Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

"3 rõ" trong thi đua.

 

Lữ đoàn Pháo phòng không (PPK) 234 có thành tích 5 năm liên tục (2019-2024) dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) của Quân đoàn 3; trong đó có 3 năm (2019, 2020 và 2022), đơn vị được Bộ Quốc phòng tặng Cờ đơn vị dẫn đầu Phong trào TĐQT. Thành công này xuất phát từ việc đơn vị quyết tâm thực hiện "3 rõ" trong thi đua, đó là: Rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả.

Chúng tôi đến trận địa trực sẵn sàng chiến đấu của Đại đội 8, Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn PPK 234) khi trời đã gần trưa, nhưng khẩu lệnh chỉ thị mục tiêu của đội ngũ cán bộ và tiếng hô bắt, bám mục tiêu của các pháo thủ, trắc thủ vẫn sôi nổi, rền vang. Nòng pháo 37mm vươn cao, vạch mây sục sạo tìm mục tiêu và sẵn sàng nhả đạn. Tranh thủ giữa hai lần tập, Thiếu tá Nguyễn Cảnh Trường, Đại đội trưởng Đại đội 8 cho biết, đơn vị đang thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân với chủ đề “Tự hào truyền thống-Viết tiếp chiến công-Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Phong trào thi đua nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về truyền thống của Quân đội và truyền thống của Lữ đoàn PPK 234 vinh dự được hai lần Bác Hồ về thăm; huấn luyện cho pháo thủ không những giỏi số mình mà còn khá số bạn và thuần thục trong hiệp đồng chiến đấu; quyết tâm tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu khi tham gia diễn tập, bắn đạn thật ở Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 2 vào thời gian tới.

Theo Thiếu tá Nguyễn Cảnh Trường, để giữ vững quyết tâm, động lực thi đua cho mọi cán bộ, chiến sĩ, Chi bộ, Ban chỉ huy Đại đội 8 đã cụ thể hóa mục tiêu thi đua vào từng ngày, từng tuần huấn luyện với các mô hình: Thao trường kiểu mẫu, giờ huấn luyện kiểu mẫu, mỗi ngày một khẩu đội tốt, mỗi tuần một trung đội tốt, cẩm nang chiến sĩ, sổ tay công tác tư tưởng... Phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp duy trì đổi tập, sửa tập và bình xét, biểu dương, động viên chiến sĩ ngay tại trận địa. “Yếu tố để giữ vững quyết tâm, động lực trong thi đua chính là rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, khắc phục triệt để biểu hiện chung chung hình thức, đầu voi đuôi chuột, phát nhưng không động...”, Thiếu tá Nguyễn Cảnh Trường nêu kinh nghiệm.

Đại úy Trần Tuấn Anh, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn PPK 234) cho hay, cũng bằng cách làm rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, Chi bộ Đại đội 3 đã cụ thể hóa các nội dung, mục tiêu thi đua vào nghị quyết hằng tháng và kế hoạch tu dưỡng rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Hằng tháng, chi bộ sinh hoạt đánh giá những nội dung, mục tiêu thi đua đạt được và chưa đạt được, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm; bàn biện pháp khắc phục ngay, không chờ đến cuối giai đoạn, cuối phong trào thi đua mới sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Đồng thời gắn quá trình đánh giá, nhận xét, chấm điểm thi đua, biểu dương, khen thưởng với xây dựng mô hình chi bộ “4 tốt” và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; phát hiện, nhân rộng, lan tỏa điển hình tiên tiến, những cách làm hay trên các nhiệm vụ, các mặt công tác. Nhờ đó, 5 năm liên tục (2019-2024), Đại đội 3 đạt danh hiệu Đơn vị tiên tiến, Đơn vị Quyết thắng.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào TĐQT, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn tích cực đổi mới phương pháp, cách làm. Nội dung thi đua được cụ thể trong từng việc, từng ngày, từng giờ, từng người và từng tổ chức; phải kiến tạo được môi trường, động lực để mọi cán bộ, chiến sĩ nỗ lực thi đua như gắn kết quả thi đua, khen thưởng với đề bạt, bổ nhiệm, thăng quân hàm, nâng lương; bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên trong hạ sĩ quan, chiến sĩ...

Đại tá Trịnh Viết Tuệ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn PPK 234 khẳng định: "Trong điều kiện tác chiến phòng không ngày càng đặt ra yêu cầu cao, Phong trào TĐQT vừa là động lực tinh thần to lớn, vừa là giải pháp quan trọng để Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xây dựng tổ chức, xây dựng con người. Thi đua giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin vào vũ khí, trang bị và cách đánh của ta". Thi đua “vượt nắng, thắng mưa” trong huấn luyện để nâng cao khả năng cơ động, vòng tránh, đánh trả; khả năng hiệp đồng chiến đấu quân, binh chủng và hiệp đồng chiến đấu trong khu vực phòng thủ địa phương.

5 năm qua, kết quả huấn luyện các đối tượng hằng năm của Lữ đoàn 100% đạt yêu cầu, có trên 82% khá, giỏi (giỏi trên 50%); có 4 năm (2019, 2020, 2022 và 2023), Lữ đoàn được công nhận Đơn vị huấn luyện giỏi; tham gia các cuộc diễn tập bắn đạn thật hoàn thành tốt nhiệm vụ, khả năng cơ động cao, tiêu diệt mọi mục tiêu đã chứng minh hiệu quả của Phong trào TĐQT.

Chuyển tải tinh thần đổi mới mạnh mẽ

 Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII bế mạc, nhiều tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tổ chức các hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm rất cao. 

Trong các hội nghị, song song việc thông báo nhanh những nội dung cốt lõi thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và cụ thể của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, tinh thần đổi mới mạnh mẽ từ Hội nghị Trung ương đã được nhấn mạnh và chuyển tải tới cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và được cụ thể hóa ngay trong chỉ đạo đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc. Điều đó cho thấy cách làm mới của Trung ương đã tác động trực tiếp, thật sự, tức thì đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai nhiệm vụ của các cấp ủy trực thuộc Trung ương, báo hiệu sự chuyển động mới trong toàn hệ thống chính trị.

Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt đánh giá cao cách làm đổi mới, cầu thị, trách nhiệm rất cao của Hội nghị Trung ương lần này, trong bối cảnh cả nước đang dồn sức cho công tác khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra cho các tỉnh miền bắc. Theo đó, dù rút ngắn thời gian so với dự kiến nhưng sau 3 ngày làm việc khẩn trương, cả ngoài giờ hành chính, dưới sự chủ trì, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, với tinh thần trách nhiệm rất cao, Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, quyết định nhiều vấn đề mang tầm chiến lược, lịch sử, có tính chất cương lĩnh để thực hiện trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị, công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng được đặc biệt quan tâm, trong đó Trung ương nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm ý nghĩa, chủ đề của Đại hội XIV; khẳng định Dự thảo Báo cáo chính trị có nhiều nội dung mới, điểm nhấn khác biệt so với Đại hội XIII, đánh dấu mốc quan trọng đặc biệt cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời đại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những câu hỏi lớn được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt ra trong phiên khai mạc được Hội nghị xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và bổ sung hoàn thiện các dự thảo Văn kiện.

Với yêu cầu, Văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá, Trung ương yêu cầu phải tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo.

Đối với Báo cáo chính trị, cần đạt tầm mức công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan, xu thế vận động mới của thời đại và thực tiễn đất nước; kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai; không quá dài, chỉ rõ những định hướng lớn để các cấp ủy, mọi đảng viên thấm nhuần và thực hiện; thật sự là "ngọn đuốc soi đường" dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào kỷ nguyên mới, sớm đạt các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước.

Trên cơ sở kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc của Đảng, Trung ương nhấn mạnh một số điểm mới được xác định trong phương hướng, giải pháp chiến lược. Trong đó, tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường, sáng tạo hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để, giảm đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của các địa phương…

Với tinh thần làm việc khoa học, thẳng thắn, trách nhiệm, hiệu quả, đổi mới, 8 vấn đề lớn được thống nhất trong Hội nghị lần này, đều được Ban Chấp hành Trung ương giao rõ việc, rõ nội dung, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm thực hiện.

Từ cách làm mới của Hội nghị lần thứ 10, Trung ương yêu cầu cả hệ thống chính trị, trước hết là Chính phủ, người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương phải thật sự quyết tâm, quyết làm, có các giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, thống nhất xác định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2025. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp thực hiện hiệu quả nhất, tập trung mọi nguồn lực, biện pháp, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

 

Hà Nội - Thành phố vì hòa bình: Những ấn tượng đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

                   Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam luôn có sức lôi cuốn kỳ lạ đối với bạn bè quốc tế. Vẻ đẹp cổ kính pha lẫn hiện đại của một thành phố đang vươn mình ra thế giới, nét thanh bình nhưng đầy sức sống của một Thủ đô thân thiện..., tất cả hòa trộn tạo nên nét đặc trưng rất khác biệt, khiến Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thế giới.

Sức hút của Thủ đô ngàn năm văn hiến

Đối với bà Ann Mawe, cựu Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, người đã có 5 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, tình yêu Hà Nội bắt nguồn từ sự thân thiện và dễ mến của người dân. Bà Mawe đến Việt Nam vào năm 2019 và đã có dịp tới thăm 40/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong nhiệm kỳ của mình, bên cạnh những đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển, bà cũng rất tích cực tham gia tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội.

Trong giai đoạn 2019-2024, khi giữ cương vị Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Mawe đã hỗ trợ kết nối các nghệ sĩ, đầu bếp, nhạc sĩ, nhà xuất bản Thụy Điển và Việt Nam, giúp tổ chức các sự kiện văn hóa giới thiệu những câu chuyện và truyền thống phong phú của cả hai nước. Ngôi nhà của Đại sứ Mawe trở thành một trung tâm văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa và chào đón những người bạn Thụy Điển muốn khám phá Hà Nội và Việt Nam. Các video Tết của bà Mawe tạo ấn tượng rất tốt đối với khán giả. Một số biểu tượng của Việt Nam đã được bà đưa vào video như áo dài, bánh chưng và lúa nước, nổi bật là video Tết 2023 trồng lúa ở Nga Sơn, Thanh Hóa đạt gần 100.000 lượt xem.

Bà Mawe là người rất yêu âm nhạc, ẩm thực Việt Nam. Bà có thể hát một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng tiếng Việt, trong đó có bài “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Trước khi rời Việt Nam trở về nước, vị Đại sứ này chia sẻ rằng sẽ rất nhớ Hà Nội, bởi nơi đây bà cùng gia đình đã gắn bó 5 năm và có những kỷ niệm tuyệt vời. Bà yêu những buổi sáng đạp xe quanh Hồ Tây, yêu những đầm sen xanh mát. Vào buổi sáng, bà thích nhìn mọi người tập thể dục và ăn sáng trên vỉa hè. Trong cái nhìn của bà, Hà Nội đẹp và năng động nhất vào buổi sáng và chiều muộn.

“Điều đọng lại trong tôi chính là vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, lòng tốt và sự hào phóng của người dân và tất nhiên là cả nền ẩm thực tuyệt vời. Tôi sẽ nhớ cuộc sống bình dị nơi đây, nhớ những chiều thứ Sáu thong dong tản bộ trên những con phố của Hà Nội. Thật buồn vì phải rời xa Việt Nam, nhưng chắc chắn tôi sẽ trở lại vào một dịp không xa để tiếp tục khám phá đất nước này”, bà Mawe chia sẻ tại một sự kiện tổ chức ở Hà Nội hồi cuối tháng 6-2024 trước khi rời Việt Nam về nước.

Một thành phố hiện đại và đang vươn mình

Những chia sẻ của bà Mawe cũng là tiếng lòng của rất nhiều vị đại sứ, nhà ngoại giao nước ngoài - những người từng gắn bó nhiều năm với Việt Nam. Đối với họ, Hà Nội không phải nơi để đến, mà là nơi để trở về.

“Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình là một người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam. Tôi ứng xử, làm việc, suy nghĩ và giao lưu như một người bản xứ - một người Hà Nội. Điều đó tạo cho tôi một niềm tự hào rất lớn”, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, ông Saadi Salama cởi mở chia sẻ.

Là vị đại sứ đã gắn bó với Việt Nam suốt hơn 40 năm qua, ông Salama coi Việt Nam như quê hương thứ hai và dành cho nơi đây những tình cảm rất đặc biệt. Trong những năm tháng sống và làm việc ở Hà Nội, ông cảm nhận rõ những bước phát triển của Thủ đô cả về kinh tế, xã hội, hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế... “Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả dân tộc Việt Nam, đã có những bước phát triển đặc biệt về kinh tế, xã hội và đối ngoại”, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam nhận định, đồng thời cho rằng Hà Nội đã phát triển nhanh ngoài sức tưởng tượng.

Lần đầu đến Hà Nội năm 1980, chàng thanh niên Palestine thấy Thủ đô của Việt Nam xinh đẹp, hiền hòa, yên bình. Phương tiện ở Hà Nội khi đó chủ yếu là xe đạp, nhà cao nhất không quá 5 tầng. Còn bây giờ, Hà Nội là một thành phố năng động, có tốc độ phát triển cao và quy mô lớn hơn trước rất nhiều về cả diện tích và dân số. “Tôi may mắn được chứng kiến những đổi thay của thành phố này ở mọi bước ngoặt quan trọng nhất suốt hơn 40 năm qua. Bởi thế, tôi luôn nhìn Hà Nội với hai cảm xúc, đó là niềm vui về sự đổi mới của một Hà Nội hiện đại và chút luyến tiếc, hoài niệm khi những đường nét cũ đang dần mất đi”, Đại sứ Salama nói.

