảm phục vụ nhân dân tốt hơn. Quá trình thực hiện đã bám sát yêu cầu của Trung ương, theo đó xác định rõ mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hóa, vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo...; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã. Một số đề xuất cũng đang được triển khai, như sáp nhập các tỉnh, thành phố để mở rộng địa giới hành chính gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, không tổ chức cấp huyện nhằm giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm chi phí hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý.
Việc triển khai tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giúp tinh gọn đáng kể số đầu mối trong bộ máy nhà nước. Bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã giảm từ 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ. Việc sáp nhập các sở, ngành có chức năng tương đồng, như sở giao thông vận tải và sở xây dựng, sở kế hoạch và đầu tư với sở tài chính, sở lao động - thương binh và xã hội và sở nội vụ, sở khoa học và công nghệ và sở thông tin truyền thông, báo và đài địa phương... ở các tỉnh, thành phố giúp tăng cường công tác phối hợp, hạn chế chồng chéo và nâng cao hiệu quả quản lý.
Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ giúp tăng cường hiệu quả vận hành, mà còn khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khi một số đơn vị vừa thực hiện chức năng quản lý, vừa trực tiếp triển khai hoạt động, dẫn đến nguy cơ xung đột lợi ích, lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, để quá trình thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, phải thực hiện bảo đảm khoa học, bài bản, bảo đảm sự ổn định trong lãnh đạo, quản lý. Nếu triển khai hợp lý, khoa học thì đây sẽ là bước đi quan trọng giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, cải thiện chất lượng dịch vụ công và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét