Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

BẢO VỆ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN - NHIỆM VỤ HÀNG ĐẦU CỦA QUÂN ĐỘI

 Quân đội nhân dânViệt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, đã trở thành một quân đội công nông cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân. Trải qua gần 80 năm xây dựng và chiến đấu, mỗi bước trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân. Đây là vấn đề có tính quy luật, là nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, là bài học rút ra từ thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng như kinh nghiệm thực tiễn của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những bài viết bôi nhọ, xuyên tạc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ tự đặt ra vấn đề “Quân đội nhân dân Việt Nam bảo vệ dân hay bảo vệ Đảng”, cho rằng: “Quân đội của một đất nước phải là lực lượng phục vụ cho lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, không thể phục vụ lợi ích riêng cho một cá nhân nào, một đảng phái chính trị nào…”. Tuy nhiên, cách lập luận này hoàn toàn xa lạ trong thực tiễn.

Chúng ta đều biết rằng, quân đội ra đời là sản phẩm của xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp. Quân đội xuất hiện đồng thời cùng với sự ra đời của Nhà nước. Đó là công cụ của Nhà nước, một mặt, thực hiện chức năng cai trị của Nhà nước, mặt khác, bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của quốc gia - dân tộc. Vì vậy, quân đội trước tiên phải bảo vệ Nhà nước đã sản sinh ra và nuôi dưỡng quân đội.

Ở Việt Nam, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Quân đội Nhân dân Việt Nam là mối quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng lãnh đạo. Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời trước khi có Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vì vậy bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam chính là bảo vệ bộ tham mưu tối cao của cách mạng Việt Nam. Quân đội Nhân dân Việt Nam đương nhiên có trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong bất kỳ tình huống nào. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân”. Đảng ta cũng chỉ rõ sứ mệnh lịch sử của Quân đội ta là phải tuyệt đối trung thành, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch nhằm thực hiện “phi chính trị hóa quân đội”, nhằm tách Quân đội Nhân dân Việt Nam ra khỏi Đảng, xa rời mục tiêu lý tưởng, mất phương hướng, làm cho quân đội tự sụp đổ là mục tiêu cuối cùng của chúng. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhằm làm thất bại âm mưu xảo quyệt của kẻ thù trong tình hình hiện nay. Đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài.

Trong chế độ ta, không có sự đối lập về lợi ích giữa Đảng với dân tộc và nhân dân. Bên cạnh đó, trong lịch sử của dân tộc ta, Quân đội Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ “phục vụ lợi ích riêng của một cá nhân, một nhóm lãnh đạo hay một đảng phái chính trị nào”. Tuy nhiên, các thế lực phản động đã cố tình ám chỉ trong các bài viết trên blog, mạng xã hội, các diễn đàn… Đó là những luận điệu ấu trĩ về chính trị, xuyên tạc, bôi đen về lịch sử. Đồng thời là sự xúc phạm danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam - một Quân đội anh hùng - sinh ra từ nhân dân vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và dân tộc sâu sắc, luôn được Đảng nuôi dưỡng, lãnh đạo và rèn luyện. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội ta.

Trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định Quân đội ta có nhiệm vụ “bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân” đây không phải là một trật tự ưu tiên mà là nhiệm vụ chính trị của Quân đội trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Vì vậy, không có một thế lực nào, một âm mưu, thủ đoạn nào có thể xuyên tạc nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

Thực tiễn luôn thay đổi, nhiệm vụ cách mạng của Đảng, nhiệm vụ của quân đội có bước phát triển mới trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đất nước ta đang có những thời cơ và vận hội mới, đồng thời đứng trước những thách thức lớn cần vượt qua. Đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn nữa cả về lý luận và thực tiễn về sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và đối với quân đội nói riêng, nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong điều kiện mới. Phải khẳng định cho được vấn đề có tính nguyên tắc về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, trong đó có nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt là một tất yếu khách quan, là vấn đề có tính quy luật, bài học kinh nghiệm thực tiễn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và kinh nghiệm của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Trên cơ sở đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của quân đội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, cũng như trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng ta hiện nay, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh, đập tan và làm thất bại những luật điệu xuyên tạc, phản động và mọi âm mưu thủ đoạn chống phá sự lãnh đạo của Đảng của kẻ thù, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc vựng chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI QUAN HỆ VIỆT NAM - LIÊN XÔ (1950-1954)

 Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Song Liên Xô, nước Nga ngày nay, là nơi Người đã dừng chân sống, lao động và học tập lâu nhất (trải qua hơn 6 năm, với 3 thời kỳ hoạt động: 1923-1924, 1927 và 1934-1938). Cũng chính trong những năm tháng đó, mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô đã được Người chắp nối và bước đầu xây dựng. Tuy nhiên, phải từ năm 1950, sau khi Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, quan hệ giữa hai nước mới thực sự mở ra một thời kỳ mới. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Quá trình này được gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn chồng chất. Đó là tàn dư của chế độ cũ để lại; nền kinh tế - tài chính bị tàn phá; thiên tai, nạn đói, dịch bệnh liên tiếp đe dọa đời sống của nhân dân; các thế lực đế quốc phản động trong và ngoài nước cấu kết với nhau mưu đồ thủ tiêu chính quyền cách mạng nhằm nô dịch dân tộc ta một lần nữa. Chính quyền cách mạng non trẻ lúc này đứng trước một tình thế vô cùng khó khăn, một cuộc chiến không cân sức để bảo vệ nền độc lập của đất nước. Do vậy, bên cạnh việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vấn đề tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài để giữ vững nền độc lập dân tộc trở thành yêu cầu vô cùng cấp thiết của cách mạng Việt Nam lúc này.
Luôn coi Liên Xô là thành trì của phong trào cách mạng thế giới, ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi biện pháp để tranh thủ sự giúp đỡ, tương trợ của Liên Xô. Người đã gửi rất nhiều điện, công hàm cho Chính phủ, Bộ Ngoại giao Liên Xô yêu cầu được Liên Xô công nhận và giúp đỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn liên lạc và yêu cầu Liên Xô can thiệp với tư cách là một cường quốc Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ủng hộ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - một nhà nước có đầy đủ những điều kiện pháp lý gia nhập Liên hợp quốc. Tuy nhiên, do nhiều lý do, những nỗ lực trên không nhận được sự hồi đáp của Đảng và Nhà nước Liên Xô.
Tháng 2-1947, thông qua cơ quan đại diện của ta ở Băng Cốc (Thái Lan),Việt Nam đã chắp nối được liên lạc với người đại diện của Liên Xô tại đây. Tháng 4-1947, trong dịp dự Hội nghị Liên Á, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gặp đại diện Liên Xô ở Niu Đêli (Ấn Độ). Hai bên nhất trí sẽ họp kín ở châu Âu vào mùa Thu năm 1947.
Thực hiện thoả thuận trên, tháng 9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đi Thụy Sỹ làm việc với đại diện Chính phủ Liên Xô. Trong cuộc gặp này, Việt Nam đã thông báo cho người đại diện Chính phủ Liên Xô về tình hình hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, về sách lược tự giải tán của Đảng vào tháng 11-1945, về lập trường của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức đề nghị Chính phủ Liên Xô giúp đỡ về tài chính, quân sự và yêu cầu Liên Xô đưa vấn đề xung đột Pháp - Việt ra Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Chính phủ Liên Xô chưa muốn công khai can thiệp vào vấn đề Đông Dương. Liên Xô đang tập trung vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước sau Chiến tranh thế giới II. Hơn nữa, Liên Xô còn bị ràng buộc bởi các mối quan hệ đối ngoại khác. Vì vậy, như nhà sử học người Pháp Benoit De Treglodé đã nhận xét: “Liên Xô chỉ thấy ở cuộc gặp này một cơ hội để tìm hiểu về tình hình thuộc địa của Pháp vào thời điểm mà Đảng Cộng sản Pháp còn giữ một vai trò trung tâm trong đời sống chính trị của chính quốc”. Mặt khác, do thiếu thông tin hoặc do những báo cáo sai lệch, trong một số năm, Đảng Cộng sản Liên Xô đã có những nhận xét không đúng về Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cuối năm 1948, Liên Xô đã phê phán cho rằng tình trạng thiếu tổ chức và tính tài tử của bộ máy Việt Nam, lên án Việt Nam Dân chủ Cộng hoà “đã quay lưng lại một lần nữa với thế giới tiến bộ trong một xu hướng dân tộc hẹp hòi”. Những nhận định ấy trong một thời gian dài đã tác động tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô.
Như vậy, cho đến trước năm 1950, trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách thức để liên lạc, kết nối mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam, song do nhiều lý do từ phía Liên Xô, tiến trình đó vẫn chưa đem lại kết quả. Do đó, bên cạnh những nỗ lực nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô cũng như các lực lượng tiến bộ khác trên thế giới, việc chủ động thực hiện “Toàn dân, toàn diện, lâu dài dựa vào sức mình là chính” để kháng chiến chống thực dân Pháp là quyết định đúng đắn và vô cùng sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đường lối kháng chiến đó, cách mạng Việt Nam mới có thể xây dựng lực lượng, giữ vững được chính quyền ở thời kỳ khó khăn này.
Trong khi việc liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với Liên Xô diễn ra một cách chậm chạp và chưa đạt được một thoả thuận đáng kể thì tình hình chiến tranh Đông Dương lại có những diễn biến mới phức tạp.
Nhận định một cách đúng đắn sự khốc liệt của cuộc chiến tranh Đông Dương khi có sự can thiệp của đế quốc Mỹ và những thuận lợi của bối cảnh quốc tế lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định đẩy mạnh những hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ từ bên ngoài, đặc biệt là từ Liên Xô, người anh cả của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Người quyết định lên đường thăm Trung Quốc và Liên Xô.
Ngày 21-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc, Người đã thông báo tình hình cách mạng Việt Nam, đường lối chủ trương của Đảng và đề nghị Trung Quốc giúp đỡ. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ Trung Quốc thông báo cho đồng chí Xtalin, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô biết Người đang ở thăm Trung Quốc và đề nghị được gặp trực tiếp Xtalin để thông báo cho Chính phủ Liên Xô biết về tình hình cách mạng Việt Nam. Xtalin đồng ý và mời Người sang thăm Liên Xô.
Ngày 3-2-1950, từ Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tàu hoả đến Mátxcơva (Liên Xô). Tại đây, Người đã có các cuộc gặp gỡ với những người đứng đầu Đảng, Nhà nước Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tình hình Việt Nam và Đông Dương. Người nói về cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; về tình thế vô cùng gian nguy sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Việt Nam đã phải vận dụng những chiến lược, sách lược riêng để tồn tại và đi lên giữa muôn vàn khó khăn. Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật cũng là một biện pháp buộc phải làm. Người còn thông báo tình hình cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đề nghị Liên Xô cùng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế giúp đỡ.
Nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, Xtalin và các nhà lãnh đạo Liên Xô hiểu rõ hơn, thông cảm với tình hình khó khăn của cách mạng Việt Nam và đồng tình với đường lối và chủ trương của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo trong những năm qua. Chính phủ Liên Xô hứa sẽ tích cực viện trợ mọi mặt cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, sẽ giúp đào tạo cán bộ trên mọi lĩnh vực phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc sau này của Việt Nam như lời khẳng định của đồng chí Xtalin: “Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam tất cả những gì có thể. Từ nay trở đi, đồng chí có thể tin tưởng ở sự giúp đỡ của chúng tôi... chúng tôi có nhiều hàng hoá, chúng tôi sẽ chuyển tới cho các đồng chí qua Trung Quốc. Nhưng vì điều kiện tự nhiên trở ngại, chủ yếu Trung Quốc sẽ giúp đỡ các đồng chí. Những gì Trung Quốc thiếu, chúng tôi sẽ cung cấp”.
Chuyến đi thăm Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thắng lợi ngoại giao có ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam từ đây có thêm hậu phương lớn từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Trên cơ sở đó, tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm mục đích: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Sau gần một tháng chiến đấu, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội. Quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 8.000 tên địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn, một dải biên giới dài 750 km gồm 35 vạn dân, nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Với chiến thắng Biên giới năm 1950, ta đã phá được thế bao vây, cô lập của kẻ thù, đưa cuộc kháng chiến của ta lên một giai đoạn phát triển mới. Cánh cửa hậu phương quốc tế đã được mở, từ đây, cách mạng Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Ngay sau khi Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950 kết thúc, ngày 14-10-1950, từ Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư bằng tiếng Anh, ký tên Din, gửi cho đồng chí Xtalin báo cáo về tình hình thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong thư, Người đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc, Liên Xô đối với thắng lợi của Chiến dịch Biên giới. Bức thư còn nói về kế hoạch Đại hội Đảng toàn quốc dự kiến vào cuối tháng 12-1950: “Vào tháng 12 sắp tới, chúng tôi sẽ họp Đại hội toàn quốc để thành lập một Đảng mới: Đảng Lao động Việt Nam. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là “cải cách” thành một đảng có một nửa triệu đảng viên được huấn luyện tương đối về chủ nghĩa Mác - Lênin. (Hiện nay chúng tôi có 750.000, nhưng nhiều người sẽ phải loại bỏ (cleansed out)”. Điều này cũng đúng với chủ trương của Đảng về việc tạm ngừng kết nạp đảng viên trong toàn quốc vào thời gian này như trong Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 14-9-1950: “Nay xét tình hình Đảng gần đây, và xét sự cần thiết chuẩn bị cho Đảng ra hoạt động công khai, Trung ương quyết định tạm ngừng kết nạp đảng viên mới trong toàn quốc để tập trung năng lực, phương tiện vào việc củng cố hàng ngũ, giáo dục đảng viên làm cho Đảng thành một đảng mạnh mẽ theo đúng tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin”. Thông qua sự kiện này cũng cho ta biết rằng, trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II diễn ra, số lượng đảng viên của Đảng đã có khoảng 750.000 người và con số này đã được rà soát, thanh lọc, còn khoảng 730.000 người như Đảng đã công bố ở Đại hội II (2-1951).
Tháng 10-1952, Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX, tại Mátxcơva. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được lời mời tham dự với tư cách là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam. Song trong điều kiện chiến tranh lúc bấy giờ, việc tham dự Đại hội gặp rất nhiều khó khăn. Chính trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý vô cùng khéo léo để tránh sự tấn công của kẻ thù trên lĩnh vực chính trị đối với ta, mặt khác không làm ảnh hưởng đến quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Liên Xô.
Ngày 30-9-1952, tại Bắc Kinh, trong điện báo gửi đồng chí Philipốp - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn được dự Đại hội. Tuy nhiên, Người phân tích rằng: “nếu như tôi đi theo đường chính thức thì thứ nhất là cái cớ để kẻ thù tấn công chính trị chống Việt Nam; thứ hai, nếu là chuyến đi chính thức sẽ gây nhiều bất tiện trong việc tổ chức đón tiếp”. Người đề nghị: “tôi đến Mátxcơva ẩn danh với tên khác. Nếu như tôi không đến tham dự được Đại hội thì Đảng Lao động sẽ cử đại diện là Đại sứ Nguyễn Lương Bằng đang ở Mátxcơva tham dự Đại hội”.
Liên tục trong các ngày, từ ngày 2 đến ngày 6-10-1952, giữa Mátxcơva và Bắc Kinh liên tiếp chuyển các bức điện trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Ngoại giao Liên Xô về chuyến đi Mátxcơva của Người. Cuối cùng, 7 giờ sáng ngày 6-10-1952, theo giờ Bắc Kinh, điện báo tối mật thông báo cho Bộ Ngoại giao Liên Xô biết rằng, Hồ Chí Minh và Lưu Trần Siêu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (thành viên trong đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô) đã bay trên chiếc chuyên cơ của Liên Xô để lên đường đến Mátxcơva, tham dự Đại hội với tư cách không chính thức như nguyện vọng của Người.
Tại Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô ở Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời chúc mừng bày tỏ tình đoàn kết gắn bó của Đảng và nhân dân Việt Nam với Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô, về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, qua đó giúp nhân dân Liên Xô và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành. Người viết: “Nhân dân Việt Nam hiểu rằng, Đại hội sẽ chỉ rõ con đường xây dựng hòa bình ở Liên Xô và không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân Xôviết, củng cố thành trì hòa bình cho toàn thế giới, cổ vũ nhân dân Việt Nam tích cực đẩy mạnh hơn nữa công cuộc kháng chiến đánh bại chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai”8. Tuy nhiên, vì tham dự với tư cách không chính thức, nên Lời chúc mừng Đại hội lần thứ XIX - Đảng Cộng sản Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh do đại diện Liên Xô đọc trong sự tán thưởng nhiệt liệt của các đại biểu tham dự Đại hội.
Có thể nói, ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, nhận thức rõ vai trò quan trọng của Liên Xô và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn từ Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thực hiện những hoạt động đối ngoại với Liên Xô. Tuy nhiên, phải từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là sau cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Xtalin năm 1950, quan hệ Việt Nam - Liên Xô mới từng bước được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực. Thực tế thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) của Việt Nam không thể tách rời sự giúp đỡ của Liên Xô. Và trong tiến trình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người có công đầu, người đặt nền tảng quan trọng cho tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô./.
St

THỜI NIÊN THIẾU CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

 Trong lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một “biểu tượng” của trí tuệ và tinh thần quả cảm, quyết đoán. Không chỉ là vị tướng của lòng dân, mà ngay cả những người bên kia chiến tuyến cũng không thể không khâm phục ông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành huyền thoại của lịch sử quân sự Việt Nam không chỉ bởi những chiến công lừng lẫy mà còn bởi vẻ đẹp của nhân cách, trí tuệ, lòng nhân ái. Tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với truyền thống quê hương, gia đình gắn với thời niên thiếu sôi nổi, giàu chí hướng, chúng ta càng hiểu và trân trọng hơn tầm vóc của ông trong quá trình trở thành bậc vĩ nhân của dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà Nho nghèo. Cha là ông Võ Quang Nghiêm. Mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Ông bà có bảy người con, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con thứ năm. Thân phụ của Đại tướng là một nhà Nho uy tín trong vùng, có phong cách giản dị, thanh bạch. Ông vừa dạy học vừa bốc thuốc lại vừa làm ruộng. Xóm làng tôn trọng ông bởi đức tính hiền hòa, nhân hậu. Tuy nhiên, trong gia đình ông luôn chú ý về nền nếp gia phong và giáo dục con cái cực kì nghiêm khắc. Khi kháng chiến chống Pháp bắt đầu, gia đình đi tản cư, ông chưa kịp thu xếp để đi theo thì giặc Pháp ập tới. Chúng càn quét lùng bắt, đưa ông về giam ở Huế, tra tấn dã man cho đến chết. Thân mẫu của Đại tướng là một người phụ nữ hiền lành, chất phác, lo toan ruộng vườn và nội trợ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thừa hưởng từ mẹ vóc người thấp đậm, gương mặt tròn, trắng trẻo, và đôi mắt đặc biệt, vừa hồn nhiên trong sáng vừa cương nghị như có ánh thép và sắc sảo, long lanh trí tuệ. Sau này nữ nhà báo nổi tiếng thế giới Oriana Fallaci người Italia đã nhận xét về đôi mắt của Đại tướng sau cuộc phỏng vấn vào tháng 2/1969: “Đây là đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng được thấy!”
Ngày còn nhỏ, cậu bé Võ Nguyên Giáp cùng với em trai Võ Thuần Nho được học chữ Nho từ người cha Võ Quang Nghiêm. Lên tiểu học cậu phải ở trọ trên trường tỉnh ở Đồng Hới, vốn thông minh, đĩnh ngộ, cậu luôn đứng đầu lớp, vào kì thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đỗ đầu tỉnh. Tuy vậy, phải thi lại lần thứ hai năm 1925 cậu mới đỗ vào trường Quốc học Huế. Chia tay quê hương với dòng sông tuổi thơ Kiến Giang và Nhật Lệ, Võ Nguyên Giáp bước vào cánh cổng trường Quốc học lúc phong trào đấu tranh của nhân dân chống thực dân Pháp đang sôi sục. Cuộc gặp gỡ với những người bạn lớn tuổi trong phong trào học sinh sinh viên như Nguyễn Chí Diểu và những thầy giáo giàu tâm huyết như Võ Liêm Sơn, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai... đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời cậu thiếu niên Võ Nguyên Giáp. Cậu vào Huế để học tập và lập tức bị cuốn ngay vào cơn lốc chính trị của thời đại.
Năm học đầu tiên của Võ Nguyên Giáp đã diễn ra với nhiều biến động. Kinh đô Huế nhỏ bé và cổ kính, nơi cuộc sống vốn yên ả, thanh bình bỗng nhiên rộn rã bởi các phong trào diễn ra liên tiếp: đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Trong hai mươi năm đầu thế kỉ XX, hầu hết những cuộc vận động giải phóng dân tộc đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của tinh thần Phan Bội Châu. Trong tiềm thức của Võ Nguyên Giáp và những người bạn cùng thời, Phan Bội Châu là người anh hùng dân tộc đem lại niềm hi vọng cho hàng triệu người dân Việt Nam. Cuộc đời bôn ba đầy gian truân, khát vọng cứu nước mãnh liệt cùng những vần thơ “máu nóng” và nước mắt của cụ đã thức tỉnh biết bao người dân đất Việt, trong đó có chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp. Cậu cùng những người bạn đã đi vận động chữ kí vào đơn gửi Toàn quyền Đông Dương đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Trước sức ép đấu tranh của quần chúng nhân dân, thực dân Pháp buộc phải hủy bản án khổ sai chung thân và đưa cụ về Huế giam lỏng. Tại ngôi nhà tranh đơn sơ trên dốc Bến Ngự, ở tuổi 14, 15 đầy nhiệt huyết, thứ năm hàng tuần Võ Nguyên Giáp thường đến nghe cụ giảng giải, bình văn, ngâm thơ. Những bài thơ của cụ có sức thu hút mạnh mẽ đối với tâm hồn Võ Nguyên Giáp. Nhận thấy sự hăng hái, nhiệt tình và ham học của cậu nên cụ Phan rất quý, rất thương, có lần bảo: “Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp.”
Tiếp đó, sự qua đời của nhà ái quốc Phan Chu Trinh làm dấy lên phong trào để tang lan rộng khắp cả nước lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân. Tại Huế, nhiều cuộc truy điệu tổ chức rầm rộ trong thành phố. Do Trường Quốc học tìm mọi cách ngăn cấm, Võ Nguyên Giáp cùng những người bạn đã lập bàn thờ với đủ lư đồng, giá nến, khói hương nghi ngút, ai nấy đều đeo băng tang cúi đầu tuyên thệ trước hương hồn nhà chí sĩ yêu nước. Trước sự tham gia phong trào “Hai cụ Phan” của học sinh, Hiệu trưởng và Tổng Giám thị Trường Quốc học đã tăng cường kiểm soát, ngày nghỉ không cho ra khỏi trường, xử tội nặng những học sinh đọc sách báo yêu nước và tìm cớ đuổi học Nguyễn Chí Diểu, người được cho là kẻ cầm đầu các phong trào. Một cuộc bãi khóa nổ ra chống lại những áp đặt vô lí của nhà trường lan sang cả trường nữ học Đồng Khánh và nhiều trường học lân cận buộc cảnh sát được điều động để đàn áp. Đây là một trong những cuộc tổng bãi khóa lớn thời bấy giờ. Kết thúc sự kiện này, Võ Nguyên Giáp cùng nhiều học sinh yêu nước bị đuổi học. Theo luật lệ hiện hành, những học sinh bị đuổi không được học hành thi cử trong vòng hai năm liền trên toàn cõi Đông Dương. Võ Nguyên Giáp đã đi tìm gặp những người bạn cùng chí hướng ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định tìm mối xuất dương hoạt động cách mạng theo gương các bậc tiền bối nhưng không thành. Một thời gian sau, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế nương náu tại nhà giáo sư Võ Liêm Sơn vùi đầu nơi tủ sách. Chính tại nơi đây, các tài liệu về chủ nghĩa Mác đã giúp anh thêm mở mang tầm mắt. Sau đó, anh trở về quê Quảng Bình cùng em trai Võ Thuần Nho và những thanh niên tiến bộ trong làng lập hội kín tìm cách chống lại bọn lí hương, bọn cho vay nợ lãi, đòi chia lại ruộng đất cho công bằng, đòi lại ruộng bị gán nợ, bị mua đắt bán rẻ. Điều trớ trêu là anh bị rơi vào tình thế khó xử khi người cha muốn anh kết hôn với con gái ông bá hộ giàu có nhất làng. Tuy nhiên chàng trai trẻ không hề mong muốn cuộc hôn nhân sắp đặt đó. Khi còn đang lúng túng tìm cách khước từ thì anh gặp lại người bạn thân Nguyễn Chí Diểu. Cuộc gặp gỡ đã khiến Võ Nguyên Giáp định hình được con đường của mình trên chặng đường mới. Nguyễn Chí Diểu đã chia sẻ với Võ Nguyên Giáp một tập tài liệu bí mật gồm những bài nói chuyện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Bỉ và Trung Quốc. Lần đầu tiên anh được đọc một tài liệu giải thích rõ ràng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc tế. Nguyễn Chí Diểu còn giới thiệu và thay mặt tổ chức kết nạp Võ Nguyên Giáp vào Tân Việt cách mạng Đảng. Sau này, trong buổi làm việc với Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng của Tỉnh ủy Bình - Trị - Thiên, ngày 4/11/1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Tôi tham gia hoạt động trong tổ chức Tân Việt tại Huế vì theo tôi Tân Việt có xu hướng xã hội chủ nghĩa rõ rệt: làm cách mạng quốc gia và cách mạng thế giới. Tổ chức này đã qua một quá trình từ các hội Phục Việt, Hưng Nam mà tiến lên.”
Mùa thu năm 1928, Võ Nguyên Giáp thoát li gia đình, trở lại Huế, hăng hái tham gia sinh hoạt trong một tiểu tổ bí mật của Đảng Tân Việt. Ban đầu anh làm việc tại Quan Hải Tùng Thư, trụ sở bí mật của Tổng bộ Đảng Tân Việt. Sau đó được Đào Duy Anh giới thiệu sang làm biên tập viên báo Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng thành lập. Đây là thời gian Võ Nguyên Giáp học nghề làm báo. Anh phải đọc rất nhiều sách các loại, tìm hiểu những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước để làm quen với mọi thể loại: tin tức, thời sự, bình luận, điều tra, phóng sự... Với bút danh Vân Đình, Hải Thanh..., các bài viết của anh đi sâu phản ánh những đời sống khổ cực của nông dân về: sưu cao, thuế nặng, địa tô, cướp đoạt ruộng đất... Nhiều bài chính luận tố cáo sự bóc lột của tư bản thực dân đối với nhân dân lao động và sự chèn ép của chúng đối với tư sản dân tộc Việt Nam khiến nhà cầm quyền phản ứng gay gắt, yêu cầu phải xóa bỏ. Một thời gian sau, Võ Nguyên Giáp được cử là Ủy viên Trung ương dự khuyết phụ trách tuyên huấn và giao thông, lúc đó anh mới tròn 18 tuổi, là ủy viên trẻ nhất của Tổng bộ. Võ Nguyên Giáp đã có quãng thời gian tuổi trẻ đáng nhớ ở Huế. Anh hăng say hoạt động bằng tất cả sự nhiệt huyết, vừa viết báo, vừa tích cực vận động thanh niên, học sinh, phụ nữ, nông dân giác ngộ cách mạng. Đồng thời tham gia vào cuộc vận động thống nhất hai tổ chức Tân Việt và Thanh Niên. Đầu năm 1929, với trách nhiệm là Ủy viên Trung ương dự khuyết phụ trách tuyên huấn và giao thông, Võ Nguyên Giáp được Tổng bộ trao nhiệm vụ ra Vinh, Hà Nội, vào Sài Gòn để thực hiện chủ trương vận động các kì bộ Tân Việt chuyển sang hàng ngũ cộng sản.
Có thể thấy, ngay từ thời niên thiếu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bộc lộ nhiều phẩm chất của một nhân cách lớn. Với lòng yêu nước nồng nàn, thông minh, ham học hỏi, từ rất sớm Đại tướng đã tham gia tích cực vào các phong trào yêu nước, từng bước giác ngộ lí tưởng cách mạng. Tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thế hệ trẻ ngày nay càng thêm kính trọng, yêu quý, được truyền cảm hứng, động lực về tinh thần vươn lên trong học tập, bản lĩnh trong lao động, sống có lí tưởng, trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn. Đó là những phẩm chất tốt đẹp để thế hệ trẻ Việt Nam làm chủ đất nước trong bối cảnh mới./.
St

“MANG CHUÔNG” VƯỢT BIỂN

 Tháng cuối năm 2021, đường băng sân bay Gia Lâm rộn rã đón “chuồn chuồn sắt” trở về sau những ngày chinh chiến với “g.iặc lửa” ở đất nước vạn đảo. Chuyến bay đánh dấu một “chiến dịch” chưa có tiền lệ kết thúc thắng lợi, đồng thời mở ra tiềm năng cho những cánh bay trực thăng trong năm mới 2022.

Người dân Thủ đô, nhất là những người sinh sống trên địa bàn Long Biên, Gia Lâm có lẽ không lạ lẫm với hình ảnh những chiếc máy bay của Công ty Trực thăng miền Bắc (Tổng công ty Trực thăng - Binh đoàn 18) lên xuống đường băng sân bay Gia Lâm mỗi ngày.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, như: Bay chuyên cơ; phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; hiệp đồng diễn tập; trực sẵn sàng chiến đấu... công ty còn cung cấp nhiều loại hình bay dịch vụ, như: Phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí; MIA (chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam); cấp cứu y tế; du lịch...
Năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các loại hình bay dịch vụ đều bị ảnh hưởng, nhất là bay du lịch. Trong khó khăn, công ty đã năng động tìm ra hướng đi mới là cung cấp dịch vụ bay cứu hỏa trọn gói (gồm phi công, kỹ thuật hàng không, dịch vụ bảo hành, bảo hiểm) cho đất nước Indonesia.
Còn nhớ, một sáng trung tuần tháng 10-2021, khi trời vần vũ mây cao mây thấp bởi cơn bão số 8 đang tiến vào đất liền, chiếc trực thăng Mi-172 mang số hiệu VN-8425 cùng tổ bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm sang Indonesia. Sáng hôm đó, trước bầu trời xám xịt, chúng tôi thoáng nghĩ ban bay có thể khó thực hiện.
Tuy nhiên, suy nghĩ đó sớm bị xua đi bởi niềm tin vào trình độ bay điêu luyện của các phi công trực thăng. Họ đã được thử thách trong nhiều nhiệm vụ đặc biệt, như: Bay treo ở độ cao cực thấp để tời cẩu, cứu người trên tàu mắc cạn trong bão; bay xuyên đêm cấp cứu bệnh nhân trên các đảo xa; hay có thể cơ động, hạ cánh trên nhiều địa hình hiểm trở để thực hiện nhiệm vụ MIA... Quả đúng như vậy, thời tiết xấu nhưng không cản được những cánh bay. 6 giờ sáng hôm đó, trực thăng cất cánh “mang chuông đi đánh xứ người”.
Xem toàn bộ hành trình trong kế hoạch bay và rà trên bản đồ khu vực Đông Nam Á, có thể thấy đây là chuyến bay rất đặc biệt. Sau khi cất cánh từ Gia Lâm, tổ bay hạ cánh để tiếp nhiên liệu bổ sung lần lượt tại các sân bay: Đồng Hới, Chu Lai, Cam Ranh, Vũng Tàu, Năm Căn, Sultan Mahmud (Malaysia) và đích đến là sân bay Hang Nadim (Indonesia). Tổng quãng đường bay cũng thật ấn tượng: Hơn 2.600km.
Với hàng không dân dụng, những chuyến bay có điểm đến trong khu vực hay châu lục khác là chuyện bình thường, nhưng với trực thăng, chuyến bay với hành trình và tổng quãng đường như trên là điều khá hiếm. Trước đó, trong tháng 9-2021, một chuyến bay trực thăng từ Việt Nam sang Indonesia với hành trình tương tự để thực hiện dịch vụ bay cứu hỏa cũng được Công ty Trực thăng miền Bắc (TTMB) tổ chức thành công.
Có gần 2.000 giờ bay tích lũy trên dòng trực thăng Mi, trong đó khoảng 200 giờ bay biển nên Thượng tá Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty TTMB rất am tường về đặc điểm của những chuyến bay như vậy. Anh chia sẻ: Để bay từ Việt Nam sang Indonesia, trực thăng cần tới 17 giờ hoạt động trên không. Những chuyến bay quốc tế như vậy đặt ra yêu cầu rất cao đối với tổ bay và các thành phần liên quan.
Trong đó, phi công phải sử dụng thành thạo tiếng Anh theo mức 4 của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), làm cơ sở để liên lạc và bay đúng phương thức quy định của từng sân bay cũng như khi hoạt động trên đường hàng không quốc tế. Do chặng đường bay chuyển sân rất dài, trên nhiều địa hình ở nhiều quốc gia nên cần đặc biệt chú ý đến việc nắm bắt, dự báo khí tượng. Ngoài ra, công ty phải phối hợp chặt chẽ với đối tác nước ngoài tại các sân bay để làm tốt công tác dự báo, thông báo, điều hành bay; tra nạp nhiên liệu; phòng, chống dịch Covid-19...
Để tổ chức thành công các chuyến bay từ Việt Nam sang Indonesia, một đội hỗ trợ chuyển sân cũng được Công ty TTMB thành lập nhằm kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh. Sau khi kết thúc đợt bay cứu hỏa tại Indonesia và cơ động về nước, cũng nhờ đội hỗ trợ nắm sát tình hình và thông báo kịp thời nên trực thăng của công ty đã chủ động chuyển hướng về hạ cánh tại một sân bay khác trên chặng bay qua Malaysia để có đúng chủng loại nhiên liệu nạp bổ sung cho trực thăng Mi.
Chia sẻ về hành trình “mang chuông” vượt biển, Thiếu tá, phi công cấp 1 Nguyễn Hữu Phú, Chủ nhiệm Chính trị Công ty TTMB cho biết: "Đây là những chuyến bay chuyển sân quốc tế lần đầu được thực hiện bởi lực lượng phi công, nhân viên kỹ thuật của công ty. Để bay đúng hành trình, phi công phải nghiên cứu kỹ từng chặng, các sơ đồ sân bay chính thức và sân bay dự bị; đồng thời sử dụng tốt hệ thống dẫn đường trên máy bay và chấp hành nghiêm lệnh chỉ huy bay".
Sau hành trình vượt biển xa là những ngày bay cứu hỏa trên nước bạn. Điều khiển trực thăng cơ động trên địa hình rừng núi, thời tiết mùa khô nắng nóng, trong khi phải mang gàu chứa khoảng 4.000 lít nước, với độ dài cả dây và gàu ước khoảng 75m, các tổ bay đã thực hiện thành công 250 giờ bay chữa cháy rừng, bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Phía bạn đánh giá cao tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp và hiệu quả chữa cháy rừng của các tổ bay, đồng thời đề nghị công ty tiếp tục cung cấp loại hình dịch vụ này trong thời gian tới”, Thượng tá Phạm Văn Dũng cho biết.
Từ tác động của dịch Covid-19, Công ty TTMB đã năng động, sáng tạo biến “nguy” thành “cơ”, tổ chức huấn luyện bay cứu hỏa chặt chẽ, tạo cơ sở quan trọng để lần đầu tiên cung cấp thành công dịch vụ bay chữa cháy rừng ra nước ngoài. Hành trình ấy cũng thể hiện khả năng hoạt động độc lập của các tổ bay trên những đường bay quốc tế, qua đó khẳng định trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, phi công, nhân viên Công ty TTMB trong thời kỳ hội nhập./.
St

ĐÚNG QUY TRÌNH, SAI CÁN BỘ!

 Đúng quy trình nhiều khi mới chỉ là điều kiện cần trong công tác cán bộ, còn kiều kiện đủ là phải có con mắt tinh đời, thấu nhân tâm, để những thói mị dân, "thùng rỗng kêu to", gian manh chính trị… không làm mờ mắt người đứng đầu và người làm công tác cán bộ. Nếu không, sẽ lại đúng quy trình mà vẫn… sai cán bộ.

Công tác cán bộ luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển vững mạnh của đất nước; đây cũng là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm vì đó là “công tác con người”, do đó, việc lựa chọn, quy hoạch, bổ nhiệm những cán bộ đủ cả đức và tài, xứng đáng là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm.
Để chọn được cán bộ có tâm, xứng tầm, quá trình công tác cán bộ rất rõ ràng với nhiều bước chặt chẽ. Song, liệu cứ đúng quy trình là đúng cán bộ?
Dẫu biết rằng “nhân vô thập toàn”, con người ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, nhưng điều quan trọng để chọn được cán bộ có tâm, xứng tầm thì tiêu chuẩn trước hết là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác, gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể. Đây cũng là tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc, chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...
Hiện nay, Đảng ta đã có nhiều văn bản quy định và hướng dẫn về quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Công việc này yêu cầu phải được thực hiện bài bản, đúng quy trình, để chọn được người tài, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Song thực tế, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng cán bộ nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc bè phái trong đánh giá, giới thiệu; “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, thậm chí, có trường hợp cố tình đánh giá sai, báo cáo không trung thực, dẫn đến quy hoạch, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm sai cán bộ.
Việc đánh giá, bổ nhiệm sai cán bộ còn xuất phát từ một chữ “háo danh”. Có nhiều vị "thùng rỗng" nhưng "kêu rất to", tham vọng quyền lực lại quá lớn, chỉ muốn “vinh thân phì gia” đã tìm mọi cách lấy lòng người khác, trên thì ra sức luồn cúi, nịnh nọt, dưới thì không ngừng mị dân, hứa hẹn, dỗ dành, để mong đạt cho bằng được danh này, chức kia; hay để thăng tiến nhanh họ nhờ “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ”, để chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp,… theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”..., đến khi leo lên được vị trí “đắc địa”, thì lại ra sức giở thói “chấm mút”, đục khoét tiền bạc, của cải của nước, của dân, trở thành những “ông quan” cách mạng.
Thật nguy hại nếu để lọt những cán bộ thiếu phẩm chất chính trị, đạo đức, quen thói “chạy”, thói “luồn cúi”, “đi lên bằng đầu gối” vào cơ quan công quyền, nhất là ở vị trí lãnh đạo. Việc cất nhắc, đề bạt cán bộ ở cương vị càng cao thì càng phải thận trọng, bởi chức vụ càng cao thì quyền hạn và sức ảnh hưởng càng nhiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”(1). Do đó, người làm công tác cán bộ phải thực sự khách quan, công tâm, có tầm, hiểu việc. Làm công tác cán bộ là cả một nghệ thuật dùng người.
Như vậy, đúng quy trình nhiều khi mới chỉ là điều kiện cần trong công tác cán bộ, còn kiều kiện đủ là phải có con mắt tinh đời, thấu nhân tâm, để những thói mị dân, "thùng rỗng kêu to", gian manh chính trị… không làm mờ mắt người đứng đầu và người làm công tác cán bộ. Nếu không, sẽ lại đúng quy trình mà vẫn… sai cán bộ./.
St

NỮ QUÂN Y GIỎI TIẾNG ANH, MÊ LÀM THIỆN NGUYỆN.

 Tại Hội nghị khoa học với chủ đề: “Cập nhật kiến thức, ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân” do Học viện Quân y tổ chức mới đây, chúng tôi rất ấn tượng trước giọng phiên dịch lưu loát, lôi cuốn và vốn ngôn từ tiếng Anh chuyên ngành phong phú của Thượng sĩ Lê Vũ Lam Điền, học viên lớp DH54A, hệ 4, Học viện Quân y.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, sau khi tốt nghiệp THPT, Lam Điền đã ước mơ trở thành một bác sĩ quân y và phấn đấu không ngừng, chinh phục từng cột mốc bản thân đặt ra. Năm 2020, Lam Điền bước vào môi trường học tập và rèn luyện tại Học viện Quân y.
Trong các môn học, Lam Điền có niềm đam mê đặc biệt đối với bộ môn tiếng Anh. Ngoài việc tự học kiến thức trên lớp, trong sách vở, một bí quyết giúp Lam Điền nâng cao vốn kiến thức và khả năng giao tiếp ngoại ngữ, đó là tham gia các hoạt động ngoại khóa về môn tiếng Anh.
Điển hình như năm 2021, Lam Điền cùng với những người đồng đội tại Học viện Quân y tham gia và đạt giải nhất tại Giao lưu các Câu lạc bộ tiếng Anh trong Quân đội. Năm 2022, trong thành viên đội Olympic tiếng Anh của Học viện Quân y tham gia Hội thi Olympic tiếng Anh toàn quân, Lam Điền để lại ấn tượng cho khán giả trong phần thi video chào hỏi và đạt giải nhất toàn quân. Với thế mạnh ngoại ngữ, Lam Điền vinh dự khi được tham gia đội phiên dịch tại Triển lãm Quốc Phòng quốc tế Việt Nam 2022, lần đầu tiên được tổ chức tại nước ta với 170 đơn vị từ hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Nhớ về một kỷ niệm khó quên, Lam Điền chia sẻ đó là chuyến giao lưu kéo dài khoảng 1 tuần giữa các học viên Quân đội các nước Đông Nam Á diễn ra tại Australia vào tháng 4-2024. Lam Điền tâm sự: “Sau chuyến đi, bản thân tôi đã rút ra được nhiều bài học, đó là phong cách làm việc nhiệt huyết và tập trung cao độ; kỹ năng làm việc nhóm là vô cùng quan trọng. Bản thân luôn giữ tác phong chính quy; phải thật sự chủ động, theo sát kế hoạch đã đề ra song biết linh hoạt khi xuất hiện yếu tố bất lợi. Về tầm nhìn phải thực tế và bao quát hơn”.
Được biết, Lam Điền còn là thành viên tích cực trong tham gia các hoạt động thiện nguyện của học viện. Năm 2022-2023, trên cương vị là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo Học viện Quân y, Lam Điền cùng các thành viên đã hỗ trợ thành công cho nhiều chương trình hiến máu trong và ngoài học viện. Điển hình như đợt phát động phong trào hiến máu tình nguyện tuổi trẻ toàn quân năm 2023 tại Học viện Quân y, Lam Điền cũng là thành viên tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ nỗi đau cùng các bệnh nhi tại Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.
Còn nhớ trong đại dịch Covid-19, phát huy tinh thần Học viện Quân y cùng cả nước chung sức, đồng lòng, phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, Lam Điền đã viết đơn xung phong tham gia chống dịch, với nhiệm vụ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại các quận, huyện thuộc địa bàn Thủ đô Hà Nội và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được các cấp ghi nhận, biểu dương.
Đại tá Nguyễn Hoàng Công, Chính trị viên Hệ 4, Học viện Quân y cho biết: “Ngoài hoạt động phong trào, Lam Điền còn là học viên tiêu biểu trong phong trào học tập và rèn luyện; kết thúc năm học 2022-2023, Lam Điền nhận học bổng Vallet danh giá, là cột mốc trên con đường chinh phục ước mơ lớn của bản thân”.
Thượng sĩ Lê Vũ Lam Điền vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2021 đến năm 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc./.
St

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và sự vận dụng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

 TCCS - Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ chính yếu, quyết định nhiều vấn đề cốt lõi đối với công tác xây dựng Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là kim chỉ nam cho đội ngũ lãnh đạo, đảng viên hướng tới, học tập, làm theo, để tự rèn luyện, trau dồi, tu dưỡng ngày càng trong sạch, tiến bộ, góp phần để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(1).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm nói chuyện với nhân dân tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch_Ảnh: TTXVN

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

Từ việc phân tích sâu sắc khía cạnh đạo đức của một tổ chức, hệ thống chính trị Xô-viết và của một người cộng sản chân chính đứng đầu tổ chức đó là lãnh tụ vĩ đại V.I. Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”(2). Người coi V.I. Lê-nin là Người thầy dạy vĩ đại của cách mệnh vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt(3).

Trên cơ sở kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam được hun đúc, vun đắp từ hàng nghìn năm lịch sử, đồng thời có sự tiếp thu tinh hoa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định và gương mẫu thực hiện những nguyên tắc xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ, đạo đức cách mạng là cái gốc sự phát triển của cách mạng, bởi vậy trong tư duy và hành động, Người luôn kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa “pháp trị” và “đức trị”, trong đó đặc biệt đề cao hai phương diện chính: Đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên và đạo đức của tổ chức đảng.

Về đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về đạo đức phải được bắt đầu từ công cuộc đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức của từng cán bộ, đảng viên; coi trọng đúng mức công tác giáo dục, bồi dưỡng về đạo đức cách mạng đối với người lãnh đạo. Người cho rằng, đạo đức người cách mạng giống như gốc rễ của cây, như nguồn của sông suối, khi “sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4). Người cũng nhiều lần khẳng định, đạo đức cách mạng là yếu tố không thể thiếu đối với người làm cách mạng; “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ... Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(5). Do vậy, Người coi nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức nói chung, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên nói riêng là động lực cốt lõi làm nên những thành công của con đường cách mạng đầy gian nan.

Cho đến những năm cuối cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn miệt mài viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để căn dặn, giáo dục cán bộ, đảng viên toàn hệ thống chính trị. Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(6). Theo người, “đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”(7). Bên cạnh đó, Người cũng thường xuyên nhấn mạnh những chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng, như trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có tình nghĩa; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng, tiến bộ,... Cụ thể:

Trung với nước, hiếu với dân được xem là phẩm chất bao trùm, quan trọng nhất, giữ vai trò chi phối các phẩm chất khác, thể hiện bản lĩnh, tinh thần cống hiến của người cách mạng luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí là hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ vì dân, vì nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo sử dụng khái niệm “trung” và “hiếu” trong quan niệm đạo đức truyền thống “Trung với vua, hiếu với cha mẹ” và mở rộng nội hàm, cách hiểu sang nội dung mới, rộng lớn hơn, đó là “Trung với nước, hiếu với dân” nhằm tạo nên sự chuyển biến trong nhân sinh quan nói chung và các quan điểm về đạo đức cách mạng nói riêng. Trong đó, “Trung với nước” là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với con đường đi lên của đất nước, suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng; “Hiếu với dân” là gần dân, lấy dân làm gốc, gắn bó với dân, “hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”. Đặc biệt, Người khẳng định “Trung với nước” phải gắn liền “Hiếu với dân” bởi nước là “nước của dân”, người dân là chủ thể nắm quyền lực nhà nước; mọi lực lượng đều ở dân, còn cán bộ, đảng viên là đầy tớ của nhân dân chứ không phải là “quan
cách mạng”.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cũng là các khái niệm đạo đức truyền thống được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, chọn lọc và vận dụng linh hoạt để phù hợp với yêu cầu, nội dung mới của đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: “Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân”(8). Người cũng cho rằng đây chính là một biểu hiện sinh động của phẩm chất “Trung với nước, hiếu với dân” và chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa chúng. Theo đó, “cần” và “kiệm” phải luôn đi đôi với nhau như hai chân của con người, “CẦN mà không KIỆM, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”... KIỆM mà không CẦN, thì không tăng thêm, không phát triển được”(9). Chữ “liêm” phải đi đôi với chữ “kiệm”, cũng như chữ “kiệm” phải đi đôi với chữ “cần”, cụ thể, “Có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”(10); hay “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn”(11). Mặt khác, “cần, kiệm, liêm, chính” nhất định sẽ đi đến chí công vô tư và ngược lại.

Yêu thương, quý trọng con người cũng là một phẩm chất quan trọng trong đạo đức cách mạng và luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý, bởi đây là đức tính nền tảng để hình thành, nung nấu ý chí quyết tâm làm cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giai cấp, giải phóng con người. Người xác định rõ, làm việc “chính” là người “thiện”, làm việc “tà” là người “ác”, đó là hai hạng người và loại việc cơ bản trong cuộc sống; những người bị áp bức, bóc lột, sẵn sàng làm điều thiện thì dù màu da, tiếng nói, chủng tộc, tôn giáo khác nhau thì vẫn có thể thực hành chữ “bác ái”, coi nhau như anh em một nhà trong một “thế giới đại đồng”. Người khuyên mọi người lấy thẳng thắn, chân thành để đối xử, lấy tin yêu, giúp đỡ để cảm hóa lẫn nhau; trân trọng, phát huy yếu tố tích cực trong mỗi người để hạn chế, đẩy lùi yếu tố tiêu cực, giúp tất cả cá nhân đều tiến bộ, trưởng thành, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và nhân dân, bởi “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”(12).

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh “Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân(13), điều này có nghĩa “vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu”(14), phải biết “đặt lợi ích của Đảng lên trên hết”(15)Theo Người, để xây dựng Đảng về đạo đức, trước hết phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân “như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”(16) và “là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(17). Mục tiêu của việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên là nhằm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, tức là dần quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Về đạo đức cách mạng của tổ chức đảng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để có một đảng chân chính, vững mạnh, cần xác định rõ mục đích tối thượng của Đảng chính là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân mà chiến đấu và Đảng không có lợi ích riêng nào hết. Đây cũng là lý tưởng đạo đức cao đẹp của Đảng, của toàn thể cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, Người chỉ rõ, đạo đức chính là ở chỗ làm cho lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin thấm sâu vào tư tưởng và hành động của từng cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng, “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(18), có ý chí, khát vọng, quyết tâm đêm ngày đều “nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại”(19). Theo đó, trong đời hoạt động cách mạng, Người luôn chú trọng củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng; khuyến khích đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhất là trong những điều kiện, hoàn cảnh mà nhiều cán bộ, đảng viên có trình độ lý luận chính trị rất thấp(20). Người khẳng định, “có thể tránh được biết bao bế tắc, sai lầm và biết bao thất bại đau đớn, nếu chúng ta có thể cung cấp cho các đồng chí ấy những kiến thức tối cần thiết về lý luận soi đường, tạo điều kiện dễ dàng cho các đồng chí ấy tiến hành công tác”(20) và thường xuyên căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tích cực vận dụng và phát triển lý luận Mác - Lê-nin một cách sáng tạo, luôn bổ sung, làm giàu lý luận bằng những kiến thức thực tiễn mới, tránh giáo điều, kinh viện.

Xuất phát từ tình hình thực tế trong Đảng cũng như bối cảnh lịch sử đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra”(22); Người lý giải: “Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”(23). Theo đó, Người cảnh báo: “Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng(24)Từ rất sớm, Người đã chỉ ra những nguy cơ suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức vị cao: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””(25). Do đó, nếu không giữ được đạo đức cách mạng thì đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ dễ bị tha hóa, tự đánh mất mình, sa vào suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sỹ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên... Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật”(26). Khẳng định vai trò tiên quyết của việc nêu gương, Người cho rằng lãnh đạo, người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, làm gương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(27).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trò chuyện với công dân tại buổi tiếp công dân thường kỳ_Nguồn: baoquangninh.vn 

Thực tiễn xây dựng Đảng về đạo đức ở nước ta hiện nay

Xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề mang tính chiến lược, lâu dài, thuộc về chế định nội tại trong sự phát triển của Đảng; là nhiệm vụ cần có, phải có để Đảng luôn là Đảng của đạo đức, văn minh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Nhận thức rõ điều đó, đồng thời dựa trên hệ thống quan điểm, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(28), theo đó Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khoa học, thiết thực nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào uy tín, năng lực, phẩm chất của Đảng  và hệ thống chính trị(29).

Nhìn chung, thời gian qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt quan tâm về mọi mặt, đạt được những thành tựu có ý nghĩa lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả xây dựng nền văn hóa, trong đó có đạo đức chưa thực sự được như mong muốn. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi, bị dục vọng chi phối, có dấu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống,...; xuất hiện tình trạng tham nhũng, kèn cựa địa vị, tranh chức, quyền, dùng mọi thủ đoạn để tìm kiếm các mối quan hệ, liên kết “lợi ích nhóm”; dùng tiền bạc do tham nhũng để mua chức, mua danh mà bất chấp cả liêm sỉ, danh dự,...

Trong bối cảnh đó, công tác xây dựng Đảng về đạo đức trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trách nhiệm làm cho “môi trường đạo đức” của Đảng ngày càng trong sạch không phải của riêng ai, nhưng trước hết và cơ bản nhất là của từng tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên; phải kiên quyết ngăn chặn những hậu quả nặng nề, có thể làm tổn thương đến uy tín, thanh danh của Đảng. Trước tình hình đó, nhân dân luôn có mong ước, ý nguyện cũng như nghiêm khắc yêu cầu Đảng ta phải thực sự trong sạch, vững mạnh được thể hiện từ yếu tố cơ bản nhất, đó là nền tảng đạo đức thông qua những hành động thực tiễn, việc làm, ứng xử thiết thực(30).

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Thứ nhất, kiên quyết thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong nhiệm vụ xây dựng nền đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân(31). Mặt khác, phải làm cho yếu tố đạo đức thẩm thấu vào trong đường lối, định hướng chính trị của Đảng; Đảng phải luôn giữ vững mục tiêu cách mạng trong đường lối chính trị của mình, chiến đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. Theo đó, đường lối chính trị đúng đắn phải được xuất phát, đúc kết từ thực tiễn mà ra và hàm chứa trong đó cả những giá trị phổ quát, ưu việt của nhân loại. Muốn vậy, trước hết phải tuân thủ và thực hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng một Đảng của đạo đức và văn minh.

Thứ hai, nền đạo đức cách mạng phải được hòa quyện bền chặt trong mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Theo đó, một Đảng chân chính, đạo đức và có đủ tư cách để lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân thì tiêu chí hàng đầu là thường xuyên chăm lo, củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Để làm được điều này, cần nỗ lực huy động, phát huy vai trò và “nuôi dưỡng” sức mạnh vĩ đại của các tầng lớp nhân dân. Trong mọi trường hợp, hoàn cảnh, cán bộ, đảng viên phải luôn trăn trở, suy nghĩ, suy xét thấu đáo, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước.

Thứ ba, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng; luôn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, có niềm tin vào cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng; tránh hiện tượng phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa sút ý chí chiến đấu, thấy sai không phê phán, thấy đúng không bảo vệ, thậm chí còn cổ xúy, phụ họa cho quan điểm và việc làm sai trái, lệch lạc với chủ trương, đường lối của Đảng; đặc biệt, cần nghiêm túc, tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay(32). Bên cạnh đó, không ngừng đấu tranh với những biểu hiện vi phạm đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, quan liêu, không trung với nước, không hiếu với dân, không thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư,...; sống cơ hội, bè phái, vụ lợi, hám danh, vô cảm, chỉ thích xa hoa, hưởng lạc, không gương mẫu nêu gương,...

Thứ tư, kiên trì bồi dưỡng đạo đức cách mạng với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, hướng tới nhân dân và vì nhân dân trên tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(33). Tăng cường tuyên truyền, quán triệt thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên về sự cần thiết và yêu cầu nâng cao chất lượng, sinh hoạt Đảng; đồng thời, quan tâm công tác kiểm tra, giám sát trong chấp hành Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết,... của Đảng. Mặt khác, bên cạnh việc giáo dục, rèn luyện, cần có cơ chế đủ mạnh, kịp thời để xử lý kỷ luật, thậm chí có thể đưa ra khỏi Đảng những người có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, trong đó cần bám sát tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.

Thứ năm, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự rèn luyện, gương mẫu trong sinh hoạt và công tác, luôn có ý thức không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, dám nói, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kiên quyết khắc phục những biểu hiện suy thoái đạo đức, tiêu cực trong xã hội; thực hiện nghiêm túc Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”. Mặt khác, cần tuyển chọn, chọn lọc kỹ càng khi phân công, bổ nhiệm cán bộ, công chức, bảo đảm phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức từ cấp thấp đến cấp cao. Ở góc độ lớn hơn, cần nghiên cứu, bổ sung, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các chương trình, môn học ở hệ thống giáo dục phổ thông, đại học, nhằm thiết lập nền tảng đạo đức vững chắc cho thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước./.

-----------------------------

CHÍNH PHỦ CHO Ý KIẾN VỀ SỬA ĐỔI LUẬT SỸ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

 Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có xây dựng đội ngũ sỹ quan.

Ngày 6/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Theo Nghị quyết, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chính phủ thống nhất mục đích xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có xây dựng đội ngũ sỹ quan; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Chính phủ cơ bản thống nhất 3 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật.
Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu:
1. Đánh giá tác động kỹ lưỡng, thuyết minh rõ về sự cần thiết bổ sung chức vụ của sỹ quan là cấp phó vào hệ thống chức vụ cơ bản của sỹ quan quân đội; quy định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sỹ quan không giữ chức vụ chỉ huy.
2. Về chính sách nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, cần tính đến các trường hợp nhân tài đặc biệt được kéo dài hạn tuổi phục vụ nhằm tránh lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo và có nhiều kinh nghiệm;
3. Tiếp tục nghiên cứu các chính sách thu hút, "giữ chân" nhân tài phù hợp với đặc thù của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sỹ quan (như phong quân hàm của học viên tốt nghiệp đào tạo sỹ quan dự bị, chính sách về nhà ở, tiền lương, thôi phục vụ tại ngũ): Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ với pháp luật có liên quan (như nhà ở, đất đai,...).
Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội (xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 1 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV - tháng 10/2024).
Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 6, năm 1999, có hiệu lực từ ngày 1/4/2000./.
St