Cũng theo Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, Hà Nội đã vượt qua những thử thách và vẫn giữ vững sự phát triển ổn định với nhiều chỉ số kinh tế quan trọng. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội đã trở thành “ngọn hải đăng” cho sự thay đổi thần kỳ trong công tác đối ngoại, cũng như thay đổi vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố của các nước, có quan hệ kinh tế-thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ... Đặc biệt, Hà Nội luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.

“Tôi hiểu Hà Nội đã rất khác so với thời bao cấp, cũng như giai đoạn mở cửa mà tôi có dịp trải nghiệm cuối thập niên 1980. Đó là một thành phố hiện đại, đang vươn mình để trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ khu vực và thế giới. Tôi tin mọi người dân Hà Nội và Việt Nam, trong đó có tôi vô cùng tự hào với những gì Hà Nội đã và đang làm được”, ông Salama chia sẻ.

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY 02/10

 

“Địch công thành, ta công tâm, phải lấy được lòng dân”.
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam, Báo Nhân dân, đăng số 2750, ngày 02 tháng 10 năm 1961.
Đây là sự thể hiện nhất quán quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc phải luôn luôn lấy dân làm gốc, phải thấy được sức mạnh vô địch từ nhân dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng qua”. Đây cũng là đặc trưng tiêu biểu về bản chất của Quân đội ta - quân đội cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về việc luôn coi trọng và đặt lên hằng đầu sức mạnh của quần chúng nhân dân, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng xây dựng "thế trận lòng dân" là một bộ phận của tiềm lực chính trị tinh thần; dựa vào nhân dân, được nhân dân ủng hộ, che chở giúp đỡ; đồng thời, huy động và khai thác tiềm lực to lớn từ nhân dân, sức mạnh vô địch của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhờ xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, biết khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, căm thù giặc và sức mạnh của lòng dân, các lực lượng cách mạng đã tổ chức đấu tranh bằng nhiều hình thức, thực hiện Đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch, liên tục vây ép, tiến công địch cả về chính trị, quân sự, tiêu hao từng bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh, "căng, kéo, kìm, giữ địch", buộc chúng phải phân tán đối phó, góp phần làm cho địch sa lầy bị động, tạo thế cho cấp trên và cùng bộ đội chủ lực ta tiêu diệt địch, giành thắng lợi. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, "thế trận lòng dân" tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chăm lo xây dựng và củng cố vững chắc; kết hợp chặt chẽ với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, được dân tin, dân mến, dân yêu, dân giúp đỡ là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của đế quốc, thực dân và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc... Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, vượt mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” và niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Nhân dân.

Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình - chính sách quốc phòng đúng đắn của Việt Nam.

 

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhận thức và thực hiện đúng đắn việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình của Đảng, Nhà nước ta là cơ sở quan trọng để chủ động nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch về chính sách quốc phòng của Việt Nam hiện nay.

Nhận thức đúng về tranh chấp quốc tế và biện pháp giải quyết

Trong thực tiễn, mặc dù còn có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng đều có điểm thống nhất chung về tranh chấp quốc tế, đó là: Đang diễn ra sự không thống nhất, mâu thuẫn, xung đột về quan điểm pháp lý và lợi ích giữa các quốc gia có chủ quyền hoặc các chủ thể khác của pháp luật quốc tế.

Tranh chấp quốc tế có thể xảy ra trên các lĩnh vực hoạt động quốc tế, trong đó tranh chấp về chủ quyền trên đất liền, hải đảo, trên biển, trên không và trên không gian mạng là nổi cộm, dai dẳng, khó giải quyết và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến xung đột, chiến tranh.

Việc giải quyết tranh chấp quốc tế không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với duy trì hòa bình, ổn định, an ninh thế giới, mà còn góp phần thúc đẩy các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế triệt để hơn. Luật pháp quốc tế đã thống nhất các nguyên tắc cơ bản khi giải quyết tranh chấp quốc tế, đó là: Bằng phương pháp hòa bình, thương lượng; không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giữ nguyên hiện trạng cho đến khi đạt đến thỏa thuận cuối cùng; các bên tranh chấp phải tự kiềm chế, không tiến hành bất cứ hoạt động nào làm cho tình hình trở nên xấu đi.

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và phần tử cực đoan đưa ra nhiều ý kiến, bình luận với ý đồ xuyên tạc, âm mưu kích động chúng ta “phải có động thái mạnh mẽ, tuyên chiến quyết liệt” để chống lại các thế lực xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nhất là chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, Đảng, Nhà nước ta đã xác định, việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là thượng sách giữ nước của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.

Thượng sách giữ nước và chính sách quốc phòng đúng đắn của Việt Nam

Trong giải quyết các tranh chấp, Việt Nam nhất quán sử dụng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế - đây là chủ trương, giải pháp chiến lược, là chính sách quốc phòng hiệu quả và đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp, đúng đắn. Điều đó thể hiện ở những khía cạnh sau.

Một là, thể hiện văn hóa giữ nước chính nghĩa, hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, có đến gần hai phần ba thời gian dân tộc Việt Nam phải đứng lên tiến hành các cuộc chiến tranh, khởi nghĩa để giành và giữ quyền độc lập, tự chủ và phát triển. Nét văn hóa nổi bật trong công cuộc giữ nước của dân tộc Việt Nam là luôn nhận thức rõ rằng, mọi cuộc chiến tranh mà không đem đến hòa bình và cao hơn là không đem đến tình hữu nghị cho các dân tộc đều là cuộc chiến tranh vô nghĩa. Và không một dân tộc nào trên thế giới này lại không mong muốn có hòa bình, ổn định, độc lập, tự chủ...

Lịch sử cho thấy, biết bao công sức, xương máu của các thế hệ người Việt đã đổ xuống, thấm vào từng tấc đất trên khắp lãnh thổ Việt Nam, chính là để giữ cho nước nhà được toàn vẹn lãnh thổ, có độc lập, tự do và hòa bình. Có hòa bình rồi tiến tới xây dựng tình hữu nghị, chung sống hòa bình với các nước láng giềng, các nước khác trên thế giới, để đem lại lợi ích cho nhân dân ta, nhân dân các nước từng gây chiến với nước ta và dân tộc khác trên thế giới.

Các quốc gia yêu chuộng hòa bình xem chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng và bảo vệ Tổ quốc là chiến thắng chính nghĩa, là nguồn cổ vũ, khích lệ, nên họ sẵn sàng ủng hộ Việt Nam. Thực tiễn các cuộc chiến tranh giữ nước trước đây, đặc biệt là các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, to lớn của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới... Do đó, chiến thắng của Việt Nam đã vượt lên một tầm cao mới, mang tầm vóc của thời đại.

Hai là, cụ thể hóa chủ trương, giải pháp chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, với tư duy, tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã kế thừa và vận dụng, phát triển sáng tạo kế sách “giữ nước từ lúc nước chưa nguy” của dân tộc thành phương thức, tư tưởng chỉ đạo chiến lược chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Vì vậy, giữ được nước mà không cần phải tiến hành chiến tranh trở thành mục tiêu cơ bản, tối thượng của chính sách quốc phòng và an ninh ở nước ta hiện nay.

Để thực hiện tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu chiến lược đó cần phải triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược nhằm bảo đảm cho Đảng vững, nước giàu, dân yên, quân mạnh, thêm bạn, bớt thù. Trong đó, chủ trương thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trong quan hệ quốc tế, nhất là vấn đề biên giới, biển, đảo bằng biện pháp hòa bình là giải pháp trọng tâm, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế... giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.

Ba là, tạo cơ sở để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là xu thế khách quan và tiếp tục tiến triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế trong điều kiện hiện nay đòi hỏi mỗi quốc gia phải lấy nội lực là cơ bản, chiến lược lâu dài và là nhân tố quyết định; ngoại lực là nhân tố quan trọng, cần thiết. Hay nói cách khác, phải biết huy động sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại một cách phù hợp, hiệu quả.

Quan điểm của Nhà nước Việt Nam là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Hòa bình, ổn định và phát triển của một nước có tác động đến các nước láng giềng, khu vực và thế giới. Lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc cần hài hòa và tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, dân tộc khác, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Cùng với đó, hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu để cùng nhau gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển và tình hữu nghị giữa các quốc gia; không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn và giàu mạnh đến đâu, có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề toàn cầu, mà cần phải có sự hợp tác của các nước khác, cộng đồng quốc tế và người dân. Việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, đoàn kết và hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương.

Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng giải pháp hòa bình không chỉ là sự tôn trọng luật pháp quốc tế, đi đúng xu thế thời đại, mà còn góp phần quan trọng vào gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, lợi ích quốc gia cho các nước khác. Sự đồng thuận của nhân dân trong nước, sự đồng tình, ủng hộ, ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giải pháp hòa bình Việt Nam đang thực hiện chính là cơ sở để thực hiện mục tiêu “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” mà Đại hội XIII của Đảng xác định.

Bốn là, giải pháp tối ưu trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay.

Trong những năm qua, Việt Nam và các nước láng giềng đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả luật pháp và thông lệ quốc tế để giải quyết các bất đồng, tranh chấp đặt ra. Quá trình giải quyết các bất đồng, tranh chấp giữa Việt Nam với các quốc gia khác, trong đó có vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Điều đó chứng minh rõ Việt Nam không chỉ nỗ lực vận dụng sáng tạo làm phong phú thêm luật pháp quốc tế, mà còn luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, nhất là khi Việt Nam kiên trì nguyên tắc “tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982” và nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, các thỏa thuận song phương như: DOC, Tuyên bố "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông" ngày 20-7-2012; Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, ký ngày 11-10-2011 và dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đây là những minh chứng thực tiễn sinh động không chỉ thể hiện rõ thiện chí, cam kết, quyết tâm, mà còn thể hiện rõ tính hiệu quả của biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp quốc tế mà Nhà nước ta đã thực hiện. Sự nhất quán và những nỗ lực của Nhà nước ta đã bảo vệ vững chắc được chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, ngăn chặn, đẩy lùi xung đột và chiến tranh, giữ vững an ninh quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định để tiến hành sự nghiệp đổi mới của đất nước trong gần 4 thập niên qua đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Như vậy, có thể thấy, giải quyết các bất đồng, tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình là chủ trương chiến lược, nhất quán và là chính sách quốc phòng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay và là giải pháp hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta. Chủ trương này cần được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực trong thời gian tới. 

Mặt khác, nhận thức và thực hiện đúng đắn việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình của Đảng, Nhà nước ta là cơ sở quan trọng để chủ động nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch về chính sách quốc phòng của Việt Nam hiện nay.

Sự phản khoa học của luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam.

 

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh là chủ trương chiến lược, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, khả năng phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Với mưu đồ chống phá, làm suy yếu Việt Nam, các thế lực thù địch xác định lĩnh vực quốc phòng là một trong những trọng điểm, với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc; nội dung chống phá trên nhiều phương diện, từ quan điểm, chủ trương, đường lối đến chính sách quốc phòng Việt Nam.

Nham hiểm âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc chống phá lĩnh vực quốc phòng

Quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia gồm tổng thể hoạt động đối nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học của Nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, LLVT nhân dân làm nòng cốt nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô.

Để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực thù địch luôn xác định chống phá trên lĩnh vực quốc phòng là một trong những trọng điểm nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với quốc phòng; thay đổi bản chất hòa bình, tự vệ, chính nghĩa của nền quốc phòng Việt Nam; làm suy yếu sức mạnh, tiềm lực quốc phòng, phá vỡ thế trận quốc phòng, suy giảm sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN); thay đổi bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, phủ nhận sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội và LLVT; thực hiện âm mưu “dân sự hóa hoạt động quân sự”, “phi chính trị hóa” Quân đội, làm cho LLVT mất phương hướng chính trị, không làm tròn vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Thời gian qua, các đối tượng chống phá tập trung xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, đường lối quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta, đưa ra luận điệu "thế giới đã và đang chung sống hòa bình, không có chiến tranh thì không nên và không cần thiết phải đầu tư cho quốc phòng, mà phải quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Bên cạnh đó, chúng ra sức bóp méo, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về quốc phòng. Ngoài ra, chúng phủ nhận tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền quốc phòng; đồng nhất lĩnh vực quốc phòng với lĩnh vực quân sự, cho rằng quốc phòng là do Quân đội đảm nhiệm, là của các LLVT.

Không những vậy, chúng còn ngụy biện cho rằng quan điểm xây dựng khu vực phòng thủ là chia tách, phân biệt vùng miền, phân biệt đối xử giữa các khu vực trên cả nước; ra sức truyền bá tư tưởng đẩy mạnh hợp tác, tham gia các liên minh quân sự để nâng cao sức mạnh quốc phòng; kích động khuynh hướng đòi “quốc gia hóa Quân đội”, yêu cầu “luật hóa mọi vấn đề về tổ chức và hoạt động của Quân đội”; đòi dân sự hóa chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; kích động, chia rẽ sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Quân đội, đoàn kết thống nhất giữa QĐND với Công an nhân dân, giữa Quân đội với nhân dân; xuyên tạc, vu khống, bịa đặt về chính sách đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước.

Để hiện thực hóa mưu đồ trên, chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội tán phát thông tin xuyên tạc, lồng ghép nội dung sai trái, phản động; đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức “xã hội dân sự” và “phản biện xã hội”, liên thông, kết nối với các “hội”, “đoàn”, “nhóm” để tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ, sức mạnh quốc phòng.

Âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quốc phòng là rất nguy hiểm, tác động sâu sắc, toàn diện đến lĩnh vực quốc phòng và sức mạnh phòng thủ đất nước. Những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi đó nếu không được nhận thức đầy đủ sẽ gây ra tâm lý hoang mang, làm suy giảm lòng tin của bộ phận nhân dân vào đường lối, chính sách quốc phòng; suy giảm sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.

Khẳng định bản chất cách mạng, chính nghĩa của chính sách quốc phòng Việt Nam

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu, phương hướng bảo vệ Tổ quốc là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quán triệt tinh thần đó, để đấu tranh phòng ngừa, đẩy lùi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá trên lĩnh vực quốc phòng, giải pháp hàng đầu là cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp bằng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân và LLVT nắm chắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quốc phòng; nâng cao nhận thức, xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, củng cố quốc phòng là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó QĐND và Công an nhân dân là nòng cốt. Tiếp tục khẳng định, bảo vệ và phát triển lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; vạch trần tính chất sai trái, phản khoa học, phản động của các thế lực thù địch. Không ngừng nâng cao cảnh giác, xây dựng ý chí quyết tâm bảo vệ và thực hiện thắng lợi đường lối xây dựng nền QPTD của Đảng; chủ động, kịp thời định hướng dư luận, cung cấp thông tin chính thống, ngăn chặn các luồng thông tin thất thiệt gây hoang mang, lo lắng trong xã hội.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt của quốc phòng Việt Nam, khắc phục tư tưởng, nhận thức lệch lạc, sai trái trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng, củng cố vững chắc nền QPTD. Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ truyền thống văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; chủ trương, đường lối quốc phòng, quân sự, xây dựng nền QPTD; chính sách, pháp luật về quốc phòng của Đảng và Nhà nước. Phát huy dân chủ rộng rãi, tạo đồng thuận, nhất trí cao của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng tiềm lực của nền QPTD; xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố vững chắc, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, bảo đảm vừa thuận tiện sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, hình thành thế trận phòng thủ đất nước trên các hướng chiến lược và cả nước.

Đối với những nhận thức, tư tưởng lệch lạc, cần tập trung phê phán những nhận thức không đầy đủ, sâu sắc về nhiệm vụ tăng cường quốc phòng; nhận thức đúng về mối quan hệ kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; quan hệ đối tác và đối tượng; xây dựng thế trận QPTD gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Tiếp tục thực hiện nguyên tắc “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với QĐND, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”.

Chủ động đấu tranh, phê phán các quan điểm, tư tưởng, lý luận về quân sự, quốc phòng của giai cấp tư sản đối lập và phủ định quan điểm Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tổ chức nghiên cứu có hệ thống các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là tư tưởng tư sản và các trào lưu tư tưởng phản động trong bối cảnh toàn cầu hóa, vạch rõ bản chất phản động, phản khoa học của các quan điểm, tư tưởng đó. Tích cực đổi mới hình thức giáo dục lý luận chính trị, xây dựng phương pháp xem xét đúng đắn, khoa học, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về quốc phòng.

Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho toàn dân; giữ gìn, phát huy các chuẩn mực văn hóa Bộ đội Cụ Hồ và bản chất, truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam; chủ động, tăng cường thông tin sâu rộng với bạn bè quốc tế về mục đích, bản chất đường lối, chính sách QPTD hòa bình, tự vệ, chính nghĩa của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Bộ đội Hải quân lặn tìm nạn nhân mất tích vụ sập cầu Phong Châu.

 

Sau sự cố sập nhịp cầu Phong Châu (Phú Thọ) hôm 9-9, đến nay vẫn còn 4 nạn nhân mất tích và 7 phương tiện chưa tìm thấy. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân điều động lực lượng, phương tiện, trang bị của Lữ đoàn 126 phối hợp với địa phương triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân và trục vớt phương tiện...

Thực hiện nhiệm vụ nặng nề và khó khăn này, Lữ đoàn 126 thành lập đoàn khảo sát địa hình khu vực tìm kiếm người mất tích; xác định các yếu tố liên quan như chiều sâu, tốc độ dòng chảy, xây dựng kế hoạch, triển khai lực lượng, phương tiện chặt chẽ. Theo đó, 30 thợ lặn giỏi cùng các loại phương tiện, khí tài hiện đại được điều động thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân. Trước đó, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ.

Theo quan sát của chúng tôi, đội ngũ thợ lặn được trang bị khí tài chuyên dụng như: Máy lặn hở đồng bộ, máy nén khí cơ động, buồng tăng giảm áp cá nhân, máy thông tin thủy âm đồng bộ... tổ chức lặn tìm kiếm nạn nhân từ khu vực cầu Phong Châu cũ đến khu vực cầu phao mới. Mong muốn được chia sẻ mất mát với thân nhân người bị nạn, các kíp thợ đã khắc phục gian khổ, hiểm nguy, luân phiên, liên tục lặn tìm kiếm theo từng ca bằng quyết tâm cao nhất. Thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ thợ lặn thả phao tiêu, đánh dấu vị trí lặn theo hình lưới ô vuông. Quá trình tìm kiếm nạn nhân, thợ lặn của Lữ đoàn 126 luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại hiện trường. Công tác bảo đảm an toàn cho thợ lặn cũng được chú trọng. Hệ thống thông tin liên lạc duy trì thông suốt từ chỉ huy trên bờ đến chỉ huy dưới xuồng và thợ lặn dưới nước.

Theo Trung tá Phạm Ngọc Tuấn Anh, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao, Lữ đoàn 126 lựa chọn những thợ lặn giỏi, giàu kinh nghiệm trong tìm kiếm cứu nạn ở môi trường sông, biển. Trước khi bộ đội thực hiện nhiệm vụ, quân y đơn vị đo huyết áp, kiểm tra tim mạch và tinh thần bộ đội. Anh em đủ điều kiện mới bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm. “Việc triển khai thợ lặn tinh nhuệ và phương tiện hiện đại nhất trong tìm kiếm nạn nhân mất tích thể hiện tình cảm, trách nhiệm, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 đối với nhân dân. Chúng tôi sẽ nỗ lực cao nhất, góp phần xoa dịu nỗi đau đối với thân nhân người bị nạn", Trung tá Phạm Ngọc Tuấn Anh cho biết.

Theo kế hoạch, lực lượng thợ lặn của Lữ đoàn 126 sẽ tìm kiếm toàn bộ khu vực từ chân cầu Phong Châu cũ về phía hạ lưu, đến khu vực cầu phao mới. Tìm kiếm đến đâu đánh dấu đến đó. Do tốc độ dòng chảy lớn, lượng phù sa nhiều, tầm nhìn dưới nước rất hạn chế nên quá trình tìm kiếm, thợ lặn phải vận dụng tổng hợp các kỹ thuật chuyên ngành để tìm kiếm nạn nhân. “Làm việc trong môi trường sông nước hết sức khó khăn, song chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ...”, Thượng úy QNCN Phạm Duy Viên, giáo viên lặn Lữ đoàn 126 chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Đình Cương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ cho biết: "Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân mất tích, Bộ CHQS tỉnh tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ về lực lượng, phương tiện. Với lực lượng tinh nhuệ của Lữ đoàn 126 cùng trang bị, khí tài hiện đại, chúng tôi hy vọng công tác tìm kiếm nạn nhân và trục vớt phương tiện sẽ đạt được kết quả cao nhất".

Sáng 1-10, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã điện thoại cho Trung tá Phạm Ngọc Tuấn Anh, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126 kiểm tra, nắm tình hình, động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cầu Phong Châu. Đây là nguồn cổ vũ đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.

“Cảm ơn... các chú... bộ đội Việt Nam”.

 

Đó là câu nói của một cháu thiếu nhi thành phố Pasay, vùng đô thị Manila (Philippines) khi nhận món quà của cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) trao tặng. Câu nói ấy do một sĩ quan Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines dạy cháu bé trong lúc cùng các bạn nhận quà.

Trong chương trình giao lưu giữa Cảnh sát biển Việt Nam với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, có nội dung giao hữu bóng chuyền, cầu lông giữa 2 lực lượng. Với tình cảm và đặc trưng văn hóa, sinh hoạt của người Philippines, thời gian nghỉ giữa giờ, hoặc nghỉ để chuyển nội dung giao hữu, bộ phận phục vụ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines mang “bữa ăn phụ”, gồm: Nước uống, một số loại bánh, trái cây... đựng trong túi ni-lông phát cho từng thành viên đội thể thao và các cổ động viên. Do không quen ăn bữa phụ buổi chiều nên cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển chỉ uống nước; còn những chiếc bánh thì gói lại, đựng chung vào túi lớn, cuối buổi giao hữu đưa lên xe ô tô mang về nơi đoàn đang dừng nghỉ.

Trên đường trở về tàu, xe của Cảnh sát biển Việt Nam đi qua đoạn đường khá ùn tắc nên phải áp sát lề rồi dừng lại vừa để chờ xe đoàn bạn, vừa đợi giảm ùn tắc. Trong lúc chờ đợi, bộ đội ta nhìn thấy nhiều trẻ em đang đùa nghịch ở vỉa hè. Các cháu nhỏ thó, gầy gò, đen đúa. Một sĩ quan Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines đi cùng xe giới thiệu, đây là những đứa trẻ sống ở khu nhà xập xệ, nhếch nhác bên đường. Các cháu thường đi cùng cha mẹ làm nghề bán hàng rong, chạy xe ôm, lượm ve chai... Nghe vậy, nhiều chiến sĩ cảm thương, chạnh buồn!

Dường như thấy người lạ, mấy cháu nhỏ xúm vào, ngơ ngác nhìn. Trung tá Quản Đình Dương, Hải đội trưởng Hải đội 202 (Vùng Cảnh sát biển 2) liền lấy túi bánh đưa cho một cháu gần nhất. Lập tức, các cháu tới tấp giơ tay xin. Trước tình huống đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ bước xuống xe, mang theo những túi bánh phân phát cho các cháu. Đến khi phát hết, vẫn còn khá đông trẻ em chạy tới và cả một số người nghèo vô gia cư gần đó, nên hai đồng chí sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam chạy sang quán bên cạnh mua thêm một ít bánh rồi phát tiếp.

Chứng kiến việc làm nghĩa tình, cao đẹp ấy, nam sĩ quan Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines đi cùng đoàn chúng tôi bày tỏ: “Cảm ơn các bạn Việt Nam! Cảm ơn Bộ đội Việt Nam”. Nói rồi, anh chạy tới chỗ một cháu bé vừa nhận quà, rồi nói gì đó với cháu. Lát sau, cháu bé chạy sang xe chúng tôi, bập bẹ: “Cảm ơn... các chú... bộ đội Việt Nam”.

Khi chúng tôi lên xe tiếp tục hành quân, các cháu nhỏ Philippines cùng nhiều người dân vẫy tay chào và dõi mắt nhìn theo đầy cảm mến!

 Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển

Nhà máy Z199 (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quang điện - Điện tử1) thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các loại khí tài quan sát, ngắm bắn phục vụ Quân đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm trong lĩnh vực điện - điện tử, quang - điện tử, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong suốt chặng đường 25 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Nhà máy luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế; có nhiều sản phẩm đã được khẳng định trên thị trường. Những năm gần đây, nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, xây dựng Quân đội có sự phát triển, đặt ra cho Nhà máy yêu cầu mới cao hơn; trong khi đó, cơ cấu tổ chức của Nhà máy chưa được hoàn thiện, còn nhiều khâu trung gian, nhiều bộ phận trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; trình độ, tay nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên và cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ, dây chuyền sản xuất có mặt chưa theo kịp sự phát triển của nhiệm vụ; áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, v.v. Trước bối cảnh đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã triển khai đồng bộ các giải pháp kiện toàn cơ cấu tổ chức; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư chiều sâu công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường,… để chủ động hội nhập, tạo bước phát triển mới.


Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Quyết định số 3358/QĐ-BQP, ngày 31/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tổ chức lại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quang điện - Điện tử, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã xây dựng, ban hành các nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo điều chỉnh tổ chức biên chế chặt chẽ, khoa học, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung kiện toàn, sắp xếp các cơ quan, cơ sở sản xuất theo hướng giảm đầu mối trung gian; sáp nhập các bộ phận có chức năng và nhiệm vụ tương đồng; tăng cường lực lượng lao động trực tiếp. Đồng thời, ổn định tổ chức, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức quần chúng; sửa đổi quy chế, quy định các mặt công tác trọng yếu để đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị “hiệu lực, hiệu quả”. Trên cơ sở tổ chức, biên chế mới, Nhà máy tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng cán bộ, nhân viên gắn với đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm phù hợp với mô hình hoạt động. Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ khoa học trẻ, chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật có trình độ cao, công nhân giỏi, thợ lành nghề về quang điện - điện tử, Nhà máy đã có chính sách ưu tiên thu hút tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, coi trọng việc bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo tại chỗ, huấn luyện trực tiếp thông qua thực tiễn sản xuất, kinh doanh; khuyến khích người lao động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn, tay nghề. Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức chính trị, chấp hành kỷ luật, pháp luật và các quy định an toàn; xây dựng tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp cho các đối tượng. Đồng thời, mạnh dạn bổ nhiệm, sử dụng cán bộ trẻ có năng lực; xây dựng môi trường công tác thân thiện, có nhiều cơ hội phát triển, tạo động lực cho người lao động yên tâm công tác, cống hiến. Đến nay, 100% cán bộ, kỹ sư của Nhà máy có trình độ cao đẳng trở lên (trên 41% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) và gần 80% công nhân kỹ thuật có tay nghề từ bậc 5/7 trở lên, tạo nền tảng quan trọng để Nhà máy tự tin hội nhập và phát triển bền vững.

Cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao thì công nghệ và trang thiết bị là những yếu tố nền tảng, then chốt, quyết định sức cạnh tranh, năng lực, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Với nhận thức đó, Nhà máy đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị và nhu cầu thị trường, Nhà máy đã chủ động đề xuất với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng các phương án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm dây chuyền công nghệ, trang thiết bị theo hướng lưỡng dụng, hiện đại. Thực hiện phương châm “đi trước đón đầu”, Nhà máy chủ động cử nhiều đoàn cán bộ đi khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ ở trong và ngoài nước; đón các đoàn chuyên gia đến giới thiệu công nghệ mới. Trên cơ sở đó, lựa chọn đối tác cung cấp trang thiết bị, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế. Với hướng đi đó, từ năm 2019 đến nay, Nhà máy đã triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư mới dây chuyền, trang thiết bị, công nghệ mới, hiện đại, như: dây chuyền đúc hợp kim nhôm trong môi trường chân không; dán nhiệt lạnh và các thiết bị, công nghệ sản xuất động cơ một chiều chất lượng cao, khuôn dập rotor, stator quạt trần, máy tiện CNC, v.v. Ngoài ra, Nhà máy quan tâm đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình đồng bộ, như: nhà đa năng, nhà điều hành, nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật, hệ thống nhà kho bảo quản sản phẩm. Vì vậy, diện mạo và năng lực sản xuất của Nhà máy được nâng cao, tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường.



Để đứng vững, phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt, Nhà máy đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới tự chủ về công nghệ. Thực hiện nội dung này, Đảng ủy Nhà máy đã ban hành Nghị quyết số 440-NQ/ĐU, ngày 05/7/2023 về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ đến năm 2030 và những năm tiếp theo, với chủ trương: tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm quốc phòng mới theo hướng tích hợp nhiều công nghệ hiện đại trên cùng một sản phẩm; thiết kế chế tạo sản phẩm kinh tế theo hướng tích hợp công nghệ thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, phù hợp nhu cầu thị trường, có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, v.v. Để hiện thực hóa chủ trương đó, Nhà máy thực hiện đa dạng các hình thức nghiên cứu (tự nghiên cứu, nhóm nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu) và tích cực đổi mới quy trình quản lý, triển khai đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu. Trong đó, với các đề tài được đặt hàng và phối hợp thực hiện, Nhà máy chỉ đạo Phòng Nghiên cứu phát triển rà soát, lựa chọn cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao để thành lập các nhóm nghiên cứu và tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ triển khai thực hiện. Với các đề tài do cán bộ, kỹ sư, nhân viên tự làm chủ, Nhà máy chỉ đạo rà soát, xét duyệt, lựa chọn các chương trình, đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có tính khả thi, ứng dụng cao để đưa vào triển khai nghiên cứu, phát triển, hỗ trợ kinh phí sản xuất, chế thử. Đặc biệt, Nhà máy ban hành nhiều chính sách đặc thù, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhờ đó, 05 năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong Nhà máy thu được nhiều thành quả tích cực; số lượng, chất lượng các đề tài, nhiệm vụ ngày càng tăng2; nhiều đề tài, nhiệm vụ có yêu cầu kỹ thuật cao, tính chất phức tạp, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách đặt ra, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để tiếp tục khẳng định vị thế và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, Nhà máy đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới, trên cả lĩnh vực quốc phòng và kinh tế. Với phương châm lấy sản xuất quốc phòng là trọng tâm, phát triển kinh tế là quan trọng, làm cơ sở cho phát triển sản xuất quốc phòng, Nhà máy tập trung đánh giá đúng tình hình, xác định chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất quốc phòng và kinh tế phù hợp, khả thi. Trong đó, ưu tiên tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm chiến lược, mũi nhọn, làm tiền đề để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với sản xuất quốc phòng, Nhà máy đã triển khai nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và làm chủ nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là các loại khí tài quan sát, ngắm bắn theo nguyên lý khuếch đại ánh sáng mờ, ảnh nhiệt; các sản phẩm khí tài quan sát ngày, đêm lai ghép trên cùng một sản phẩm. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm đã và đang sản xuất cung cấp cho các đơn vị trong toàn quân. Hiện nay, nhiều sản phẩm của Nhà máy được các đơn vị sử dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đánh giá cao về công năng và độ tin cậy, như: kính nhìn đêm trưởng xe, lái xe trên xe tăng T54, T55; kính ngắm dùng cho xe thiết giáp XCB-01; kính ngắm súng bộ binh, kính ngắm phòng không, kính quan sát đêm biển, đảo; các loại ống nhòm, đầu dẫn tên lửa, v.v. Đặc biệt, Nhà máy đang tích cực triển khai nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị bay không người lái (UAV) phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng. Đối với sản xuất kinh tế, Nhà máy xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu mũi nhọn là phát triển các loại quạt điện hiện đại phù hợp với nhu cầu thị trường. Theo đó, tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới, như: quạt trần 5 cánh điều khiển xa; các sản phẩm quạt điện tích hợp kết nối với loại nhà có sử dụng công nghệ thông minh; các sản phẩm thân thiện với môi trường, v.v. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số gắn với hoàn thiện tổ chức, phương thức quản trị hiện đại; tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015; nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường mới,... nhằm tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, tiết kiệm chi phí, nhân công, qua đó nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Với chủ trương đúng đắn, giải pháp thiết thực, hiệu quả, cùng tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên, Nhà máy đã tạo được những bước phát triển đáng tự hào trên cả lĩnh vực sản xuất quốc phòng và kinh tế. Nhiều sản phẩm quốc phòng đã và đang trở thành những “đôi mắt thần” để bộ đội nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; quạt điện thương hiệu “PEC- Điện cơ 91 Bộ Quốc phòng” nhiều năm liên tục được bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố Hà Nội” v.v. Đây là niềm tự hào, động lực để Nhà máy Z199 tiếp tục khẳng định vị thế, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển, góp phần vào xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng “tự chủ, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”.

Đại tá, ThS. TRẦN VĂN HÒA, Giám đốc Nhà máy

 Trung đoàn Tên lửa 250 tập trung xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”



Trung đoàn Tên lửa 250 - Đoàn Tên lửa Thăng Long (thuộc Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không - Không quân), tiền thân là Trung đoàn Pháo cao xạ 685 được thành lập ngày 21/9/1954. Đây là một trong những đơn vị chủ công tác chiến trên mặt trận đối không trong suốt những năm chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công và phát huy tinh thần “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” giặc Mỹ xâm lược, Trung đoàn liên tục cơ động chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành bảo vệ các mục tiêu trọng yếu trên nhiều địa bàn: Thủ đô Hà Nội, Quân khu 3, Quân khu 4; đặc biệt là bảo vệ tuyến hành lang vận chuyển chiến lược 559 huyền thoại; trực tiếp tham gia chiến đấu 3.800 trận, bắn rơi 190 máy bay các loại, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trung đoàn tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, tích cực khắc phục khó khăn, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ: huấn luyện chuyển binh chủng khí tài tên lửa S-125M, bảo vệ vùng trời phía Tây - Tây Nam Thủ đô Hà Nội, trực tiếp bảo vệ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và các nhiệm vụ quan trọng khác. Với những chiến công và thành tích đạt được, Trung đoàn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân nhân trong kháng chiến chống Mỹ (năm 2005), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2006) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác1.

Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm chính trị cao, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện các mặt công tác, tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ trước các tình huống trên không; chất lượng huấn luyện, trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên; công tác hậu cần, kỹ thuật được triển khai đồng bộ, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác.

Có được kết quả đó, trước hết, Trung đoàn tập trung xây dựng từng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, coi đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, đảm bảo cho bộ đội sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Là đơn vị có quân số đông, đóng quân phân tán trên địa bàn 02 tỉnh Phú Thọ và Hòa Bình; đa phần cán bộ, chiến sĩ ở xa gia đình, thường xuyên phải trực sẵn sàng chiến đấu, dễ nảy sinh tư tưởng so sánh cuộc sống, sinh hoạt giữa trong Quân đội và ngoài xã hội. Xuất phát từ đặc điểm đó, để bộ đội yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Nội dung giáo dục toàn diện, trong đó, tập trung giáo dục cho bộ đội nắm chắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, truyền thống của Quân đội, Quân chủng và Đơn vị; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân; nắm chắc các chỉ tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”,… làm cơ sở vận dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, Trung đoàn tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị các cấp thông qua việc tổ chức các cuộc thi (Bí thư chi bộ, Giáo viên giảng dạy chính trị, Báo cáo viên giỏi,...) gắn với đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp thiết thực, phù hợp với đối tượng, đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Kết hợp giáo dục theo chương trình cơ bản với giáo dục theo nhiệm vụ, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỷ luật và tổ chức các hoạt động phong trào, nhằm xây dựng động cơ, lý tưởng, thái độ trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho bộ đội.

Cùng với làm tốt công tác giáo dục chính trị, Trung đoàn thường xuyên kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; xây dựng đảng bộ, cấp ủy, chi bộ các cấp trong sạch, vững mạnh tiêu biểu gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện tiêu cực, nhận thức lệch lạc hoặc thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Thường xuyên quán triệt, vận dụng hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng, các đợt thi đua cao điểm. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị. Nhờ đó, những năm gần đây, Đảng bộ Trung đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kiểm tra nhận thức chính trị hằng năm 100% đạt yêu cầu, 83,5% khá, giỏi; 100% cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, tâm huyết, gắn bó xây dựng đơn vị.

Nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời và các mục tiêu được giao, Trung đoàn tập trung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu. Theo đó, Trung đoàn tập trung quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 877-NQ/ĐU ngày 09/3/2023 của Đảng ủy Quân chủng về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”, Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân chủng và phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Công tác chuẩn bị huấn luyện được Trung đoàn thực hiện chu đáo, chặt chẽ về mọi mặt, từ xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, cơ sở vật chất, giáo án, tài liệu, thao trường, bãi tập cho đến tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, kíp chiến đấu và các thành phần tham gia huấn luyện, v.v. Đặc biệt, công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ được Trung đoàn hết sức coi trọng, nhất là tập huấn đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật và đối tượng cán bộ khẩu đội. Nội dung tập huấn chú trọng thống nhất phương pháp, hình thức huấn luyện, nhất là những vấn đề mới, rút kinh nghiệm khâu yếu, mặt yếu,... nhằm nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành huấn luyện.

Trong huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, Trung đoàn đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng kíp chiến đấu, thống nhất từ thứ tự, khẩu lệnh, động tác các bài bắn cơ bản đến các bước thu hồi, triển khai khí tài, quy trình diễn tập vòng tổng hợp,... bảo đảm cho các thành phần nắm chắc tính năng kỹ thuật, chiến thuật, những thiết bị được cải tiến, số hóa. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện hệ thống tự động hóa chỉ huy, huấn luyện cơ động, dã ngoại, huấn luyện đội ngũ chiến thuật, bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống. Tăng cường kiểm tra, hội thao kíp chiến đấu, hội thi cán bộ chỉ huy, kỹ thuật giỏi, tổ chức diễn tập vòng tổng hợp có thực binh cho các đơn vị, phân đội. Nhờ đó, kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm đều đạt 100% yêu cầu, có 80% khá, giỏi; tham gia hội thao kíp chiến đấu cấp Sư đoàn, Quân chủng đều đạt thành tích cao2. Từ năm 2019 đến nay, Trung đoàn luôn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện Giỏi”.

Cùng với nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, Trung đoàn duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt “4 biết”3 trong quản lý vùng trời. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, mệnh lệnh, chỉ thị về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vùng trời; chú trọng quản lý chặt chẽ các hoạt động bay, không để sai, sót, lọt, chậm, hoang báo mục tiêu. Đồng thời, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng phòng không của các đơn vị đứng chân trên địa bàn, kịp thời thông báo, báo động, xử trí tốt tình huống trên không, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ an toàn mục tiêu đảm nhiệm, sẵn sàng chặn đánh địch từ xa, bảo vệ khu vực được giao.

Với đặc thù phải quản lý, sử dụng khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật triển khai trên địa bàn rộng, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác. Trong công tác kỹ thuật, do vũ khí, khí tài đã qua nhiều năm sử dụng xuống cấp, vật tư linh kiện thay thế khan hiếm, các đơn vị đóng quân ở xa trung tâm chỉ huy, trong khi đó yêu cầu bảo đảm kỹ thuật ngày càng cao, thời gian ngắn, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nâng cao trình độ, tay nghề, huấn luyện kiến thức mới, phát huy trí tuệ, năng lực tập thể khắc phục các sự cố, hỏng hóc của vũ khí, khí tài, bảo đảm hệ số sẵn sàng chiến đấu cao. Từ năm 2019 đến nay, Trung đoàn xây dựng được 05 mô hình, 10 sáng kiến kỹ thuật có chất lượng, được áp dụng vào thực tế nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Về công tác hậu cần, Trung đoàn thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, thay mới lượng dự trữ vật chất, trang bị hậu cần phục vụ các nhiệm vụ, ưu tiên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập; đẩy mạnh phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, tích cực tăng gia, chăn nuôi, đảm bảo vượt chỉ tiêu về rau xanh, thịt, cá,... thiết thực góp phần cải thiện đời sống bộ đội.

Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Tên lửa 250 tiếp tục đoàn kết, đột phá nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, phấn đấu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trung tá ĐINH TRỌNG TUỆ, Trung đoàn trưởng